top of page

VÌ TUỔI TRẺ LÀ NHỮNG CHUYẾN ĐI

Updated: Jan 6

Cách đây vài hôm mình tình cờ xem được chiếc video với tựa đề “Những chuyến đi làm thay đổi cuộc đời mình mãi mãi” trên kênh youtube “The present writer” của chị Chi Nguyễn. Từng chia sẻ gần gũi, chân thật về hành trình làm nên những thay đổi đáng nhớ bên trong con người chị để có được sự thành công như ngày hôm nay khiến mình không khỏi đồng cảm. Và trong vỏn vẹn hai mấy phút ngắn ngủi dõi theo nội dung video đó, những thước phim quay chậm về mỗi một chuyến đi mình từng có cơ hội trải nghiệm từ ngày còn là cô sinh viên đại học cho đến thời điểm hiện tại khi đã nhiều năm tuổi nghề cũng cùng lúc trở về rõ nét trong tâm trí. Đúng là mỗi một cá thể đều sẽ có những trải nghiệm khác biệt mang dấu ấn riêng của bản thân, mà không phải cứ cùng một độ tuổi hay môi trường sống những điều sẽ đối mặt trong hành trình trở thành người lớn của từng người chúng mình đều mang nét tương đồng như nhau. Dẫu vậy thì điểm chung trong câu chuyện của chị Chi, của mình và có lẽ cũng là của không ít các bạn trẻ ngoài kia đều gói gọn trong hai từ “thay đổi”. Bất kể nơi chúng mình từng đi qua có nằm trong phạm vi địa lý rộng hay hẹp , trong khoảng thời gian dài hay ngắn thì mọi trải nghiệm tích lũy được trong chuyến đi ấy cũng từng bước giúp chúng mình hiểu về cái tôi và hoàn thiện nó ngày một tốt hơn, hoặc rộng hơn còn tìm được mục đích sống và định hướng phát triển lâu dài cho bản thân. Đây chính là lý do thôi thúc mình và B. đặt bút viết số blog này để cùng nhau nhìn lại hình ảnh mỗi đứa cả trong quá khứ lẫn hiện tại, và nếu bạn cũng muốn biết hành trình trưởng thành của chúng mình đã gắn liền với những mảnh đất và câu chuyện thú vị gì đằng sau hãy cùng K.I.O.S khám phá ngay nội dung bài viết dưới đây nhé.


Trước hết để nói về điểm chung trong những chuyến đi đáng nhớ của chúng mình thì có hai điều nổi bật đó là : thường không kéo dài quá lâu về mặt thời gian và tất cả đều có mối liên kết nào đó với tiếng Hàn. Như có chuyến đi trao đổi học tập ngắn hạn lẫn dài hạn tại Hàn Quốc, cũng có chuyến đi mang tính chất đặc thù của công việc phiên dịch viên hoặc trong vai trò tình nguyện viên làm cầu nối cho các đoàn sinh viên, công ty tập đoàn của Hàn Quốc đến Việt Nam, hay đâu thể thiếu được những chuyến đi khám phá từ Bắc vào Nam dọc mảnh đất chữ S với số tiền kiếm được từ ngôn ngữ này. Có thể ngay cả khi đã cộng gộp tất cả chuyến đi của hai người chúng mình trong nhiều năm qua lại làm một, con số ấy vẫn hết sức khiêm tốn so với trải nghiệm mà nhiều bạn bè đồng trang lứa khác có được nhưng nó vẫn đủ để cả hai chiêm nghiệm vỡ lẽ ra nhiều điều về bản thân và thế giới rộng lớn ngoài kia, trở thành một phần không thể tách rời và làm nên con người chúng mình ở hiện tại.


< CHUYẾN ĐI VƯỢT QUA KHOẢNG CÁCH HƠN 2000 CÂY SỐ >



1. Trao đổi học kỳ hè tại Hàn Quốc cuối năm 3 đai học

Chắc hẳn bất cứ ai khi theo đuổi tiếng Hàn đều mong ước một lần được đặt chân tới đất nước xinh đẹp này, và mình cũng không phải ngoại lệ. Phải chăng vì cơ hội này xảy đến với mình ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ngày vẫn còn là một cô sinh viên ngây ngô với những suy nghĩ giản đơn thuần thiết của tuổi đôi mươi nên có thể xem đây là sự may mắn không nhỉ? Bởi đôi khi mình vẫn tự hỏi giả như thời điểm mình đến Hàn Quốc là ở giai đoạn sau này, với không ít va vấp và sự từng trải của một người trưởng thành cũng như mục đích của chuyến đi không còn là học tập nữa, thì liệu những gì thuộc về vùng đất này có còn để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong mình đến thế và mình có thay đổi khác đi so với hình ảnh của quá khứ hay không?


Nếu có theo dõi blog K.I.O.S từ những ngày đầu, chắc bạn cũng đã nghe mình chia sẻ đôi lần về nội dung chương trình học cùng những câu chuyện trải nghiệm văn hóa trong chuyến đi này ở các số blog cũ thuộc chuyên mục “Nhật ký du học”. Thành ra khi một lần nữa đề cập về nó ở một góc nhìn mới hơn, trong một chủ đề khác biệt hơn mình sẽ gói gọn toàn bộ những thay đổi tích cực mà nó mang lại trong cụm từ “điểm sáng” , rằng điểm sáng này chính là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ trong chặng đường học tập của bản thân và cũng giúp mình tìm lại những nhiệt huyết thuở ban đầu để lấy đó làm bàn đạp tiến lên phía trước. Sống và học tập ở một đất nước mới vào độ tuổi 22 là lần đầu tiên mình nhận ra bản thân thực sự nhỏ bé nhường nào giữa thế giới rộng lớn này, thoát khỏi suy nghĩ hạn hẹp để thấy trăm ngàn điều mới mẻ khác mà mình chưa từng biết đến trước đó, học những thứ chưa bao giờ được học, thử những việc chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm hoặc có cơ hội để làm. Và từ rất nhiều trải nghiệm mang tên “lần đầu” ấy chính là lý do không ngừng thôi thúc mình sau này phải cố gắng đi nhiều hơn, mở rộng con mắt tìm hiểu về thế giới xung quanh thay vì chỉ giới hạn mình ở bất kể khu vực hay quốc gia nào.


Rồi không nhờ chuyến đi này mình đã không thẳng thắn nhìn lại những lổ hổng đang tồn tại trong năng lực ngoại ngữ của bản thân. Cứ ngỡ hai năm học tiếng trước đó chỉ là gió thoảng mây bay, bởi đến cả những câu nói đơn giản tưởng như đã thuộc trong lòng bàn tay mà khi cần vận dụng vào thực tế vẫn gây khó khăn với mình quá đỗi. Khi ấy mình mới hiểu “dở dưới đáy mà cứ ngỡ là trời cao” là cảm giác thế nào, để rồi thực tế này như một cú vả thẳng mặt giúp mình tỉnh mộng. Và sự thức tỉnh đến đúng thời điểm ấy càng cho mình thêm tin rằng giỏi một ngoại chính là chìa khóa mở ra một cuộc đời mới. Chuyến đi xa đầu tiên trong đời của một đứa trẻ mới tập những bước đi chập chững trên hành trình trở thành người lớn ngày đó đã giúp mình nhận ra nhiều giá trị to lớn như vậy đó.

(Những khung hình đã chụp của 7 năm về trước dù không còn giữ được màu ảnh đẹp, số lượng ảnh còn lưu lại đến nay cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng những ký ức của chuyến đi năm đó không vì thế mà mất đi hay phai nhạt trong tâm trí mình)



2. Trao đổi 2+2 tại đại học Ngoại ngữ Busan

Trong số blog cũ mang tên “Những bài học đáng giá mà du học mang lại cho mình” khi chia sẻ về những giá trị tích cực nhận được từ hai năm trao đổi tại Busan, mình không chỉ nhắc đến thay đổi về mặt tư duy học hành, mà cả các giá trị tinh thần đã làm nên một con người mới so với mình của quá khứ. Từ việc biết chủ động xây dựng các mối quan hệ xã hội, không ngại bày tỏ tình cảm đến mọi người xung quanh bất kể là xa lạ hay thân quen từ những câu đơn giản nhất như “cảm ơn” và “xin lỗi”, hay học cách sống cho bản thân nhiều hơn vv...vv..... Ngẫm lại những gì mình đã viết vào thời điểm hai năm trước và sau sáu năm kể từ ngày hành trình du học ấy bắt đầu, những bài học đáng giá ấy vẫn chưa một lần mất đi giá trị vốn có của nó trước dòng chảy của thời gian. Nhưng nếu để một lần nữa tổng kết lại đâu là thay đổi quan trọng nhất cũng như thể hiện đúng tinh thần của chuyến đi đầu đời năm ấy, có lẽ “ kết nối ” là cụm từ thích hợp nhất để dùng trong trường hợp này. Sự kết nối ấy nằm ở cả hai vế bên trong và bên ngoài, bên trong bao gồm niềm tin còn bên ngoài chính là thế giới hiển thị trong mắt mình.


Ngày ấy mình ít khi nghĩ quá nhiều về chuyện liệu có bao nhiêu khả năng thực hiện thành công một việc nào đó, hay cái nhìn đánh giá của mọi người xung quanh sẽ ra sao nếu mình làm vậy. Vứt đi sự dè dặt vốn “đóng khung” trong tính cách mình trước nay chỉ để làm bất kể điều gì bản thân muốn thử - thứ mà ở thời điểm hiện tại trong độ tuổi lưng chừng trước cột mốc 30 mình không nghĩ bản thân còn đủ ngông, đủ liều và đủ tin để cứ thế đi theo tiếng gọi của trái tim vào bất kể hoàn cảnh nào. Cho mình cơ hội thử sức với một trải nghiệm mới cũng là lúc mình kết nối gần hơn với cái gọi là “niềm tin vào bản thân”. Mình không phải tìm nó ở những trang sách vẫn thường hay đọc, hay trong lời người ta nói ra rả cho nhau nghe trên các phương tiện truyền thông mỗi khi bàn về mấy câu chuyện xoay quanh phát triển bản thân, mà tự trong trải nghiệm nó dạy cho mình điều cơ bản đó. Còn sự kết nối thứ hai mình muốn nhắc đến không nằm bên trong một cá thể độc lập mà mở rộng hơn là thế giới bên ngoài, qua những người mình đã tiếp xúc, những nơi mình đã khám phá trong hai năm sống và học tập ở đất nước mới, những kiến thức mới mình tích lũy không chỉ về mặt ngôn ngữ mà cả kỹ năng sống. Tất nhiên hai năm không đủ để biết được bao phần giữa hằng hà sa số những điều đang diễn ra trong sự vận động liên tục của thế giới rộng lớn này, nhưng ít nhất đó là lần đầu tiên trong đời mình muốn bước ra khỏi vỏ kén an toàn bấy lâu để trở thành một phần thuộc về thế giới ấy. Thay vì lặp đi lặp lại một thời gian biểu quen thuộc, làm gì và ở đâu đều không có sự khác biệt từ ngày này sang tháng khác, không mở rộng vòng tròn bạn bè hay chủ động đón nhận niềm vui mới từ bên ngoài, mình dần muốn đi nhiều hơn, mở lòng đón nhận và ngắm nhìn vạn vật bằng lăng kính tích cực đúng với độ tuổi đôi mươi của mình ngày ấy. Giống như cậu bé chăn cừu Santiago với mơ ước “đi cùng khắp thế giới bao la và điều này đối với cậu quan trọng hơn là biết về Chúa và tội lỗi của loài người” trong “Nhà giả kim” của Paulo Coelho vậy.

(Chuyến đi hai năm không chỉ thay đổi một con người mà còn cho mình mái ấm gia đình đúng nghĩa. Và nếu thiếu đi mảnh ghép này có lẽ Hàn Quốc chẳng còn mấy hồi ức đẹp để nhớ về hay chuyên mục "Nhật ký du học" có còn lý do để xuất hiện trên blog Korea in our stories )


Có lẽ khi đọc hết một lượt về chuyến đi đầu tiên có cùng một điểm đến của mình và L., bạn sẽ nhận ra điểm chung trong cách chúng mình nhắc về những thay đổi tích cực mà chuyến đi này mang lại. Có những điều dễ dàng gọi tên cụ thể, nhưng ngược lại cũng tồn tại không ít giá trị vô hình mà chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim thay vì viết lại trên trang giấy. Nhưng mong rằng khi bạn dừng lại lắng nghe câu chuyện ở chặng đầu này bạn vẫn cảm nhận được sức nặng của chuyến đi ấy đến mỗi người chúng mình nhiều ra sao, để nếu thiếu bước đi đầu tiên ấy sẽ khó có những bước tiến xa hơn sau này và cả sự tồn tại của blog Korea in our stories như bạn đang thấy ở hiện tại nữa.


<CHUYẾN ĐI TÌM KIẾM SỰ GIẢI PHÓNG>



3. Hà Giang – những thổn thức đầu đời

Không nhớ hết bao lần mình nhắc về Hà Giang trong câu chuyện với người thân, bạn bè hay những người mình từng có cơ hội tiếp xúc trò chuyện, nhưng đây lại là lần đầu tiên mình chia sẻ về chuyến đi đến mảnh đất cực Bắc Tổ quốc bằng con chữ mà không phải lời nói. Mình loay hoay không biết phải bắt đầu từ đâu hay dùng từ ngữ ra sao mới đủ diễn tả trọn vẹn nhất cảm xúc trong mình cho người đọc, dù là ở thời điểm gõ những dòng này hay năm năm về trước ngày trở về từ chuyến đi đáng nhớ ấy.



Đây là chuyến đi phượt đúng nghĩa của chúng mình sau quyết định chóng vánh cùng sự chuẩn bị gần như bằng không của ba đứa con gái vào mùa đông năm 2017. Với suy nghĩ đơn giản là chỉ việc vác mỗi thân xác đi còn đâu để ông trời tự lo liệu, mà chúng mình tự nhiên lại có một chuyến đi nhớ đời đến thế. Điều khắc sâu trong cảm nhận của mình trên mỗi nẻo đường ba đứa cùng nhau chinh phục chính là sự nhỏ bé của con người trước núi rừng thiên nhiên hùng vĩ, nhưng cũng nhờ đó mới thấy được từng người chúng mình đều đã đang lần lượt vượt qua các giới hạn của bản thân từ những việc nhỏ nhất. Bằng cách nào đó chúng mình chống chọi qua cái giá rét 2~3 độ vùng núi Đông Bắc, những tay lái mới lần đầu biết đổ đèo vẫn không ngại vượt qua mấy trăm km để hòa mình vào sắc xanh ôm trọn những cung đường uốn lượn quanh co, rồi lần đầu tiên mình tận mắt thấy những dãy núi “trùng trùng điệp điệp” không phải bằng hình ảnh thường được miêu tả trong văn chương vv…vv… Nỗi thổn thức đong đầy trong lồng ngực khi ấy có lẽ là cảm xúc mình không thể chạm tới lần hai dù có quay trở lại đây bao lần đi nữa. Sau tất cả mình hiểu ra rằng chỉ khi chấp nhận dấn thân vào thử thách, dám đối mặt với những rủi ro có thể đi kèm thì bản thân mới phá vỡ giới hạn và chạm đến những cung bậc cảm xúc chưa từng có trước đó. Vậy nên sau này mình luôn làm mọi thứ với tâm niệm rằng “liều ăn nhiều”, dù kết quả nhận lại không phải lúc nào cũng tốt đẹp nhưng ít nhất mình đã dũng cảm nắm lấy cơ hội và thực hiện nó. Đối với mình như thế là đủ.



Không chỉ là hành trình hiểu về bản thân, chuyến đi 3 ngày 2 đêm năm đó còn giúp mình nhận ra những giá trị đáng quý khác về tình bạn. Nhờ kỉ niệm có một không hai đó mình và B. trở nên gắn kết hơn và cứ thế đồng hành cùng nhau qua nhiều giai đoạn trưởng thành về sau, không chỉ ở tư cách một người đồng nghiệp mà còn là người bạn thân lắng nghe chia sẻ những niềm vui nhỏ bé trong cuộc sống. Xin phép cho mình được trích lại một câu trong cuốn sách “Tony buổi sáng – Trên đường băng” như một lời kể cuối cùng về chuyến đi này rằng “Hà Giang với mình là vùng đất đẹp nhất và có nhiều cảm xúc nhất Việt Nam. Cứ mỗi lần nhớ về Hà Giang, muốn viết về cùng đất ấy thì ngôn ngữ lại trở lên bất lực. Chỉ biết nói rằng hãy một lần trong đời bạn đi Hà Giang đi, bạn sẽ thấy không bao giờ hối tiếc.” Mong là nếu có điều kiện bạn hãy thử đặt chân đến mảnh đất này, tự mình cảm nhận về một Hà Giang của riêng bạn nhé~


(Không ít những thử thách khiến chúng mình đứng ngồi không yên, nhưng phần thưởng sau mỗi lần chinh phục một chướng ngại vật mới chính là những giây phút bình yên như vậy đây)



4. Hà Giang – nơi “đá sỏi cũng nở hoa”

“Ổn định có được coi là đích đến cuối cùng của hạnh phúc?” và chuyến đi hơn ba trăm cây số để đặt chân đến vùng đất địa đầu Tổ quốc đã giúp mình tìm được đáp án cho câu hỏi chất đầy tâm tư trước ngã rẽ đầu tiên của một sinh viên vừa mới tốt nghiệp.


23 tuổi về nước sau hai năm du học với tấm bằng cử nhân ngành ngôn ngữ, tưởng đâu mình sẽ có một khởi đầu mới đầy hứa hẹn nhưng đổi lại khi đứng trước ranh giới của một đứa trẻ tập lớn và một người trưởng thành mình cứ thế trượt dài trong vô vàn áp lực và kỳ vọng không được đáp trả. Thời điểm đó mình có một công việc với thu nhập ổn định hàng tháng, mức lương ấy có thể không quá chênh lệch với bạn bè đồng trang lứa cùng xuất phát điểm từ ngành Hàn Quốc học bước ra, nhưng gần như mình chưa bao giờ phải bận tâm về gánh nặng của cơm áo gạo tiền nếu không nói đến khoản dư tiết kiệm kha khá gửi bố mẹ. Nhưng “làm rất nhiều thứ để đồng tiền trong ví chật” rốt cuộc cũng không đem lại cho mình hạnh phúc ngoài sự mục rỗng ngày một lấp đầy tâm trí. Mình loay hoay trong việc định nghĩa bản sắc cá nhân rằng “Mình đang là ai? Mình muốn trở thành người như thế nào qua công việc này? Làm sao để những giá trị mà mình hướng tới không đi ngược lại với thực tế mình đang làm, hay với hình ảnh mà mọi người (bao gồm cả gia đình) cần thấy ở mình nhưng chưa chắc đã là lựa chọn trái tim mình hướng về? Liệu người ta có thể vừa giữ được cái thuộc về bản thân vừa không để nó bị xung đột với từng ấy điều kiện tác động bên ngoài hay không?”. Mình mong muốn được trò chuyện không phải bởi ý nghĩ cần phải nói gì đó để mọi người thấy mình vẫn đang hiện diện trong cuộc sống của họ. Nhưng đằng sau mỗi cuộc đối thoại thâu đêm hay những buổi gặp mặt bên tách cà phê với vài ba mối quan hệ mới cả trên mạng xã hội lẫn ngoài đời thực, mình vẫn không được thỏa mãn khát khao bộc bạch nỗi lòng ấy. Mình không muốn tiếp tục thả trôi bản thân theo dòng chảy của cuộc sống nhàm chán đó thêm chút nào nữa, nhưng làm cách nào để thoát khỏi sự mắc kẹt đang kìm chặt mình bấy giờ thì không sao tìm ra lời giải đáp. Mình muốn hạnh phúc thay vì giả vờ sống hạnh phúc, dù có thể từ bên ngoài nhìn vào chẳng thấy có lý do gì để trông mình giống như đang kiệt sức cả. Và đúng vào giây phút quyết định xách ba lô lên, tạm vứt lại tất cả những vướng bận nói trên để đến một vùng đất mới cùng hai người bạn thân, mình không hề biết rằng chuyến đi ấy sẽ thay đổi mình mãi mãi.


Như lời kể của L. ở phần đầu không ai trong chúng mình lên một kế hoạch chi tiết về những nơi sẽ đi, những điều sẽ làm ở chuyến đi 3 ngày 2 đêm này. Để rồi ngay ở khoảnh khắc đầu tiên đối mặt với thực tế không mấy thuận lợi từ thời tiết đến nơi ở mình đã tưởng đâu sự lựa chọn ban đầu là một sai lầm. May mắn thay Hà Giang vẫn ưu ái cho những du khách phương xa như chúng mình có nhiều trải nghiệm và ký ức đáng nhớ, đó là :


  • Đổ đèo chỉ với kinh nghiệm một lần chạy xe số

Nếu nhìn thoáng qua vế thứ 2 có thể bạn đọc sẽ hơi giật mình, nhưng đúng là trước chuyến đi này mình mới chỉ đi xe số duy nhất một lần vào ngày thi bằng lái. Và chẳng có bất cứ kinh nghiệm chạy xe đường dài nào trước đó, chứ chưa nói đến chuyện đổ đèo với muôn trùng khúc cua uốn lượn đầy thách thức như địa hình trên Hà Giang. Với một đứa sợ độ cao như mình việc phải chạy xe không phải ở địa hình bằng phẳng với đầy đủ hàng rào chắn bảo vệ đã là một thử thách lớn rồi, vậy mà độ khó còn tăng lên gấp đôi khi suốt quãng đường mấy trăm cây số ấy cứ một bên đèo là vách núi thẳng đứng hùng vĩ còn một bên là vực sâu thăm thẳm. Thêm nữa vì nhiều cung đường ở đây ôm trọn quanh sườn núi với độ dốc lớn cộng bề ngang khá hẹp chỉ ở mức đi vừa được một xe, nên tầm nhìn phía trước cũng vì thế bị che khuất khá nhiều. Để cứu cánh cho một đứa còn gà mờ trong khoản xe cộ mà hai người bạn mình luôn xung phong chạy đầu dẫn đoàn, mỗi lần chuẩn bị đến một khúc cua gấp cần phải về số hay xử lý chân phanh, tay phanh để đảm bảo an toàn bạn mình sẽ đưa ngón tay ký hiệu 1-2-3-4 giúp mình vượt qua từng chướng ngại vật một. Thực tế thị lực của mình vốn không phải quá tốt, nhưng không hiểu sao khi ấy mình chưa từng bị mất dấu hay nao núng trước mỗi chỉ dẫn của người bạn đồng hành gửi đến. Và hình ảnh dáng người nhỏ bé ra sức phát tín hiệu liên tục giữa khoảng không bao la rộng lớn của đất trời ấy vẫn khắc sâu trong ký ức mình qua bao năm tháng.


(Những cung đường từ trên cao nhìn xuống chẳng khác gì dải lụa vắt ngang trời mây, mỗi một con dốc đều khiến lữ khách phương xa như chúng mình đây bị mê đắm bởi vẻ đẹp riêng của nó)


  • Khó khăn hay sự cố là điều không ai mong muốn xảy đến trong chuyến đi nhưng lại là chiến tích huy hoàng để nhớ về

Hai năm sống ở môi trường khí hậu ôn đới mình từng trải qua những đợt lạnh có thể xuống đến âm mười mấy độ C vào mùa đông, nhưng sau ngày đầu đặt chân đến Hà Giang mình mới tỉnh mộng rằng thêm dấu âm “- ” trước một con số không nói lên được sức chịu đựng bạn có tốt hay không. Bởi thời tiết 2-3 độ C của núi rừng Đông Bắc thực sự đã đánh gục chúng mình ngay từ giây phút đầu tiên. Hai lớp quần, vài ba lớp áo bông len cùng mấy chiếc túi sưởi ấm đặt luân phiên từ túi áo khoác đứa này sang đứa kia vẫn không đủ làm “phao cứu sinh” cho chúng mình trong chặng đường đầu tiên đi từ thành phố về thị trấn Đồng Văn. Sự khắc nghiệt của thời tiết đã vượt ngưỡng giới hạn đến mức mà mình bật khóc suốt những km cuối cùng về đến homestay. Khóc vì lạnh, khóc vì tay chân tê cứng đau buốt không thể cử động, khóc vì đôi mắt mờ đi trước bụi đường lẫn mưa gió, khóc vì không hiểu lý do vì đâu mình bỏ chăn ấm đệm êm ở nhà để có mặt ở đây trong tiết trời thế này khi mà mục đích của chuyến đi là “để giải phóng” có được hiện thực hóa hay không còn chưa rõ câu trả lời. Dọc đường chỗ nào thấy người dân đang đốt rơm chúng mình lại dừng xe vô hơ nóng tay chân, dù biết sức nóng tỏa ra từ đó chẳng có tác dụng là bao trong việc sưởi ấm ba cơ thể sắp ngã gục bấy giờ. Hay ở những cột mốc cuối cùng mình và G. lại thay nhau đếm lùi số km còn lại dẫn đến homestay là bao nhiêu, mà đếm bằng cách rút bớt so với chặng đường thực tế như năm chục cây thì nói thành bốn chục, bốn chục lại khai gian thành ba chục để vực dậy tinh thần cho người cầm lái. Thoạt nghe có vẻ giống như một chuyến đi “đày ải”, nhưng cảm giác vỡ òa khi bạn chinh phục được thử thách nhỏ đầu tiên ấy không một ngôn từ nào có thể diễn tả trọn vẹn được.


Bỏ qua câu chuyện thời tiết mới chỉ là một chút thử thách của ngày đầu thôi, chuyến đi này còn cho mình lần đầu chạm vào nỗi sợ về cái chết. Với kinh nghiệm chạy xe đường dài bằng không thì chuyện va chạm chắc chắn là khó tránh khỏi, nhất là với một điểm đến mà người ta vẫn cảnh báo nhau trước về mức độ rủi ro nguy hiểm luôn chực chờ trên mỗi cung đường. Nhưng dẫu có chuẩn bị trước tinh thần cho việc đó chăng nữa thì khi trực tiếp đối mặt vẫn là cảm giác khác hẳn. Đoạn chạy vòng khúc cua cuối cùng để đến cột cờ Lũng Cú vì không kịp về số khiến xe mất đà tuột dốc, nên mình đã va chạm trước đầu xe ô tô bảy chỗ mà chỉ cần lệch vài phân nữa thôi có thể rơi xuống vực thẳm không chừng. Mọi chuyện diễn ra trong tích tắc, chẳng đủ để kịp định hình xem cần phải xử lý thế nào hay người có bị thương ở đâu không. Tất cả những gì mình còn nhớ về sau vụ va chạm đó là bản thân vẫn gắng bình tĩnh dựng xe đi tiếp, cho đến khi đặt chân lên được đỉnh cột cờ chạm tay vào quốc kỳ thiêng liêng. Khoảnh khắc đứng trên điểm cao nhất của cực Bắc, ngắm nhìn toàn cảnh núi rừng hùng vĩ giao hoà với màu xanh của mây trời sắc đỏ sao vàng của lá cờ Tổ Quốc, mình mới hiểu vì sao người ta lựa chọn điểm đến này để thỏa mãn niềm đam mê chinh phục cũng như dấu ấn thiêng liêng về mặt ý nghĩa lịch sử của nó – một biểu tượng cho giá trị chủ quyền dân tộc, đại diện cho tiếng nói của thế hệ đi trước đã bảo vệ nền độc lập mà chúng ta đang có hiện giờ. Và phải tận sau khi chuyến đi Hà Giang kết thúc di chứng để lại sau vụ tai nạn mới lộ rõ, khi mình được chẩn đoán trật khớp cổ tay và buộc phải điều trị bó bột tại nhà nhưng chính dấu tích của một lần suýt chết hụt càng làm trải nghiệm “có một không hai” này thêm phần ý nghĩa.

(Cột cờ Lũng Cú – điểm đến của biết bao người trẻ ưa dịch chuyển muốn chinh phục một lần trong đời. Trong video trên có bức ảnh chụp toàn cảnh cột cờ Lũng Cú nhìn từ trên cao được lấy nguồn từ baodantoc.vn, còn video và ảnh số 2 trích từ chuyến đi của mình năm 2017 )


  • Bạn đồng hành không chỉ là người đi cùng hay quen biết từ trước, mà có thể là bất cứ ai chúng mình sẽ gặp trong hành trình 3 ngày 2 đêm ấy

Trước khi khởi hành chúng mình có tất thảy ba người, trong đó ngoài L. là bạn học chung đại học đã quen biết lâu năm thì G. là đồng nghiệp mình mới kết thân chưa đầy hai tháng tại chỗ làm. Nhưng suốt chuyến đi ngắn ngày đó số người mình đã gặp, cùng ăn uống sinh hoạt hay đơn thuần chỉ là ngồi lại hỏi han vài ba câu ven đường còn nhiều hơn những mối quan hệ mình có trong mấy tháng đầu trở về Việt Nam. Đó là anh chủ cùng vài vị khách vãng lai tại một quán nước nhỏ mà chúng mình dừng chân nghỉ ngơi dọc đường, là mấy em bé vùng cao với đôi mắt đen nháy cùng nụ cười tỏa nắng không ngại trao những cái vẫy tay hay lời chào thân thiện đến mấy người xa lạ các em tình cờ bắt gặp, là anh chị nhân viên cùng không ít dân phượt người Bắc kẻ Nam cùng chia nhau không gian sống trong ba ngày hai đêm tại Bụi homestay, là gia đình cô chú cho chúng mình thuê xe máy kèm theo cả bữa cơm nhà giản dị mà chan chứa tình thương của người Hà Giang trước khi tiễn ba đứa về lại với cuộc sống thường nhật cũ, tâm sự chúng mình nghe những câu chuyện chỉ riêng dân bản địa mới biết như về lịch sử xây dựng con đường Hạnh phúc rằng lý do vì đâu lại có cái tên như vậy vv....vv..... “Mảnh đất của những con người hiếu khách” không phải chỉ là tiêu đề chung vẫn thường bắt gặp trên mỗi mặt báo khi mình tìm kiếm thông tin về một địa điểm du lịch bất kỳ, mà nó thực sự tồn tại qua mỗi một con người mình tiếp xúc trong chuyến đi Hà Giang này.


Chắc phải ưu ái nhắc qua một chút về Bụi homestay – nơi cho mình tiếp xúc với những người trẻ năng động, giàu cảm xúc và tâm hồn cũng đậm chất nghệ sĩ. Đúng như tên gọi, Bụi phóng khoáng cởi mở cả về mặt không gian với lối kiến trúc đặc trưng của nhà sàn truyền thống lẫn trong tính cách những con người đã đến và đi tại đó. Thời điểm 2017 ở Bụi chưa có nhiều sự lựa chọn về hệ thống phòng, nên nhóm chúng mình cùng các vị khách khác đều sinh hoạt chung trong một phòng ngủ tập thể. Ban ngày mỗi đoàn đều có lịch trình tham quan riêng nhưng tối đến lại quây quần cùng nhau bên ngọn lửa bập bùng, nhâm nhi một chút khoai ngô nướng hay uống một tách trà nóng hàn huyên những câu chuyện vụn vặt không đầu không cuối về bản thân, về mảnh đất còn nhiều điều bỡ ngỡ với du khách lần đầu đặt chân đến, về một chương trình hay bài hát bất chợt nào đó phát ra từ chiếc đài cũ, về dự định cuộc sống sau chuyến đi vv...vv.... Hay buổi tối cuối cùng cả đoàn được chiêu đãi bữa cơm giản dị với thịt gà rang cùng mướp đắng xào trứng, một bàn mười mấy con người rôm rả chuyện trò trong ánh nến mờ ảo cùng âm thanh của thiên nhiên thì thầm bên tai phút chốc đã khiến mình quên mất việc bản thân đang ngồi ở một nơi cách nhà hàng trăm cây số. Ở đây không ai quan tâm quá nhiều về việc bạn là ai, tại sao lại chọn nơi đây là điểm dừng chân khi muốn rời xa sự ồn ào chốn đô thị. Nhưng chắc chắn dù bạn bước vào chuyến đi này với một trái tim cô đơn muốn được giải phóng hoặc có hay không có bạn đồng hành đi cùng, thì một khi đến với Hà Giang bạn luôn được chào đón bởi những người cho bạn cảm giác là nhà.


  • Âm nhạc vừa là người bạn đường vừa là cầu nối gắn kết để xa lạ bỗng chốc hóa thân quen

Mỗi cung đường chúng mình đi qua ngoài những con người thú vị đã gặp ở trên, thì âm nhạc cũng là một người bạn đồng hành quan trọng không thể thiếu. Mình chạy xe trong tiếng hát của Kai Đinh hay Đen Vâu, mấy câu hát đã thuộc lòng trong tâm trí nhưng nghe giữa không gian rộng lớn của đất trời, trong khí thế hừng hực muốn được chinh phục mỗi một chấm tròn đánh dấu một điểm tham quan mới trên bản đồ lại là cảm xúc hoàn toàn khác hẳn với mọi ngày. Âm nhạc len lỏi trong câu chuyện “nhát gừng” giữa mình và bạn những lần hai đứa đổi vị trí cầm lái cho nhau, rút ngắn khoảng cách giữa từng điểm đến gần hơn một chút cũng là tăng thêm động lực để đôi chân không chùn bước trước bất cứ vấn đề nào phát sinh ngoài ý muốn. Những câu hát chân thực nào là :


mang theo sức lan tỏa mãnh liệt của nó, để khi nhạc tắt mà nỗi thổn thức nơi lồng ngực vẫn chưa nguôi. Và rồi những người trẻ đang khát khao được thoát khỏi giới hạn của bản thân nhưng vẫn chưa tìm thấy lối ra nào như chúng mình lại nhủ thầm trong lòng rằng quyết định “tắt những cuộc gọi, tắt cả email” để xách balo lên và đi là việc làm đúng đắn nhất của cả ba tại thời điểm bấy giờ. Chưa dừng lại ở đó, âm nhạc vô tình còn là câu chuyện mở đầu giữa mình với mấy anh chị ở Bụi. Chúng mình nói về vài bài rap yêu thích trong lúc ngồi quây quần bên nhau sau một ngày dài chạy ngược chạy xuôi, nhiều khi ca từ đã thay cho lời muốn nói. Hay khi chiếc loa dừng phát ở một quãng nghỉ nào đó, bất giác khiến mình nghĩ đến khát khao yêu và được yêu vẫn nhen nhóm được thắp lên trong tim mình. Giống như đường nét hay màu sắc được dùng trong hội họa, ngôn từ kết thành những áng văn chương thì người ta cũng dùng âm nhạc như một hình thái bộc lộ cảm xúc để tìm được sự đồng điệu giữa người với người, chạm tới những trăn trở đã đang giấu kín trong tâm.


  • Không biết bản thân đã từng may mắn tới cỡ nào cho đến khi hiểu được sự nhẹ nhõm của một cái thở phào

Như chia sẻ về bản thân ở thời điểm trước khi có chuyến đi này, mỗi ngày của mình chưa bao giờ bắt đầu và kết thúc bằng niềm vui trọn vẹn. Và không biết có phải do điểm du lịch đầu tiên mình chọn sau khi về Việt Nam là một nơi chưa thực sự phát triển như nhiều thành phố lớn khác hay không - khi mà cơm không đủ no, áo không đủ ấm vẫn là hình ảnh thường trực trong đời sống của người dân chứ chưa nói đến việc ưu tiên cho đời sống tinh thần, nên mới đủ sức nặng để mình ngộ ra ý nghĩa của hai chữ “ được – mất” ở đời? Cứ thử nhìn những em bé khoác trên mình độc có lớp áo mỏng manh cũ sờn, vai đeo gùi trĩu nặng với đôi chân trần băng băng trên những cung đường đầy sỏi đá, trong cái lạnh cắt da cắt thịt mà đến người lớn cũng phải khó khăn lắm mới thích nghi được thì liệu bạn còn nghĩ đủ đầy cả về mặt vật chất lẫn điều kiện sống cơ bản vẫn không được xem là may mắn? Mình yêu vẻ thuần khiết trong đôi mắt hay nụ cười ngây thơ của các em, nhưng rồi cũng chính trong nét ngây thơ ấy cái đói cái nghèo vẫn hiện diện một cách rõ nét. Để khi nhìn vào đó mình mới hiểu hạnh phúc đơn giản chỉ là bữa nay có cơm ăn áo mặc là đủ. Rồi chuyện sáu tuổi chập chững bước vào cấp một là điều hiển nhiên với bao đứa trẻ miền xuôi khác, nhưng hành trình đi tìm con chữ của các em vùng cao vẫn là bài toán gian nan vất vả vô cùng. Nghĩ lại trước đây mình chẳng mất quá nhiều công sức để thuyết phục ba mẹ cho đi học thêm thầy này cô kia hay xa hơn là chuyển đến một đất nước khác, thậm chí sau khi tốt nghiệp còn đang làm công việc liên quan đến giáo dục tức là có cơ hội mang con chữ đến gần hơn với người cần. Vậy mà mình vẫn không bằng lòng hay biết ơn với bằng ấy sự ưu ái đã được trao cho sao? Hai mươi tư giờ trôi qua không một giây phút nào mình thôi khát khao về sự tự do khỏi những “xiềng xích” đang trói buộc, nhưng lại không biết nhiều đứa trẻ sống nay đây mai đó, dãi nắng dầm mưa ngoài kia chỉ có mong muốn duy nhất là được biết niềm vui của việc cắp sách đến trường, được trao cho một cây bút viết lên ước mơ của riêng mình.


Nếu các em bé vùng cao cho mình biết trân trọng hơn những gì bản thân đang có từ cái thuộc về điều kiện cơ bản nhất, thì những anh chị ở Bụi homestay lại giúp mình sống chậm lại nghĩ khác đi để tận hưởng niềm vui nho nhỏ vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày, hoặc đôi khi cũng cần chấp nhận mất một ít để nhận nhiều hơn. Như chị A. hay em Đ. thường có thói quen ngồi phơi nắng trước khoảng sân nhỏ, thả hồn theo những áng mây, hít hà không khí trong lành của buổi sớm mai mà chỉ ở những nơi không dãy nhà cao tầng nối nhau san sát hay đường xá lúc nào cũng ầm ĩ tiếng còi xe người ta mới thấy nhiều ưu đãi của mẹ thiên nhiên đến vậy. Bắt đầu vài phút buổi sáng bằng thói quen nho nhỏ đó cũng đủ là niềm vui cho cả một ngày dài. Và chẳng phải chừng nào còn được thở dưới bầu không khí này, lắng nghe những thanh âm dịu dàng của thiên nhiên đã là một đặc ân may mắn rồi hay sao? Hay trong số những người đang chăm sóc cho không gian sống của Bụi bấy giờ, ngoài nhân viên thuộc hệ “chính thống” tức qua vòng tuyển dụng và có training kỹ năng bài bản ra thì vẫn có người là khách du lịch từ nơi xa đến đây, trót phải lòng mảnh đất này quá đỗi và rồi ở lại đó đến giờ chưa chịu đi. Tuy thời gian đồng hành cùng nhau ở Bụi không dài, nhưng qua mỗi lần trò chuyện mình biết họ cũng như mình đều là những người trẻ đang chật vật trong hành trình trở thành người lớn. Khó khăn đến với mỗi người không ai giống ai, nhưng chung lại cái mà tất cả chúng mình đều mong muốn hướng đến chính là hạnh phúc. Không phải tự nhiên người ta đủ dũng cảm để tạm rời nơi mình đã sinh ra và lớn lên bao nhiêu năm, rồi chọn ở lại một mảnh đất còn nhiều lạ lẫm chưa được khai phá hết nếu ở đây không cho họ đúng cái mà họ cần. Họ có nghĩ về những được – mất sau khi đưa ra lựa chọn đó hay không, mình cũng không rõ nữa. Nhưng mình vẫn tin những con người mình gặp khi họ đã dừng chân lại nơi cao nguyên Đồng Văn này một thời gian đủ dài và hình ảnh của họ trong quá khứ đã cách nhau một quãng rất xa rồi, và nếu không chấp nhận đánh đổi thì đâu có con người của hiện tại. Phải chăng đây cũng là ý nghĩa của sự giải phóng?


Có lẽ mình đã quá ưu ái khi dành toàn bộ spotlight của bài viết vào chuyến đi thứ hai này, nhưng những điều chưa kể về mảnh đất thân thương ấy vẫn còn nhiều lắm. Một chuyến đi không có sự chuẩn bị trước nhưng “quà” mang về lại là những hồi ức đáng nhớ nhất ở tuổi 23 đầy biến động. Sau khi trở về nhà vài tháng mình cũng thay đổi môi trường sống mới, bước vào một mối quan hệ mà ở đó cả mình và người ấy đã chứng kiến, đồng hành và cổ vũ nhau đi qua từng giai đoạn thăng trầm của tuổi trẻ để có được hạnh phúc của hiện tại, niềm vui từ công việc mình đang làm hay con người mình muốn trở thành đều trở nên rõ nét thay vì mơ hồ như trước kia. Mình vẫn chưa thể tự tin khẳng định bản thân đã trở thành một con người tích cực hoàn toàn, nhưng ít nhất mình không còn chỉ nhìn vào thứ đã mất đi mà quên rằng mình vẫn có nhiều hơn một lý do để tiếp tục nói yêu cuộc sống này. Có lẽ đọc đến những dòng cuối cùng về chuyến đi này bạn cũng hiểu ra vì sao mình lại dùng “đá cũng nở hoa” đặt ở đầu tiêu đề. Bởi dù thực tế chẳng có mùa hoa nào vào tháng 12 năm đó, nhưng trên mỗi cung đường mình đi qua hạt giống “hạnh phúc” được gieo trồng và nảy mầm từng chút một, để rồi ngày nói lời chào tạm biệt Hà Giang cũng là ngày bông hoa trong mình nở rộ. Nếu bạn đã đang tìm kiếm một sự giải phóng cho bản thân hãy nhớ rằng đây là hành trình đầy khó khăn, nhưng chỉ cần cho mình một chút can đảm tiến tới bạn sẽ tìm thấy lối ra thực chất nằm ở đâu.



< CHUYẾN ĐI SỐNG CHẬM LẠI, NGHĨ KHÁC ĐI VÀ

YÊU THƯƠNG NHIỀU HƠN >




5. Chương trình ‘Hạnh phúc Lào Cai – Quảng Trị’

Trong một năm rưỡi làm phiên dịch tự do khi tuổi đời khá trẻ với quá ít kiến thức cũng như kinh nghiệm để có quyền chọn lựa những đầu việc mình mong muốn trong khả năng của bản thân, mình luôn tự hỏi rằng đây có phải là lựa chọn đúng đắn không? Liệu mình có nên nghe lời khuyên từ các tiền bối rằng xin vào một công ty nào đó để cứng cáp hơn cả về vốn ngoại ngữ lẫn kinh nghiệm làm nghề? Những khi quá kiệt sức trước tính chất và khối lượng công việc, chuyện mình dành ra cả tuần nghỉ ngơi sau khi dịch xong một dự án 3~4 ngày có được xem là sai trái? Rồi mình có đang bị bỏ lại phía sau so với người khác hay không?….. Trong lúc loay hoay đi tìm lời giải đáp cho vô vàn những câu hỏi như trên thì một ngày đẹp trời mình được một người chị gọi vào đoàn phụ trách dịch cho các chuyên gia Hàn Quốc trong chương trình Hạnh phúc Lào Cai – Quảng Trị do KOICA tổ chức.


Khác với những lần đi dịch trước đây, lần này mình được đến tận nơi trực tiếp gặp gỡ người dân ở những vùng xa xôi hẻo lánh thuộc hai tỉnh Lào Cai, Quảng Trị - nơi mà điều kiện sống của họ còn vô cùng khó khăn. Những địa danh này chắc chẳng khi nào mình nghĩ sẽ xếp nó trong danh sách lựa chọn về điểm đến lý tưởng để du lịch nghỉ dưỡng, những con người có lẽ cả đời này mình cũng không bao giờ gặp được nếu như không tham gia vào chương trình năm đó. Mình theo chân anh phụ trách băng băng trên con đường bê tông dọc xuống núi được chương trình hỗ trợ xây dựng, gặp gỡ những gương mặt vui mừng hớn hở khi giờ đây làng họ đã có nhà văn hóa, trường học cho học sinh, đường ống nước sạch, nơi thu gom rác – những thứ mà trong suy nghĩ hạn hẹp của mình trước đó thì đây chỉ thuộc về điều kiện sống cơ bản mà đâu đâu cũng có . Nhìn những con người vẫn đang cố gắng sống tốt mỗi ngày dù khó khăn lúc nào cũng thường trực trong cuộc sống của họ, mình càng thêm trân trọng cuộc sống hiện tại của bản thân hơn. Thực tế ai cũng có nỗi khổ riêng nhưng thứ làm nên sự khác biệt lại nằm ở ý chí rằng chúng ta liệu có biết vượt lên trên hoàn cảnh, lấy lao động là công cụ và động lực tiến lên hay không. Rồi qua câu chuyện của người dân địa phương chia sẻ và cả khi được đặt chân tới di tích thành cổ Quảng Trị tận mắt đọc những dòng chữ của ông cha ta để lại, mình hay các anh chị khác trong đoàn đều không khỏi rưng rưng lẫn biết ơn trước những hi sinh lớn lao của người đi trước để đổi lấy cho chúng mình cuộc sống bình yên ở hiện tại.


Đây cũng là lần đầu mình được dịch cùng một đoàn nhiều người như vậy, thay vì một mình đơn phương chinh chiến thì nay đã “buôn có bạn bán có phường”. Những người chị người bạn với không ít kinh nghiệm trong nghề luôn từ từ chỉ bảo hướng dẫn mình, sai đâu sửa đó giúp mình bước ra khỏi “cái giếng” của bản thân, sửa đổi những điều còn thiếu sót trong năng lực để từng bước lấy lại sự tự tin. Mình dần hiểu ra rằng chỉ cần không ngại giấu dốt, chăm chỉ trau dồi kiến thức và kinh nghiệm mỗi ngày thì ắt sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, và một khi giỏi hơn chúng mình không chỉ củng cố niềm tin vào bản thân mà cũng dễ tìm được niềm vui và sự say mê trong công việc hơn trước.

(Sau một ngày dài làm việc "chạy ngược chạy xuôi" chúng mình lại có những giây phút thư giãn trò chuyện ăn uống cùng nhau )


6. Chuyến đi làm đẹp cho đời , làm giàu cho tâm hồn mình.

Nếu để nói về một chuyến đi tổng hợp vô vàn các trải nghiệm lần đầu trong hành trang của cô sinh viên ngành Hàn bảy năm về trước chắc chắn mình không thể không nhắc đến chuyến tình nguyện cùng đoàn sinh viên Đại học Quốc gia Seoul ở Nam Định vào mùa đông năm 2016. Đó là lần đầu mình trực tiếp sinh hoạt và vui chơi cùng các bạn Hàn chung lứa tuổi trong khoảng thời gian tương đối dài so với các buổi gặp mặt sinh viên ngắn ngủi thường tổ chức tại trường đại học, lần đầu mình được trò chuyện và lắng nghe bằng tiếng Hàn nhiều đến thế mà không phải trong khuôn khổ của một tiết học năm mươi phút trên giảng đường như những ngày thường. Cảm giác háo hức, hạnh phúc khi mỗi ngày đều được sử dụng thứ tiếng mình đang học vào thực tế càng giúp mình thêm tin rằng quyết định theo đuổi tiếng Hàn chính là một trong những việc làm đúng đắn nhất, dù không phải ai cũng ủng hộ hay tin tưởng sự lựa chọn ngày đó của mình.


Trong quá trình làm tình nguyện được làm quen với công việc giảng dạy cho lứa tuổi mầm non, mình hiểu hơn những khó khăn của người làm nghề khi vừa phải đảm bảo nội dung bài học thú vị thu hút sự quan tâm của trẻ, vừa phát triển kĩ năng cần thiết cho các bé. Trước mỗi buổi học việc phân nhóm, lên nội dung chương trình và chuẩn bị “đồ nghề” là các công đoạn không thể thiếu, từ tiết học vẽ cho đến các hoạt động trải nghiệm thông qua chơi trò chơi, đóng kịch cùng giao lưu biểu diễn văn nghệ đều được chúng mình chuẩn bị kĩ lưỡng sao cho nội dung buổi nào cũng thật sinh động và mới mẻ trong mắt các bạn nhỏ. Tuy rằng để đổi lấy một giờ học chất lượng đúng ý cần bỏ ra không ít thời gian lẫn công sức không chỉ của một cá nhân mà cả một tập thể, nhưng nhờ đó mà chúng mình cũng nhanh chóng thân thiết với nhau hơn. Thường sau bữa tối sẽ là khoảng thời gian mọi người cùng ngồi lại tổng kết những ưu nhược điểm của từng buổi học đã diễn ra, và đưa ra phương án mới để cải thiện nội dung bài tốt hơn qua từng ngày. Trực tiếp tham gia với tư cách là một thành viên của team thay vì chỉ ở vai trò người phiên dịch đơn thuần càng đòi hỏi bản thân cần có tinh thần trách nhiệm hơn với mỗi đầu việc mình đảm nhận, đồng thời thông qua tương tác và trao đổi trong quá trình làm việc nhóm mình cũng học hỏi thêm về tác phong làm việc của người Hàn khi luôn đặt ba yếu tố “chu đáo, linh hoạt và chủ động” trong từng công việc nhỏ họ thực hiện. Điều này khiến một đứa dù có say xe bí tỉ như mình, ngày ngày phải di chuyển cả quãng đường dài bốn tiếng đồng hồ mới tới được chỗ các em hay phải nói liên tục đến nỗi giọng khản đặc đi thì chút vất vả ấy cũng chẳng đáng kể gì. Và dẫu khó khăn có thể xảy đến theo nhiều cách khác nhau nhưng sau cùng những điều chúng mình nhận lại còn đáng giá hơn thế rất nhiều từ nụ cười tươi rói của bọn trẻ, ánh mắt lấp lánh chào đón của các cô khi cả đoàn đến nơi, cái ôm chặt lúc chào tạm biệt rồi trao vội tận xe cho chúng mình túi trái cây nhỏ vv...vv... Có lẽ vì lần đầu làm song song hai vị trí phiên dịch và giảng dạy cùng lúc mà những dấu ấn đáng nhớ gắn liền với chuyến đi này vẫn hiện hữu rõ nét trong tâm trí mình. Và cho đến giờ dù có làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng đối với mình được truyền tải kiến thức đến người khác nhất là các em nhỏ luôn là công việc mình trân trọng và mang nặng suy nghĩ trăn trở nhất. May mắn là trong nhiều năm làm nghề mình cũng được tiếp xúc với nhiều học sinh ở các lứa tuổi khác nhau từ cấp 2, cấp 3 hay đại học, nhưng dù đối tượng mình trực tiếp giảng dạy là ai chăng nữa mình luôn muốn dùng kiến thức lẫn vốn sống của một người đi trước để hướng các em đến gần hơn những điều tốt đẹp, nỗ lực để thấu hiểu lắng nghe những tâm tư trăn trở ở mỗi lứa tuổi như mình từng trải qua.


(Mỗi ngày tiếp xúc với các bé đều là những ngày đầy ắp niềm vui)


(Sinh hoạt và làm việc chung trong môi trường tập thể không chỉ cho mình nhiều kỷ niệm vui, mà còn cải thiện vốn ngoại ngữ lẫn các kỹ năng mềm khác ngày một tốt hơn)


Sau khoảng thời gian chật vật vì thành tích học tập không mấy khả quan mình gạt bỏ được hết suy nghĩ “muốn từ bỏ” bắt đầu nhen nhóm trong đầu, thay vào đó luôn cố gắng hết mình cũng như tận dụng mọi cơ hội để trải nghiệm và học hỏi nhiều nhất có thể. Nhiệt huyết tuổi thanh xuân cứ tràn ngập trong những ngày cuối năm 2016 đó, bên cạnh niềm vui cũng có không ít vất vả đi kèm nhưng điều đó chẳng thấm vào đâu với tình yêu thương mình nhận được từ mọi người trong 10 ngày đồng hành cùng nhau ấy. Đây cũng là lý do mà sau này dù làm ở môi trường nào chăng nữa mình vẫn luôn đặt các công việc liên quan đến đoàn tình nguyện trong sự ưu tiên. Dẫu rằng đóng góp của mình chỉ hết sức nhỏ bé thôi, nhưng nhờ những giá trị tốt đẹp đằng sau mỗi dự án đó lại cho mình cảm nhận rõ bản thân đang thực sự sống đúng nghĩa không lãng phí giây phút nào. Đồng thời mình cũng xem đây như khoảng thời gian nghỉ ngơi sau những bộn bề căng thẳng của cuộc sống, với những mối quan hệ khiến mình mệt nhoài ngoài kia.

(10 ngày tuy ngắn nhưng vẫn đủ gắn kết những con người xa lạ thành thân quen)



______________________________


Trong cuốn sách “새는 날아가면서 뒤돌아보지 않는다” mà mình tình cờ biết đến gần đây qua lời giới thiệu của diễn viên Kim Ji Won khi trả lời phỏng vấn về quá trình quay bộ phim “My Liberation Notes”, có một câu nói mình cực kỳ ấn tượng rằng “우리는 자신이 여행을 한다고 생각하지만 실제로는 여행이 우리를 만든다” . Nếu để ý một chút bạn có lẽ sẽ nhận ra các chuyến đi K.I.O.S đề cập trong suốt bài viết này tuy có tính chất và mục đích khác nhau, nhưng điểm chung để nhớ về nó đều nằm ở câu nói ngắn gọn trên. Rằng sau mỗi một hành trình khám phá và trải nghiệm ở vùng đất mới lại tạo nên một mảnh ghép mới lấp đầy khoảng trống bên trong con người chúng mình, để khi số lượng mảnh ghép ngày một lớn lên thì cùng lúc chúng mình cũng chạm đến gần hơn hình ảnh mà mỗi người mong muốn được thuộc về ấy. Còn bạn thì sao? Liệu bạn đã sẵn sàng kể cho K.I.O.S nghe về chuyến đi gắn với chặng đường trưởng thành của mình ngay bây giờ chứ?

86 views0 comments
bottom of page