top of page
Writer's pictureKoreainourstories

DU HỌC VÀ NHỮNG CHUYỆN CHƯA TỪNG ĐƯỢC KỂ

Updated: Sep 6, 2022

Một trong những câu hỏi mình thường nhận được nhiều nhất, cũng là nỗi niềm trăn trở hàng đầu của không ít bạn đã đang cân nhắc về định hướng con đường học hành của bản thân rằng “Có nên hay không nên đi du học?”. Cá nhân mình cũng đã từng trải qua giai đoạn tương tự như vậy khi phải đứng trước sự lựa chọn giữa đi hay ở mà không xác định được đâu mới là ngã rẽ tiếp theo cho cuộc đời mình. Và kể từ giây phút đưa ra quyết định du học cho đến nay cũng đã năm năm trôi qua nhưng mình chưa từng một lần hối hận về lựa chọn của ngày đó. Bởi vậy thay vì đưa bạn một đáp án chính xác về câu hỏi bỏ ngỏ phần mở đầu thì trong bài viết này mình chỉ xin được kể lại vài câu chuyện nho nhỏ về hành trình hai năm đã đi qua – những điều mình luôn giấu kín hoặc chưa từng có cơ hội được giãi bày để ít nhất nó có thể là một sự cân nhắc hữu ích giúp bạn tìm ra được câu trả lời cho riêng mình.

Câu chuyện mở đầu : Ngôn ngữ không phải là rào cản duy nhất sẽ phải đối mặt nhưng lại đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực mới có thể vượt qua

Có thể so với bạn bè cùng khóa ngày ấy mình đã bắt đầu học tiếng Hàn từ rất sớm, thậm chí còn trước khi mình biết được bản thân có đủ điều kiện để được xét vào ngành Hàn Quốc học hay không. Thành ra khi chương trình học tại trường sau hai năm đầu chỉ mới dừng lại ở trung cấp một thì mình đã học gần hết trình độ trung cấp hai rồi. Mình những tưởng với khả năng tiếng như trên có thể giúp mình dễ dàng thích ứng ngay với môi trường mới nhưng thực tế mọi thứ đều đi ngược lại hoàn toàn với hình dung ban đầu. Những ngày đầu tiên đặt chân đến Hàn mình luôn trong trạng thái căng thẳng lo sợ mỗi khi phải ra đường bởi dù cố gắng đến đâu mình cũng chỉ nghe hiểu được 50% những gì người Hàn đang nói, chưa kể phản xạ của mình chậm đến mức mỗi lần muốn bật ra thành câu hoàn chỉnh cũng mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa vì là sinh viên hệ trao đổi nên ngay khi nhập học mình đã vào thẳng luôn chương trình học tương đương năm ba đại học nên mức độ yêu cầu mà giáo viên đặt ra trong phạm vi của môn học đó không còn chỉ dừng lại ở sơ cấp đơn thuần nữa, cộng thêm sự cạnh tranh gay gắt trong môi trường giáo dục của Hàn Quốc nhất là ai nấy năng lực cũng đều vượt trội như nhau càng làm mình muốn phát khóc vì sự yếu kém của bản thân. Một ký ức tồi tệ nhất mà mình không bao giờ quên khi mà mình gặp lại người thầy đầu tiên dạy mình hồi còn ở Việt Nam ngay tại viện đào tạo tiếng của trường nhưng thay vì trò chuyện hỏi thăm về nhau mình lại không cách nào có thể trực tiếp đối diện với thầy, chỉ bởi mình sợ phải bắt gặp sự thất vọng trong ánh mắt thầy dù mình hiểu không ai khác ngoài bản thân mình mới là nguyên do cho những áp lực vô hình đang đè nặng trong tâm tưởng. Giai đoạn khó khăn này phải kéo dài trong suốt vài tháng cho đến khi mình tự nhận thấy không thể tiếp tục để tình trạng trầm trọng thêm nữa, tức nếu đã biết điểm yếu của bản thân nằm ở đâu thì mình cần đứng lên sửa chữa nó ngay lập tức. Việc thừa nhận đã khó thì làm thế nào để thay đổi cái gọi là thói quen trong sự hình thành tư duy học ngoại ngữ quả thực càng không dễ dàng gì nếu như không giữ được sự kiên định đến cùng.


Câu chuyện thứ hai : Chấp nhận đối mặt với định kiến hay chọn cách thỏa hiệp

Nếu những khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa, tài chính đều có thể được kiểm soát trong khả năng của chúng mình, cụ thể như rào cản ngôn ngữ hoàn toàn sẽ cải thiện được thông qua việc tích cực giao lưu kết bạn với người bản xứ hay để gỡ giải những vướng mắc về mặt tài chính thì chỉ cần biết cách quản lý chi tiêu một cách khoa học, tìm kiếm công việc làm thêm phù hợp hoặc apply học bổng hỗ trợ một phần chi phí học tập và sinh hoạt vv..vv.....thì việc đối mặt với định kiến không đơn thuần chỉ bằng nỗ lực là có thể thay đổi được sự ác cảm đã mặc định trong suy nghĩ của người khác về mình. Hàng ngày chúng mình đã quá quen với những tin tức như bạo hành trong gia đình cô dâu Việt rồi du học sinh bỏ trốn khỏi trường để làm lao động bất hợp pháp nên cá nhân mình cũng ý thức được rằng lý do bắt nguồn từ đâu họ có sự thành kiến như vậy dành cho người Việt và tại sao chỉ cần một cá nhân phạm sai lầm ngay lập tức sẽ bị đánh đồng về mặt phẩm chất của cả một dân tộc. Nhiều lúc mình cũng không tránh khỏi cảm giác bất lực khi phải chịu đựng sự phân biệt đối xử ngay cả trong phạm vị thu nhỏ của lớp học chỉ vì mình đến từ một đất nước “không giàu”. Nhưng nếu không một lần trở thành nạn nhân của định kiến có lẽ mình sẽ chẳng thể nhận ra được rằng mọi thứ trên đời này không phải lúc nào cũng phân định rạch ròi thành đúng – sai, tốt – xấu và liệu khi thiếu đi sự giác ngộ này mình có còn là mình của ngày hôm nay? Còn nếu bạn đang tự hỏi sống trong môi trường khắc nghiệt như vậy sẽ phải học cách đối mặt ra sao thì mình chỉ muốn nhắc bạn nhớ một điều rằng để đổi lấy sự tôn trọng và công nhận của bất cứ cá nhân nào hoặc rộng hơn là của cả một cộng đồng thì điều quan trọng trước hết là mỗi người trong số chúng mình cần tìm ra và gìn giữ được tiếng nói cũng như bản sắc riêng trong tâm hồn mình.


Câu chuyện thứ ba : Nỗi nhớ không bộc lộ đâu có nghĩa là nó không tồn tại

Có lẽ trong số bạn bè cùng đi du học với mình năm đó thì mình là người ít khi liên lạc cho gia đình nhất. Mình không ngày ngày túc trực điện thoại hay tin nhắn của ba mẹ có khi cả tháng cũng chỉ nói chuyện cùng nhau hai đến ba lần hay Tết năm 2016 cũng là cái tết đầu tiên mình không về nhà. Nhìn bên ngoài mọi người sẽ dễ hiểu lầm mình có vẻ sống vô tâm, lãnh cảm nhưng thực ra mình vốn không giỏi bộc lộ cảm xúc cá nhân một cách trực tiếp nên thường chọn cách giấu kín tâm tư vào trong lòng hoặc không thì dùng con chữ để thay lời muốn nói. Mình đã từng muốn bỏ lại hết tất cả để quay trở về Việt Nam hay chưa? Mình có. Mình đã từng khát khao gặp người mình thầm thương chỉ để một lần được bày tỏ tấm chân tình thay vì lặng nhìn mối quan hệ dần chết mòn trong sự xa cách về mặt địa lý và thời gian? Mình có. Mình đã từng muốn trao cho cô bạn thân một cái ôm ấm nóng để bạn biết rằng bạn không hề đơn độc trên bước đường khó khăn đi tìm bản ngã đích thực của riêng mình nhưng tất cả những gì mình có thể làm lại chỉ là đôi ba lời động viên sáo rỗng gửi vội qua hộp thư thoại? Mình có. Những điều kể trên đây nếu như không xuất phát từ nỗi nhớ mong thì liệu còn có thể gọi tên chính xác bằng một danh xưng nào nữa.


Câu chuyện thứ tư : “Không có gánh nặng về tài chính” cũng là một loại áp lực

Một trong những may mắn lớn nhất của mình khi quyết định đi du học là được ba mẹ hỗ trợ 100% về tài chính bao gồm chi phí sinh hoạt và học phí trong suốt hai năm, vì thế mình không có áp lực về việc bắt buộc phải đi làm thêm như đa số các bạn du học sinh khác. Nhưng có hẳn 24/7 mình đều cảm thấy thoải mái khi không còn vướng bận chuyện tiền bạc nữa hay không? Câu trả lời là không. Một trong những lý do ba mẹ cho mình sự đủ đầy về vật chất cũng vì muốn mình dành hết thời gian cũng như công sức để tập trung cho học tập nhưng một sự thật đáng buồn là không phải lúc nào mình cũng có thể làm tốt đúng như sự kỳ vọng của ba mẹ. Có những lúc mình không tìm được niềm vui trong mỗi giờ lên lớp, mình mệt mỏi chán chường mỗi khi nghĩ đến các kỳ thi kéo dài hay luôn phải duy trì thành tích ở thứ hạng cao rồi nhất là ba tháng cuối cùng trước khi tốt nghiệp mình luôn trong trạng thái hoang mang về hướng đi tiếp theo của bản thân rằng nên tiếp tục bước tiếp hay dừng lại. Mình không ngừng suy nghĩ tiêu cực mỗi khi mắc phải một sai phạm nào đó dù là nhỏ nhất thôi rằng phải chăng mình có đang lãng phí từng đồng tiền của ba mẹ đã đang bỏ ra vì mình hay không. Vậy nên ngay cả khi có hay không có áp lực tài chính cũng không lấy gì đảm bảo được bạn sẽ không phải đối mặt với những vấn đề phát sinh phía sau do một trong hai điều trên mang lại. Tuy nhiên điều đó có để lại ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến cuộc sống cá nhân của chúng mình hay không thì lại phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ và cách nhìn nhận của mỗi người. Vì thế dù là ở câu chuyện về tài chính, khác biệt văn hóa- ngôn ngữ hay định kiến xã hội thì mình tin không ai khác ngoài bản thân bạn mới có quyền quyết định con đường đúng đắn cho riêng mình.

_____________________________

Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết này đã đưa đến cho các bạn một góc nhìn mới hơn về cuộc sống du học tại Hàn Quốc – nơi không chỉ vẽ lên những ước mơ màu hồng mà còn dạy chúng mình bài học trưởng thành để ngày càng hoàn thiện bản thân ở một phiên bản tốt hơn. Và dù cho lựa chọn sau cùng của bạn là gì thì hãy tin mọi chặng đường chúng ta đi qua đều có giá trị riêng của nó nhé~

57 views0 comments

Comentários


bottom of page