Có lẽ bất cứ ai trong quá trình tiếp cận một ngôn ngữ mới cũng đã ít nhiều nghe nói đến phương pháp học ngoại ngữ thông qua phim ảnh cùng những thay đổi tích cực mà nó có thể mang lại cho chúng mình rồi phải không? Và với tiếng Hàn cũng không phải một ngoại lệ. Khác với dạng bài nghe nhàm chán còn bị giới hạn nhiều về đề tài hoặc hơi nặng tính học thuật trong sách vở, phim ảnh mang hơi thở hiện thực đời sống nên tính chân thực, gần gũi của nó không chỉ thể hiện trong nội dung mà cả qua ngôn ngữ được sử dụng với sự đa dạng về chất giọng lẫn không ngừng thay đổi cập nhật các từ mới theo dòng chảy của thời gian. Và đây cũng là điểm làm nên tính ứng dụng thực tế khi theo học phương pháp này. Nhưng liệu có phải chỉ cần chăm chỉ cày phim 24/7 tự khắc các kỹ năng tiếng Hàn của chúng mình sẽ cải thiện theo chiều hướng tốt hơn, hay ngoài xem phim có sub song ngữ tại Netflix ra người học còn có thể tận dụng các nguồn nào khác nếu muốn theo học phương pháp này một cách hiệu quả hơn? Để giải đáp hai câu hỏi lớn đặt ra trên đây bạn hãy cùng K.I.O.S tìm hiểu kỹ hơn nội dung số blog hôm nay nhé
< Phần I>
1. Không phân định rõ ràng giữa xem để giải trí và xem để học
Đây có lẽ là vấn đề chung dễ nhận thấy nhất khi bắt đầu làm quen với phương pháp học này, bởi thật khó để người ta cưỡng lại trước sức hút của một bộ phim mà cả nội dung lẫn dàn diễn viên đều ăn điểm tuyệt đối. Khi xem với mục đích giải trí bạn thường quan tâm đến mạch kể, diễn biến tình tiết của câu chuyện sẽ đi về đâu, đôi khi nhập vai vào cả hình tượng nhân vật trong phim để cảm nhận sự thay đổi về mặt diễn biến tâm lý của họ. Nhưng ngược lại khi đặt “học được gì” làm mục tiêu quan trọng hơn tính giải trí mà một bộ phim có thể mang lại, thì cái chúng mình muốn thu về sau khi xem những trích đoạn ngắn hay một tiếng ba mươi phút cho thời lượng của cả tập phim lại nằm ở : cách ứng dụng từ vựng – ngữ pháp đã học trong từng ngữ cảnh ra sao, biểu hiện nào vận dụng vào giao tiếp đem lại hiệu quả tốt nhất cả về mặt ý nghĩa diễn đạt lẫn đảm bảo văn phong câu cú tự nhiên , cách phát âm ngữ điệu nhấn nhá lên xuống thế nào, cách chuyển ngữ từ tiếng Hàn sang tiếng Việt sao để tránh lỗi dịch sát gốc theo mặt chữ mà làm mất đi cái nét đặc trưng của ngôn ngữ đời thường trong phim ảnh vv....vv.... Bạn thấy không, khi đặt ra hai mục tiêu khác nhau cái yếu tố chiếm đầu sự quan tâm của chúng mình cũng như kết quả thu về cho mỗi một lần xem cũng không đồng nhất. Vậy nên việc phân định rõ trước đâu là mục tiêu bạn đang hướng tới trước khi áp dụng phương pháp học này thực sự rất cần thiết.
2. Lựa chọn phim không phù hợp
Nếu bạn là một mọt phim Hàn chính hiệu chắc cũng dễ dàng nhận ra sự thay đổi mạnh mẽ trong xu hướng thể loại phim được ưa chuộng và đón nhận trong những năm gần đây. Như bản thân dòng phim tình cảm lãng mạn - hình ảnh “cộp mác” quen thuộc mà hẳn người ta sẽ nghĩ đến đầu tiên khi nhắc về nền điện ảnh xứ kim chi cũng có không ít những bước chuyển mình mới trong cách triển khai mô - tip ở các tác phẩm xưa và nay. Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “phim Hàn” trên các trang phim online người xem có vô vàn sự lựa chọn từ dòng phim xuyên không/du hành thời gian, hình sự phá án, tâm lý, cho đến các thể loại nặng đô hơn như pháp luật, y khoa, chính trị vv...vv...., và tất nhiên tùy vào tính chất đặc trưng của mỗi một thể loại cũng sẽ kéo theo mức độ khó dễ trong trường từ vựng, ngữ pháp được sử dụng. Đôi khi một bộ phim bạn đặc biệt yêu thích, nội dung gần như thuộc lòng trong đầu nhưng chưa chắc khi chọn nó làm chủ đề để học đã đem lại hiệu quả đúng như ý. Bởi nếu vốn ngoại ngữ mà bạn đang có lại không đủ đáp ứng cho quá trình tự nghe - hiểu – nắm bắt chuyển ngữ lời thoại, trong một câu mà đến quá nửa là từ mới rồi thuật ngữ chuyên ngành và chật vật mãi cả buổi mà những gì nghe được vẫn bập bõm câu có câu không, thì rất dễ đánh vào tâm lý người học. Hay ngược lại bộ phim bạn chọn có thể không làm khó bạn về vấn đề trên, nhưng vì tính đặc thù chuyên ngành của nó mà những gì học được trong phim khá ít có cơ hội để đem ra vận dụng trong môi trường thực tế. Và một khi bạn chỉ tiếp nạp một chiều nhưng lại không thường xuyên thực hành, chuyển hóa phần kiến thức đó thành của mình, lâu dần dẫn đến tình trạng học trước quên sau và tính hiệu quả mà phương pháp này mang lại cũng không thể được đánh giá cao. Như vậy tưởng chừng việc lựa chọn chủ đề phim là bước khá đơn giản, nhưng làm thế nào để đáp ứng được tiêu chí “phù hợp với trình độ cá nhân” và “có tính ứng dụng thực tế” thì cũng cần cân nhắc một chút đấy nha.
3. Nên xem phim có phụ đề tiếng Hàn hay không?
Nếu bạn hỏi K.I.O.S phụ đề có phải yếu tố cần thiết khi thực hiện phương pháp này hay không thì câu trả lời của chúng mình là “Có”. Tuy nhiên việc phụ thuộc quá nhiều hoặc không cần đến phụ đề sẵn có đều là “con dao hai lưỡi” ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả mà phương pháp này mang lại. Thực tế điểm cốt lõi của việc coi phim có sub nhằm giúp chúng mình không bỏ qua các chi tiết khó mà nguyên nhân có thể đến từ việc không nghe - hiểu kịp tốc độ thoại của nhân vật, không có vốn từ hay ngữ pháp tương ứng để hiểu đúng hoặc đủ nội dung phim đang muốn đề cập vv..vv... Khác với việc bạn nghe đoán từ qua tình huống bối cảnh mà kết quả có thể đúng hoặc sai, thì khi vừa xem vừa đối chiếu phụ đề tiếng Hàn bạn dễ dàng check được từ mới xuất hiện trong câu ấy là gì, cách kết hợp với các ngữ pháp trong câu cho tự nhiên, hay cả cách chuyển ngữ từ đó sang tiếng Việt sao cho thoát ý. Điều này về lâu dài vừa cùng lúc thu thập được một khối lượng từ vựng nhất định vừa quen dần với cách ứng dụng các biểu hiện thuần văn nói hơn. Nhưng như KIOS đã nói ngay từ đầu, điểm mạnh mà phụ đề mang lại cũng có thể thành điểm yếu khi mà chúng mình bị quá tập trung đuổi theo phụ đề mà giảm chú ý vào việc nghe thoại tiếng Hàn nhiều hơn, lâu dần phản xạ nghe cũng bị chậm lại. Vì thế để dùng phụ đề đúng lúc đúng chỗ cũng là một bài toán cần cân nhắc kỹ để phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn học tiếng khác nhau.
< Phần II>
Trong nội dung mục <2> này K.I.O.S sẽ phân chia các nguồn xem phim có sub tiếng Hàn thành 3 dạng chính, mỗi dạng mang đặc trưng nổi bật riêng để phù hợp với nhóm đối tượng nhất định. Trong đó :
1. Dạng video ngắn
Thường là trích đoạn của một hay vài cảnh phim trong một tập hoặc có chung nội dung nào đó hoặc dạng webdrama ngắn, thời lượng mỗi video chỉ từ mười mấy giây đến khoảng 15-20 phút và dễ dàng tìm kiếm trên nhiều nền tảng khác nhau từ Tiktok/ Youtube hay Facebook. Dạng đầu tiên này phù hợp với những bạn không có quá nhiều quỹ thời gian trong ngày để theo học phương pháp này với những bộ phim dài tập. Chưa kể điểm chung của các nền tảng mạng xã hội K.I.O.S nhắc đến trên đều có hỗ trợ tính năng lưu trữ video yêu thích để xem lại nhiều lần, nên ngay cả khi thời lượng của một đoạn video tương đối ngắn nhưng vẫn có thể tận dụng điểm cộng này để nhân đôi số lần luyện nghe và thực hành theo nội dung video đã xem. Bởi quan trọng không phải coi bao nhiêu tập phim trong một lần học, mà những kiến thức đúc kết ra được qua mỗi một lần xem và thực hành đó sẽ đọng lại bao nhiêu phần trăm trong tâm trí chúng mình mà phải không ^^
(Một điểm mình khá thích ở tính năng của Tiktok là giúp phân loại các video người dùng đã lưu theo từng thư mục, nên ngay cả những ngày bận rộn chỉ cần mở thư mục có sẵn ra, chọn những trích đoạn phim ngắn thế này cũng đủ luyện nghe rồi - Nguồn video : kênh tiktok @tvn 드라마)
(Nguồn video : kênh youtube tvN D ENT mục "MidnightSoundMix". Nhìn chung các video thuộc chuyên mục này thường là tổng hợp nhiều trích đoạn về nhân vật/cặp đôi chính trong phim hoặc là các phân cảnh có cùng một chủ đề , tuy số lượng video không nhiều nhưng những bộ có tên ở đây đều chiếm được cảm tình của đông đảo mọt phim Hàn kể từ thời điểm ra mắt đến nay )
(Webdrama là lựa chọn phù hợp với những ai thích xem những thước phim có thời lượng ngắn, tình tiết nhanh mà việc "tiêu hóa" nội dung không quá khó ngay cả khi vốn tiếng chưa có nhiều - Nguồn video : kênh youtube 콬TV KOK (King Of Korean-drama) TV / bộ "우린 쓰레기가 아닙니다")
Lưu ý :
- Với nguồn trên Tiktok (ảnh 1) sẽ có kênh mà tên và id của nó không giống nhau, thường search theo tên kênh sẽ khó ra kết quả chính xác nên KIOS đính kèm cả id trên ảnh để bạn dễ tìm kiếm hơn. Một vài gợi ý KIOS đưa ra ở nguồn này có cả kênh youtube song song, và thường các video được đăng tải trên Tiktok chỉ là trích đoạn ngắn chọn lọc, nên nếu muốn xem full các nội dung ấy bạn có thể tìm thêm trên trang youtube cùng tên của họ nha.
- Đối với nguồn trên Youtube KIOS chia làm 3 dạng tương ứng ảnh từ 2 đến 4, trong đó :
Ảnh 2 : các kênh có chuyên mục tổng hợp trích đoạn phim đi kèm phụ đề.
Ảnh 3 : các kênh có mục shorts (dạng video ngắn) chứa thoại phim có phụ đề
Ảnh 4 : các kênh tổng hợp những bộ webdrama Hàn đi kèm phụ đề
2. Dạng sách giấy
Ngoài đặc điểm “có sẵn sub tiếng Hàn” như các kênh mà K.I.O.S nhắc tên trong mục <II>, điểm làm nên khác biệt lớn nhất của dạng nguồn thứ hai này nằm ở chỗ hướng dẫn người học về mặt phương pháp học tập. Bởi học ngoại ngữ qua phim ảnh không chỉ đơn giản là bật một tập phim bất kỳ lên rồi nghe là đủ, nên với những bạn chưa thực sự biết mình cần bắt đầu từ đâu và như thế nào thì đi theo lộ trình sẵn có sẽ là lựa chọn an toàn và phù hợp hơn cả. Trên thị trường sách tiếng Hàn hiện nay không khó để tìm các đầu sách chuyên xây dựng bài học tiếng Hàn qua phim ảnh, và trong giới hạn nội dung số blog này K.I.O.S sẽ giới thiệu đến bạn đọc 2 cuốn là :
K-Wave 한국어
인기 드라마로 배우는 한국어 Learn Korean Through K-Dramas
Điểm chung của hai đầu sách:
(Một số hình ảnh minh họa thực tế về mặt bố cục của cuốn "K-Wave 한국어")
(Một số hình ảnh minh họa thực tế về mặt bố cục của cuốn "인기 드라마로 배우는한국어 Learn Korean Through K-Dramas (tập 1)")
Nhìn vào bố cục triển khai cơ bản trên chúng mình thấy được rằng cả hai đầu sách đều giải quyết được điểm hạn chế nhất của người tự học phương pháp này đó là phần luyện tập kiến thức. Thông thường khi tự học qua phim mỗi người đều có thể chủ động chọn cho mình cách thức luyện nghe phù hợp nhất (như nghe – chép chính tả, nghe và nhắc lại theo lời thoại nhân vật) cũng như nên ghi chú kiến thức mới bắt gặp trong quá trình nghe ra sao cho dễ học, nhưng làm thế nào để ghi nhớ nó lâu hơn thì không cách nào tốt bằng việc tạo môi trường luyện tập. Với không ít các dạng bài tập khác nhau mà đối tượng thực hành ở đây được đặt trong sự kết hợp tổng hòa cả về từ vựng lẫn ngữ pháp, cũng như kỹ năng thực hành không chỉ có viết mà còn cả đọc và nói, đảm bảo học đến đâu chắc đến đó trước khi đưa những cái bản thân đã hiểu đã nhớ vào môi trường thực tế bên ngoài.
Ngoài hai điểm chính trên thì từ nội dung đoạn trích phim cho đến các kiến thức được mở rộng trong sách đều được giải thích song ngữ Hàn - Anh, nên ngay cả những bạn vốn tiếng Hàn chưa đủ tốt vẫn dễ dàng theo sát nội dung bài học.
Điểm khác biệt :
- Tuy cả hai đều có một số đề mục tương đồng trong cách triển khai nội dung bài học, nhưng trong sự tương đồng đó vẫn có chút khác biệt nhỏ cũng như có vài nội dung bổ sung khác mà chỉ có ở bộ <인기 드라마로 배우는한국어 Learn Korean Through K-Dramas>. Cụ thể :
Nhìn vào tiêu chí so sánh thứ hai có thể thấy cách luyện nghe ở bộ <인기 드라마로 배우는 한국어 Learn Korean Through K-Dramas> ngược lại hoàn toàn với cuốn <K-Wave 한국어>. Ở đây chúng mình sẽ không chỉ ra đâu mới là cách triển khai đem được hiệu quả tối ưu nhất bởi tùy từng đối tượng người học sẽ thấy phù hợp với một phương pháp hay trình tự luyện nghe khác nhau, nhưng theo đánh giá từ phía K.I.O.S kể cả sách có đưa ra bản sub song ngữ đầy đủ ngay từ đầu thì người học vẫn có thể tự mình phân chia cấp độ nghe từ dễ đến khó dựa trên bố cục chung đó bằng cách như:
(1) Nghe không nhìn sub để xem hiểu được bao nhiêu % nội dung đoạn trích
(2) Nhìn trước phần sub tiếng Anh để nghe lại và suy đoán những chỗ mình còn chưa rõ ở lần nghe đầu
(3) Vừa nghe vừa đối chiếu cả hai sub song ngữ để liên kết toàn bộ nội dung mình đã hiểu với nội dung gốc của đoạn trích
(4) Lần lượt tìm hiểu từ vựng, biểu hiện, ngữ pháp và làm bài tập liên quan cả bài tập đánh giá mức độ hiểu nội dung đoạn trích phim
(5) Làm bài tập nghe theo yêu cầu : Nghe đoạn trích phim dưới dạng nội dung bị khuyết
(6) Nghe tổng kết sau khi kết thúc bài học.
Đây chỉ là một ví dụ minh họa K.I.O.S đưa ra để thấy vấn đề không phải sách đưa ra nội dung học thế nào cho bạn mà quan trọng là bạn tận dụng được cái có sẵn đó theo cách nào để thu được hiệu quả học tốt nhất. Vậy nên cùng là một đoạn trích phim sub song ngữ đảo trật tự cách tiếp cận và sử dụng nó vào quá trình học tiếng ra sao đều không có đáp án mẫu giống nhau.
Ở tiêu chí so sánh thứ năm K.I.O.S đánh giá cao bộ sách bộ <인기 드라마로 배우는한국어 Learn Korean Through K-Dramas> hơn khi không giới hạn việc học tiếng Hàn qua phim chỉ đơn thuần là “xem phim và tự nghe hiểu nội dung phim”.
- Tuy số lượng bài trong cuốn <K-Wave 한국어> khá nhiều nhưng lượng phim không được đa dạng như bộ sách <인기 드라마로 배우는한국어 Learn Korean Through K-Dramas> , bởi cùng một bộ phim họ sử dụng các trích đoạn khác nhau để làm chủ đề cho nhiều bài. Và như ở phần trên K.I.O.S đã đề cập là trích đoạn phim được chọn trong sách này cũng tương đối ngắn, sử dụng câu cú ngữ pháp đơn giản nên với các đặc điểm đưa ra đó thì cuốn này sẽ phù hợp hơn với các bạn đang học ở trình độ sơ cấp.
(Ví dụ với tập 2 của phim “도깨비” sẽ có ba trích đoạn được đưa vào ba bài khác nhau về chủ đề “옛날 이야기” (bài 4), “경험” (b. 10) , “친족 호칭” (b. 18))
3. Dạng web và app học tiếng qua phim
3.1 Web xem phim có sub Hàn
Ngoài Netflix - nền tảng đang đứng đầu không chỉ về nguồn phim mà còn cả ở chức năng hỗ trợ xem phim song ngữ cực tiện lợi dành cho dân ngoại ngữ chúng mình, thì liệu có một website nào khác đáp ứng được tiêu chí kể trên hay không?
VIKI RAKUTEN - https://www.viki.com/
Nhìn chung cả hai trang web KIOS nhắc đến trên đây tuy so với nền tảng Netflix sẽ có những hạn chế nhất định mà khó lòng thay thế được, nhưng nếu bạn đơn thuần chỉ muốn tìm kiếm một trang web có hỗ trợ sub tiếng Hàn khi xem phim thì cả hai gợi ý đều đáng thử lắm đó. Đặc biệt với bạn nào đã ở trình độ trung cấp trở lên, ngoài luyện kỹ năng nghe – nói qua phim có thể tận dụng hai trang này để tập dịch thoại từ Hàn sang Việt. Thay vì phụ thuộc vào sub tiếng Việt có sẵn sao không nhân quá trình tự học chúng mình thử sức với mảng dịch phim nhỉ ^^
3.2 App học tiếng Hàn qua phim
Nếu bạn còn nhớ bài viết giới thiệu app học tiếng Hàn trước đây của KIOS chắc cũng không lạ gì với cái tên여보세요phải không ^^ Trong phạm vi bài viết này chúng mình sẽ giới thiệu thêm một ứng dụng của đài MBC được ra mắt không lâu nhưng đã đang được nhiều người học tin dùng bởi những ưu điểm nổi bật của nó trong việc xây dựng phương pháp học tiếng Hàn qua phim ảnh. Cùng KIOS check nhanh một vài thông tin cơ bản về app này dưới đây nha.
KOKIRI - https://kokiri.co/vn/contents
* Lưu ý : Toàn bộ những nguồn KIOS đề cập trong phần <II> này chỉ đi vào giới thiệu khái quát đối với phần nội dung có hỗ trợ cho việc học qua phim ảnh. Ngoài đó ra vẫn còn không ít những khía cạnh khác của nguồn đó có thể hỗ trợ thêm cho quá trình học tiếng Hàn của chúng mình, nên nếu quan tâm bạn chủ động tìm hiểu thêm nhé.
4. Gợi ý khác
Ngoài những nguồn được đề cập như trên chúng mình cũng có thể tìm xem kịch bản bằng tiếng Hàn của phim bằng cách tìm kiếm “Tên phim + 대본 hoặc시나리노”. Tuy nhiên cách này gặp hai điểm hạn chế lớn :
Không phải bộ phim nào cũng được công khai đầy đủ phần kịch bản. Và thông thường kịch bản được lưu dưới dạng đuôi .hwp nên để đọc file không bị lỗi cần tải phần mềm “Thinkfree Office Viewer”.
Chỉ có dưới dạng chữ viết không có hỗ trợ hình ảnh/video như các nguồn khác nên thường người học phải chủ động tìm tập phim tương ứng với phần lời thoại trong kịch bản nếu muốn luyện nghe qua cách này.
< Phần III>
- Như K.I.O.S chia sẻ ngay từ đầu bài viết, để theo học phương pháp này người học cũng cần có vốn tiếng Hàn nhất định cả về từ vựng lẫn ngữ pháp, bởi về bản chất chúng mình khó có thể nghe - hiểu những gì bản thân chưa từng biết kể cả muốn đưa ra suy đoán logic trong quá trình nghe cũng cần dựa trên những thông tin có căn cứ cơ sở từ trước. Vậy với những bạn mới ở bước đầu làm quen với ngôn ngữ mới có thể tiếp cận với phương pháp này hay không? Câu trả lời là “có” , nhưng chữ “có” này nên kèm theo điều kiện khoanh vùng :
Ưu tiên các trích đoạn ngắn thay vì một tập phim dài, trong đó phần từ vựng – ngữ pháp được sử dụng trong lời thoại cũng nằm trong khối kiến thức bạn đã đang được học để dễ dàng ôn tập lẫn không gặp quá nhiều khó khăn trong việc ghi nhớ và ứng dụng nó ra thực tế
Tận dụng các đầu sách chuyên dụng mà K.I.O.S đã nhắc ở mục <2> , tham khảo các kênh tiếng Hàn có riêng chuyên mục về học tiếng qua phim ảnh như kênh King Sejong Institute Foundation – chuyên mục <K-WAVE 한국어> , Assam Korean TV – chuyên mục <드라마로 배우는 한국어> hoặc sử dụng các app chuyên dụng để định hình đúng về mặt phương pháp trước.
Nói qua một chút về hai kênh youtube K.I.O.S nhắc tên trên đây :
Điểm chung:
Giải quyết được một số khó khăn của người chưa có nhiều vốn tiếng khi mới tiếp cận với phương pháp này, như là : tìm phim nào để phù hợp với trình độ bản thân? Học qua phim cần những bước nào ngoài nghe và nói lại theo lời thoại nhân vật?
Các trích đoạn phim được sử dụng cho mỗi số của hai chuyên mục này đều tương đối ngắn, kiến thức chủ yếu thuộc sơ cấp 1 + 2, và ngoài những bước cơ bản như phân tích từ vựng - biểu hiện, ngữ pháp xuất hiện trong đoạn trích ra còn khai thác khá nhiều nội dung thú vị khác xoay quanh chủ đề của đoạn phim đó hoặc các hoạt động giúp người học đánh giá được mức độ hiểu nội dung mà mình đã nghe trước đó.
Điểm riêng :
Ngay từ cái tên chuyên mục chắc hẳn mọi người đã nhận ra nội dung được triển khai ở đây cũng chính là nội dung cuốn sách cùng tên mà K.I.O.S nhắc đến ở mục <II>. Nhìn chung tổng số lượng bài cùng trình tự nội dung các phần trong một bài không có mấy sự khác biệt giữa sách và video của chuyên mục này, tuy nhiên với sự tương tác dẫn dắt của hai MC sẽ giúp nội dung trong sách trở nên sinh động hơn đặc biệt là ở phần “mở đầu vấn đề” và “mở rộng văn hóa”.
Tuy so với số lượng video của < K-Wave한국어> không nhiều bằng, nhưng điểm làm nên khác biệt của chuyên mục <드라마로 배우는 한국어> lại nằm ở cách khai thác triệt để nội dung trích đoạn phim để người học được thực hành kỹ năng nghe – nói nhiều nhất có thể trong quá trình học với các hoạt động như : nghe và trả lời câu hỏi liên quan đến nội dung của đoạn trích hoặc chọn câu đúng/sai theo nội dung đã nghe được, dựa trên mẫu ngữ pháp xuất hiện trong lời thoại nhân vật để luyện đặt câu có sử dụng biểu hiện hoặc ngữ pháp tương ứng, thảo luận về một chủ đề chung dựa trên câu hỏi gợi ý.
(Mỗi video trong chuyên mục <드라마로 배우는 한국어> đem lại cho mình cảm giác như theo dõi một video bài giảng vậy đó, dù chỉ là trích đoạn ngắn nhưng nếu biết cách khai thác phân tích nó thì chúng mình có thể học được rất nhiều thứ cùng lúc. Tuy rằng phần kiến thức trong mục này chủ yếu là các cấu trúc trung cấp, đòi hỏi người học cũng cần có nền tảng tiếng Hàn cơ bản nhưng nó vẫn đang làm rất tốt trong việc định hướng cho người học cách tiến hành phương pháp học bằng phim ảnh sao cho hiệu quả nhất - Nguồn : Một trích đoạn ngắn trong video "스물다섯 스물하나 #5" / kênh youtube Assam Korean TV)
- Nói kỹ hơn về cách triển khai phương pháp học bằng phim ảnh, KIOS nghĩ rằng rất khó để đưa ra một trình tự mẫu chung có thể áp dụng được cho mọi đối tượng. Mà tùy vào trình độ lẫn mục đích học, mỗi người sẽ có những điều chỉnh riêng để thiết lập những bước học phù hợp nhất cũng như đem lại hiệu quả tối ưu nhất cho họ trong quá trình áp dụng phương pháp này. Nhưng dù quy trình thực hiện có thể không đồng nhất nhưng vẫn nên đảm bảo đủ 3 yếu tố “lấy chất hơn lượng”, “đào sâu hơn bỏ sót”, “học đi đôi với hành”, cụ thể :
Về “lấy chất hơn lượng” ngoài ý như KIOS đã đề cập khá nhiều ở các phần nội dung trên thì còn nằm ở cách chúng mình tận dụng nội dung phim để ôn tập kiến thức cũ nữa. Có lẽ đa phần mọi người tập trung nhiều vào vế “học được gì mới” mà quên mất không phải xuyên suốt thời lượng một tập phim đều toàn những cái chúng mình chưa biết đến. Vậy nên ngoài việc ghi chú kiến thức mới mình cũng tận dụng khoảng thời gian học bằng phương pháp này để ôn lại nội dung đã học. Đôi khi một từ vựng dù đã học đi học lại nhiều lần nhưng bất chợt gặp nó trong một câu thoại vẫn có thể khiến bạn lúng túng không nhớ ra nghĩa của nó là gì mà phải không ^^ Hay ngược lại dù rõ nghĩa nhưng chưa chắc khi bạn dịch sát gốc từ đó vào câu thoại đang xem đã làm thoát được nội dung bao quát mà tác giả hay nhân vật muốn thể hiện. Hoặc trong một loạt ngữ pháp trung cao cấp ngoài những cái chúng mình thường dùng trong thực tế ra sẽ có không ít cái bị “lép vế” hơn, lâu ngày không được động đến nên những gì còn nhớ về nó cũng dần bị phai mờ. Hai ví dụ nho nhỏ này đủ thấy học cái cũ trước khi tìm hiểu cái mới cũng quan trọng không kém nhé.
Về “đào sâu hơn bỏ sót”. Trong quá trình học bằng phương pháp này ngoài quan tâm đến mặt ngôn ngữ ra, có khi tìm hiểu đằng sau câu thoại mình đang xem bóc tách vấn đề thực tế gì trong xã hội Hàn Quốc còn làm mình hứng thú hơn cả. Mình vẫn giữ quan điểm rằng muốn tiến xa với một ngôn ngữ nào đều cần chịu khó tìm hiểu về mọi mặt cấu thành lên nó. Như hồi xem bộ “오월의 청춘” (Young of May) mình mới lần đầu tìm hiểu nghiêm túc về phong trào dân chủ Gwangju 1980, và bộ phim như một cánh cửa dẫn lối để mình được tiếp xúc thêm với hai đầu sách văn học Hàn cũng khai thác bối cảnh lịch sử này là “소년이 온다” của nhà văn Han Kang (tựa tiếng Việt là “Bản chất của người”) và “고등어” của nữ tác giả Gong Ji Young (tựa tiếng Việt là “Cá thu”) – những cái mà nếu mình chỉ được biết sơ sài qua những buổi học về văn hóa - lịch sử Hàn Quốc khi còn trên ghế nhà trường, thì ngôn ngữ mình được xem được nghe qua bộ phim đó không thể để lại cảm xúc sâu sắc trong mình nhiều đến vậy. Hoặc hồi “Squid Game” trở thành cái tên bùng nổ trên điện ảnh toàn cầu, có một câu thoại đơn thuần trong phim về nhân vật Cho Sang woo mà mãi sau này khi mình đọc thêm bài phân tích về mảng ngôn ngữ điện ảnh trên tạp chí Koreana mình mới biết đặt câu thoại đó trong bối cảnh xuất thân của nhân vật có thể phản ánh nhiều vấn đề xã hội nhức nhối của Hàn Quốc đến thế (chi tiết mình sẽ đính kèm ở link bài viết gốc ^^), hay khi xem phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên “Pachinko” mình biết thêm những sự thật trần trụi khác về lịch sử Hàn Quốc thời kỳ Nhật chiếm đóng, những câu chuyện đằng sau dưng xưng “Zainichi” - chỉ những người Triều Tiên di cư đến Nhật Bản đầu thế kỷ XX vv....vv...... Có thể bạn sẽ thắc mắc việc biết những yếu tố bên ngoài này có giúp gì cho việc học giỏi một ngoại ngữ hay không, thì tất yếu khó lòng nhìn thấy sự hữu ích của nó ngay. Nhưng khi bạn bỏ thời gian ra để tìm kiếm thông tin cũng là cách bạn đang trau dồi thêm về kỹ năng đọc - hiểu nói chung, và chưa kể có không ít vấn đề có thể đưa vào các bài viết như một luận cứ xác đáng lập luận cho quan điểm cá nhân về một chủ đề nào đó nữa.
Về “học đi đôi với hành” chắc không phải nói quá nhiều chúng mình cũng đều hiểu kiến thức chỉ thực sự hữu dụng khi chúng mình đưa nó ra thực tế thôi phải không. Nếu học theo khung chương trình có sẵn trong sách, bạn vẫn có không gian để luyện tập lại nội dung đã học qua các bài tập tổng hợp, thì khi tự học bằng phương pháp này chúng mình lại phải là người chủ động cả trong việc tiếp nạp và chuyển hóa thông tin từ phim ra thực tế. Tuy khó để nói mọi thứ chúng mình học được qua mỗi lần xem phim đều có sẵn môi trường để ứng dụng được bằng hết, nhưng cố gắng đưa vào càng nhiều khi có thể vẫn tốt hơn là không sử dụng đến.
________________________________________
Toàn bộ những thông tin KIOS đưa ra trong chủ đề tuần này sẽ có cái bạn đã biết từ trước, có cái chỉ mới tiếp cận lần đầu nhưng chúng mình vẫn mong bài viết này sẽ đem đến cái nhìn từ tổng quát đến chi tiết nhất cho bạn về phương pháp học tiếng Hàn bằng phim ảnh, để khi tự mình áp dụng nó vào thực tế sẽ hạn chế được tối đa khó khăn có thể gặp phải. Nếu bạn biết thêm nguồn xem phim Hàn có sub khác ngoài Netflix hay những kênh KIOS đã đề cập trong bài ra, hay có kinh nghiệm xương máu nào trong quá trình thực hiện phương pháp học này đừng ngại chia sẻ thêm cho chúng mình cùng các bạn học khác dưới phần bình luận nhé.
Comments