Trong suốt mấy năm gắn bó với công việc giảng dạy mình cũng nhận được rất nhiều những câu hỏi thắc mắc từ phía các bạn học viên xoanh quanh vấn đề “Cần thiết hay không việc tăng tương tác với giáo viên bản xứ trong quá trình học?”. Trước hết điều này xuất phát từ tâm lý hoàn toàn dễ hiểu của đại đa số những người đã đang hoặc có mong muốn học ngoại ngữ mà không chỉ riêng gì với tiếng Hàn khi cho rằng chỉ có học với người bản xứ mới là môi trường lý tưởng nhất giúp cải thiện khả năng phản xạ cũng như tư duy ngôn ngữ. Thành ra càng không có gì lạ khi đây luôn là mối quan tâm thường trực đồng thời được xem như yếu tố kiên quyết có thể ảnh hưởng đến cả chất lượng học tập của chúng mình. Cá nhân mình trước khi đứng trong vai trò như hiện nay thì ngay từ những bước đi chập chững đầu tiên đến với tiếng Hàn mình cũng may mắn có trải nghiệm thực tế được học song song cả giáo viên bản xứ lẫn giáo viên Việt, cụ thể ngoài khung chương trình đào tạo trong suốt hai năm đầu tại trường KHXH&NV Hà Nội dưới sự dìu dắt của các thầy cô bộ môn khoa Hàn Quốc học thì người thầy đầu tiên dạy mình tiếng Hàn sơ cấp chính là một giảng viên của trường đại học Ngoại ngữ Busan và sau này người kèm gia sư cho mình tới tận ngày mình đi du học lại là một giáo viên Việt Nam từng tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế tại đại học ChungAng Hàn Quốc. Vậy nên trong bài viết này mình không đưa ra quan điểm cá nhân trên cương vị của người đang trực tiếp làm công việc giảng dạy cũng không nhằm mục đích đặt hai nguồn học này lên bàn cân so sánh đâu mới là cái tốt hơn mà ở đây mình chỉ muốn bằng chính kinh nghiệm của người đi trước để đưa đến bạn đọc cái nhìn cụ thể hơn về một số yếu tố nên cân nhắc khi quyết định lựa chọn giáo viên sao cho phù hợp nhất với nhu cầu thiết yếu của mỗi người.
Hai câu hỏi đầu tiên bạn cần đặt ra cho mình đó là :
1. Mục đích học tiếng Hàn của bạn là gì?
Trước khi đến với tiếng Hàn mỗi người đều đặt ra những mục tiêu riêng cho bản thân cũng như để hiện thực hóa mục tiêu ấy sẽ có vô vàn những hướng đi khác nhau nên tùy vào từng đối tượng lại có sự khác biệt trong việc đưa ra lựa chọn học giáo viên nào mới thực sự phù hợp. Trong nội dung của phần một này mình sẽ chỉ tập trung vào phân tích hai nhóm đối tượng chính dưới đây :
- Người học tiếng Hàn giao tiếp
Ngay từ cái tên cũng thấy rõ mục tiêu quan trọng nhất cũng như kỹ năng cần được tập trung phát triển nhất ở nhóm đối tượng này là giao tiếp. Hạn chế của đa số người học tiếng Hàn hiện nay nằm nhiều ở phát âm và ngữ điệu như nói nuốt âm, không phân biệt được giữa phụ âm bật hơi và phụ âm căng, nói không có ngữ điệu nhấn nhá hay làm thế nào mới ghi nhớ và vận dụng chính xác hàng tá những quy tắc nối âm- biến âm vào đúng bối cảnh giao tiếp vv...vv.... cộng thêm thói quen tư duy bằng tiếng Việt trước khi hình thành câu dẫn đến việc vừa nghe- hiểu người bản xứ nói vừa diễn đạt trôi chảy được suy nghĩ của bản thân gặp không ít khó khăn. Nhưng tất cả vấn đề này đều dễ được giải quyết khi bạn học cùng giáo viên bản xứ với lợi thế về ngôn ngữ mà họ sẵn có. Hơn nữa khi học giao tiếp chúng mình không chỉ đơn thuần học cách vận dụng từ, biểu hiện hay ngữ pháp một cách thuần thục mà còn cần có những hiểu biết nhất định về sự khác biệt cơ bản trong văn hóa hai nước để tránh những tình huống hiểu lầm không đáng có có thể xảy ra trong quá trình giao tiếp thực tế bởi văn hóa và ngôn ngữ là hai thứ luôn gắn kết mật thiết với nhau. Ví dụ như người Việt mình thường rất thoải mái khi hỏi về những thông tin cá nhân riêng tư như tuổi tác, tiền lương hay tình trạng hôn nhân của người khác nhưng trong mắt người Hàn điều này lại gây mất thiện cảm thậm chí có thể coi là hành vi bất lịch sự. Vậy nên giáo viên bản xứ giống như cầu nối giúp bạn hiểu rõ hơn về văn hóa và con người nước họ để dễ dàng hội nhập tốt hơn khi học tập và làm việc trong môi trường quốc tế.
(Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
- Người học luyện thi chứng chỉ
Nếu tiếng Hàn giao tiếp hướng tới việc vận dụng tiếng Hàn như một công cụ giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày giúp tăng cường khả năng cũng như sự tự tin khi trò chuyện với người bản xứ thì với các kỳ thi chứng chỉ năng lực tiếng Hàn như TOPIK, KLAT, OPIC vv..vv... lại là hình thức kiểm tra trình độ hay đánh giá mức độ sử dụng thông thạo tiếng Hàn của bạn thông qua cả bốn kỹ năng cơ bản đọc-nghe-nói-viết. Như vậy giữa một bên mang tính ứng dụng với một bên nặng về lý thuyết thì yêu cầu về môi trường học tập cũng như khung chương trình giảng dạy sẽ có sự khác biệt lớn, và để đáp ứng tốt cả hai điều này thì giáo viên người Việt sẽ có ưu thế nhỉnh hơn một chút so với giáo viên bản xứ. Bởi về bản chất bên cạnh chuyện khả năng tiếng Hàn tốt hay không thì trong một bài thi còn kiểm tra cả năng lực tư duy làm bài của bạn, tức không phải cứ giao tiếp thành thạo ngoài thực tế thì bạn có thể hoàn thành các cấp độ của bài thi một cách dễ dàng. Với các giáo viên người Việt bản thân họ trước khi đứng ở vai trò giảng dạy cũng đã từng là một người có kinh nghiệm trong việc ôn luyện nên họ hiểu những khó khăn hay vấn đề thường gặp phải của đa số người học ôn thi nằm ở đâu. Và bằng việc tận dụng nó cùng với bí quyết làm bài thi hiệu quả được đúc kết qua nhiều năm của bản thân càng là một điểm cộng đáng kể đối với người học, nhất là khi đang cùng chia sẻ bằng tiếng mẹ đẻ. Chưa kể nội dung cũng như hình thức của các kỳ thi tiếng Hàn không ngừng thay đổi qua các năm nên cũng là điểm bất lợi với người bản xứ trong việc nắm bắt kịp thời để đáp ứng được nhu cầu của người học.
(Ảnh minh họa - Nguồn : 경기도교육청)
2. Quốc tịch có quyết định đến năng lực sư phạm của giáo viên hay không?
Không thể phủ nhận những lợi ích đáng kể của giáo viên bản xứ trong giảng dạy ngoại ngữ nhưng chúng mình cần phân định rõ ràng giữa việc nói giỏi và dạy tốt, tức phạm trù của chúng hoàn toàn không đồng nhất với nhau. Nói cách khác quốc tịch không phải yếu tố đảm bảo một người có chắc chắn dạy tốt ngôn ngữ đó hay không. Bởi bên cạnh khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt thì một trong những điều kiện thiết yếu đặt ra cho một giáo viên ngoại ngữ là phải có kỹ năng sư phạm chuyên biệt để đáp ứng những yêu cầu đặc thù của nghề giáo. Nó có thể bao gồm việc sử dụng kiến thức chuyên môn về ngôn ngữ cùng những hiểu biết bao quát đặt trong mối tương quan giữa ngôn ngữ và văn hóa thuộc về đất nước đó, kết hợp linh hoạt nhuần nhuyễn năng lực giao tiếp với bốn kỹ năng đọc- nghe- nói –viết để thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học; xây dựng được môi trường ngoại ngữ tích cực dựa trên việc tìm hiểu quan sát và đánh giá kịp thời trình độ- khả năng tiếp thu của người học để thiết kế bài giảng sao cho hiệu quả, biết vận dụng các nguồn sách tham khảo giáo trình hay cùng thiết bị dạy học hiện đại vào trong quá trình soạn thảo bài giảng cũng như trong tổ chức hoạt động lớp học (bao gồm cả hoạt động trải nghiệm văn hóa) để phát huy tối đa tính chủ động sáng tạo và tạo động lực học tập cho người học, đẩy mạnh tương tác giữa giáo viên - học sinh và giữa học sinh- học sinh trên lớp vv....vv.... Hay bên cạnh năng lực quản lý đánh giá kết quả học tập- giảng dạy thực tế có đang mang lại thay đổi đúng như mong đợi hay chưa thì người giáo viên còn cần không ngừng tự bồi dưỡng, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm bắt kịp tiến độ phát triển của thời đại cũng như đáp ứng kịp thời nhu cầu đặt ra ở từng giai đoạn giáo dục khác nhau, bởi cái mình cho là tốt là đủ ở hiện tại không lấy gì đảm bảo nó còn có tính ứng dụng ở tương lai hay không nên nếu chỉ chọn an toàn dừng chân lại một chỗ thì sớm ngay muộn cũng bị “đào thải”. Từng này những điều mình kể ra trên đây chưa phải là tất cả năng lực cần có ở một người giáo viên nói chung cũng như giáo viên ngoại ngữ nói riêng và để có được những kỹ năng sư phạm cần thiết này ngoài việc được đào tạo bài bản trên trường lớp ra còn cần kinh nghiệm thực tế mới rèn rũa bản thân ngày càng vững vàng trưởng thành hơn mỗi khi đứng trên bục giảng. Vậy nên nếu chỉ dùng nguồn gốc xuất thân làm thước đo chuẩn mực để đánh giá năng lực của một người giáo viên thì liệu có công bằng hay không?
Là một người học từng “lăn lộn” qua không ít các trung tâm đào tạo tiếng Hàn trên địa bàn Hà Nội vào giai đoạn đầu mới đến với ngôn ngữ này mình đã theo học trực tiếp tại những lớp mà giáo viên chỉ mới là sinh viên năm ba năm bốn Hàn Quốc hiện đang học trao đổi tại Việt Nam, bằng cấp chuyên môn về tiếng Hàn sư phạm hay các kỹ năng giảng dạy đều không có bởi chỉ cần điều kiện “người bản xứ” cũng đủ đảm bảo đứng lớp rồi. Chưa kể thời điểm cách đây 5-6 năm khi mà thị trường tiếng Hàn còn mới bắt đầu phát triển thì việc tìm được những nơi có cả giáo viên bản xứ lẫn giáo viên Việt dạy cũng không dễ dàng gì như hiện nay. Kết quả là những khoản học phí đóng đều đặn chỉ đổi lấy những giờ tám chuyện vô thưởng vô phạt mà không chắc kỹ năng giao tiếp có thực sự cải thiện chút nào không và tất nhiên với chất lượng tuyển đầu vào như vậy mình cũng không thể đòi hỏi sự đầu tư trong việc chuẩn bị giáo án bài giảng từ giáo viên đó được rồi. Hay như hiện tại khi thử sức ở vị trí này mình cũng có cơ hội được tiếp xúc học hỏi với không ít anh chị tiền bối trong nghề khi mà xuất phát điểm của họ có thể không phải từ chuyên ngành tiếng Hàn chính quy nhưng cả năng lực chuyên môn lẫn kỹ năng sư phạm họ có đều rất đáng nể phục. Qua hai ví dụ rất nhỏ này mình muốn nhắn nhủ bạn đọc rằng đừng coi quốc tịch là yếu tố kiên quyết hàng đầu trong việc lựa chọn môi trường học tập thay vào đó hãy ưu tiên cho hai điều: thứ nhất là bạn có thực sự phù hợp với phương pháp giảng dạy của giáo viên đó hay không và hai là động lực cũng như niềm say mê học tập của bạn có được thúc đẩy khi theo học giáo viên đó hay không- cả hai điều này vừa liên quan mật thiết đến năng lực sư phạm cần có ở một người giáo viên mà mình đã nhắc đến ở trên đồng thời là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập của chính bạn cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho việc bạn có thể gắn bó lâu dài với cơ sở đào tạo tiếng Hàn đó thay vì cứ đâm đầu học không có chọn lọc, chỗ nào có quảng cáo về “giáo viên bản xứ” là liền có mặt nhưng sau cùng kết quả thu lại vẫn chỉ là con số không tròn trĩnh.
_______________________
Thông qua những chia sẻ trên đây mình muốn nhắn nhủ đến bạn đọc rằng khi lựa chọn giáo viên dạy ngoại ngữ nói chung và tiếng Hàn nói riêng quan trọng nhất phải xét đến mục tiêu học của bản thân để từ đó tìm được người giáo viên có cả năng lực chuyên môn cũng như kỹ năng sư phạm tốt đồng thời đảm bảo được phương pháp giảng dạy của họ phù hợp với mục đích học của chính mình. Điều này sẽ rút ngắn được thời gian và khoảng cách của bạn trên hành trình chinh phục ngôn ngữ mình yêu thích. Nếu có bất cứ chủ đề nào các bạn đang quan tâm thì đừng ngại để lại comment bên dưới cho chúng mình biết nhé, hy vọng trong tương lai K.I.O.S có thể mang đến nhiều bài viết chất lượng hơn lan tỏa những giá trị tích cực đến những ai đã đang và sẽ gắn bó với tiếng Hàn. Hẹn gặp lại mọi người ở các số blog tiếp theo ~
Comments