Nếu là mọt phim Hàn chính hiệu chắc hẳn khi nhắc đến đề tài thanh xuân vườn trường bạn đã thuộc lòng những cái tên quen thuộc như “Reply 1994”, “Cheese in the trap” , “My ID is Gangnam Beauty” vv...vv... phải không nào? Và có bao giờ bạn tự hỏi rằng đời sống học đường Hàn Quốc thực tế có hoàn toàn giống như những gì được tái hiện trên phim ảnh chúng mình từng xem hay không? Là một người được trải nghiệm song song cả hai môi trường giáo dục trong suốt bốn năm đại học thì liệu có những tương đồng và khác biệt nào giữa phim học đường và thực tế được ghi nhận lại dưới góc nhìn của một du học sinh thì hãy cùng chúng mình tìm hiểu kỹ hơn trong chuyên mục “NHẬT KÝ DU HỌC” tuần này nhé~
1. Đăng ký môn học liệu có phải một cuộc chiến?
Điều đầu tiên mình phải khẳng định chắc chắn rằng dù là trường đại học ở Việt Nam hay Hàn Quốc thì đăng ký môn học (수강신청) luôn được xem là cơn ác mộng với bất cứ sinh viên nào. Kỳ đầu mới sang Hàn vì chưa quen với môi trường học tập mới nên chúng mình được các anh chị trong ban quản lý hội du học sinh Việt Nam hỗ trợ đăng ký hộ cũng như sắp xếp các môn học phù hợp dựa trên kết quả phân chia lớp qua bài kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào. Vậy nên mình chưa mường tượng được nỗi sợ mang tên đăng ký môn học thực chất nó ra sao, và chỉ cho đến khi trực tiếp trải nghiệm qua thì mình mới vỡ lẽ ra rằng mức độ tàn khốc của nó ở thực tế không khác gì mấy so với những gì mình từng được xem trên phim. Bởi đúng nghĩa chỉ cần chậm một giây và để lỡ mất môn học bạn mong muốn thì một kỳ học trọn vẹn như mơ của bạn cũng đi tong trong vòng một nốt nhạc. Nói cụ thể hơn về những tương đồng và khác biệt trong quy định, cách thức đăng ký môn học ở các trường đại học của Việt Nam - Hàn Quốc thì có ba điểm đáng chú ý sau đây :
- Thứ nhất, các môn học cũng được chia thành hai nhóm chính là môn đại cương (교양) và môn chuyên ngành (전공) trong đó còn chia cụ thể ra là môn tự chọn (선택) và môn bắt buộc (필수) . Tương tự như ở Việt Nam mỗi môn học ở Hàn cũng có từ 2 đến 4 tín chỉ tùy vào tính chất và mức độ quan trọng của môn học đó, mỗi kỳ học sẽ có số tín chỉ tối thiểu và tối đa có thể đăng ký cũng như tùy vào quy định của từng trường thì sinh viên cũng cần phải nắm được số tín chỉ cần thiết để tốt nghiệp. Như trường hợp của mình vì đi theo diện sinh viên trao đổi nên tổng số tín chỉ cả chuyên ngành và đại cương sẽ được tính gộp cả hai năm học ở Việt Nam và hai năm ở Hàn Quốc với tổng là 138 tín, trừ đi số tín mình đã tích lũy được trong hai năm đầu ở Việt Nam thì số còn lại là số tín mình bắt buộc phải hoàn thành đủ để tốt nghiệp được bên này. Việc nắm được những quy định cơ bản này sẽ giúp chúng mình đưa ra được chiến lược đăng ký môn thích hợp nhất.
- Thứ hai nếu nói về điểm ưu việt trong phương thức đăng ký môn học ở Hàn so với các trường của Việt Nam thì yếu tố phải kể đến đầu tiên là cổng đăng ký. Khi học ở KHXH&NV mỗi lần đăng ký đều sử dụng chung một cổng (hay còn gọi là trang web trực tuyến) của trường đại học Quốc gia Hà Nội, cộng với thời gian đăng ký được áp dụng chung cho toàn bộ sinh viên trong trường nên tình trạng nửa ngày không thể đăng nhập nổi vào trang chủ hay trang liên tục bị lỗi hoặc tự động thoát khỏi tài khoản cá nhân đã sử dụng để đăng nhập trước đó do sự quá tải số lượng người truy cập là chuyện hết sức thường tình. Nhưng trường mình theo học ở Hàn lại có riêng một cổng đăng ký thay vì dùng chung với nhiều trường đại học khác (một phần nằm ở sự khác biệt trong phân chia cơ cấu tổ chức giữa hai trường khi mà Nhân Văn vẫn là một thành viên trực thuộc trong hệ thống các trường thuộc đại học Quốc gia Hà Nội), cũng như thời gian đăng ký được phân chia khác nhau theo niên học tức sinh viên năm nhất năm hai năm ba và năm bốn sẽ không đồng nhất đăng ký trong cùng một ngày nên mức độ cạnh tranh cũng giảm đi một phần nhỏ. Nhưng không vì lý do này mà chuyện đăng ký trở nên dễ thở hơn phần nào với sinh viên quốc tế như chúng mình đâu nhé. Tiếp đến là ở quy định trong việc đăng ký bổ sung, thông thường ở Hàn sau khi kết thúc thời gian đăng ký môn học chúng mình sẽ một tuần để nhận lớp, làm quen với đặc thù cũng như yêu cầu của môn học, sau đó bạn sẽ có thời gian để chỉnh sửa thay đổi lại những môn thấy không phù hợp. Và đây cũng là tấm vé vớt cuối cùng cho những ai mong muốn thay đổi lại thời khóa biểu học kỳ của chính mình.
(Nguồn ảnh : http://chunchu.yonsei.ac.kr )
- Thứ ba, mỗi khi đến giai đoạn đăng ký môn học ở Việt Nam mình thường ưu tiên đăng ký môn đại cương trước do số lượng sinh viên trong chuyên ngành Hàn Quốc học khá ít nên cũng không phải quá lo lắng về việc thiếu lớp, nhưng ngược lại ở Hàn việc đặt các môn chuyên ngành lên đầu danh sách đăng ký lại là chiến lược vô cùng quan trọng. Bởi vì tỷ lệ cạnh tranh của các môn chuyên ngành rất cao không chỉ giữa sinh viên Việt Nam với nhau mà còn có không ít các bạn sinh viên quốc tế khác, nên chỉ cần chậm một giây thôi thì không những không đăng ký được môn và lớp mình mong muốn mà đến cả những cái tên trong danh sách dự phòng cũng không có nốt. Một lưu ý nhỏ cho các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm là sau khi ấn nút đăng ký môn học nếu hệ thống báo bạn đang ở danh sách chờ thì cần phải kiểm tra kỹ số thứ tự chờ của bạn là bao nhiêu. Chẳng hạn như số thứ tự chờ là 1 (대기순위1) thì chỉ cần một người đã đăng ký bất ngờ rút khỏi môn học đó thì bạn nhanh chóng có cơ hội trở thành người thay thế , nhưng nếu số thứ tự chờ quá lớn thì nên chủ động xóa môn đó để nhường chỗ đăng ký các môn khác vì tỷ lệ bạn có thể chen vào thành công là rất thấp.
Nội dung môn học không quá khó, giáo viên bộ môn dễ tính trong việc đánh giá và cho điểm, thời gian phân bố của từng môn trong tuần phù hợp với lịch làm thêm vv...vv... - tất cả đều là một trong những yếu tố thiết yếu để xây dựng lên một thời khóa biểu đáng mơ ước với mỗi sinh viên, nhưng thực tế có được nó trong tay hay không thì không phải điều dễ dàng chút nào đâu nhé.
(Tốc độ là yếu tố kiên quyết đầu tiên quyết định sự thành công của bạn trong cuộc chiến không cân sức này - Trích đoạn trong phim “Cheese in the trap” - Nguồn video: tvN D ENT)
(Khi được hỏi về tỷ lệ đăng ký môn học thành công trong quãng đời sinh viên của mình thì 9/10 người đều khẳng định rằng bản thân họ đã từng thất bại không ít lân, thậm chí có người còn chưa từng có kỳ nào đăng ký được đúng thời khóa biểu mình mong muốn. Ngay với cả sinh viên Hàn Quốc cũng không có bất cứ sự đảm bảo chắc chắn nào về sự thành hay bại sau mỗi mùa đăng ký môn học , nên nếu chúng mình có lỡ nằm trong số không may mắn đó thì cũng là chuyện hết sức bình thường thôi )
(PC Bang (PC방) luôn là một trong những địa chỉ tạm trú tin cậy cho sinh viên vào mỗi mùa đăng ký- Nguồn video : 네이버 웹툰 )
2. Làm bài tập nhóm có dễ ăn điểm hơn bài tập cá nhân?
(Một trích đoạn trong phim “Cheese in the trap” - Nguồn video : 샾잉#ing)
Khi xem đoạn phim trên chắc hẳn nhiều bạn đọc của Korea in our stories cũng bắt gặp đâu đó hình ảnh của chính mình hay những tình huống “dở khóc dở cười” mỗi lần phải hoàn thành bài tập nhóm theo yêu cầu của giáo viên bộ môn. Thực tế trong hai năm mình học tập ở Hàn Quốc thì đây là một dạng bài tập điển hình cũng là cách kiểm tra đánh giá thường được giáo viên áp dụng trong tất cả các môn học. Tức bất kể đặc thù tính chất các môn hay phương thức giảng dạy của mỗi giáo viên đều khác nhau chăng nữa thì trong cả một học kỳ các bài tập theo nhóm luôn được giáo viên đưa ra dưới nhiều hình thức (thuyết trình, viết báo cáo, quay phim, làm báo tường vv...vv...) cùng với thang đánh giá tính điểm từ mức độ thấp đến cao (không ít những bài tập sẽ được tính vào hệ điểm tích lũy của môn đó tương đương như một bài kiểm tra giữa kỳ). Trong tiếng Hàn thường gọi việc làm bài tập nhóm là팀플 – một cách nói rút gọn của팀 프로젝트/ 팀 플레이 (hoặc bằng cách gọi khác là 조별 과제 ), và để tránh việc sinh viên tự chọn nhóm theo ý thích cá nhân thì giáo viên sẽ ưu tiên việc tự mình chỉ định sắp xếp thành viên của từng nhóm hơn. Vì thế chỉ cần nhìn vào cách một nhóm làm việc chung với nhau ra sao cũng đủ dự báo trước cho bản thân bạn thấy rằng bài tập của nhóm mình có bao phần trăm cơ hội đạt điểm cao hay kết quả thu lại chỉ là con số không tròn trĩnh.
(Nguồn ảnh : Trích từ một phân cảnh trong bộ phim “Cheese in the trap”)
Giống như cô nàng Hong Seol trong “Cheese in the trap” thời còn đi học mình cũng từng nhiều lần phải đối mặt với những vấn đề đầy nhức nhối khi làm bài tập nhóm, từ việc bị cô lập không có tiếng nói chung với các thành viên trong nhóm, bất đồng quan điểm trong cách triển khai nội dung , đến việc phải gánh các phần việc của các thành viên khác vv...vv.... Lần ám ảnh nhất trong đời du học sinh của mình là khi làm bài tập cho môn 한국어글쓰기의 기초, mình được cô giáo phân vào nhóm toàn các bạn Trung Quốc để làm báo tường về các hoạt động giải trí được sinh viên yêu thích. Từ việc triển khai ý tưởng đến phân công phần nội dung cho từng thành viên phụ trách mình đều không thể tham gia đóng góp ý kiến vì tất cả đều được trao đổi bằng tiếng Trung thay vì tiếng Hàn, và ý kiến của 4/5 người thống nhất tự động được xem là kết quả thảo luận chung mà mình buộc phải tuân theo trước khi có thể đưa ra bất cứ quan điểm trái ngược nào. Nhưng điều tệ nhất không dừng lại ở đó mà xuyên suốt quá trình chúng mình hoàn thành bài tập các thành viên trong nhóm cũng chưa bao giờ ngồi lại với nhau để trao đổi về tiến độ công việc, phần trang trí báo tường cũng được làm việc đôc lập theo cách thức truyền tay đến từng cá nhân để tự mỗi người trang trí phần nội dung mình đang phụ trách. Thậm chí buổi thuyết trình trước lớp cũng không hề có sự chuẩn bị nào trước đó mà mỗi người sẽ tự lên thuyết trình và trả lời câu hỏi mà giáo viên đưa ra về phần nội dung của mình, cảm giác không khác nào đang làm bài tập cá nhân là mấy. Và vì thiếu sự liên kết ngay từ đầu nên đến buổi thuyết trình hôm đó chúng mình mới phát hiện ra khá nhiều nội dung bị lỗi ở sản phẩm đã làm tay kéo theo phần nói cũng không mấy suôn sẻ, và tất nhiên với cách làm việc nhóm như vậy thì bản thân mình cũng không thể hy vọng sẽ nhận được điểm số cao cho bài tập môn đó được. Qua việc chia sẻ lại trải nghiệm không mấy tích cực này mình muốn chỉ ra cho bạn thấy rằng thực tế dù với du học sinh nói riêng hay sinh viên Hàn Quốc nói chung cũng gặp không ít những khó khăn trong chuyện học tập cũng như để luôn duy trì một thứ hạng cao hay điểm số tốt trong môi trường đầy tính cạnh tranh càng cần đến rất nhiều nỗ lực.
(Dựa vào kết quả bài trắc nghiệm MBTI ( một phương pháp sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm tâm lý để tìm hiểu tâm lý, tính cách cũng như cách con người nhận thức một vấn đề) người ta đã phân ra 16 nhóm tính cách tương ứng cho 16 kiểu người đặc trưng thường gặp khi tham gia vào các bài tập nhóm. Để biết cách gọi, đặc điểm của mỗi nhóm tính cách trong tiếng Hàn là gì cũng như bản thân bạn đang thuộc vào nhóm nào thì cùng K.I.O.S xem video trên đây nhé)
3. Thời trang học đường không ngừng cập nhật theo xu hướng mới nhất
Quay ngược trở lại 5-6 năm trước hồi mình còn là sinh viên năm nhất năm hai để bắt gặp hình ảnh nam sinh trong những chiếc áo khoác măng tô dáng dài hay biết cách mix&match các bộ đồ nhìn có gu thẩm mĩ như các diễn viên trong phim gần như không có, cụm từ “mặc đẹp” dường như vẫn là khái niệm xa lạ mơ hồ với sinh viên chúng mình ngày ấy. Thế nhưng chính các loại item mình đã luôn mặc định trong đầu rằng “Chắc chỉ thấy xuất hiện trên phim ảnh thôi” thì thực tế ở Hàn không phải một mà tất cả mọi người cũng đều có thể “hô biến” chúng thành những bộ outfit đời thường đẹp mắt. Hay chỉ cần gõ các từ khóa tìm kiếm như “개강룩필수템”, “신입생룩”, “대학생 기본템” chúng mình cũng có ngay hàng loạt những gợi ý xịn xò về trang phục học đường đang đi đầu xu hướng và được các bạn trẻ yêu thích. Điều này phần nào đã nói lên sự đề cao cái đẹp trong mắt người Hàn, rằng cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì xuất hiện với vẻ bề ngoài chỉnh chu là cực kỳ quan trọng. Có hai đặc trưng trong thói quen ăn mặc của người Hàn dễ dàng nhận thấy đó là:
- Bắt trend : Thường chỉ cần một bộ phim nào đang hot thì bất cứ trang phục, phụ kiện, kiểu tóc, mỹ phẩm được nam nữ chính sử dụng trong phim cũng lập tức tạo thành xu hướng mới không thể bỏ qua với các bạn trẻ. Như trong giai đoạn đầu mình sang Hàn du học thì “She was pretty” đang là một cái tên được nhắc đến nhiều nhất bấy giờ, nên không khó để bắt gặp trên đường những bạn nữ để kiểu tóc pixie cột mác nhân vật Ha Ri (do nữ diễn viên Goo Joon Hee thủ vai) hoặc những cách mix layering mới mẻ trong phim cũng được ứng dụng ra ngoài thực tế nhiều vô kể như mix áo len hai dây bên ngoài áo tay lỡ v.v... Hay khi nhắc đến “Golbin” năm 2017 nhờ hiệu ứng của cô nàng Ji Eun Tak (Kim Go Eun thủ vai) mà cây son thuộc dòng L'Absolu Rouge của Lancome màu 264 hồng đất nude trở thành một trong những màu son hot trend của năm đó, thậm chí hashtag tiếng Hàn “김고은 마른 장미 립스틱” cũng được cộng đồng mạng check-in liên tục trên instagram, hoặc nhắc đến chàng yêu tinh Gong Yoo thì kiểu tóc rẽ ngôi mái xoăn cùng cách phối hàng loạt kiểu trendcoat thời thượng cũng trở nên thịnh hành không kém với các nam sinh Hàn Quốc bấy giờ. Tuy nhiên việc chạy theo xu hướng như vậy cũng có điểm trừ là làm mất tính đa đạng cũng như cá tính riêng của từng cá thể khi mà 9/10 người bạn bắt gặp ngoài đường đều y chang nhau trong cùng một phong cách.
( Không chỉ lăng xê cho kiểu tóc pixie cô nàng Min Ha Ri trong “She was pretty”còn gây ấn tượng với gu thời trang cá tính, đặc biệt cách mix phụ kiện độc đáo như vòng cổ choker, khuyên tai statement. khăn lụa vv...vv.... cũng trở thành “must-have items” không thể thiếu trong tủ đồ của bất cứ bạn gái Hàn Quốc nào )
(Kiểu tóc Pixie Go Joon Hee trở thành xu hướng hot nhất giai đoạn phim “She was pretty” lên sóng tại Hàn Quốc năm 2015)
(Hay với các tín đồ yêu làm đẹp thì càng không thể bỏ qua các loại mỹ phẩm được pr trong những bộ phim đình đám, như thỏi son nhà Lancome mà nữ diễn viên Kim Go Eun dùng trong phim “Golbin” cũng từng là hot item dậy sóng một thời tại Hàn)
- Phá bỏ mọi quy tắc : Nếu bạn từng có suy nghĩ như “con trai ai lại mặc màu hồng” hay “đã đi dép lại còn đi tất cao cổ” thì ở Hàn những điều tưởng chừng tối kị này lại hết sức bình thường trong mắt mọi người. Mình từng không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp cô bạn du học sinh Nhật mỗi ngày đến trường lại cosplay trong hình dáng một nhân vật khác nhau hay trước những kiểu phối đồ “kỳ dị” chưa từng nghĩ có thể mặc được ra đường, nhưng khác với suy nghĩ của đa số chúng mình về việc sợ bị người khác đánh giá không hay nếu cố ăn mặc ngược lại với số đông thì thực tế người Hàn lại không quá để tâm đến vấn đề này . Học tập và trải nghiệm cuộc sống của một du học sinh không chỉ mang đến cho mình những thói quen mới mà còn thay đổi cả lối tư duy “giới hạn” trước đó của mình về thời trang rằng sẽ không ai khác ngoài bạn mới tạo ra ranh giới mới cho riêng mình.
(Điểm qua một số bộ outfit đặc trưng của cô nàng Hong Seol trong “Cheese in the trap” - Nguồn video : 샾잉#ing )
(Bộ phim “My ID is Gangnam Beauty” chuyển thể từ webtoon nổi tiếng cùng tên của tác giả Gi Maeng Gi, lấy bối cảnh cuộc sống của sinh viên năm nhất đại học cũng mang đến nhiều sự gợi ý hữu ích cho chúng mình lắm đó)
(Những loại item cùng kiểu mix&match nằm trong “danh sách đen” của các bạn sinh viên Hàn Quốc - Nguồn video : 이십세들 )
4. Tình yêu thời sinh viên có đẹp như mơ?
Sẽ thật thiếu sót nếu kể về đời sống sinh viên mà không có những câu chuyện tình yêu ngọt ngào phải không nào? Chúng mình đã quá quen với mô- tip của các bộ phim thanh xuân vườn trường khi nam chính phải lòng nữ chính từ cái nhìn đầu tiên nhưng thực tế để có một tình yêu đẹp như mơ trong những năm tháng học đại học có thực sự phổ biến đến thế? Trong tiếng Hàn có riêng cụm từ CC (viết tắt của Campus Couple - 캠퍼스 커플 ) để chỉ những người yêu nhau trong cùng trường đại học, họ có thể quen nhau do cùng học chung một khoa, sinh hoạt chung một câu lạc bộ hay qua các hoạt động ngoại khóa mà trường tổ chức vv...vv... Vì cùng chung một môi trường học tập nên đối với các cặp đôi CC thì toàn bộ thời gian trên trường lớp cũng có thể coi là một buổi hẹn hò bình thường, bởi còn gì tuyệt vời hơn khi bất kể là làm việc gì trong ngày dù học hay chơi thì cả hai đều dễ dàng cùng nhau trải nghiệm nếu muốn. Nhưng thường xuyên gặp nhau cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự “cả thèm chóng chán” trong việc duy trì một mối quan hệ lâu dài, chưa kể không ít các vấn đề bất cập khác kéo theo như mất đi không gian riêng tư cho bản thân khi lúc nào cũng cần ưu tiên người yêu lên trước, rồi các mối quan hệ bạn bè vì thế cũng dần bị thu hẹp lại và giả như đôi bên có xảy ra mâu thuẫn chiến tranh lạnh, hay tệ hơn là chia tay thì càng khó xử hơn nếu lỡ phải chạm mặt trên trường. Đặc biệt qua chia sẻ của một vài người bạn Hàn mình quen biết thì có cả trường hợp trước khi trở thành một CC họ phát triển tình cảm từ mối quan hệ bạn bè trong một nhóm nhỏ chơi thân với nhau, và việc đường ai nấy đi này cũng là nguy cơ dẫn đến sự tan rã của cả nhóm khi mà tính gắn kết ngày nào không thể trở lại như trước kia được nữa.
(Chuyện tình yêu lãng mạn mà bất cứ sinh viên nào cũng muốn- Nguồn video : tvN DRAMA )
(Thực tế CC có đẹp như trên phim)
5. Các hoạt động ngoại khóa gắn kết tình cảm
Có lẽ nhiều bạn đọc của Korea in our stories đã không còn lạ lẫm gì với những thuật ngữ như OT (orientation training - đào tạo định hướng) hay MT (membership training) khi tìm hiểu về văn hóa học đường ở Hàn Quốc nữa. Đây là một trong những hoạt động luôn được sinh viên chờ đón bởi không chỉ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu gắn kết tình cảm mà qua đó còn biết thêm nhiều thông tin hữu ích từ chuyện trường lớp đến những bí mật ngoài lề được truyền tai nhau, phần nào đã giúp cho cuộc sống sinh viên “dễ thở” hơn bao nhiêu.
Nói cụ thể hơn về những đặc trưng của các hoạt động ngoại khóa này thì trước hết OT là buổi đào tạo định hướng giúp các sinh viên năm nhất thích nghi với môi trường đại học một cách nhanh chóng, bằng việc cung cấp những thông tin cơ bản cần thiết từ quy định liên quan đến nhập học- nghỉ học, cách thức đăng ký môn học cho đến tìm hiểu về chuyên ngành hay các phương pháp học tập hữu ích vv...vv....Ngoài sự tham gia của các anh chị khóa trên – người không ngại chia sẻ cho chúng mình những kinh nghiệm “xương máu” cả trong chuyện học tập lẫn các vấn đề xoay quanh cuộc sống sinh viên, thì OT còn có sự góp mặt của các thầy cô mà thông qua những phương hướng giảng dạy họ đưa ra trong buổi định hướng này sẽ giúp ích đáng kể cho các bạn tân sinh viên trong việc lập kế hoạch học tập và thời gian biểu thật tốt trước khi chính thức bước vào kỳ học mới.
(자기소개 - Giới thiệu bản thân là hoạt động không thể thiếu được trong mỗi buổi OT)
(Hay cuộc thi tài về tửu lượng cho những tân sinh viên cũng được miêu tả hết sức chân thật - Nguồn ảnh : Trích từ một phân cảnh trong bộ phim “My ID is Gangnam Beauty” )
(Những câu chuyện to nhỏ từ học tập đến đời tư của các bạn trẻ cũng từ đây mà ra -
Nguồn ảnh : mtv.jtbc.joins.com)
(Những phân cảnh chân thực miêu tả về một buổi OT khoa Hóa trường đại học Hanguk trong phim “My ID is Gangnam Beauty” , nhìn vào đây người xem cũng cảm nhận được sự gắn kết gần gũi giữa các tân sinh viên và tiền bối trong khoa phải không nào?)
Chưa kể thông qua buổi OT bạn còn biết thêm về các nhóm học (스터디) hay câu lạc bộ (동아리) hay ho trong khoa, trường. Bởi dù sao việc học tập và sinh hoạt một mình trong một môi trường mới dễ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, chán nản thậm chí không ít lần muốn bỏ cuộc giữa chừng nên biết đâu việc tham gia vào các nhóm học hay câu lạc bộ như vậy có thể vực dậy tinh thần bạn tốt hơn. Bật mí một chút là các câu lạc bộ trong trường đại học ở Hàn Quốc cũng vô cùng đa dạng, phù hợp với nhiều sở thích cũng như nhóm đối tượng khác nhau để bạn tha hồ lựa chọn từ các CLB về âm nhạc như ca hát, nhảy múa, chơi nhạc cụ đến CLB thể thao như bowling, leo núi, đấu kiếm hay cũng không ít các CLB học thuật chuyên môn nếu bạn muốn trau dồi thêm vốn hiểu biết của bản thân vv...vv.... Thông qua các nhóm/câu lạc bộ này chúng mình có thể khám phá thêm nhiều điều mới mẻ về bản thân hay bổ sung những kỹ năng còn thiếu sót để làm dày thêm hành trang khi bước vào đời^^
Và nếu muốn hình dung rõ hơn về các buổi OT thực tế trong các trường đại học ở Hàn Quốc thì chỉ cần gõ tìm kiếm từ khóa này ngay trên youtube bạn cũng có ngay hàng loạt các vlog trải nghiệm thực tế được hội sinh viên hay các bạn youtuber trực tiếp ghi hình lại.
(Vlog buổi OT thực tế của khoa Tâm lý học trường ĐH Gyeong Sang được diễn ra trong không khí ấm cúng tại lớp học do Hội sinh viên của khoa quay lại)
So với OT quy mô của những buổi MT (membership training) lại nhỏ hơn, có thể là các sinh viên của một khoa hay một câu lạc bộ nào đó tự đứng ra tổ chức. Mục đích của MT cũng không phải là đi du lịch check-in sống ảo, mà thông qua chuyến đi ngắn ngày này giúp tăng cường mối quan hệ giữa các thành viên trong một tập thể hay là cơ hội cho các tân sinh viên có thể gần gũi thân thiết hơn với các anh chị khóa trên và các bạn cùng khoa cũng là một cách xây dựng các mối quan hệ tốt trong những năm tháng đại học. Cùng tham gia các trò chơi thi đấu thể thao, tổ chức ăn uống và nhậu tới bến đều là những hoạt động không thể thiếu của MT, khi tất cả đều bỏ qua những bỡ ngỡ ban đầu để cùng hòa mình vào không khí tập thể làm nên những kỷ niệm đáng nhớ của thời sinh viên. Và cũng có không ít mối tình đẹp đã xuất phát từ những buổi đi chơi chung thế này đấy.
(Những cuộc nhậu không hồi kết là hình ảnh quen thuộc trong các buổi MT của sinh viên từ xưa đến nay ở Hàn Quốc cũng được tái hiện trong tập 3 Reply 1994 – một bộ phim miêu tả rõ nét những năm tháng học trò tinh quái nhưng cũng vô cùng hồn nhiên và trong sáng - Nguồn ảnh : 머니투데이 )
(Nguồn: Tổng hợp video từ kênh 치대생짜몽jjamong )
Các buổi OT hay MT thường không bắt buộc trong các trường đại học ở Hàn bạn có thể đi hoặc không tùy ý muốn của mình. Tuy nhiên các hoạt động ngoại khóa này không chỉ mang đến rất nhiều thông tin bổ ích cho chúng mình mà còn là một trong những dịp hiếm hoi giúp gắn kết những con người xa lạ lại gần nhau hơn, nên nếu có thể thì việc tham gia cũng rất tốt phải không nào? Bên cạnh những mặt tích cực mà nó mang lại thì cũng không hiếm những trường hợp coi MT không khác gì một nỗi ám ảnh thường trực. Bởi rượu và các trò chơi với rượu là một phần không thể thiếu khi tổ chức các hoạt động như thế này, nên đối với những người tửu lượng không tốt hoặc ngay cả khi họ không muốn tham gia nhưng vì để tránh gây ấn tượng xấu trong mắt các tiền bối cũng như không phá hỏng bầu không khí của buổi đi chơi thì họ vẫn buộc phải ép mình uống theo yêu cầu đưa ra. Và tất nhiên sẽ không ai muốn khi nhắc đến ký ức về chuyến MT đầu tiên của thời đại học lại chẳng có gì khác đọng lại ngoài hình ảnh bản thân say khướt bên cạnh những đống lon chai chất đầy xung quanh. Vậy nên để giữ được giá trị lành mạnh trong văn hóa OT/MT này thì việc lên kế hoạch tổ chức chương trình cũng khá quan trọng.
Tại các trường đại học ở Việt Nam, các Oriention week - tuần lễ định hướng dành cho các tân sinh viên cũng khá phổ biến với nhiều hoạt động thú vị, nội dung chính trong các buổi định hướng này cũng xoay quanh các vấn đề về học tập giúp sinh viên hiểu rõ được lộ trình học tập trong bốn năm đại học. Tuy nhiên khác với Hàn Quốc, hình thức MT tại Việt Nam còn khá hiếm hoặc nếu có cũng thường là những lần du lịch tự phát do các sinh viên cùng ngành hoặc cùng khoa tự đứng ra tổ chức, không được lên kế hoạch và có sự chỉ đạo bài bản từ các thầy cô trong khoa. Vì những lợi ích cũng như niềm vui mà nó mang lại nên chúng mình mong rằng trong tương lai gần các trường đại học sẽ tham khảo về mô hình này và lên kế hoạch tổ chức các hoạt động như thế nhiều hơn để tạo cơ hội gắn kết giữa các sinh viên lại với nhau cũng như giúp chúng mình có thêm nhiều trải nghiệm ý nghĩa khi còn ngồi trên ghế nhà trường nữa nhé.
(Buổi OT của trường UEF – Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018 - Nguồn ảnh : uef.edu.vn )
6. Nhà trọ hay kí túc xá mới là lựa chọn đúng đắn?
Chỗ ở luôn là một nỗi lo hàng đầu của sinh viên khi bắt đầu cuộc sống đại học trong một môi trường sống mới. Ở Hàn Quốc có hai loại hình quen thuộc nhất là nhà trọ (자취집) và ký túc xá sinh viên (기숙사). Nếu đặt câu hỏi giữa nhà trọ và ký túc xá đâu là lựa chọn tối ưu hơn thì hẳn nhiều người sẽ chọn nhà trọ bởi những lý do điển hình như : không bị phụ huynh rầy la hay quản thúc về mặt thời gian, được tự do làm bất cứ điều gì mà mình muốn hay đơn giản như việc tụ tập bạn bè cùng nấu nướng ăn uống quậy phá đến khuya cũng không cần phải dè chừng nữa vv...vv... Tuy nhiên việc tìm được một nhà trọ gần trường tiện đi lại, không những đẹp về mặt hình thức mà còn phù hợp với túi tiền của bản thân thì dẫu với du học sinh hay sinh viên Hàn Quốc cũng đều không dễ dàng chút nào. Chưa kể những vấn đề phát sinh trong quá trình ở như thiết bị đồ đạc hỏng hóc mà không thể tự mình sửa chữa hay những khi ốm đau không có người nhà chăm sóc, đặc biệt liệu khu mình đang ở có thực sự đảm bảo về an ninh hay không vv...vv... thì đây đều là một trong vô vàn nỗi lo chung mà sinh viên thuê trọ nào cũng phải trải qua.
(Những căn phòng nhỏ one room vận dụng tối đa không gian để ngủ và học tập được các bạn Hàn Quốc ưu tiên hơn cả, và thật tuyệt nếu có thêm cả cửa sổ để đón ánh sáng nữa)
(Ngoài ra bạn có thể ở cùng nhiều người khác để chia sẻ phần nào chi phí thuê nhà như các cô gái trong “Age of youth” này, tuy nhiên một căn phòng đẹp và tiện nghi như thế này với mức giá hợp lý liệu có phải chỉ có trong phim? - Nguồn ảnh : Pinterest.com )
(Có không ít những vấn đề sẽ phải đối mặt khi ở trọ một mình, nhất là mức độ an toàn khu thuê trọ luôn là mối bận tâm hàng đầu với các sinh viên nữ Hàn Quốc - Nguồn: Tổng hợp video phỏng vấn từ kênh 이십세들)
Còn nếu là một người ưu cuộc sống sinh hoạt tập thể, thích được kết bạn và tha hồ tán gẫu thì ký túc xá chính là sự lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn. Không đâu gần trường hơn như khi bạn ở đây nên chẳng cần phải lo lắng quá nhiều đến việc trễ giờ hay chen chúc đi lại trên tàu địa ngầm mỗi ngày. Và nếu có theo dõi bài viết về cuộc sống sinh hoạt trong ký túc xá từng lên sóng trước đây trên chuyên mục “Nhật ký du học” của Korea in our stories thì bạn cũng phần nào hình dung được sự tiện nghi hiện đại cả về mặt cơ sở vật chất lẫn những điểm cộng trong đời sống tinh thần mà chỉ có môi trường tập thể như ký túc xá mới đem lại mà thôi. Chưa kể như với ký túc xá nữ của BUFS (Busan University of Foreign Studies) mình từng ở trong hai năm tại Hàn thì phòng dành cho sinh viên nước ngoài với sinh viên Hàn Quốc sẽ có một chút khác biệt nho nhỏ cả về diện tích lẫn mức chi phí phải chi trả mỗi kỳ, nên chính sự khác biệt này cũng đủ nói lên mức độ ưu tiên về chất lượng không gian sống dành cho sinh viên bản địa phải không nào?
(Ký túc xá sinh viên gọn gàng xinh xắn hai người một phòng trong bộ phim Law school -
Nguồn ảnh : Biphimz.tv )
(Một phòng điển hình trong ký túc xá thực tế của trường đại học Chungang -
Nguồn ảnh : blog.naver.com )
Tuy nhiên điểm trừ lớn nhất của ký túc xá nằm ở quy định về giờ giới nghiêm mà bất kể sinh viên nào cũng buộc phải tuân theo, nên đây luôn là bất cập lớn với những bạn thường phải làm thêm ca tối. Ngoài ra với những ai yêu thích không gian riêng tư thì cũng cần một khoảng thời gian nhất định để tập thích nghi với sự thay đổi trong cách thức sinh hoạt tại ký túc xá nữa. Dẫu vậy dựa trên trải nghiệm cá nhân của mình thì đây vẫn là một lựa chọn đáng thử mà không chỉ giúp bạn tiết kiệm về mặt chi phí hơn so với thuê trọ bên ngoài qua đó còn nâng cao tinh thần cạnh tranh học tập cũng như gắn kết tình cảm giữa bạn bè đồng trang lứa, nhất là với những du học sinh chỉ vừa “chân ướt chân ráo” sang Hàn chưa có nhiều kinh nghiệm sống tại môi trường mới với không ít sự khác biệt cả về ngôn ngữ lẫn văn hóa.
________________________
Các bộ phim Hàn gần đây ngày càng “đời” hơn, vì thế mà giữa phim và đời thường không có quá nhiều sự khác biệt. Giờ đây thông qua phim ảnh bạn hoàn toàn có thể dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu về văn hóa Hàn Quốc, vậy thì tại sao không nhân lúc chúng ta đều đang học tập và làm việc tại nhà trong tình hình giãn cách xã hội hiện tại thử dành thời gian tìm hiểu văn hóa học đường qua các bộ phim thanh xuân vườn trường mà Korea in our stories đã giới thiệu ở trên đây thôi nào. Chúng mình tin những chia sẻ thiết thực này sẽ là hành trang hữu ích cho các bạn du học sinh đang chuẩn bị bước vào cánh cổng đại học tại Hàn Quốc đó.
Comments