Trong bài chia sẻ trước đây về những trở ngại thường gặp khi tự học tiếng Hàn Korea in our stories từng đề cập rằng động lực là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả học tập của mỗi người nhưng có phải chúng ta vẫn luôn duy trì được động lực đó 24/7, nhất là trước vô vàn những cám dỗ từ môi trường xung quanh cùng không ít yếu tố tác động từ bên trong khiến bạn đôi khi quên mất đi lý do vì đâu mình lại lựa chọn bắt đầu với ngôn ngữ này? Làm thế nào để khơi dậy lại niềm say mê trong tinh thần học tập của bạn? Hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn tìm được câu trả lời thích hợp cho riêng mình.
1. Nhìn nhận lại vấn đề của bản thân nằm ở đâu
Trước khi thúc ép mình phải thay đổi để trở nên tốt hơn thì điều đầu tiên bạn cần làm là bình tâm ngồi lại tìm hiểu xem đâu mới là nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề hiện tại của bạn bây giờ. Việc tiếp nhận kiến thức quá khó khăn, có nỗ lực nhiều bao nhiêu nhưng kết quả thu lại không được như kỳ vọng bạn đã mong muốn, áp lực về thành tích hay những vấn đề cá nhân chi phối cảm xúc của bạn dẫn đến giảm hứng thú dành cho việc học...vv...vv..., dù nguyên nhân có đến từ bên ngoài hay nằm ở chính bản thân bạn đi chăng nữa thì việc nhìn nhận đúng bản chất vấn đề mới giúp bạn đưa ra hướng điều chỉnh phù hợp được.
2. Mục tiêu học tập của bạn là gì?
- Khi đã tìm ra vấn đề của bản thân nằm ở đâu bước tiếp theo bạn cần làm là điều chỉnh lại mục tiêu học tập. Thay vì những mục tiêu quá lớn, chung chung, thiếu tính thiết thực việc phân chia mục tiêu ra thành ngắn hạn và dài hạn sẽ giúp bạn tập trung và kiểm soát tốt hơn đích đến của mình. Mục tiêu ngắn hạn là những mục tiêu được đặt ra trong thời hạn tương đối ngắn trong khi mục tiêu dài hạn mang tính chiến lược lâu dài hơn, có thể kéo dài nhiều năm giúp bạn duy trì động lực phấn đấu cho đến khi đạt được thành quả cuối cùng. Mục tiêu ngắn hạn là cách bạn đi từng bước nhỏ vững chắc để đến gần hơn với thành công của mục tiêu dài hạn mà bạn đã vạch ra trước đó, đánh dấu bạn đang ở đâu trong lộ trình phấn đấu mỗi ngày để không bị lệch hướng trên con đường đi của mình.
Ví dụ :
Mục tiêu dài hạn của bạn trong bốn năm là trở thành một phiên dịch viên tiếng Hàn thành thạo và để hiện thực hóa được nó bạn lần lượt đề ra và thực hiện những mục tiêu ngắn hạn như :
Đạt TOPIK 4 đến 6 trong vòng một năm đến một năm rưỡi
Thực tập cho vị trí phiên dịch viên của một công ty Hàn Quốc
Thử sức với các công việc dịch thuật freelance thuộc các ngành nghề khác nhau để tăng thêm vốn từ chuyên ngành cũng như tích lũy kinh nghiệm cho bản thân .
………
(Nguồn ảnh : Internet)
- Tại sao ở đây chúng mình lại đề cập đến phần mục tiêu học tập như một trong những cách giúp khơi dậy và duy trì động lực, bởi nó đóng vai trò như bản đồ chỉ đường cho bạn đặt chân được đến nơi bạn muốn đến. Suy nghĩ tích cực về một cột mốc bất kỳ mình muốn chinh phục trong tương lai sẽ thúc đẩy chúng ta tự đề ra và thực hiện các hành động cần thiết để đạt được chúng, và tất yếu khi thực hiện thành công không chỉ tác động đáng kể đến cảm xúc cùng niềm tin về năng lực cá nhân mà còn là chất xúc tác gia tăng động lực học tập tốt hơn mỗi ngày. Trong quá trình giảng dạy tiếng Hàn cũng như phát triển trang blog Korea in our stories chúng mình nhận thấy hai nguyên nhân nổi bật nhất đằng sau tình trạng “ngán học” “mất cảm hứng học” thường đến từ việc người học quên mất mục tiêu quan trọng nhất mà họ mong muốn đạt được khi bắt đầu với một ngoại ngữ mới là gì (tình trạng này thường xảy ra ở những bạn đã gắn bó với tiếng Hàn một thời gian dài) hoặc quá mải miết chạy theo mục tiêu lớn trong khi sức ép về mặt thời gian lẫn năng lực cá nhân lại không đáp ứng đủ. Cả hai điều này đều vô tình sẽ khiến bạn không nhìn ra hay đủ thấy hài lòng với những thay đổi tích cực và cả nỗ lực của bản thân đã đang bỏ ra từng ngày. Để tránh tình trạng này khi xác định mục tiêu dù là mục tiêu dài hạn hay ngắn hạn bạn cần cân nhắc kỹ cả trên năm yếu tố sau :
Trong đó :
Specific – Tính cụ thể : Một mục tiêu cụ thể giúp chúng mình có sự định hướng đúng đắn hơn đâu là con đường tốt nhất cho bản thân. Nên nhớ càng rõ ràng và cụ thể bao nhiêu thì khả năng thành công sẽ càng lớn bấy nhiêu. Khi xác định rõ mình muốn gì bạn sẽ biết mình cần làm gì để đạt được điều đó. Để thiết lập được mục tiêu cụ thể nên tự trả lời những câu hỏi căn bản như “ Ai ? - Cái gì? và Tại sao?”, tức ai sẽ là người thực hiện điều này? Điều cần đạt được trong mục tiêu này là gì? Tại sao cần phải đạt được nó?
Measurable – Tính đo lường : Khi đặt mục tiêu cá nhân bạn phải biết được mục tiêu của mình có đo lường được hay không, tức gắn với một con số cụ thể rõ ràng nào đó để bạn có thể đánh giá được kết quả đạt được hay là mức độ thành công của mục tiêu dựa trên những con số đo lường này. Có như vậy mới dễ dàng biết được tiến độ thực hiện kế hoạch đang ở mức nào, liệu có kịp hoàn thành hay không để từ đó kịp thời có các điều chỉnh hợp lý.
Achievable – Tính thực tế : Bạn cần thành thật nhìn vào năng lực thực tế của bản thân cũng như cả điều kiện khách quan để lựa chọn một mục tiêu phù hợp. Thực tế ở đây tức là phải nằm trong khả năng của mình, bởi với một mục tiêu quá cao có thể tạo sức ép tiêu cực cho bạn dẫn đến việc dễ bỏ cuộc giữa chừng khi tỉ lệ thực hiện thành công thấp. Nhưng cũng cần lưu ý thiết lập mục tiêu nằm trong tầm với không có nghĩa là quá dễ dàng đạt được, tức mục tiêu bạn đề ra vẫn cần phải đầu tư cả về thời gian, công sức để có được thành quả như mong muốn.
Relevant - Tính liên quan : Bạn cần nhìn nhận mục tiêu đó trong mối tương quan với mục tiêu dài hạn của mình, rằng nó phải phục vụ cho định hướng tương lai của bạn và là tiền đề cho các dự định/ tầm nhìn lớn hơn để giúp bạn tập trung được nguồn lực hoàn thành mục tiêu của mình nhanh nhất có thể. Những mục tiêu không nằm trong cùng một tổng thể không chỉ làm sao nhãng gián đoạn sự tập trung, công sức và thời gian mà còn khiến bạn mất phương hướng trong việc xác định đích đến cuối cùng bạn đang hướng đến là gì
Time bound – Tính thời hạn : Thay vì “cứ thích thì làm” việc đặt cho mình một khung thời gian hoàn thành mục tiêu không chỉ là đòn bẩy thúc đẩy sự nỗ lực của bạn, giúp bạn quản lý quỹ thời gian mình có một cách khôn ngoan hơn, biết cái gì cần ưu tiên thực hiện trước cái gì nên để sau, đồng thời cũng tăng tính kỷ luật cho bản thân. Nhờ vậy có thể tập trung hoàn thiện mục tiêu đã đặt ra hiệu quả.
Ví dụ :
3. Tạo môi trường học tập đầy cảm hứng
- Lần gần đây nhất bạn sắp xếp cũng như tân trang lại góc học tập của mình là khi nào? Bạn có thường xuyên gặp phải tình trạng mỗi khi muốn bắt đầu ngồi vào bàn học lại mất không ít thời gian chỉ để tìm kiếm đồ dùng học tập cần thiết không biết đang nằm đâu giữa một bãi chiến trường lộn xộn ngổn ngang giấy tờ sách vở? Bạn đã chán ngấy với không gian học tập quen thuộc tại nhà mà ngay cả khi đã thay đổi vị trí thường xuyên vẫn không đem lại sự cải thiện đáng kể nào về mặt tinh thần? Nếu tất cả những câu hỏi đặt ra trên đây đều đã đang là tình trạng bạn đối mặt hàng ngày thì thay đổi môi trường học tập chính là bước cần thiết tiếp theo để lấy lại động lực cho bản thân. Bởi không gian học tập là cái hàng ngày tác động trực tiếp đến tinh thần của chúng mình và tất yếu chỉ khi học trong một môi trường gọn gàng, có tính thẩm mỹ và sự kỷ luật mới giúp phát huy tối đa khả năng tư duy, sáng tạo cũng như thúc đẩy tinh thần ham học hỏi phải không nào?
- Vậy làm thế nào để tạo ra môi trường học tập đầy cảm hứng? Thực tế thì đây là câu hỏi K.I.O.S cho rằng sẽ không tìm được mẫu số chung, bởi tùy thuộc cả vào điều kiện khách quan là không gian học tập bạn đang sở hữu có đặc điểm ra sao (diện tích rộng hay hẹp/ không gian mở hay khép kín/ phù hợp để thay đổi ở mức độ như thế nào) lẫn sở thích cá nhân trong việc bài trí sắp xếp không gian học tập (có người thích phong cách tối giản nhưng có người lại ưa chuộng phong cách vintage aesthetic hơn chẳng hạn), nên khi tạo ra được môi trường tổng hòa cả hai yếu tố này cùng lúc mỗi người cũng sẽ có riêng một đáp án phù hợp nhất với mình.
(Để tìm ý tưởng decor cho góc học tập bạn có thể tham khảo Pinterest hoặc xem các video về chủ đề “desk makeover” trên youtube - Nguồn video : Krister Anne)
- Ngoài cách thường xuyên làm mới lại góc học tập ở nhà ra thỉnh thoảng thay đổi không gian học từ nhà ra quán cà phê cũng là một ý tưởng không tồi, nhất là nếu bạn thuộc tuýp người khó duy trì mức độ tập trung tối đa nếu chỉ có một mình hoặc trong không gian yên tĩnh tuyệt đối thì việc sử dụng chung không gian học và làm việc cùng người khác ngoài quán cafe là một trong những giải pháp nên thử cân nhắc. Ở Hàn Quốc trong vài năm trở lại đây cũng xuất hiện ngày càng nhiều mô hình study cafe không chỉ dành riêng cho học sinh, sinh viên mà bất cứ lứa tuổi nào cũng dễ dàng tiếp cận và sử dụng không gian với rất nhiều tính năng và sự tiện ích này như một môi trường học tập và làm việc lý tưởng.
Khác với khi tìm đến các không gian học tập công cộng như phòng đọc sách (독서실) hay thư viện (도서관), study cafe mang lại bầu không khí thoải mái hơn mà vẫn đảm bảo được những yếu tố cần có ở một môi trường học tập “kiểu mẫu” để người dùng có được trải nghiệm đúng với nhu cầu họ đang cần và mức chi phí mà họ đã bỏ ra. Để mô tả ngắn gọn về đặc điểm nổi bật của mô hình study cafe K.I.O.S sẽ sử dụng từ khóa “vừa đóng vừa mở”. Trong đó “mở” thể hiện rõ ở tính chất không giới hạn về tệp khách hàng đến sử dụng dịch vụ, cũng như nó tạo ra không gian sinh hoạt chung giữa những người cùng chung mục đích là “thay đổi môi trường học tập”, còn “ đóng” là vì nó vẫn đảm bảo được tính riêng tư nhất định cho mỗi cá nhân dù là đang học trong một không gian công cộng, bạn không cần phải để ý đến ánh mắt hay sợ bị sao nhãng bởi những tác động từ người khác nhờ có các vách ngăn phân chia giữa từng khu vực ngồi / hoặc phòng riêng tuỳ vào nhu cầu thuê gói dịch vụ mà bạn đăng ký. Đồng thời, điểm làm nên khác biệt giữa study cafe và các quán cà phê thông thường khác là ở chất lượng dịch vụ với rất nhiều tiện ích mà người dùng được sử dụng miễn phí từ : những trang thiết bị cơ bản như máy tính trong đó chứa dữ liệu về các bài giảng hay hoặc tài liệu giúp bạn dễ dàng tra cứu khi cần, đồ dùng học tập, máy in để in ấn tài liệu, chăn dùng trong những ngày thời tiết trở lạnh cũng là vật dụng cần thiết dành cho những bạn nào thường xuyên cày đêm tại đây để ôn thi chẳng hạn khi mà vẫn cần đến những giấc ngủ ngắn để đảm bảo phần nào về mặt sức khoẻ; cho đến các loại thức uống phổ biến như trà hay cà phê tiếp sức cho người học mỗi khi xuống tinh thần, vì đôi khi một tách cà phê ngon cũng đủ giúp đầu óc thêm tỉnh táo sau thời gian dài “vùi mình” vào bài vở. Nói cách khác ngay cả khi bạn đến study cafe chỉ với chiếc túi rỗng, bạn vẫn tìm được những vật dụng cần thiết hỗ trợ cho việc học bởi những tiện ích sẵn có mà mô hình này cung cấp cho người dùng dịch vụ của họ.
Một số đặc điểm khác của mô hình study cafe được ưa chuộng ở Hàn:
Không gian quán cà phê rộng rãi, lối trang trí hiện đại, ngăn nắp, chia không gian bằng các vách ngăn để tạo sự riêng tư cho người học.
Chi phí sử dụng phải chăng (6,000~9000won/1 lần sử dụng đã bao gồm đồ uống) và thường được bán với các combo 10 lần, 20 lần sử dụng.
Người dùng được tự chọn thời gian sử dụng mỗi lần, và thường được mở cửa 24/7 dành cho các cú đêm có thể “cày cuốc” thâu đêm suốt sáng.
(Kết quả khảo sát cho thấy tần suất sử dụng cũng như lý do phổ biến mà người Hàn lựa chọn quán cà phê làm không gian học tập - Nguồn ảnh : kunews.ac.kr)
Với những bạn đã đang học tập tại Hàn mà còn xa lạ với mô hình này có thể tham khảo thông tin chi tiết hơn từ việc đăng kí mua các gói học, tham quan không gian thực tế trong một số daily vlog của các bạn du học sinh Việt Nam chẳng hạn như :
(Khi xem những video này chúng mình không những được trải nghiệm online các không gian study cafe ở Hàn Quốc, mà còn có thể thu được nhiều tips học hành hiệu quả từ các bạn du học sinh với lối chia sẻ gần gũi - Nguồn video : kênh Rin Go)
- Ở Việt Nam mặc dù mô hình study cafe như Hàn Quốc vẫn chưa được phát triển, nhưng những năm trở lại đây không khó để tìm các không gian làm việc dưới hình thức co-working space có cách thức hoạt động tương tự như trên. Tuy nhiên mức chi phí có lẽ là hạn chế lớn nhất để giúp nó tiếp cận rộng rãi với đối tượng học sinh sinh viên, nhưng đừng quá lo khi không ít quán cà phê ra đời để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm môi trường học tập dành cho nhóm đối tượng này. Và nếu vấn đề của bạn đang nằm ở việc thay đổi môi trường học mới hãy thử tham khảo danh sách các quán KIOS yêu thích dưới ảnh sau, biết đâu trong số đó sẽ có không gian phù hợp với việc học tập của bạn thì sao ^^
Còn giả như bạn không đủ điều kiện cả về quỹ thời gian biểu hay vấn đề tài chính để thường xuyên đem sách vở ra ngoài quán cà phê học được, thì yên tâm rằng bạn vẫn hoàn toàn có thể hô biến góc học tập của mình trở nên mới mẻ hơn cũng như có được những trải nghiệm học tập thú vị không kém ngay tại nhà thông qua việc tái tạo lại âm thanh hay hình ảnh có liên quan về một không gian bất kỳ bằng những website hay ho dưới đây :
4. Lắng nghe nguồn năng lượng tích cực xung quanh
Tìm đến lời khuyên từ các tiền bối đi trước hoặc người mà bạn thực sự tin tưởng, nghe những câu chuyện truyền cảm hứng từ mọi người xung quanh, đọc các đầu sách mang thông điệp ý nghĩa...vv...vv...., tất cả những điều nhỏ bé này đều có thể giúp bạn giảm bớt áp lực không mong muốn, cân bằng lại việc học tập trong cuộc sống thường nhật, đồng thời trở thành nguồn cảm hứng tuyệt vời để nỗ lực hoàn thiện bản thân mình tốt hơn. Có một câu nói mình rất thích rằng “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” vậy nên đừng lo lắng về việc bạn có đang đơn độc trên hành trình đầy khó khăn này hay không, hãy sống chậm lại lắng nghe nhiều hơn bạn sẽ nhận ra sự đồng hành âm thầm đã đang tồn tại xung quanh mình đấy.
Còn nếu trong môi trường của bạn không có nhiều người cùng học chung ngôn ngữ Hàn và việc tìm được một người bạn đồng điệu đủ để thoải mái giải bãy những khó khăn trong quá trình tiếp cận một ngôn ngữ mới cũng không mấy dễ dàng, hay dù muốn chủ động tiếp cận những nguồn năng lượng tích cực được nhắc đến trên nhưng bạn lại không chắc có thể tìm được chúng ở đâu thì hãy để K.I.O.S gợi ý bạn vài nguồn hữu ích dưới đây :
Chuỗi video “STUDY WITH ME” / “STUDYVLOG”
- Chỉ cần search từ khóa “study with me” bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hàng loạt video kéo dài nhiều tiếng đồng hồ ghi lại quá trình học bài của một cá nhân, mà lượng view đến từ dạng content này có thể lên đến vài chục nghìn hoặc vài triệu lượt xem. Bắt nguồn từ chuỗi video “공방” (kết hợp giữa cụm từ “공부” và “방송”) được đăng tải lần đầu vào khoảng năm 2017 từ một tài khoản youtuber người Hàn dần dần “study with me” đã trở thành trào lưu được đón nhận rộng rãi, đặc biệt trong thời kỳ dịch Covid -19 bùng phát khi sự tương tác trực tiếp giữa người – người dần bị hạn chế và thay thế bằng các phương thức học và làm việc trực tuyến. Lý giải cho việc tại sao dạng video “study with me” lại trở nên phổ biến và có sức mạnh lan truyền động lực học tập đến người xem thì theo K.I.O.S nằm ở hai yếu tố chính :
Giải quyết được vấn đề lớn nhất khi học một mình tại nhà đó là “không có bạn đồng hành”. Thực tế dù không có sự tương tác trực tiếp giữa người thực hiện và người xem, hay ngay cả khi người thực hiện video không để lộ mặt thì chúng mình vẫn dễ bị tác động khi chứng kiến hành vi chăm chú làm việc gì đó của người khác và phát sinh phản xạ tương tự là muốn tự giác ngồi vào bàn học ngay lập tức. Thông qua màn hình máy tính hay điện thoại bạn không còn cảm giác đang phải học một mình nữa, mà giờ đây mỗi người xem video chính là một cá thể nhỏ trong cộng đồng lớn đang cùng học tập trong một thư viện trực tuyến thu nhỏ do chủ kênh video tạo ra.
Những video “study with me” tuy có thời lượng khá dài nhưng đều có sự phân chia hợp lý giữa thời gian học tập và nghỉ ngơi theo phương pháp Pomodoro – một trong những kỹ thuật giúp quản lý thời gian hiệu quả và tối ưu hóa năng suất học và làm việc, đồng thời sử dụng hiệu ứng hình ảnh lẫn âm thanh kích thích sự sáng tạo hay khả năng tập trung tốt hơn, thậm chí tạo cảm giác cho người xem môi trường học tập giả tưởng họ đang nhìn thấy qua màn hình cũng giống hệt môi trường học tập lý tưởng ngoài thực tế.
- Một vài tài khoản chuyên làm video “study with me” không nên bỏ lỡ :
(Nguồn video : Kênh youtube Abao in Tokyo)
(Nguồn video : Kênh youtube The Hanoi Chamomile)
(Nguồn video : Kênh youtube Nessa lui)
Độ dài về mặt thời lượng là đặc trưng dễ nhận thấy nhất ở thể loại video “study with me” mà K.I.O.S đã nhắc đến phía trên, nhưng đây cũng là điểm hạn chế lớn đối với những bạn đã đang đi làm toàn thời gian, không có quá nhiều thời gian trong một ngày để duy trì việc học ở cường độ cao đôi khi việc theo dõi một video dài hàng tiếng đồng hồ là không thể. Nếu đây là vấn đề bạn đang gặp phải hãy thử chuyển hướng sang loại video “studyvlog” trên nền tảng Tiktok. Tuy không ghi lại toàn bộ quá trình một buổi học nhưng nó vẫn có những yếu tố riêng thu hút người xem không kém gì các video có thời lượng dài từ bối cảnh , bố cục góc quay, màu sắc, hay hiệu ứng âm thanh được sử dụng và tất nhiên mục đích quan trọng nhất là truyền tải được cảm hứng học tập cho người xem vẫn được giữ nguyên. Ngay cả khi một ngày bạn chỉ lướt xem vài ba clip với độ dài chưa đến 1 phút nhưng K.I.O.S tin chắc bạn không thể trì hoãn sự lười biếng trong mình thêm chút nào sau khi xem những thước phim ngắn này đó.
Chuỗi video “동기부여”
Không khó để tìm những video khai thác về chủ đề “동기부여” , trong đó nếu để gợi ý một kênh dành riêng cho bạn đọc của K.I.O.S thì STUDYCODE đứng đầu sự lựa chọn của mình không chỉ bởi tính tích cực trong cách truyền tải thông điệp, mà mỗi nội dung được đề cập ở đây còn có thể thay đổi cách nhìn nhận tư duy của người nghe về một vấn đề tưởng chừng đã quá đỗi quen thuộc. Nếu lướt qua một vòng bạn sẽ nhận thấy đối tượng được hướng đến nhiều nhất ở các video là những bạn học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, nhưng không vì thế nó giới hạn chỉ đối tượng đó mới phù hợp với nội dung mà kênh xây dựng. Bởi từ một chủ đề nhỏ được đề cập trong video lại có thể nhân rộng ra thành vấn đề chung mà bất kể bạn ở độ tuổi nào, đang học gì chăng nữa cũng từng ít nhất đối mặt với nó một vài lần. Chẳng hạn như có bao giờ trong bạn xuất hiện những suy nghĩ như “Tại sao mình lại phải học bằng được cái này? Bài vở của ngày hôm nay chưa kết thúc xong nhưng vẫn biết rõ ngày mai ngày mốt tuần tới hoặc có thể là mốc thời gian xa hơn mình vẫn phải lặp đi lặp lại khung thời gian biểu tương tự với một môn học duy nhất mà không biết đến chừng nào là đủ, chừng nào mới có điểm dừng? Người khác nỗ lực sao mình cũng nỗ lực tương tự vậy nhưng tại sao kết quả vẫn ở chiều trái ngược? Nỗ lực thôi có đủ? Nỗ lực ra sao cho đúng cách liệu có cần phải học? ....” . Và cái hay của kênh nằm ở lối dẫn dắt vấn đề, nói thẳng nói thật không “tô hồng” hiện thực cũng như đưa ra được những cách tiếp cận mới hơn cho một khái niệm đã cũ, nên khi xem mình ít có cảm giác người nói chỉ đang đưa ra giải pháp một chiều cho người nghe rằng cần phải làm cái này mới là tốt mà đóng vai trò như người bạn đồng hành lắng nghe và cho mình sự định hướng để tự tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề của bản thân.
Tuy nhiên với thể loại video như này không phải cứ bật lên nghe liên tục thì tự khắc bạn sẽ lấy lại tinh thần ngay lập tức, cái gì nhiều quá cũng có những mặt hại nên thường mình chỉ chọn xem video đúng với vấn đề mình thực sự quan tâm hoặc có thể đem lại giá trị tinh thần tương ứng. Một số video K.I.O.S gợi ý cho bạn đọc blog là :
"입 다물어. 내 한계는 내가 정해." | "넌 안돼."라는말을 들었을 때 | 주위에 비아냥과 비난이 넘쳐날 때 | 실제선배의 현실 조언
https://www.youtube.com/watch?v=S-ftdpZeY9g
"진짜 노력'이란 무엇인가? | 노력을 재정의합니다. | 노력의 본질(CODE)을고찰해봅니다.
“내가 노력을 안 하는 본질적 이유”
“ 왜 공부하는가? | 입시 공부의 숨은 본질”
Hoặc tham khảo thêm gợi ý khác được nhắc đến trong video tổng hợp dưới đây
(Nỗ lực không chỉ đơn giản là "thực hiện" mà nỗ lực phải là "liên tục thực hiện" mới đúng - Một trong những câu nói mình ấn tượng nhất trong video chia sẻ "진짜 노력'이란 무엇인가? | 노력을 재정의합니다." - Bản dịch video : Kênh Assa Korean)
Podcast mang thông điệp chữa lành đứa trẻ bên trong mỗi người
Vốn dĩ không phải chỉ những nguyên nhân liên quan trực tiếp đến chuyện học hành mới có thể ảnh hướng đến động lực học của chúng mình, mà nhiều khi chính những yếu tố thuộc về môi trường sống, những chuyện đã đang xảy ra trong cuộc sống thường ngày mà đi lệch khỏi quỹ đạo vốn có về cả mặt suy nghĩ và cảm xúc bên trong bạn cũng có thể trở thành tác nhân chính đằng sau vấn đề bạn đang gặp phải. Nên trong nội dung của mục 4 nhỏ này K.I.O.S không muốn chỉ giới hạn ở việc giới thiệu những nguồn năng lượng tích cực đến từ các tài khoản chuyên về học tập, mà rộng hơn còn muốn giúp bạn tìm được một nơi để lắng nghe và học cách thấu hiểu bản thân nhiều hơn. Vậy nên podcast chính là lựa chọn đầu tiên nảy đến trong đầu mình. Thử cùng mình dạo quanh một vòng trên Spotify và note thêm vài đầu kênh thú vị mà chắc chắn đâu đó trong những chủ đề được họ xây dựng trên mỗi kênh này sẽ mang đến cho bạn thêm nhiều sức mạnh tinh thần để tự tin phát triển bản thân tốt hơn .
5. Liên tục đổi mới phương pháp học lẫn gia tăng về mặt chất lượng kiến thức
Tương tự như các bạn đã học tiếng Hàn lâu năm khác, sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm khoảng chừng ba năm mình cũng có những giai đoạn đánh mất niềm yêu thích dành cho ngôn ngữ hiện đang gắn bó. Ngoại trừ việc đây vẫn là công cụ mình cần sử dụng mỗi ngày để nuôi sống bản thân ra thì tại thời điểm đó mình tuyệt nhiên không còn cảm nhận được sợi dây kết nối giữa mình và tiếng Hàn nữa. Nếu bạn nào có theo dõi K.I.O.S lâu chắc cũng từng nghe mình chia sẻ qua về hành trình bắt đầu với tiếng Hàn rằng khác với hầu hết mọi người mình lựa chọn ngôn ngữ này để học không phải xuất phát từ sự yêu thích vốn có, mà trong suốt từng ấy năm mình nỗ lực từng bước nuôi dưỡng bồi đắp tình cảm ấy lớn dần. Nên khi rơi vào trạng thái kể trên mình đã hoang mang không biết nếu chỉ bằng sự cố gắng để học cách yêu thích một thứ gì đó liệu đã đủ và lựa chọn của mình ngay từ đầu phải chăng đã sai hướng. Phải cho đến khi blog Korea in our stories được ra mắt và trong suốt hai năm đưa blog đến gần hơn với cộng đồng người học tiếng Hàn mình mới có đáp án chính xác cho câu hỏi bỏ ngỏ năm nào. Xây dựng một trang blog chia sẻ kiến thức đặt ra một yêu cầu lớn đối với cả mình và L. đó là cần không ngừng trau dồi thêm vốn hiểu biết của bản thân, và khi đi sâu vào tìm hiểu từng vấn đề nhỏ hơn bên trong khối kiến thức tổng quát liên quan đến ngôn ngữ này mình mới nhận ra nguyên nhân sâu xa dẫn đến cảm giác chán ghét khi gắn bó với một ngôn ngữ nào đó quá lâu thực chất lại nằm ở việc bạn đã và đang ở trong một vùng an toàn do riêng mình tạo ra. Thay vì tìm đến những cái mới hơn (“mới” ở đây bao gồm cả những điều chưa biết và việc thay đổi lại những cái đã quá quen thuộc) lại tự cho phép mình hài lòng chỉ trong những gì bản thân đã biết, nên ắt hẳn khi vòng lặp ấy kéo dài liên tục sẽ sinh ra vấn đề mà thôi. Thực tế mình vẫn không giấu khỏi niềm vui sướng khi biết được thêm một kiến thức nhỏ nào đó, dù có thể nó thuộc về phạm trù sơ cấp hoặc tưởng chừng như đã nằm rõ trong lòng bàn tay trước đó rồi. Hay khi nhận được câu hỏi các bạn gửi về cho blog không phải tất cả đều nằm trong sự hiểu biết vốn có của mình, nhưng kể cả khi bỏ ra vài tiếng hoặc nguyên một ngày dài tra cứu tài liệu và tự tìm ra đáp án để trả lời cho thắc mắc của mọi người mình vẫn cảm nhận rõ sức nặng của việc am hiểu một ngoại ngữ nào đó đã mang đến cảm xúc tích cực thế nào bên trong mình. Tích lũy kiến thức không dừng lại ở những cái chúng mình đã có và chỉ khi bạn hiểu ra những điều bạn đang biết về ngôn ngữ này mới chỉ là chấm nhỏ trong một khối tổng hợp phức tạp thôi thì mong muốn được khám phá về nó nhiều hơn tự khắc sẽ lớn dần hơn. Vậy nên nếu bạn đang đọc đến phần này của bài viết hãy tạm dừng lại vài giây để hỏi bản thân rằng “Lần cuối bạn chủ động "làm mới" cả về mặt chất lượng kiến thức mình nạp vào lẫn phương pháp học tập là khi nào?” và giả như câu trả lời là một con số mơ hồ thì bạn cũng hiểu bản chất vấn đề thực sự nằm ở đâu rồi phải không?
Vậy muốn đổi mới về phương pháp học tập cần bắt đầu như thế nào K.I.O.S có vài gợi ý dưới đây cho bạn :
Tự đặt ra thử thách nhỏ cho bản thân hoặc thực hiện theo các thử thách từ những tài khoản studygram hay youtuber bạn yêu thích
- Thay vì chỉ học nối tiếp từ bài này sang bài khác bạn có thể kết hợp thực hiện những thử thách định kỳ sau mỗi một giai đoạn học hoặc khi kết thúc hết một trình độ chẳng hạn, không chỉ với mục đích thay đổi lộ trình học quen thuộc mà cũng là cách giúp bạn kiểm tra tổng hợp và đánh giá được mức độ vận dụng kiến thức đã học vào thực tế . Hai lưu ý nhỏ khi lựa chọn thử thách đó là :
nên có sự cân bằng giữa mức độ khó của thử thách đó với trình độ tiếng Hàn hiện tại của bản thân, một thử thách quá dễ dàng hay quá khó để làm được đều có thể là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ thực hiện thành công thấp.
thời gian thực hiện cho mỗi thử thách dài hay ngắn nên điều chỉnh phù thuộc vào cả quỹ thời gian bạn có , nếu bạn không thể duy trì các lộ trình dài hàng tuần/hàng tháng có thể chọn loại thử thách chỉ giới hạn theo giờ hoặc trong ngày thôi chẳng hạn.
- Nếu không biết nên tự đặt ra thử thách ra sao mới phù hợp bạn có thể tham khảo những nội dung này tại một số nguồn như :
Chuyên mục “STUDY CHALLENGE ON BLOG” trên blog K.I.O.S . Tuy hiện tại chuyên mục này mới lên sóng được một bài đầu tiên liên quan đến từ vựng (link đính kèm : https://koreainourstories.wixsite.com/koreainourstories/post/ho-c-2200-t%C6%B0-v%C6%B0-ng-trong-7-nga-y-theo-sa-ch-topik-intermediate-vocabulary-in-30days-cu-ng-k-i-o-s) nhưng chúng mình sẽ cố gắng phát triển nhiều số blog thú vị hơn trong thời gian tới
Kênh youtube Meichan với một số thử thách điển hình như “một ngày học cả bốn kỹ năng”, “học 3000 từ vựng trong 3 ngày”, “24h nói tiếng Hàn”, “trả lời Q&A bằng tiếng Anh” vv..vv... Ngoài kênh này ra trên youtube còn có rất nhiều bạn trẻ làm về nội dung tương tự và ngay cả khi ngôn ngữ mà họ ứng dụng không phải tiếng Hàn chăng nữa bạn vẫn có thể tham khảo và thay đổi thành ngôn ngữ mình đang học nha.
Bộ sách “100 DAYS KOREAN VOCAB/ GRAMMAR CHALLENGE” của nhà SooandCarrots
(LINK DOWNLOAD BẢN PDF :
- Một điều cũng quan trọng không kém là đừng ngại thưởng cho bản thân mỗi khi hoàn thành tốt một thử thách nào đó. Phần thưởng chính là minh chứng rõ nhất cho sự chăm chỉ và nỗ lực không ngừng nghỉ của bạn đã bỏ ra, để mỗi khi nhìn vào đó bạn sẽ có thêm động lực hoàn thiện bản thân tốt hơn trong những bước đi mới đang chờ phía trước.
Đưa việc sử dụng ngôn ngữ gắn liền với các thói quen trong cuộc sống
sinh hoạt hàng ngày của bạn
Đây là một trong những cách chúng mình đánh giá khá cao tính ứng dụng của nó khi có thể kết nối được ngôn ngữ vào trong đời sống thực tế, ngay cả khi quỹ thời gian bạn có trong một ngày hết sức eo hẹp bạn vẫn có thể tranh thủ được khoảng thời gian trống để thực hành các kỹ năng tiếng ngay trên chính điện thoại của mình . Giả như bạn là một người có thói quen ghi chép viết lách đều đặn hàng ngày chẳng hạn thử tận dụng các app tiếng Hàn như “원데이- lập thời gian biểu/ ghi chú/ viết bullet journal”, “백자 하루- viết nhật ký” hay “밤편지 우체국 -viết thư” để luyện kỹ năng viết (cụ thể về tính năng và cách áp dụng các app này vào việc học ra sao K.I.O.S đã đề cập khá kỹ trong bài viết “Phương pháp cải thiện kỹ năng viết hiệu quả” bạn có thể tham khảo lại nếu cần nha). Hay nếu bạn là một người nghiện mạng xã hội thì tại sao không tận dụng khoảng thời gian lướt mạng để ấn follow và đọc các trang thông tin có liên quan đến tiếng Hàn, khi đấy cũng là một cách giúp bạn luyện kỹ năng đọc - hiểu mà không nhất thiết phải “kè kè” cuốn giáo trình nào bên cạnh. Đây chỉ là hai ví dụ rất nhỏ K.I.O.S muốn chỉ ra cho mọi người thấy rằng bất kể ai trong số chúng mình hoàn toàn có thể chủ động tận dụng các thói quen vẫn làm mỗi ngày để làm môi trường thực hành ngoại ngữ được. Trong giới hạn bài viết này chúng mình tạm không tổng hợp chi tiết các kênh thông tin hữu ích nâng vốn tiếng Hàn trên các nền tảng mạng xã hội, mà ở đây nếu có bạn nào cũng quan tâm đến các app tích hợp được giữa việc xây dựng thói quen cá nhân với luyện kỹ năng viết tiếng Hàn có thể tham khảo thêm gợi ý thú vị dưới đây nha ^^
Học kết hợp với sở thích cá nhân
Một điều chắc chắn là nếu phải chọn giữa thứ chúng mình thích và không thích thì vế đầu tiên vẫn là cái đem lại cho chúng mình động lực để thực hiện và duy trì chúng trong thời gian dài nhất có thể phải không nào? Tương tự việc học cũng như vậy, nếu lúc nào nhắc đến nó cũng chỉ là đống bài tập cần phải hoàn thành đúng hạn, mớ đề thi cần phải ôn luyện để lấy điểm cao hay làm thế nào mới nạp hết đống từ vựng - ngữ pháp vào đầu một cách dễ dàng khi mà bài cũ còn chưa kịp “tiêu hóa” xong bài mới đã vội ập đến vv...vv.....tất yếu dù yêu thích đến đâu cũng có lúc rơi vào trạng thái chán chường. Nên ở đây K.I.O.S gợi ý bạn trước khi chọn cho mình cách thức học ra sao hãy thử tự hỏi sở thích cá nhân của bạn là gì và tìm cách móc nối hai điều tưởng chừng không có liên quan này lại làm một. Để mình lấy vài ví dụ đơn giản để bạn dễ hình dung hơn nha :
Quay ngược lại thời điểm những ngày đầu mình mới tiếp cận với tiếng Hàn thì những điều được kể ra trên đây vẫn là cái gì đó quá mơ hồ hoặc chưa từng nghĩ đến liệu bản thân có thể thu lại được gì khi áp dụng chúng vào trong quá trình học tiếng hay không. Nhưng hiện tại nếu dạo một vòng trên các trang mạng xã hội không khó để bắt gặp những kênh chuyên dịch sub nhạc/phim/các show truyền hình thực tế của Hàn hoặc trang fanpage về một người nổi tiếng nào đó, những tài khoản chia sẻ thông tin kiến thức về tiếng Hàn trên instagram, tiktok mà người đứng sau đó đều là các bạn trẻ không chỉ hiểu biết hay yêu thích tiếng Hàn không thôi mà còn biết cách kết nối giữa ngôn ngữ họ đang học với những điều họ quan tâm ở bên ngoài cuộc sống. Chính điều này đã thay đổi lại cách nhìn của mình về phương pháp học ngoại ngữ, và chưa kể khi áp dụng thử những cách trên còn cùng lúc đem đến nhiều lợi ích khác về mặt kỹ năng mềm cho chúng mình nữa đó.
Trao đổi ngoại ngữ 1:1 hoặc tạo nhóm học tiếng
Mỗi khi thảo luận về một kiến thức tiếng Hàn nào đó để xây dựng nội dung cho các bài viết trong chuyên mục “Học tiếng Hàn” không chỉ là cách giúp chúng mình tổng kết lại được kiến thức hai đứa đã học, mà cùng lúc còn nhìn ra và bổ sung được cho nhau những phần kiến thức mà bản thân còn hiểu chưa đúng, chưa đủ. Nhiều khi những cái chúng mình đọc từ trong sách ra hoặc nghe giảng từ thầy cô lại không ghi nhớ lâu bằng việc trao đổi trực tiếp với bạn học, sự trao đổi hai chiều vẫn có những lợi thế riêng mà trao đổi một chiều không có được. Một điểm khác biệt lớn khi học trao đổi cùng với bạn bè là chúng mình không có cảm giác như đang phải trả bài cho giáo viên, đồng thời có thể cùng nhau thử nhiều phương pháp học mới hơn - điều mà trong phạm vi một buổi học trên lớp rất khó để người học bước ra khỏi khuôn khổ sẵn có mà không phải chịu chi phối trong phương pháp giảng dạy và quản lý lớp học của giáo viên chẳng hạn.
6. Ngừng khắt khe với bản thân mình
Chắc hẳn trong suốt quá trình các bạn học cũng như sử dụng tiếng Hàn trong công việc có không ít những lúc bạn cảm thấy thất vọng về năng lực ngoại ngữ của bản thân, rồi tự hỏi liệu mình đang đứng ở đâu và đã có được những gì sau từng ấy năm gắn bó với ngôn ngữ này ngoại trừ nỗi tự ti không hơn không kém. Tương tự như các bạn khi mình còn ngồi trên ghế nhà trường cũng từng có những lúc làm bài kiểm tra bị điểm kém, không nghe - hiểu được toàn bộ nội dung bài giảng của giáo viên, áp lực về mặt thành tích khi phải cạnh tranh cùng các bạn sinh viên quốc tế có nhiều lợi thế về ngôn ngữ Hàn hơn mình, nỗ lực bỏ ra nhiều nhưng sự cải thiện thu lại không đáng kể bao nhiêu, cho đến khi đi làm thì không ít lần bị cấp trên khiển trách, tiến độ công việc bị ảnh hưởng do năng lực cá nhân không đủ đáp ứng , càng làm nhiều lĩnh vực môi trường khác nhau tiếp xúc với những người có chuyên môn cao càng thấy những giới hạn trong sự hiểu biết của bản thân vv...vv..... và tất cả những điều đó cộng lại đó đều khiến sự hoài nghi và suy nghĩ từ bỏ lớn dần lên trong mình mỗi ngày. Nhưng liệu có ai toàn diện sẵn mà không cần phải học từ những thiếu sót? Câu trả lời là không. Có bài học kinh nghiệm “xương máu” nào mà không đến từ sự vấp ngã? Câu trả lời cũng là không. Có phải sự tự tin vốn dĩ đã bộc lộ sẵn bên trong mỗi người mà không cần tìm cách khám phá và nuôi dưỡng nó lớn dần hơn mỗi ngày. Câu trả lời vẫn là không . Mỗi khi trong đầu xuất hiện một suy nghĩ tiêu cực nào đó mình sẽ đặt ra một câu hỏi ở vế ngược lại và chỉ một chút thay đổi trong góc nhìn cũng có thể tạo ra điểm tựa lớn về mặt tinh thần để mình tiếp tục bước tiếp, bỏ bớt một chút khắt khe với bản thân đi tự khắc thấy vấn đề mình đang gặp phải vẫn còn có thể tìm ra cách giải quyết để trở nên tốt hơn. Vậy nên thay vì dằn vặt mãi về một bài kiểm tra bị điểm kém tại sao chúng mình không thử nghiêm túc nhìn xem lỗ hổng kiến thức của bản thân đang ở đâu để điều chỉnh, 50 phút cho một tiết học trên lớp không kịp để nghe - hiểu nội dung giáo viên nói thì tại sao không bỏ gấp đôi thời gian ra để tự nghiên cứu tìm hiểu bài học trước ở nhà và khi đã nắm được cơ bản nội dung kiến thức mà mình sẽ học ở buổi đó thời gian trên lớp sẽ được tận dụng để học những cái mới hơn nằm ngoài sách vở, vv....vv..... Đằng sau mỗi một lỗi sai trong quá trình làm việc mình cũng đồng lúc học được nhiều cái mới cả về kiến thức lẫn kỹ năng chuyên môn, học từ trải nghiệm thực tế đôi khi còn có sức nặng hơn những gì chỉ đọc thụ động từ trong sách vở mà thiếu sự ứng dụng vv...vv....Bạn thấy đó chúng mình không thể chọn trước kết quả của một sự việc chỉ luôn đi theo đúng hướng mình mong muốn nhưng có thể chọn cách đối diện với nó bằng thái độ ra sao, hay nói cách khác mức độ ảnh hưởng của mỗi một vấn đề dù tiêu cực hay tích cực đến bản thân là nhiều hay ít tùy thuộc vào mỗi người không phải xuất phát từ vấn đề đó mà ra . Và đừng quên đôi khi chúng mình cũng cần một bước lùi để có thể tiến những bước tiến xa hơn trong tương lai nữa đó.
Trong số podcast gần đây mình xem trên Vietcetera với chủ đề“Đi theo ánh sáng lấp lánh bên trong mỗi người”, khi nhân vật khách mời Đức Phúc và chị VJ Thùy Minh chia sẻ về những trải nghiệm trong quá khứ mà tại thời điểm họ trải qua điều đó họ có một niềm tin chắc chắn rằng kết quả sẽ xảy đến đúng với sự hình dung mà bản thân mong muốn, dù nếu xét các điều kiện có liên quan từ bên ngoài thậm chí cả nhận định từ mọi người xung quanh đều nằm ở chiều trái ngược, cả hai có cùng nhắc đến một khái niệm mang tên “ánh sáng lấp lánh” - giống như ngọn đèn soi đường ánh sáng ấy cho chúng ta thêm sự kiên định và niềm tin để tiếp tục theo đuổi điều bản thân đang hướng đến. Mình đã ngẫm nghĩ rất lâu liệu rằng động lực thực sự đã thúc đẩy mình bước tiếp ngay cả trong những thời khắc cả thể lực và tâm trí đều kiệt quệ phải chăng cũng nhờ vào “ánh sáng lấp lánh” ấy. Mình vốn dĩ không phải người có niềm tin đủ lớn về bản thân, nhưng bạn thấy đấy mình vẫn tìm thấy ánh sáng của riêng mình - cái tưởng chừng không hề tồn tại hoặc đã bị mất đi nhưng bằng cách nào đó nó vẫn hiện hữu khi cần để chỉ cho mình thấy từ bỏ chưa phải là lựa chọn cuối cùng cho vấn đề bản thân đang đối mặt . Nên giả như động lực đến từ bên ngoài không đủ sức mạnh hay là lý do để bạn đặt niềm tin vào bản thân thêm một lần nữa hãy thử lắng nghe động lực nội tại ẩn chứa bên trong tâm hồn mình bạn nhé !
__________________________
Để khép lại số blog tuần này chúng mình xin được gửi đến bạn một câu nói rằng “Động lực giúp duy trì ngọn lửa đam mê nhưng để giữ cho đam mê không bị lụi tàn thì ngay bây giờ bạn cần phải biết biến động lực thành hành động” . Mong rằng qua những chia sẻ chân thành trong bài viết K.I.O.S đã tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực đến các bạn độc giả để chúng mình luôn tìm được niềm vui trong học tập cũng như nuôi dưỡng tình yêu dành cho tiếng Hàn ngày một lớn hơn nhé ^^
*CHÚ THÍCH
Toàn bộ hình ảnh minh họa được sử dụng trong bài viết trên đều do K.I.O.S tự edit, trong đó đối với phần hình ảnh về các quán cà phê phù hợp để học tập (mục 3) chúng mình lấy nguồn ảnh chụp không gian quán từ page FB hoặc instagram của Bitter Sweet Coffee/ Oia Hanoi/ Tiny Post Cafe/ Noori Cafe & Bistro/ Hub De Tana/ Infact Coffee/ Urban Hygge Coffee/ Tranquil Books & Coffee. Do giới hạn về mặt trình bày K.I.O.S không thể ghi nguồn ảnh đã lấy ngay trong phần ảnh được edit, nên xin phép ghi riêng ở mục chú thích <1>
Đối với phần mô tả về nội dung của các kênh podcast ở mục 4 K.I.O.S sử dụng lại phần mô tả có sẵn trên tài khoản Spotify của Have a Sip/ Storytelling cast/ Amateur Psychology/ The finding audio / The Present Writer/ Storii - Tellers để phù hợp với giới hạn của ảnh .
Để lên sóng được một số blog trên web như vậy cần đến rất nhiều công sức và thời gian chuẩn bị, vậy nên K.I.O.S mong rằng người xem sẽ không tùy ý sử dụng nội dung hay hình ảnh của bài viết mà không trích dẫn nguồn hoặc đăng tải lại trên các nền tảng mạng xã hội khác khi chưa hỏi ý kiến từ phía K.I.O.S. Cảm ơn và trân trọng sự ủng hộ của các bạn <3
Comentarios