top of page
Writer's pictureKoreainourstories

NHỮNG LẦM TƯỞNG CẦN TRÁNH KHI CHUẨN BỊ DU HỌC HÀN QUỐC

Nếu trong bài viết mới đây nhất trên K.I.O.S chúng mình đã đề cập đến vấn đề “Nên hay không nên đi du học” thông qua từng câu chuyện ngắn chia sẻ về những góc khuất đằng sau viễn cảnh màu hồng mang tên “miền đất hứa nơi xứ sở kim chi” thì tiếp nối ngay sau quyết định giữa đi hay ở mỗi người sẽ có kế hoạch cụ thể để từng bước hiện thực hóa mục tiêu mình đặt ra nhưng có phải mọi sự chuẩn bị cho hành trang du học của bạn đều đang đi đúng hướng. Cụ thể để biết đâu là những lầm tưởng tai hại cần phải tránh và giải pháp khắc phục nào mới đem lại hiệu quả tối ưu nhất thì đừng chần chừ gì mà bỏ qua nội dung dưới đây nhé ~

1. Thu thập quá nhiều nguồn thông tin cùng lúc mà không biết cách chọn lọc

Tâm lý chung của mọi người khi chuẩn bị đặt chân đến một vùng đất mới đều muốn tìm hiểu nhiều nhất có thể những thông tin liên quan đến điều kiện môi trường sống lẫn các vấn đề xoay quanh việc học tập, thích nghi với sự khác biệt trong văn hóa- xã hội- con người đặc trưng thuộc về nơi đó. Nhưng đa số đều đã và đang gặp phải vấn đề chung đó là tiếp nhận khối lượng lớn thông tin từ nhiều nguồn không chính thống hoặc không đảm bảo tính xác thực cao thay vì tập trung tìm kiếm một cách trọng tâm có chọn lọc . Nếu từng nằm vùng trong các group về du học Hàn Quốc sẽ không khó bắt gặp những câu hỏi dạng như “Ngành A của trường này có tốt không? Yêu cầu đầu vào như thế nào?”, “Thành tích học tập của em/mình như vậy có đủ điều kiện apply vào trường B không?”, “Nên học ở Seoul hay Busan? Khu vực nào dễ xin việc hơn?” vv..vv…nhưng phần lớn câu trả lời có thể giải đáp thỏa đáng nhất những thắc mắc này lại chỉ chiếm 1/3 trên tổng số đó mà thôi. Hay cá nhân mình cũng từng không ít lần “xanh mặt” khi nhận được những câu hóc búa như “Có biết trường C không? Ngành ngôn ngữ Hàn của trường C có tốt hơn trường D? Muốn học quản trị kinh doanh thì nên chọn trường nào?” dù thực tế trải nghiệm du học của mình chỉ gói gọn trong phạm vi khu vực Busan cụ thể hơn là trường đại học Ngoại ngữ Busan (부산외국어대학교) và ngành Văn học Hàn Quốc (한국문학부) . Một trong những nguyên do dẫn đến sự lầm tưởng không đáng có này là xuất phát từ lối suy nghĩ mặc định rằng “đã là du học sinh thì cái gì hỏi đến cũng đều biết rõ” nhưng thực chất mỗi người lại có xuất phát điểm khác nhau và con đường định hướng phát triển riêng, càng không ai đủ tự tin khẳng định mình sành sỏi mọi thứ ở trên đời. Ngay cả khi có cố gắng đưa ra cho bạn câu trả lời thì những điều nằm ngoài giới hạn hiểu biết của mình cũng không thể đảm bảo tính chính xác tuyệt đối, thậm chí còn làm mất thêm thời gian của cả đôi bên khi mục đích cuối cùng hướng tới lại không được giải quyết một cách triệt để. Phương án tốt nhất để khắc phục vấn đề này là trước khi hỏi ai về bất cứ thông tin nào mà chúng mình đang quan tâm hãy nên tìm hiểu kỹ càng đối tượng cũng như ngành học của người đó để xem có sự tương đồng nào giữa họ với hướng đi của mình hay không hơn là cứ áp dụng rập khuôn những chỉ dẫn tràn lan cóp nhặt được từ mỗi nơi một ít, đồng thời cũng cần biết chắt lọc thông tin tránh lãng phí thời gian của cả bạn và người được hỏi vào những thứ mà dễ dàng tìm được lời giải đáp có sẵn qua vài giây tìm kiếm trên Google. Chỉ bằng một vài hành động rất nhỏ như vậy thôi cũng đủ minh chứng cho sự đầu tư nghiêm túc của chúng mình để đến gần hơn với ước mơ du học rồi đó.

2. “Học ở Hàn có khó không?”

Đây luôn là câu hỏi đầu tiên mình nhận được mỗi khi học sinh cần xin lời khuyên về chuyện du học. Mình hiểu đối với những bạn không thực sự có năng khiếu về ngoại ngữ hoặc trước nay đã vốn quen sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp thông dụng mà khi bắt buộc phải chuyển sang một ngôn ngữ mới hoàn toàn trái ngược lại cả về hệ thống bảng chữ cái, cách phát âm hay trật tự thành phần câu giống như tiếng Hàn thì đây thực sự là nỗi lo sợ hàng đầu. Nhưng chúng mình cần nhìn thẳng vào thực tế rằng vốn dĩ không có con đường học hành nào mà dễ dàng ngay từ đầu cả. Không chỉ riêng gì Hàn Quốc mà chính trong môi trường học tập tại Việt Nam bạn cũng đã phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ chuyện bài vở điểm số hay duy trì thành tích thứ hạng cao, chỉ khác duy nhất một chỗ đó là ngôn ngữ không phải rào cản đáng lo ngại. Nhưng trái lại khi giờ đây việc giao tiếp không phải bằng tiếng mẹ đẻ thì làm thế nào để diễn giải suy nghĩ của bản thân một cách trơn tru mạch lạc mà vẫn đảm bảo được người nghe có thể hiểu được dụng ý mình đang muốn truyền tải lại đòi hỏi cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ trau dồi năng lực bản thân của mỗi người. Vậy nên chỉ khi chúng mình xác định một thái độ học tập nghiêm túc cũng như nắm bắt được giá trị cốt lõi của việc học này là vì ai thay vì phụ thuộc quá nhiều vào ý kiến đánh giá của mọi người xung quanh mới có động lực để chinh phục những thử thách đang chờ đón bạn ở chặng đường du học đầy hứa hẹn phía trước.

Nếu có theo dõi các bài viết du học trong thời gian gần đây trên K.I.O.S bạn cũng đã phần nào hình dung được những khó khăn của việc sống và học tập ở nước ngoài không chỉ dừng lại ở rào cản ngôn ngữ mà còn vô vàn các vấn đề khác như trang trải chi phí sinh hoạt hàng tháng rồi học cách thích nghi với những khác biệt văn hóa hay định kiến của người bản địa về cộng đồng du học sinh nói chung và về người Việt Nam nói riêng ra sao vv..vv…. – những thứ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập cũng như trải nghiệm du học của bạn. Cách duy nhất giúp chúng mình tránh bị sốc tâm lý khi lần đầu đối mặt với những điều kể trên là hãy loại bỏ ngay suy nghĩ “dễ mới làm, khó bỏ qua” kể từ khi quyết định đi du học mà thay vào đó luôn chuẩn bị sẵn sàng tâm thế trước mọi tình huống có thể xảy ra. Đừng quên chỉ có bạn mới hiểu rõ đâu là điều tốt nhất cho bản thân mình nên thay vì mải miết tìm kiếm câu trả lời bên ngoài cho những khúc mắc còn bỏ ngỏ thì chúng mình nên là người tự nhận thức và tự thay đổi để nhận lại giá trị tốt hơn.

(Dãy hành lang ở tòa D của trường Ngoại ngữ Busan – nơi sinh viên có thể ngồi nghỉ giữa mỗi lần chuyển tiết hoặc là một góc lý tưởng để ôn lại bài vở trước khi lên lớp)


(Ảnh tốt nghiệp)


3. Không cần nền tảng tiếng Hàn từ trước mất công sang đó học lại từ đầu

Thông thường để nhập học hệ đại học ở Hàn Quốc chúng mình cần chứng chỉ Topik từ cấp 3 trở lên, nếu không sẽ phải theo học chương trình đào tạo tiếng ngay tại viện tiếng của trường mà mình đăng ký. Không ít những học sinh mình từng trực tiếp giảng dạy ở Việt Nam đều có suy nghĩ rằng không cần mất nhiều thời gian để đầu tư cho vốn tiếng căn bản bởi sau khi sang Hàn cũng mất công phải học lại từ đầu, chưa kể còn được giáo viên bản xứ “uốn nắn” từ bước sơ khai càng có lợi cho việc định hình tư duy ngôn ngữ – điều sẽ tác động trực tiếp đến thói quen sử dụng tiếng Hàn về sau của mỗi người. Thực chất điều này không sai nhưng chỉ mới đúng một nửa vế sau mà thôi. Một điều mình từng đề cập nhiều lần, thậm chí là có hẳn một bài viết riêng về sự khác biệt trong môi trường giáo dục của Hàn Quốc và Việt Nam đã chỉ ra rằng khi tiếp xúc với phương pháp giảng dạy mới mà ở đó không đặt nặng vai trò của giáo viên phải là người theo sát chỉ dẫn tường tận từng li từng tí một cho học sinh mà chủ yếu đề cao sự tự giác, chủ động tìm tòi mở rộng vốn hiểu biết của cá nhân mỗi người, có thể khiến bạn gặp không ít khó khăn nếu hoàn toàn không có một chút nền tảng tiếng cơ bản nào từ trước. Từ việc theo kịp tiến độ bài giảng, nghe- hiểu và tương tác với giáo viên cũng như bạn học cùng lớp, chưa kể đối với trường hợp đi du học dưới diện sinh viên trao đổi như mình thì sự giới hạn về thời gian học tập càng không cho phép mình quay lại từ những bước đi chập chững đầu tiên làm quen với mặt chữ cái mà ngay lập tức đã phải tiếp nhận hàng tá môn học chuyên ngành nặng đô không tưởng.

Thêm nữa chúng mình không chỉ sử dụng tiếng Hàn trong phạm vi trường học mà phần lớn thời gian lại cần đến trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Thử hình dung xem sẽ thế nào khi bạn muốn mua một món đồ trong siêu thị nhưng lại không biết phải thanh toán ra sao hay khi đến một quán ăn ngon mà chật vật hàng giờ liền mới có thể gọi món? Đây mới chỉ là hai ví dụ đơn giản trong vô vàn những tình huống “dở khóc dở cười” sẽ phải đối mặt nhưng nhờ đó sẽ giúp bạn nhận thức rõ hơn sự cần thiết của vốn ngôn ngữ để thích nghi và tồn tại ở một đất nước xa lạ. Ngôn ngữ có thể không phải cách duy nhất để tiếp cận với nền văn hóa mới nhưng lại là chìa khóa tốt nhất giúp chúng mình dễ dàng hòa nhập hơn với cộng đồng. Vì thế mình muốn dành lời khuyên chân thành đến những ai đã đang có ý định đi du học nói chung hay lựa chọn Hàn Quốc là điểm dừng chân nói riêng rằng hãy nên trau dồi khả năng ngoại ngữ càng sớm càng tốt đồng thời trình độ ngoại ngữ của bạn có giỏi được hay không sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ và phương pháp học tập chứ không phải do môi trường bản xứ quyết định.

(Study Cafe - tiếng Hàn gọi là스터디카페 chỉ mô hình học tập cộng đồng trong không gian của quán cà phê. Nguồn ảnh: Internet)


4. Không khó để vừa sang đã có việc làm thêm.

Khi bài toán kinh tế vẫn là vấn đề quan tâm hàng đầu của những bạn du học sinh thì chuyện tìm được công việc làm thêm càng sớm ngày nào hay ngày ấy thực sự là phương án cứu cánh hữu hiệu nhất. Nhưng khoan hãy xét xem việc này là nên hay không thì trước hết cần xác định được đâu mới là mục tiêu quan trọng bạn mong muốn đạt được khi đi du học. Nếu bạn ưu tiên cho việc học tập thì liệu bạn có đảm bảo rằng mình cân bằng được cả hai thứ cùng một lúc mà không để một trong hai yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến nhau? Còn nếu bạn hy vọng với mức lương hậu hĩnh nhận được từ công việc làm thêm có thể chi trả phần nào chi phí sinh hoạt cộng với tích ra một khoản tiết kiệm nhỏ gửi về cho gia đình thì bạn có chịu đánh đổi phần lớn thời gian cũng như sức lực mình có cho nó, thậm chí chấp nhận đánh mất cơ hội trải nghiệm những điều đáng giá khác mà cuộc sống du học có thể mang lại?

Thêm một điều cần phải chú ý là mỗi điểm đến du học sẽ có quy định khác nhau về đối tượng- điều kiện được phép đi làm thêm, mốc thời gian bắt đầu đi làm hay mức giờ làm tối đa trong một tuần nên chúng mình cần tìm hiểu kỹ càng để vừa tránh được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra cũng vừa giúp bảo vệ quyền lợi của bạn khi trong vai trò là người lao động. Như những quy định về làm thêm đối với du học sinh trong luật pháp Hàn Quốc sẽ có sự chênh lệch giữa các bậc học khác nhau nên đừng để sự nóng vội nhất thời cùng sức nặng của đồng tiền khiến bạn bị mờ mắt, dẫn đến nhiều hệ quả khôn lường như nhẹ thì phạt hành chính hoặc nặng nhất có thể bị trục xuất về nước vĩnh viễn buộc phải dừng lại ước mơ du học giữa chừng. Hơn nữa tìm được công việc như ý cũng không hề dễ dàng như bạn tưởng bởi ngoài vấn đề rào cản ngôn ngữ mình đã đề cập phía trên thì định kiến của một bộ phận nhỏ người Hàn đối với người Việt cũng là sự hạn chế trong lựa chọn việc làm của bạn. Mong muốn tìm kiếm công việc làm thêm không hề xấu nhưng đừng biến nó thành cơn ác mộng đeo bám tinh thần hay giới hạn khả năng phát triển bản thân trong suốt quãng thời gian du học của chúng mình nhé.

(Làm nhân viên ở cửa hàng tiện lợi cũng là một trong số công việc làm thêm phổ biến được du học sinh lựa chọn )

3. “Học ngành nào ra mới dễ xin việc?”

Mình tốt nghiệp ngành 한국문학부 - Văn học Hàn Quốc nhưng kể từ khi ra trường đến nay điều mang mình đến gần với công việc giảng dạy cũng là định hướng nghề nghiệp mà bản thân muốn gắn bó và phát triển lâu dài trong tương lai lại không phải do giá trị của ngành học được ghi trên tấm bằng này. Còn nhớ cuối năm 2017 khi mới bắt đầu về Việt Nam xin việc mình đã năm lần bảy lượt bị từ chối từ các nhà tuyển dụng dù nhìn qua ai cũng nghĩ với một ngành học có nhiều tiềm năng cộng thêm bảng thành tích tốt được tích lũy trong quá trình học tập ở môi trường quốc tế đã đủ đảm bảo cho mình có được mọi vị trí công việc tốt nhất mà bản thân mong muốn hướng tới. Nhưng thực tế không có ngành nào gọi là “ ngành dễ xin việc” cả, chỉ có khả năng của bạn liệu có đủ để đáp ứng yêu cầu mà nghề đó đặt ra hay không mà thôi. Trong một vlog cách đây 2-3 năm mình từng xem trên kênh của chị Giang Ơi có chia sẻ câu nói mà đến tận bây giờ mình vẫn rất tâm đắc rằng “Tiềm năng đến từ mình không đến từ cái tên nghề mà mình chọn.”. Giả như bạn tốt nghiệp ngành ngôn ngữ- một ngành luôn nằm trong top ưu tiên của thị trường việc làm tại Việt Nam nhưng năng lực chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế có liên quan đến ngành nghề đó của bạn chỉ bằng không thì chắc chắn không có lý do gì bạn nằm trong sự lựa chọn của các nhà tuyển dụng. Nhưng ngược lại bạn học một ngành không liên quan đến ngôn ngữ nhưng trong suốt quá trình học tập bốn năm đại học bạn đã không ngừng trau dồi khả năng ngoại ngữ cũng như tự tạo cho mình cơ hội được cọ sát thực tế trong lĩnh vực mình yêu thích thì cánh cửa thành công luôn mở rộng đến với bạn. Thay vì chạy theo giá trị ảo bên ngoài hãy nhớ những kiến thức chúng mình học được trên ghế nhà trường mới chỉ là nền tảng cơ bản trong cả một hành trang dài để vững bước vào đời chứ không mang đến bất cứ sự cam kết nào về một công việc nhàn hạ hay mức lương nghìn đô đáng mơ ước cả. Đồng thời để thay đổi suy nghĩ từ chuyện chọn ngành dễ xin việc sang ngành phù hợp với bản thân cần dựa trên hai yếu tố quan trọng dưới đây :

- Thứ nhất là giá trị nội tại tức sở thích, đam mê của bạn bắt nguồn từ đâu và điểm mạnh trong con người bạn có sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu mà ngành nghề đó đặt ra hay không. Chỉ khi dung hòa được cả hai điều này mới có thể giúp bạn nỗ lực học tập, nâng cao năng lực chuyên môn cũng như cống hiến hết mình cho công việc trong tương lai ngay cả phải đối mặt với khó khăn nào chăng nữa.

- Thứ hai là giá trị nghề nghiệp mà mỗi người mong muốn đạt được trong lĩnh vực mình đã đang và sẽ phát triển trong tương lai cũng như bản thân bạn làm được gì để xứng đáng với giá trị đó. Do mỗi người đều có quan niệm sống khác nhau nên giá trị nghề nghiệp của mỗi người cũng không đồng nhất. Có người cho rằng giá trị nghề nghiệp của họ chỉ cần gói gọn trong hai tiếng “ổn định” cộng với mức thu nhập đảm bảo được cuộc sống của bản thân và gia đình, nhưng cũng có người lại mong cầu một chỗ đứng danh giá trong xã hội hoặc trở thành người có tiếng nói và tầm ảnh hưởng nhất định đối với một nhóm cộng đồng nào đó vv..vv.... Việc biết rõ giá trị nghề nghiệp trong định hướng phát triển của bản thân sẽ là động lực thúc đẩy chúng mình có tinh thần trách nhiệm và sự cầu tiến trong học tập nói riêng đồng thời không ngừng nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc trên con đường sự nghiệp sau này nói chung.

(Nguồn ảnh: Internet)

85 views0 comments

Comments


bottom of page