Đã tròn một năm kể từ khi mình tạm gác công việc của một freelancer tiếng Hàn để chuyển sang đảm nhận một vị trí mới là phiên dịch văn phòng toàn thời gian như hiện tại. Mỗi khi ngồi nghĩ lại về chặng đường gắn bó với nghề phiên dịch tự do ở tuổi hai mươi ba ngày ấy mình không ngừng biết ơn về những thay đổi tích cực mà nó đã mang lại cả trong năng lực chuyên môn tiếng Hàn lẫn sự trưởng thành về mặt nhận thức. Nhưng cũng giống như bất cứ freelancer khác, từng ấy năm trong nghề mình cũng nhận được không ít những thắc mắc thậm chí là cả định kiến về hai tiếng “tự do” đi kèm này – điều mà không phải chỉ qua vài lời giải thích đã có thể dễ dàng xóa bỏ được những hoài nghi trong mắt người khác về giá trị nghề nghiệp mà bản thân mình đã từng theo đuổi. Vậy nên trong số tiếp theo của chủ đề <CHUYỆN NGHỀ> ngày hôm nay dựa trên chính trải nghiệm cá nhân mình muốn “bóc trần” sự thật đằng sau danh xưng “người hành nghề tự do” này để phần nào đưa đến cho các bạn độc giả một cái nhìn đúng đắn hơn về bản chất cũng như cả những thách thức khó khăn sẽ phải đối mặt khi lựa chọn dấn thân vào con đường trở thành một freelancer chuyên nghiệp.
1. Những con người chẳng có gì ngoài thời gian?
Với freelancer – những người làm công việc tự do thì chắc hẳn thời gian là một khái niệm gì đó rất “mơ hồ”. Khác với công viên chức nhà nước hay nhân viên công ty thời gian dành cho công việc được phân chia rõ ràng 8 tiếng một ngày thì freelancer nói chung và freelancer tiếng Hàn nói riêng công việc sẽ đến với bạn vào bất kỳ khoảng thời gian nào mà chẳng hề báo trước. Vì thế có những tháng ít việc thì thường ngày nào bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp mình ở ít nhất một quán cà phê hoặc đi du lịch đó đây vào những ngày trong tuần nên cái biệt danh “vua thời gian” hay “người chẳng có gì ngoài thời gian” mà mọi người vẫn ưu ái gọi mình cũng từ đó mà ra đời ,bởi chỉ cần các bạn rủ đi chơi là mình sẽ ngay lập tức có mặt trong vòng một nốt nhạc.
Thực tế đối với các công việc tự do thường thời gian từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc đều khá gấp rút. Trong khoảng 2 năm làm freelance dự án dài hơi nhất mà mình từng theo là đi dịch cho đoàn các chuyên gia Hàn Quốc trong một chương trình của KOICA – Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam trong vòng khoảng nửa tháng còn lại cũng không ít những lần dịch thời vụ chỉ kéo dài từ khoảng 1 đến 5 ngày thuộc nhiều ngành nghề khác nhau như thẩm mĩ, du lịch, xây dựng, luật..v.v.. Không chỉ “chạy sô” làm phiên dịch cho các dự án bên ngoài mình cũng thường xuyên nhận thêm tài liệu về dịch tại nhà mà nhiều khi hạn deadline chỉ trong khoảng nửa hoặc một ngày là cùng, nên một khi có việc thì bản thân phải dồn hết thời gian toàn tâm toàn ý cho nó, chuyện thức thâu đêm suốt sáng để nghiên cứu tài liệu hay chạy cho kịp thời hạn giao bài cũng rất đỗi bình thường đối với mình.
Chính bởi sự đảo lộn trong khung giờ làm việc khi mà mọi người bắt đầu nghỉ ngơi mới là lúc mình ngổn ngang với đủ loại công việc chồng chéo khác nhau cộng với tính chất tự do khi không ai khác ngoài chính bản thân mình mới là người duy nhất kiểm soát và chịu trách nhiệm trong việc quản lý quỹ thời gian sẵn có sao cho đảm bảo được tiến độ công việc đúng yêu cầu đề ra, nên nếu chỉ nhìn vào thời gian biểu “nay đây mai đó” kể trên hẳn sẽ khiến không ít người lầm tưởng rằng làm freelance đồng nghĩa với sự rảnh rỗi nhàn hạ. Nhưng đâu ai biết để đổi lấy những ngày dư dả thời gian mà mọi người vẫn thường thấy thì bản thân những người làm nghề tự do như mình cũng buộc phải chấp nhận đánh đổi không ít khoảng thời gian đáng giá mà lẽ ra nên giành cho sức khỏe, cho gia đình cho những người thân yêu. Thậm chí có những lựa chọn ngay cả khi bản thân không mong muốn nhưng vẫn phải cố gắng hết sức sao cho xứng đáng với đồng tiền mà mình nhận được trong tay, để rồi không ít lần chính mình cũng lo sợ rằng nếu chỉ mải miết chạy theo những giá trị vật chất thì liêu mình có vô tình đánh mất ý nghĩa của việc tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn hay không, bởi đôi khi có những điều tưởng chừng giản đơn với bao người ngoài kia lại bỗng chốc hóa xa xỉ trong mắt mình? Vậy nên chớ vội gán ghép cụm từ “rảnh rỗi” “nhàn hạ” đối với bất cứ công việc nào bạn trông thấy. Sẽ không có công việc nhàn hạ nào mà chỉ cần ngồi không cũng mang lại kết quả như mong muốn hay một mức lương khủng như mơ mà thay vào đó từng ngày từng giờ phải không ngừng nỗ lực chứng minh giá trị mà bạn tạo ra trong nghề xứng đáng với những gì mà bạn đã và đang nhận được từ nó.
Đoàn chuyên gia Hàn Quốc cùng đội ngũ phiên dịch trong chương trình
"Hạnh phúc Lào Cai - Quảng Trị" năm 2019
2. Thất nghiệp nhưng vẫn dư dả tiền bạc?
Do là công việc tự do không thuộc quản lý của công ty hay có một chỗ làm cố định nào, việc thì thất thường lên xuống như đồ thị hình Sin nên mình hay bị mang tiếng “chẳng khác gì thất nghiệp” . Mỗi khi nhận được bất cứ câu hỏi nào về công việc mình cũng chỉ nói qua loa rằng đang làm bên ngoài. Một phần vì đặc thù nay phụ trách mảng này mai đã chuyển sang vị trí khác nên việc giải thích rõ ràng thường mất khá nhiều thời gian và mọi người cũng chẳng đủ kiên nhẫn để lắng nghe mình từ đầu đến cuối. Dù vậy chỉ cần thấy mình đăng trên các trang mạng xã hội hình ảnh đi cà phê, ăn uống hay du lịch là mọi người lại không ngừng thắc mắc rằng rốt cuộc lấy đâu ra từng ấy tiền trong khi đang “thất nghiệp”. Câu trả lời thì như mình đã đề cập ở phần trước đó, lượng công việc còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như năng lực chuyên môn , tận dụng các mối quan hệ hay sự chủ động trong việc tìm kiếm các đầu việc thích hợp với nhu cầu cá nhân vv...vv....và tất cả yếu tố này cộng lại đều ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của bạn. Thời gian đầu khi mới đến với nghề phiên dịch tự do tiếng Hàn mình đã khá nản bởi nó không hề dễ dàng như mình vẫn nghĩ. Mình đã phải lặn lội nằm vùng ở hầu hết những trang việc làm liên quan đến tiếng Hàn trên facebook hay tạo dựng các mối quan hệ có “mối làm ăn” chỉ để được làm những công việc dù là nhỏ nhất như đi dịch những cuộc họp trao đổi thương mại đơn giản 30 phút ~ 1 tiếng hay dịch văn bản vài ba trang từ tiếng Hàn sang tiếng Việt và ngược lại để có được năm trăm nghìn đồng. Rồi nhờ những lần làm việc đó, mình được giới thiệu cho những mối lớn hơn chuyên nghiệp hơn với mức phí vài triệu đồng cho một vài ngày dịch. Cần một khoảng thời gian nhất định ( như cá nhân mình là khoảng 6 tháng) để có thể quen dần với đặc thù tính chất công việc cũng như đạt được mức thu nhập ổn định như mong muốn đủ để có thể tự chi trả sinh hoạt phí hàng tháng cộng thêm tích ra được một khoản tiết kiệm nhỏ cho những chuyến đi xa tự mình trải nghiệm khám phá những điều mới mẻ từ thế giới rộng lớn ngoài kia để ít nhất một lần trong đời cũng được thỏa mãn niềm đam mê ưa dịch chuyển, được sống hết mình cho những điều mình thích. Và hẳn một số người không biết rằng chính nhờ vào những ngày được rong ruổi khắp các tỉnh thành trong nước đi dịch mình cũng tiện thể được “du lịch” miễn phí luôn nên đừng chỉ nhìn vào những thứ hữu hình trước mặt mà phủ nhận cả một chặng đường dài người khác đã trải qua cũng đừng đem đồng tiền làm thước đo cho những nỗ lực không ngừng nghỉ mới có được phiên bản tốt nhất của chính mình như hiện tại.
Chuyến đi Huế bất ngờ sau khi hoàn thành dự án cùng hội chị em
3. Công việc nhàn hạ?
Đối với mỗi người khái niệm về “công việc nhàn hạ” sẽ có sự khác nhau, có thể làm việc tự do không ai quản lý thúc giục, tự mình quyết định cũng như chịu trách nhiệm cho mọi vấn đề được xem là nhàn hạ? Một công việc không gò bó về thời gian, không ngày ngày phải thức dậy thật sớm trong bộ dạng mệt mỏi vội vàng có mặt ở công ty để kịp điểm danh đúng giờ hay với mức thu nhập hàng tháng luôn chạm ngưỡng ao ước của nhiều người mới là hệ số chuẩn cho hai tiếng “nhàn hạ” này? Việc thoải mái về mặt thời gian hơn, không gian làm việc đa dạng hơn so với những người ở ngành nghề khác đối với mình không hẳn đã là một công việc nhàn hạ. Theo những gì đã chia sẻ phía trên, khối lượng công việc dù ít hay nhiều đều đòi hỏi người làm freelance như mình phải đầu tư lượng thời gian khá lớn để tìm hiểu và liên tục phải trao dồi kiến thức đa ngành nên tuy thú vị thật đó nhưng cũng chẳng dễ dàng chút nào.
Làm freelance khi còn khá trẻ, ít kinh nghiệm về biên phiên dịch tiếng Hàn cũng như “chưa trải đời” khiến mình luôn được làm maknae – em út trong những lần đi dịch theo đoàn hay luôn được hỏi “Sao chưa gì đã làm freelance thế?” từ những người Hàn hay Việt mình từng tiếp xúc. Thường sau khi ra trường đa số mọi người sẽ chọn một công việc ổn định ở công ty để có thể tích lũy kinh nghiệm về tiếng, biết cách xử lý các tình huống phát sinh khi dịch để khi đủ cứng cáp mới nhảy ra thị trường freelance. Và tất nhiên việc mình chọn làm freelance khi khá “non” ở mọi mặt cũng khiến mình bị stress khá nhiều trước những ngày đi dịch. Vì mỗi lần dịch lại là những ngành nghề khác nhau nên đòi hỏi mình phải tìm kiếm những từ ngữ chuyên ngành liên quan, việc học thuộc cũng như làm sao để dịch trôi chảy nội dung của nó chưa bao giờ là một việc đơn giản cả. Những đêm không ngủ nổi vì lo lắng do thời gian quá ngắn để có thể chuẩn bị kỹ càng về mặt kiến thức, hay mỗi đợt dự án kết thúc cơ thể luôn trong tình trạng kiệt quệ không còn chút sức lực nào mình lại như con thiêu thân lao vào những giấc ngủ dài để nạp lại năng lượng cho bản thân – điều mà mình tin ai đã hoặc đang làm freelance đều thấu hiểu. Vậy nên không chỉ riêng với người theo nghề freelance mà ở mỗi ngành nghề khác nhau lại có những khó khăn mang tính đặc thù riêng mà đôi khi đằng sau ánh hào quang lại là những giọt mồ hôi nước mắt mặn đắng mà người trong cuộc đã phải bỏ ra để đổi lấy bài học trưởng thành cho riêng mình.
Đằng sau những nụ cười tươi là nỗi băn khoăn lo lắng về công việc luôn thường trực
4. Năng lực thế nào là đủ khi làm freelance?
Đối với những người bạn trong ngành mình thường được khen “Sao giỏi thế! Làm freelance như mày tao chịu thôi. Khó lắm...” còn những người ngoài ngành hay kể cả là với người thân mình lại bị thường bị gắn mắc là “lông bông” “không ổn định” thậm chí nặng hơn thì “Không xin vào được công ty hay sao mà phải làm tự do?”. Dù là câu hỏi nào mình cũng thấy thật khó để trả lời. Cá nhân mình cho rằng không có một giới hạn nào về năng lực để làm một freelancer tiếng Hàn. Trong một công việc mở thì đòi hỏi bạn luôn phải tìm tòi học hỏi để nâng cao năng lực tiếng Hàn chuyên môn cũng như kiến thức nền căn bản cần thiết thay vì bằng lòng với những gì sẵn có của bản thân nếu không muốn mình là người duy nhất bị bỏ lại phía sau. Mình đã bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất, không giấu dốt hay ngại khó để cải thiện vốn tiếng Hàn còn hạn chế lúc mới đầu. Dù rất nhiều lần thất vọng với bản thân khi không hiểu khách hàng đối tác nói gì hay một trang văn bản mà phải tra đến cả gần trăm từ mới nhưng cuối cùng mình vẫn vui vì lúc đó đã không từ bỏ và nhận ra rằng mình càng cần phải cố gắng hơn nữa để bản thân có thể ngẩng cao đầu, không phụ lòng thầy cô dạy dỗ và những người đã tin tưởng mình đến cùng. Hơn nữa bản thân nghề freelance tiếng Hàn cũng đem lại nhiều sự lựa chọn đa dạng với những công việc khác nhau trong nhiều lĩnh vực nên việc biết năng lực mình như thế nào để lựa chọn các công việc phù hợp cũng giúp ích rất nhiều khiến bạn trở nên tự tin hơn sau mỗi lần đi dịch. Có thể bắt đầu từ việc như dẫn khách du lịch hay dịch cho các đoàn tình nguyện mà không cần đòi hỏi quá nhiều kiến thức chuyên ngành sau đó nâng dần độ khó khi bạn đã có kinh nghiệm để có thể dịch trong các hội chợ, cuộc họp hội thảo chuyên nghiệp hơn. Hãy bỏ chút thời gian để tự mình đánh giá năng lực của bản thân cũng như biết đâu mới là thứ dành cho mình nhé~
____________________________________
Để có thể ngồi xuống đặt bút viết ra những điều trên đây bản thân mình đã rất do dự phần vì những kinh nghiệm mình tích lũy được trong suốt những năm tháng gắn bó với công việc này còn khá hạn chế so với những anh chị gạo cội trong nghề nên liệu rằng nó có thực sự hữu ích với bạn đọc hay không là câu hỏi trăn trở hàng đầu trong lòng mình. Nhưng sau cùng mình vẫn chọn cách viết ra trước hết là để nhìn lại hành trình trưởng thành mình đã đi qua và quan trọng hơn là truyền tải đến bạn đọc thông điệp đôi khi câu chuyện mà bạn nghe hay những điều bạn nhìn thấy trước mắt không đơn thuần chỉ là một lời kể, một hình ảnh hoặc một thước phim liên quan đến con người đó mà đằng sau đấy có thể là cả một chặng đường dài họ không ngừng nỗ lực cũng như đấu tranh với chính bản thân mới để đến gần hơn với thành công của hiện tại. Vậy trở thành một Freelancer tiếng Hàn có đáng để thử hay không, mình tin chỉ có mình bạn mới tìm ra câu trả lời phù hợp cho riêng mình ~
Comments