top of page

CUỘC SỐNG KÝ TÚC XÁ CỦA MỘT DU HỌC SINH HÀN QUỐC CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?

Updated: Dec 26, 2023

Trải nghiệm sống và sinh hoạt tại ký túc xá trường đại học Ngoại ngữ Busan (Busan ​​University of Foreign Studies) là một trong những kỷ niệm đáng nhớ không thể không nhắc đến trong suốt quãng thời gian du học ở Hàn, bởi những thay đổi tích cực mà nó đã mang lại cho mình cả về lối sống lẫn sự trưởng thành trong tính cách suy nghĩ. Và cho đến tận bây giờ mình vẫn tin nếu thiếu đi mảnh ghép nhỏ này trong chặng đường hai năm ngày ấy thì hẳn đã không có con người mình ở hiện tại và cả sự xuất hiện của những người bạn đồng hành đã cùng mình làm nên tuổi hai mươi mang đậm dấu ấn riêng của một thời tuổi trẻ đầy nổi loạn. Liệu điều gì đã tô điểm cho cuộc sống hai năm tại ký túc xá của một cô du học sinh Hàn tràn ngập sắc màu đến vậy thì hãy cùng mình khám phá thêm trong bài viết này nhé ~

(Một vài hình ảnh về khuôn viên cũng như cơ sở vật chất bên trong KTX trường BUFS - Ảnh số 2 thuộc nguồn dorm.bufs.ac.kr )


“Gọi là ký túc xá mà thực tế chẳng giống chút nào!” – đây chính là suy nghĩ đầu tiên hiện lên trong đầu mình vào giây phút ngước nhìn tòa nhà cao chín tầng này trong lúc chờ hướng dẫn làm thủ tục nhận phòng. Bởi hai năm đầu học đại học ở Việt Nam mình đều thuê trọ ở ngoài nên tất cả những gì mình biết về không gian sống này hoàn toàn qua lời kể của bạn bè – người đã trực tiếp trải nghiệm nó hoặc qua những thước phim truyền hình Việt về đời sống của sinh viên mà mình vẫn thường xem ngày bé. Nhưng ngay trước mắt mình khi ấy không phải hình ảnh của những gian phòng chật chội mười mấy mét vuông nối dài nhau mà ở đó gần chục con người chia sẻ không gian sống và sinh hoạt cùng nhau với đủ những thiếu thốn về mặt cơ sở vật chất, ngược lại nhìn nó chẳng khác nào một khách sạn thu nhỏ là bao. Về cơ bản ký túc xá mình ở được chia làm hai loại phòng là 원룸 và투룸, tất cả đều là phòng khép kín trong đó với 원룸 được chia nhỏ thành loại phòng hai người và phòng ba người (về mặt diện tích thì không chênh lệch gì nhiều ngoại trừ kê thêm một số đồ dùng cho đủ với số lượng người ở tương ứng) và vì bên trong có đầy đủ các vật dụng cơ bản như : bàn học, giường ngủ, ga giường, tủ quần áo, tủ giày, tủ lạnh vv....vv....nên việc duy nhất chúng mình cần chỉ là dọn đồ đạc cá nhân vào ở là xong. Bên cạnh đó mọi sinh viên đều được sử dụng các tiện ích chung có sẵn bên trong ký túc xá bao gồm : phòng bếp, phòng giặt, phòng thể dục thể thao, phòng sinh hoạt chung, phòng đọc sách và tất nhiên với mỗi phòng chức năng khác nhau cũng bao gồm tất cả những thiết bị cần thiết phục vụ cho mục đích sử dụng của chúng mình. Thử nghĩ xem với chi phí chỉ từ 1.100.000won ~ 1.300.000won/ kỳ học ( tầm 6 tháng) bạn được hưởng tất cả các tiện ích kể trên mà không phải trả thêm bất cứ chi phí phát sinh nào từ tiền điện, nước, mạng hàng tháng so với tự thuê ngoài, nhất là nếu mùa đông âm mười mấy độ C ở Hàn Quốc luôn là nỗi ám ảnh bạn bởi không thể một mình xoay xở được trước hàng tá vấn đề trong sinh hoạt như hệ thống sưởi sàn không hoạt động hoặc nước luôn trong tình trạng đóng băng vv...vv....thì khi ở ký túc xá tất cả điều này chưa bao giờ phải là mối bận tâm trong lòng chúng mình cả. Như vậy đây có phải là sự lựa chọn “quá lời” phải không nào? Nhưng điểm cộng về mặt tiện nghi hiện đại trong cơ sở vật chất chỉ là một phần rất nhỏ để “nơi trú ẩn” này chiếm được thiện cảm ban đầu với mình thôi, còn lại những điều nhỏ bé diễn ra từng ngày từng giờ trong cuộc sống sinh hoạt tập thể mà mình đã trực tiếp trải nghiệm mới là lý do giữ lòng mình ở lại.

Bạn có hình dung được chỉ với một không gian vỏn vẹn mấy chục mét vuông chúng mình vẫn dễ dàng hô biến nó thành một căn phòng đa năng đáp ứng đủ các nhu cầu cần thiết từ ăn uống – ngủ nghỉ - học tập – vui chơi không? Điều tưởng chừng khó xảy ra ấy, nhất là trước hàng loạt những quy định nghiêm ngặt được ban quản lý ký túc xá đề ra mà chỉ cần một chút sơ sẩy bạn cũng dễ bị dấu trừ to đùng trong mục đánh giá định kỳ hàng tháng nhưng vẫn không thể làm khó được những đứa nổi loạn tinh quái như chúng mình. Đều đặn hàng tuần chúng mình lại mở rạp chiếu phim mini tại phòng của bất cứ thành viên nào, gọi là rạp phim nghe có vẻ quy mô hoành tráng lắm nhưng thực tế thiết bị duy nhất có thể tận dụng để phục vụ cho mấy tiếng giải trí lại hết sức khiêm tốn: một chiếc laptop đầy pin và bộ loa di dộng. Từ các thể loại phim hành động bom tấn đến tâm lý kinh dị đều lần lươt được trình chiếu theo mong muốn của mỗi “khán giả” mà ở đó chẳng ai mất một đồng phí vào cửa nào, thi thoảng để lấp đầy cái bụng đói giữa mỗi giờ nghỉ giải lao chúng mình có cả đống lựa chọn được lọc ra từ tủ đồ thức ăn của phòng chiếu đó hoặc bất cứ chiến lợi phẩm nào thu hoạch được từ cửa hàng tiện lợi GS25 ngay trước cổng ký túc xá. Hình thức giải trí không chỉ dừng lại ở phim ảnh mà còn thường xuyên được đổi mới bằng các trò chơi như “Đố vui âm nhạc” hay “Tam sao thất bản” mà có khi những trận cười xuyên đêm khi đó vẫn là chủ đề bàn tán của chúng mình suốt mấy tuần liền, hay đơn giản chỉ là những giờ ngồi lại trò chuyện cùng nhau về tình cảm tuổi mới lớn, gia đình hay công việc làm thêm dù không ai có thể đưa ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề mà đối phương đang gặp phải nhưng đôi khi sự lắng nghe lại là tất cả những gì chúng mình cần. Vui chơi hết mình là vậy còn về tinh thần học tập cũng không vì thế mà kém cạnh chút nào. Các bài tập nhóm như viết báo cáo, thuyết trình , thực hành nói, quay dựng video theo chủ đề bài học từng môn vv...vv... đều dễ dàng được giải quyết ngay cả khi khung giờ học trên trường của mỗi người khác nhau chăng nữa. Rồi trước mỗi kỳ thi quan trọng việc cùng nhau ôn luyện tổng hợp kiến thức cũng như hỗ trợ nhau giải đáp những vấn đề còn khúc mắc trong quá trình học cũng giúp chuyện học tập phần nào dễ thở hơn, nhất là trong một môi trường đầy tính cạnh tranh và áp lực như ở Hàn Quốc để những du học sinh như chúng mình vừa duy trì được thành tích điểm số trên lớp vừa trau dồi được năng lực tiếng Hàn chuyên môn tốt hơn mỗi ngày không hề đơn giản chút nào.


Một trong những điểm chung dễ nhận thấy nhất trong quy định của mọi ký túc xá dù ở Hàn Quốc hay Việt Nam đều không cho phép sinh viên nấu nướng trong phòng riêng, nhưng thực tế không phải lúc nào phòng bếp chung cũng là lựa chọn tối ưu chẳng hạn như vào những khung giờ cao điểm thường hay bị quá tải số người sử dụng trong khi bếp nấu hay khu vực chỗ ngồi không đủ hoặc để “ứng cứu” kịp thời những cái bụng đói vào nửa đêm thì tận dụng không gian trống trong phòng vẫn hợp lý hơn cả vv....vv.... Bởi vô vàn những điểm bất tiện đó mà chỉ với một chiếc nồi cơm điện chúng mình nhanh chóng hô biến mọi thực phẩm mình có trong tủ lạnh thành đủ món ngon dinh dưỡng từ mì phở bánh đa cua đến các loại chè truyền thống mang hương vị quê nhà. Còn vào những dịp kỷ niệm đặc biệt hơn trong năm như sinh nhật chẳng hạn thì căn phòng cũng trở thành không gian tổ chức tiệc party lý tưởng, dù điều kiên sống chỉ cho phép chúng mình chuẩn bị mọi thứ hết sức đơn giản thôi nhưng chừng ấy cũng đủ xoa dịu phần nào nỗi nhớ nhà trong lòng mỗi người.

(Mọi vị trí trong phòng đều có thể được tận dụng làm không gian học tập hiệu quả)

( Không thể đếm hết đã có bao nhiêu chiếc nến sinh nhật được thắp lên trong hai năm ở đây nhưng với chúng mình mỗi một khoảnh khắc đón tuổi mới cùng nhau đều là kỷ niệm hết mực trân trọng)

(Rạp chiếu phim mini hay tụ điểm liên hoan đều thu gọn chỉ trong một không gian quen thuộc)



Nếu bạn từng đọc bài viết về chủ đề Tết trong mắt du học sinh được lên sóng gần đây nhất trên Korea in our stories hẳn cũng hiểu lý do tại sao một bữa cơm gia đình đơn thuần lại có ý nghĩa đặc biệt đến vậy đối với mình. Bản thân mình không phải người yêu thích và khéo tay trong chuyện nấu ăn mấy vì phần lớn mình luôn có mẹ lo cho từng bữa cơm khi còn ở nhà, và ngay cả khoảng thời gian sinh sống và học trên Hà Nội sinh hoạt chung cùng những người bạn đồng hương khác mình cũng ít khi phải tự mình đảm nhận chính công việc này. Có thể vì vậy mà chuyện nay ăn hay bỏ một bữa chưa bao giờ là điều đáng để bận tâm trong lòng, nhưng trong suốt hai năm du học ở Hàn mỗi khi nhìn vào mâm cơm có đông đủ thành viên – những người vừa là bạn bè vừa như chị em trong cùng một gia đình mình đều thầm biết ơn vì nhờ có từng người trong số họ mình mới cảm nhận được tình yêu thương giữa nơi đất khách quê người. Mâm cơm ngày ấy của chúng mình có thể chỉ có giò ăn cùng rau luộc chấm mắm, hay lúc tài chính dư dả hơn có thể tự mày mò thêm những món ăn Việt cầu kỳ cả về nguyên liệu chuẩn bị lẫn khâu chế biến nhưng dù thành phẩm cuối cùng trên bàn ăn có là món gì chăng nữa thì đó vẫn luôn là những bữa cơm đong đầy yêu thương. Gian bếp chung sau mỗi giờ tan học luôn đầy ắp tiếng cười nói, ngày hôm nay trên trường lớp có gì vui hay chương trình truyền hình thực tế nào của đài Hàn Quốc đang đứng đầu sự quan tâm của đông đảo giới trẻ trong và ngoài nước đều trở thành đề tài tán gẫu trên bàn ăn của chúng mình. Dầu ăn, mì chính, bột canh rồi đến cái xoong nồi, bát đĩa cũng chẳng ngại chia nửa cho bất cứ bạn bè nào cần dùng đến và đôi khi mình còn bắt gặp đâu đó món ăn mang đậm hương vị của mẹ mà tưởng chừng như khoảng cách hơn hai nghìn bảy trăm cây số giữa hai đất nước vốn chỉ là ảo ảnh không có thật. Ngay cả khi đang ngồi viết lại tất cả những điều kể trên đây thì những thanh âm hạnh phúc đến từ sự giản đơn thường nhật đó vẫn khiến mình không khỏi xúc động.


Cùng nhau sinh hoạt trong một cộng đồng thu nhỏ chúng mình không chỉ cố gắng mang hương vị quê nhà đến gần hơn trong mỗi bữa ăn thường ngày mà còn được tạo cơ hội trải nghiệm văn hóa ẩm thực các nướctừ Thái Lan, Trung Quốc đến xa hơn như Thổ Nhĩ Kỳ thông qua hoạt động định kỳ hàng tháng do thầy cô trong ban quản lý ký túc xá đứng ra tổ chức. Chưa kể trước mỗi kỳ thi hay vào những dịp lễ truyền thống của Hàn Quốc sinh viên chúng mình lại được nhận rất nhiều món quà tinh thần như vitamin, bánh kẹo hay một bữa ăn thịnh soạn ngập tràn pizza và gà rán vv...vv... - thông qua những nỗ lực của thầy cô nhằm tạo dựng một cộng đồng đoàn kết ngay trong không gian sống thu nhỏ này đã từng bước gắn kết các cá thể độc lập lại làm một, sự khác biệt về màu da quốc tịch tiếng nói chưa bao giờ là rào cản ngăn chúng mình trở thành những người bạn tốt của nhau. Vậy nên nếu bạn vẫn còn đang e ngại về chất lượng cuộc sống ở ký túc xá thì đây chính là minh chứng rõ ràng nhất để khẳng định lại lần nữa những hoài nghi trong lòng bạn có thực sự cần thiết hay không?

(Mâm cơm của du học sinh chúng mình luôn mang đậm hương vị quê hương)


(Một trong rất nhiều những bữa ăn ngon mà du học sinh chúng mình nhận được suốt hai năm gắn bó tại đây)


Dù cố lách luật tài tình đến đâu thì chúng mình vẫn không ít lần gặp phải những sự cố “dở khóc dở cười” như bị quản lý ký túc đột ngột kiểm tra khi đang lén lút nấu nướng trong phòng và tất nhiên dù có nhanh trí giấu đi tang chứng vật chứng đến đâu thì mùi thức ăn vẫn tự tố giác ai là người đang nói dối, hay những lần tụ tập xem phim chơi đùa suốt đêm mà quên mất đã quá giờ điểm danh bằng thẻ[1] hoặc gây mất trật tự quá mức cho phép làm ảnh hưởng đến các phòng xung quanh để bị nhắc nhở. Rồi khu vực bếp chung là nơi chỉ cần lơ là chút xíu thôi nguy hiểm có thể rình rập bạn bất cứ lúc nào chẳng hay, đơn giản từ việc hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng sai cách cũng dễ dẫn đến cháy nổ hoặc đi đứng không cẩn thận thì chuyện ngã sõng soài trên sàn bếp là tai nạn khó tránh khỏi. Ngoài một vài tình huống thuộc mức độ nhẹ đô kể trên thì không ít lần chúng mình đối mặt với những sự cố nằm ngoài tầm kiểm soát như động đất, hỏa hoạn hay hàng loạt câu chuyện tâm linh đánh trúng vào tâm lý của những người yếu bóng vía mà mình tin chắc nếu buộc phải đặt mình trong hoàn cảnh tương tự vậy không phải ai cũng đủ bình tĩnh vượt qua được. Nhưng nhờ vậy mà cuộc sống tập thể tại nơi đây thêm phần đáng nhớ hơn cũng là cách hữu hiệu giúp du học sinh chúng mình trau dồi kỹ năng sống và khả năng thích ứng tốt hơn mỗi ngày.

[1]Mỗi thẻ phòng sinh viên sử dụng đồng thời cũng là thẻ ra vào ký túc xá chính là công cụ giúp người quản lý có thể nắm bắt được sự có hay vắng mặt của bạn trong ngày.



Đi du học ở độ tuổi hai mươi khi mà kỹ năng giao tiếp xã hội của mình còn khá hạn chế cộng với những khác biệt trong tính cách và quan điểm sống nên không thể tránh khỏi bất đồng mâu thuẫn xảy ra trong cuộc sống tập thể ngày ấy. Mình từng ích kỷ đến mức luôn đặt cảm xúc cá nhân lên hàng đầu mà không quan tâm xem hành động cũng như lời nói của bản thân có thể vô tình làm tổn thương đến người khác nhưng chính bạn bè lại là người đầu tiên kiên nhẫn chỉ ra cho mình thấy mọi mối quan hệ bền vững đều cần được xây dựng từ sự lắng nghe, chấp nhận và tôn trọng cảm xúc suy nghĩ của nhau thay vì chỉ đòi hỏi từ một chiều duy nhất. Mình đã không ngừng ghen tỵ trước hạnh phúc của người khác hay tự ti bởi những khiếm khuyết từ vẻ bề ngoài đến năng lực của bản thân mà không hề nhận ra vẻ đẹp bên trong tâm hồn mình, cho đến khi có cơ hội được lắng nghe nhiều hơn những góc khuất trong cuộc sống cá nhân của mỗi người mình mới hiểu ra rằng hạnh phúc không phải là người khác như thế nào thì mình cũng phải giống bằng được, mà hóa ra lại bắt nguồn đơn giản từ việc biết hài lòng với những gì mình đang có trong tay. Mình có thể từng bài xích gay gắt về một vấn đề nào đó nhưng khi sống và học tập trong môi trường quốc tế được tiếp xúc với nhiều con người đến từ những vùng miền và đất nước khác nhau mình dần dần cởi mở hơn trong cách nhìn nhận thay vì giới hạn mọi việc chỉ trong hai mặt phải trái đúng sai như trước đây. Rồi liệu có bao giờ bạn nghĩ những con người xa lạ không cùng chung một màu da tiếng nói lại dạy bạn về sự tử tế và lòng biết ơn không? Từ bác bảo vệ cô lao công không ngừng hỏi han chúng mình mỗi khi gặp mặt, cho chúng mình đồ ăn ngon cũng chẳng ngại nói hai tiếng “cảm ơn” nếu nhận được bất cứ quan tâm nhỏ bé nào xung quanh dù đó đơn thuần chỉ là một ít bánh trái quê nhà hay một món ăn bình dị đời thường tự tay chúng mình chuẩn bị , cho đến bác quản lý cửa hàng tiện lợi GS25 cũng sẵn lòng cho không mỗi đứa mình một chiếc bánh bao nóng hổi giữa đêm khuya mà không quên nhắc nhở chuyện cần phải chú ý ăn uống hơn. Và chưa kể còn rất nhiều người bạn quốc tế khác luôn nhiệt tình giúp đỡ chúng mình, lắng nghe mọi câu chuyện chúng mình chia sẻ hay hết sức kiên nhẫn giải đáp từng thắc mắc về cuộc sống ở Hàn Quốc còn nhiều bỡ ngỡ lạ lẫm trong mắt những du học sinh vẫn đang tập thích nghi với môi trường mới, dẫu để diễn giải bằng hết suy nghĩ của bản thân bằng vốn tiếng Hàn ít ỏi ngày ấy cũng là một sự nỗ lực. Bạn thấy không hai năm du học Hàn Quốc đâu chỉ có học kiến thức chuyên môn trên sách vở trường lớp mà qua mỗi người chúng mình gặp gỡ tiếp xúc trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng dạy cho ta rất nhiều bài học đáng quý, để khi nhìn lại chặng đường dài đã đi qua mình không ngừng cảm thấy biết ơn bởi nhờ chính những thay đổi tích cực cả trong suy nghĩ lẫn thái độ và quan điểm sống ngày ấy mới góp phần làm nên sự trưởng thành trong con người mình ở hiện tại.


________________________


Để có thể đưa đến cho bạn đọc những góc nhìn khác nhau về cuộc sống tại ký túc xá BUFS đầy kỉ niệm thì K.I.O.S cũng đã mời tới đây vài vị khách mời đặc biệt– những người bạn đã sát cánh cùng mình trong quãng thời gian đáng nhớ đó và cũng là những gương mặt thân quen đã từng xuất hiện nhiều lần qua các câu chuyện kể hay khung hình mang màu kỷ niệm trên trang blog nhỏ bé này. Chúng ta cùng xem những chia sẻ thú vị của các bạn ấy thông qua list câu hỏi đã được KIOS chọn lọc dưới đây nhé~


* Các nhân vật khách mời xuất hiện trong bài viết này đều là cựu du học sinh trường đại học Ngoại ngữ Busan (BUFS). Toàn bộ nội dung câu trả lời được đưa vào trong mục "Ask me anything" trên đây đều do nhân vật khách mời cung cấp, Korea in our stories chỉ phụ trách biên tập chỉnh sửa về mặt hình ảnh còn lại vẫn giữ nguyên toàn bộ nội dung gốc dưới hình thức trích dẫn trực tiếp. Một lần nữa xin cảm ơn sự đồng hành của mọi người đã cùng K.I.O.S lưu giữ lại những ký ức đáng nhớ của một thời sinh viên đã qua và hy vọng chúng mình còn có nhiều cơ hội kết hợp với nhau ở nội dung mới hơn . Nếu yêu thích các bài viết dưới dạng kết hợp nhiều câu chuyện kể khác nhau như trên thì bạn đọc đừng quên để lại comment hoặc ý kiến đóng góp cho chúng mình biết nhé. Hẹn gặp lại tất cả mọi người ở số blog tiếp theo ~






104 views0 comments
bottom of page