top of page
Writer's pictureKoreainourstories

VỊ TẾT TRONG LÒNG NHỮNG NGƯỜI CON XA QUÊ

Updated: Jan 27, 2021

Khi bắt tay vào triển khai ý tưởng cho chủ đề số blog tiếp theo cũng là lúc chỉ chưa đầy một tháng nữa thôi chúng mình sẽ chính thức khép lại năm 2020- một năm đầy biến động với không chỉ riêng bất kỳ cá nhân nào bởi những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Nhưng cũng chính trong giai đoạn khó khăn đó mỗi người trong số chúng mình mới có khoảng lặng để lắng nghe bản thân nhiều hơn, để nhận ra bên trong tâm hồn này cũng có tiếng nói riêng của nó và làm thế nào mới kết nối được với những thanh âm bình dị nhỏ bé đó cũng không kém phần quan trọng. Không biết với tất cả bạn đọc của Korea in our stories Tết có ý nghĩa đặc biệt như thế nào nhỉ? Là bản sắc văn hóa dân tộc không gì có thể thay thế được, mà mỗi lần nhắc đến bạn đều cảm thấy tự hào bởi đây là giá trị truyền thống tốt đẹp góp phần làm nên cái hồn của văn hóa Việt cũng như ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm thức của biết bao thế hệ. Là cột mốc đánh dấu cho sự khởi đầu đầy hứa hẹn khi mà những điều còn dang dở hay sai lầm nuối tiếc của năm cũ đều bị bỏ lại phía sau nhường chỗ cho mục tiêu và hy vọng mới. Là dịp sum họp đoàn viên sau quãng thời gian dài xa cách, tạm gác bỏ gánh nặng cơm áo gạo tiền của cuộc sống thường nhật để trở về với mái ấm riêng của mình – nơi luôn có bờ vai vững chãi của ba và cái ôm dịu dàng của mẹ chào đón vv...vv... Dù câu trả lời của bạn là gì chăng nữa thì mình tin Tết đã đang và vẫn luôn để lại trong lòng mỗi người những dư vị ngọt ngào riêng của nó. Vậy còn Tết xa quê của du học sinh Việt tại Hàn có gì khác biệt thì hãy cùng chúng mình ngồi lại đây lắng nghe những câu chuyện lắng đọng đầy cảm xúc trong ký ức của Korea in our stories nhé ~


Bữa cơm gia đình thay bằng đồ ăn nhanh ở cửa hàng tiện lợi

Nếu nhắc đến mâm cơm ngày Tết bạn sẽ nghĩ ngay đến món gì đầu tiên? Bánh chưng, bánh tét, thịt đông, dưa hành muối, chả giò , nem rán vv..vv... - những món từ lâu đã trở nên quá quen thuộc trong bữa cơm của mọi gia đình Việt từ Bắc vô Nam nhưng để có được mâm cơm đủ đầy những món ăn kể trên với du học sinh như chúng mình lại không hề đơn giản chút nào. Ngày ấy trong số bạn bè chơi thân cùng đi du học theo hệ trao đổi chỉ có mình và một người bạn nữa là ở lại Hàn Quốc suốt mấy tháng nghỉ đông đón Tết cùng nhau. Gọi là “cùng nhau” nhưng vì toàn bộ thời gian trong ngày bạn mình đều phải cật lực “chạy sô” làm thêm hết chỗ này đến chỗ khác nên gần như ngày nào hai đứa cũng chỉ nhìn mặt nhau khi đồng hồ đã điểm quá 10 giờ khuya. Nếu như bình thường chúng mình luôn tranh thủ thời gian cùng tụ tập nấu nướng ăn uống sau một ngày dài học tập vất vả ở trường, phòng sinh hoạt chung không bao giờ thiếu vắng tiếng cười đùa trò chuyện thậm chí trong khung giờ cao điểm việc tranh nhau từng chỗ đứng ở khu quầy làm bếp lẫn bàn ăn là hết sức thường tình. Thì ngược lại vào những ngày Tết dù muốn hay không mình cũng phải tập quen với chuyện vào bếp một mình, mâm cơm từng đầy đủ các thành viên giờ chỉ còn lại khoảng trống nên dần dần mình cũng bắt đầu e ngại việc bày vẽ bếp núc hàng ngày. “Làm thế nào để tối giản nhất có thể chuyện ăn uống?” luôn là ưu tiên hàng đầu với mình lúc bấy giờ, một ngày ba bữa dần rút lại chỉ còn một rồi có khi cứ thế bỏ không dạ dày nguyên ngày cũng thấy chẳng vấn đề gì. Cơm hộp, thịt - cá đóng hộp, pizza, mì gói, sandwich, kimpap vv...vv... đều xếp đầu sự lựa chọn mỗi khi mình đi siêu thị hay bước vào cửa hàng tiện lợi. Vậy mà sự buông thả trong lối sống sinh hoạt này chẳng làm vơi đi phần nào nỗi nhớ về hương vị Tết quê nhà. Miếng bánh chưng thơm mùi gạo nếp cái hoa vàng tự tay các bác mình tỉ mỉ đóng gói, món thịt đông béo ngậy, bát canh măng nóng hổi thanh dịu hay những chiếc nem rán với lớp vỏ vàng ươm giòn rụm ăn kèm cùng bát nước chấm chua ngọt được pha theo công thức đặc quyền riêng của mẹ - tất cả những cái tên được kể trên đây đều đã gắn liền với một thời tuổi thơ của mình mà có lúc tưởng chừng như chỉ cần thoáng nghĩ đến nó trong đầu thôi cũng dễ làm mình chán ngấy ngay lập tức, nhưng một khi phải trải qua cái Tết thiếu đi những món ăn thân quen ấy thì mùi vị của chúng lại luôn hiện rõ mồn một trong tâm trí mình. Mình cứ mong mãi một bữa cơm tất niên gia đình đúng nghĩa, mong được nghe tiếng bố gọi trước mỗi giờ ăn dù nhiều khi ở nhà mình vẫn thường cố nấn ná thêm vài giây chỉ để coi nốt một tập phim hay xem vài ba thứ linh tinh trên mạng mà không ít lần khiến mọi người phải đợi, mong bắt gặp bóng dáng quen thuộc của mẹ đang lụi hụi trong góc bếp làm cho xong mẻ mứt dừa thơm ngon đãi khách đến chơi nhà vv..vv... Tiếc là sau cùng bằng ấy những mong mỏi thành thật này gộp lại cũng không mang hương vị Tết Việt đến gần hơn với mình.

(Mâm cơm Tết truyền thống của người Hà Nội – Nguồn ảnh : Kênh 14)


Lời yêu thương chỉ kịp trao qua màn hình điện thoại hay những cuộc gọi

video call lệch múi giờ

Theo như truyền thống hàng năm của gia đình mình ba ngày đầu tiên của năm mới luôn được mọi người ưu tiên toàn bộ thời gian để đi thăm hỏi gặp gỡ họ hàng hai bên nội ngoại cùng bạn bè đồng nghiệp thân thiết của bố mẹ mình, trong số đó có những người vẫn thường xuyên liên lạc gặp mặt đều đặn hàng tuần hàng tháng nhưng cũng không ít người vì khoảng cách địa lý hoặc những lý do đặc biệt khách quan khác mà đằng đẵng cả năm trời chưa có cơ hội nào được ngồi lại trò chuyện tâm tình cùng nhau. Nhưng giờ đây khi khoảng cách giữa nhà và nơi mình sống không đơn thuần chỉ là vài chục hay vài trăm cây số nữa thì phương thức liên lạc duy nhất có thể kết nối mình và gia đình đành phải dựa hết vào chiếc điện thoại. Và bạn biết không chính trong khoảnh khắc lướt nhìn từng gương mặt thân quen trong gia đình mình qua khung cửa sổ chat bé xíu hiển thị trên màn hình thay cho những cái bắt tay cái ôm đầy âu yếm thì lần đầu tiên mình mới cảm nhận trọn vẹn cảm giác cô đơn lạc lõng nơi đất khách quê người đáng sợ đến nhường nào. Nhưng may mắn thay những xa cách về mặt địa lý này không hề làm giảm đi tình thương mà từng người trong gia đình mình luôn dành cho nhau. Như cách bà nội và các bác liên tục dặn dò mình cần phải chú ý hơn trong chuyện ăn uống cũng như giữ gìn sức khỏe để không bị sụt mất cân nào, dù mình đã một mực khẳng định rằng chẳng một con cúm nào có thể đánh bại đứa tinh thần thép như mình cả; các anh chị cũng thay nhau kể mình nghe về đủ chuyện vui lớn nhỏ đã xảy ra trong suốt khoảng thời gian mình vắng nhà như từ đám cưới của anh út nhà bác hai cho đến vợ chồng anh hai nhà bác cả chuẩn bị đón em bé đầu lòng, chưa kể còn hứa sẽ dẫn mình đi ăn thật nhiều món ngon cho thỏa nỗi nhớ đồ ăn Hải Phòng sau bấy lâu xa cách nữa.

(Một khoảnh khắc đáng nhớ giữa mình và bà nội)


Rồi không chỉ riêng gia đình mà bạn bè cũng là chỗ dựa tinh thần to lớn với mình tại thời điểm đó. Ngày ấy cô bạn thân mình cũng đang là du học sinh tại Úc, cả mình và bạn đều không thể về nhà đón Tết như bao người khác nên gần như mọi hoạt động mà hai đứa đã làm trong những ngày này đều chia sẻ lại cho nhau qua ảnh tự chụp, cuộc gọi video call hay hòm thư điện tử. Chúng mình cũng nhắc lại từng kỷ niệm đáng nhớ về mỗi mùa Tết đã đi qua để vơi bớt phần nào nỗi nhớ nhà hay có khi lại chọn nói về một cột mốc trưởng thành nào đó đã đồng hành cùng nhau kể từ khi mới chỉ là những cô bé chưa đầy mười tám tuổi , để nhắc cho nhau nhớ rằng không ai trong số chúng mình bị bỏ lại đơn độc trong hành trình đi tìm bản ngã đích thực của riêng mình, cùng chia sẻ những kế hoạch dự định cho năm mới bao gồm cả điều đã nhiều lần muốn thử mà vẫn chưa thể vượt qua nỗi sợ của bản thân như một cách âm thầm khích lệ động viên nhau cùng cố gắng vv..vv... Tất cả những điều này càng giúp mình trân trọng hơn giá trị hạnh phúc đến từ gia đình và bạn bè cũng như chừng nào vẫn còn một nơi để trở về, còn những người mình yêu thương là chỗ dựa tinh thần vững chắc thì mình tin ý nghĩa của “Tết đoàn viên” sẽ không bao giờ mất đi trong tâm thức mỗi người con Việt.


Lấy bài vở thi cử lấp đầy nỗi nhớ nhà

Còn nhớ khoảng thời gian nghỉ Tết 2016 cũng trùng với giai đoạn mình đang ôn thi Topik II - kỳ thi năng lực tiếng Hàn do Viện giáo dục quốc tế Quốc gia Hàn Quốc đứng ra tổ chức. Khi đó mình mới chỉ vừa qua Hàn được hơn bốn tháng thôi năng lực tiếng Hàn vẫn còn nhiều hạn chế, cũng như đây là lần đầu tiên mình thử sức trong kỳ thi quan trọng như vậy nên mọi thứ có liên quan từ sự khác biệt trong khâu đăng ký online, tìm hiểu hình thức - nội dung của một bài thi cụ thể cho đến phương pháp ôn tập như thế nào mới đem lại hiệu quả tốt nhất hoàn toàn là con số không tròn trĩnh trong đầu mình. Chính vì áp lực của kỳ thi mà mình chỉ còn cách lấp đầy toàn bộ thời gian biểu cũng như tâm trí của bản thân vào hết việc học. Không đếm được mình đã từng trải qua bao ngày liền ngồi lì ở bàn học suốt mười mấy tiếng đồng hồ đến quên ăn quên uống chỉ để miệt mài ghi chép từ cuốn ôn tập này đến cuốn ôn tập khác, không đếm được bao giọt nước mắt tủi thân đã âm thầm rơi khi thấy bạn bè lần lượt từng người đóng gói hành lý để trở về nhà, trong khi ai cũng háo hức với hàng tá những kế hoạch du xuân của bản thân thì mình vẫn ở đây cầm trên tay tập bài thi thử chằng chịt đáp án sai với tổng điểm mỗi kỹ năng chưa quá 50 mà không biết còn phải cố gắng thêm chừng nào mới đạt được như mức mục tiêu bản thân mong muốn. Những tấm hình check-in trên mạng xã hội ngày ấy không phải là một địa điểm quen thuộc nào đó ở Việt Nam hay những món ăn đậm hương vị Việt mẹ nấu, càng không cảm nhận được chút không khí Tết nào đã về trên từng con ngõ nhỏ hay trước hiên nhà mà thay vào đó chỉ có bàn học ngổn ngang giấy tờ bút viết, cốc cà phê uống dở hay phần thức ăn bạn cùng phòng mua hộ đã nguội ngắt từ bao giờ không hay. Những cuộc gọi video call ngoài câu hỏi thăm xã giao hay chúc mừng năm mới mọi người cũng không ngừng động viên mình cố gắng hơn nhưng dẫu có nhận được bao nhiêu ghi nhận cho sự chăm chỉ đó thì mình đâu thể chối bỏ được cảm giác hụt hẫng trong lòng.


Nếu có người hỏi rằng sống ở nước ngoài có đáng thử hay không mình nhất định sẽ nói “có”, tất cả điều kiện về môi trường sống lẫn học tập mình đều thấy hài lòng nhưng đáng thử không đồng nghĩa với chuyện nơi đây đủ giữ chân mình ở lại. Hàn Quốc có thể là miền đất hứa cho những người trẻ như mình được tự do phát triển, khám phá tiềm năng vô hạn của bản thân để tạo lập giá trị sống mới cũng như dám dấn thân cho ước mơ hoài bão mang tên mình, nhưng sau cùng đó vẫn không phải “LÀ NHÀ” bởi chỉ có nhà mới là nơi trái tim ta thuộc về mà thôi.


________________________


Trước khi khép lại bài viết này ở đây chúng mình xin gửi đến độc giả của K.I.O.S những lá thư đong đầy yêu thương, lời tâm tình đầy xúc động đến từ các bạn du học sinh đang sống và học tập tại Hàn Quốc về mùa Tết đáng nhớ mà họ đã và đang trải qua. Thực lòng cảm ơn các bạn vì đã chọn K.I.O.S làm nơi gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của bản thân mà có lẽ không ít điều được ghi lại trong những dòng thư dưới đây cũng chưa từng có cơ hội nào để trực tiếp bày tỏ. Tết Tân Sửu 2021 đang cận kề, trước thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới chúng mình chúc tất cả các bạn sẽ có một năm sống và yêu hết mình để từng giây từng phút trôi qua đều là những khoảnh khắc ý nghĩa trong cuộc đời bạn nhé~


(Lá thư đến từ em Hương Giang hiện đang học thạc sĩ ngành Hàn Quốc học trường đại học Ngoại ngữ Busan)

(Cùng nhau ngắm mặt trời mọc và thả bóng bay vào ngày đầu tiên của năm mới là một trong những hoạt động yêu thích của không chỉ riêng người Hàn Quốc mà còn với du học sinh chúng mình )


(Lá thư đến từ em Minh Trang hiện là sinh viên khoa Khách sạn và du lịch trường đại học Daegu Hanny)

(Mâm cơm ngày Tết của những người con xa quê tuy đạm bạc nhưng vẫn luôn

đầy ắp tình thương)


(Lá thư từ em N.T. Thu Trang hiện là sinh viên ngành Ngôn ngữ và văn học Hàn Quốc trường đại học Inha )

(Mỗi độ xuân về Hàn Quốc lại khoác lên mình lớp áo mới mang sắc hương ngọt ngào của hoa anh đào)


(Lá thư đến từ em N. Anh Quân hiện là sinh viên khoa Ngôn ngữ Hàn trường đại học Honam)


* Toàn bộ ảnh và nội dung được đưa vào trong mục "Thư Tết" trên đây đều do các nhân vật khách mời cung cấp, Korea in our stories chỉ phụ trách biên tập chỉnh sửa về mặt hình ảnh còn lại vẫn giữ nguyên toàn bộ nội dung gốc dưới hình thức trích dẫn trực tiếp.


46 views0 comments

Hozzászólások


bottom of page