top of page

LÀM THẾ NÀO ĐỂ VƯỢT QUA NỖI SỢ HỌC NGỮ PHÁP TIẾNG HÀN?

Updated: Dec 26, 2023

Khi học ngữ pháp tiếng Hàn nỗi lo sợ đầu tiên bạn nghĩ đến là gì? Bạn đã từng lúng túng khi bắt gặp một ngữ pháp mới hay không biết cách làm sao để vận dụng nó một cách tự nhiên vào cả trong văn nói lẫn hay văn viết dù có thể trước đó đã thuộc lòng từng ý nghĩa cách chia của chúng? Bạn gặp khó khăn trong việc ghi nhớ khối lượng lớn ngữ pháp tiếng Hàn, đặc biệt ngay từ mức độ sơ cấp người học đã gặp không ít những cấu trúc tương đồng dễ nhầm lẫn mà nếu chỉ đơn thuần ghi nhớ cách dùng riêng của mỗi cấu trúc thôi chưa đủ? Bạn muốn mở rộng kiến thức nằm ngoài nội dung đã được học trong giáo trình nhưng lại không chắc chắn nên tham khảo từ những nguồn học nào, nhất là khi số lượng các kênh chia sẻ tiếng Hàn ngày càng nhiều nhưng nội dung kiến thức chưa hẳn có sự đồng nhất như nhau để biết đâu đúng đâu sai? Nếu bạn đang gặp một trong những vấn đề kể trên thì hãy cùng K.I.O.S tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây nhé~


I. NHỮNG VẤN ĐỀ THƯỜNG GẶP KHI HỌC NGỮ PHÁP TIẾNG HÀN



1. Cố dịch nghĩa của ngữ pháp đó ra tiếng Việt

Đây có lẽ là lỗi sai điển hình nhất không chỉ ở những bạn mới bắt đầu làm quen với tiếng Hàn mà kể cả đã học tiếng lâu năm cũng rất dễ mắc phải, khi quá chú trọng vào việc gọi tên ngữ pháp đó trong tiếng Việt là gì thay vì hiểu rõ nó cả về mặt hình thái lẫn ý nghĩa. Để K.I.O.S lấy một ví dụ cụ thể giúp bạn đọc dễ hình dung hơn vấn đề này :

돼지국밥은 한국에 살았을 때 먹던 음식이에요.
돼지국밥은 한국에 살았을 때 먹은 음식이에요.
한국에 살았을 때 먹었던 돼지국밥을 먹고 싶어요.

Có thể thấy cùng dùng để diễn tả sự việc xảy ra trong quá khứ nếu như chỉ “đóng khung” ý nghĩa của cả -(으)ㄴ , -던, -았/었던 sang tiếng Việt là “đã”, người học không thể phân biệt được những sắc thái biểu đạt khác nhau giữa chúng cũng như việc hiểu sai bản chất ý nghĩa của cấu trúc đó dễ dẫn đến dùng sai ngữ cảnh hoặc khiến cho câu văn không được tự nhiên. Như trong ví dụ trên -(으)ㄴ chỉ đơn giản diễn tả việc "ăn món ăn này ở Hàn" là việc đã xảy ra trong quá khứ và vẫn kéo dài đến hiện tại (tức là bây giờ họ có thể vẫn còn ăn món này), ngược lại -던 mang sắc thái hồi tưởng sự việc nhiều hơn, nhấn mạnh “ăn kukbap” là việc đã thường xuyên lặp đi lặp lại hoặc được kéo dài liên tục tại một mốc thời điểm nào đó trong quá khứ. Còn -았/었던 ở ví dụ thứ ba lại chỉ dùng để nhấn mạnh một trải nghiệm đã bắt đầu và kết thúc trong quá khứ, tức việc “ăn kukbap” ở đây chỉ xảy ra trong khoảng thời gian người nói còn sống tại Hàn.


Qua ví dụ nhỏ bên trên chúng mình muốn người học hiểu rằng khi tiếp cận với một ngữ pháp mới đừng nên chỉ dừng lại ở việc dịch ngữ pháp này sang tiếng Việt là gì, mà trước tiên cần phải hiểu rõ về mặt bản chất của nó như có tất cả bao nhiêu cách dùng và cụ thể là trong các trường hợp như thế nào, so với các cấu trúc có ý nghĩa tương đồng khác có cần lưu ý những điểm gì khi sử dụng hay không, đồng thời nắm vững cả cách chia của chúng khi kết hợp với động từ tính từ danh từ hoặc nếu dùng trong các thì khác nhau (hiện tại - quá khứ - tương lai) thì liệu vẫn giữ nguyên cấu trúc ở dạng nguyên thể hay bị biến đổi vv...vv....Một khi đã nắm được bản chất của nó bạn sẽ không còn lúng túng trong việc ứng dụng cấu trúc đó ra sao vào trong kỹ năng viết lẫn giao tiếp thực tế nữa.


2. Sử dụng nguồn tài liệu tham khảo không có chọn lọc

Chắc hẳn trong quá trình học tiếng Hàn ngoài sử dụng một bộ sách giáo trình chính ra người học cũng thường tìm đến các nguồn tham khảo khác như đầu sách chuyên sâu về ngữ pháp hay những trang blog giải đáp chia sẻ kiến thức tiếng Hàn trên nhiều nền tảng khác nhau từ facebook, instagram cho đến website vv...vv....Việc tận dụng các nguồn học này thực sự cần thiết, bởi thông qua đó người học được mở rộng thêm những phần kiến thức nằm ngoài nội dung cơ bản trong sách giáo trình, nhưng đây cũng là con dao hai lưỡi nếu không biết chọn lọc nguồn đọc phù hợp cả về mặt chất lượng lẫn số lượng. Đơn giản như khi thử gõ từ khóa "phân biệt 이/가 - 은/는" lên thanh tìm kiếm của Google bạn sẽ ngay lập tức nhận được hàng loạt đáp án hiển thị có liên quan đến nội dung này, nhưng không phải tất cả thông tin được đề cập ở mỗi trang đều giống nhau cũng như đảm bảo được tính chính xác về kiến thức họ đưa ra. Giả như trong trường hợp tiếp nhận thông tin sai, nhất là với những bạn chưa thể đọc hiểu song song các tài liệu tiếng Hàn để dễ dàng đối chiếu thì những cái sai tưởng chừng vô hại này lại vô tình tạo ra lỗ hổng trong kiến thức nền của bạn.


Hoặc không ít trường hợp những bạn chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu lại có xu hướng lạm dụng quá nhiều đầu sách tham khảo cùng lúc dựa trên sự giới thiệu từ những người học đi trước, đôi khi nghe người khác review sách này tốt mình cũng nhất định phải mua để học theo thì điều này tuyệt đối không nên. Dù có thể cùng viết về một nội dung chăng nữa nhưng mỗi một đầu sách vẫn có cách triển khai giải thích từng vấn đề khác nhau để phù hợp với mỗi nhóm đối tượng khác nhau. Nên nếu bạn chỉ cố nhồi nhét mỗi chỗ một ít mà không có sự chọn lọc kiến thức, đến khi cần phải áp dụng ngữ pháp đã học đó vào thực tế bạn mới bối rối không biết nên đưa cái nào trong số những nội dung đã đọc trước đó vào trường hợp cụ thể. Đừng quên rằng số lượng kiến thức chúng ta nạp vào không hẳn đã tỉ lệ thuận với chất lượng kiến thức mà chúng ta tích lũy , mà "chất lượng" ở đây không chỉ thể hiện ở việc hiểu đúng - sai về bản chất nội dung của một vấn đề nào đó mà còn nằm ở cách vận dụng cái đã hiểu đó vào từng kỹ năng cơ bản để ngôn ngữ mà chúng mình đã và đang học không chỉ là "ngôn ngữ chết".


3. Học trước quên sau

Không riêng gì với ngôn ngữ Hàn mà tình trạng "học trước quên sau" có thể xảy đến với bất cứ môn học hay đối tượng người học nào không chỉ ở giai đoạn bắt đầu làm quen mà ngay cả khi đã có nền tảng nhất định. Có không ít nguyên nhân đằng sau vấn đề này, trong giới hạn của bài viết về chủ đề ngữ pháp K.I.O.S chỉ nêu ra hai lý do nổi bật thường thấy nhất :

  • Chỉ học bài nào biết bài ấy

Số lượng ngữ pháp tiếng Hàn không chỉ nhiều khi nhìn một cách tổng quát ở cả ba cấp độ sơ - trung - cao cấp mà khi phân nhỏ theo từng mục đích hay chức năng sử dụng khác nhau số lượng các ngữ pháp thuộc cùng một nhóm cũng tương đối lớn. Nếu chỉ dừng lại ở việc bài học hôm đó có bao nhiêu ngữ pháp học bấy nhiêu mà không tự xây dựng thói quen hệ thống hóa kiến thức đã học ngay từ những bài đơn giản nhất để ôn tập một cách định kỳ, khi càng lên các trình độ cao hơn bạn rất dễ bỏ sót kiến thức trong lượng lớn ngữ pháp đã tiếp nhận. Việc tổng hợp này không chỉ là cách người học chủ động nắm bắt được bản thân đã học được những gì, dễ dàng kiểm tra lại thường xuyên để hạn chế tối đa tình trạng học trước quên sau bởi một lần tổng hợp thêm một ngữ pháp mới cũng là một lần bạn ôn tập các ngữ pháp cũ trong cùng một hệ thống đó, đồng thời cách làm này cũng đặt các ngữ pháp trong mối quan hệ so sánh đối chiếu để thấy được điểm tương đồng khác biệt cần lưu ý trong quá trình vận dụng chúng vào các kỹ năng khác nhau. Ví dụ như khi bạn học về cấu trúc nguyên nhân - kết quả theo đúng lộ trình đưa ra trong cuốn giáo trình tiếng Hàn tổng hợp sơ cấp 1 sẽ bắt đầu làm quen với ngữ pháp - 아/어서 trước tiên, rồi lần lượt lên các cấp độ cao hơn số lượng cấu trúc mang ý nghĩa tương đương có thể lên đến trên 20 loại khác nhau. Và giả như chỉ học đến bài nào biết riêng ngữ pháp bài đó liệu đảm bảo được bao nhiêu trong con số kể trên bạn có thể nhớ cả về cách sử dụng lẫn lưu ý đi kèm có liên quan đến từng cấu trúc một ?

  • Chú trọng nhiều về lý thuyết mà không thường xuyên luyện tập hay ứng dụng ngữ pháp đã học vào thực tế

Lý thuyết dẫu nắm chắc đến đâu cũng có thời hạn sử dụng nhất định, nhất là kiến thức mỗi người đã đang và sẽ tích lũy cũng tăng dần đều theo thời gian và trong hành trình khám phá ngôn ngữ không có giới hạn chỉ cần học đến chừng nào là đủ. Vậy nên lý thuyết mà ngày hôm nay bạn tưởng như đã thuộc lòng, chưa chắc đến ngày sau khi lượng thông tin mới nạp vào tăng lên nó vẫn giữ nguyên ở trạng thái đầy đủ ban đầu như lúc bạn mới lưu trữ trong bộ nhớ của mình. Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao ngay cả khi chưa từng học tiếng Hàn trước đó nhưng ai cũng dễ dàng bật ra câu chào "안녕하세요" một cách tự nhiên nhất? Bởi chúng mình nghe về nó thường xuyên qua phim ảnh hay trên các chương trình thực tế, rồi từ việc nghe đơn thuần chúng mình bắt đầu sử dụng lặp lại nó vào trong giao tiếp đời thường như các lời chào tiếng Việt vẫn thường dùng khác để biến nó từ một ngôn ngữ xa lạ thành câu cửa miệng, và tương tự để ghi nhớ lâu hay không một ngữ pháp cũng vận hành theo cách như vậy. Thử viết hoặc nói một câu tiếng Hàn bất kỳ với ngữ pháp vừa mới học vài lần trong ngày sẽ đem hiệu quả khác hẳn chỉ đọc lý thuyết xong để đấy, hay dùng liên tục với chỉ dùng một lần rồi bỏ không cũng cho thấy sự khác biệt rõ rệt về hiệu quả ghi nhớ lẫn phản xạ ngôn ngữ. Tức tần suất chúng mình vận dụng cái đã học nhiều hay ít đều ảnh hưởng trực tiếp đến cả hai yếu tố kể trên.



II. HƯỚNG GIẢI QUYẾT TRONG CÁC TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ


LÀM THẾ NÀO KHI GẶP NGỮ PHÁP KHÔNG BIẾT NGHĨA


Trong quá trình tự học tiếng Hàn không tránh khỏi những lúc bắt gặp ngữ pháp mới mình chưa từng biết đến, mà không phải bất cứ lúc nào cũng tìm được sự trợ giúp kịp thời từ thầy cô hoặc những người có khả năng gỡ rối khúc mắc cho bạn. Nhưng chúng mình vẫn có thể chủ động tìm kiếm lời giải đáp cho vấn đề của bản thân bằng cách áp dụng một số phương thức tra cứu sau :


1. Xem giải thích sơ qua bằng từ điển


1.1 Tương tự như tra cứu nghĩa của từ, khi nhập một cấu trúc ngữ pháp bất kỳ trên Naver Dic người dùng được cung cấp ý nghĩa kèm cả ví dụ minh họa liên quan đến ngữ pháp đó. Tuy nhiên ở đây không đi sâu vào giải thích chi tiết từ cách chia hay các trường hợp cần lưu ý trong quá trình vận dụng (nếu có), nên thường chúng mình chỉ thể áp dụng cách tra cứu đầu tiên này để có hình dung khái quát nhất về bản chất cơ bản của ngữ pháp đó khi mới lần đầu tiếp cận. Đặc biệt trong trường hợp như đọc những tài liệu văn bản bằng tiếng Hàn thì việc nắm bắt nhanh những cấu trúc chưa biết thông qua từ điển cũng giúp chúng mình rút ngắn thời gian đọc - hiểu mà vẫn đảm bảo không vì một nội dung mới mà bỏ sót hoặc hiểu sai nội dung tổng thể.



1.2 Như đã nói ở trên Naver Dic vẫn có điểm hạn chế riêng bởi nó không phải từ điển chuyên dụng về ngữ pháp nên không phải bất kể cấu trúc nào cũng cho ra được kết quả tra cứu, và để khắc phục nhược điểm này K.I.O.S khuyến khích những bạn đã học lên trình độ trung cấp tham khảo thêm trang kcenter.korean.go.kr/ mục "문법.표현 내용 검색" của Viện Quốc ngữ Quốc gia Hàn Quốc. Các ngữ pháp ở đây được chia theo các hạng mục: 자음별 - theo trật tự bảng phụ âm; 등급별 - theo trình độ gồm sơ cấp và trung cấp; 범주별 - theo phạm trù đặc tính, tức phân chia vào từng nhóm thuộc chức năng khác nhau như trợ từ (조사), vĩ tố liên kết (연결어미), vĩ tố kết thúc câu(종결 어미), vĩ tố tiền kết thúc (선어말 어미) vv...vv... thuận tiện để người học tra cứu tùy vào mục đích hay nhu cầu học tập. Ưu điểm nổi bật nhất khi bạn sử dụng trang web này đó là ngoài thông tin cơ bản về ý nghĩa hay ví dụ có liên quan đến ngữ pháp mà người học đang cần tìm hiểu - cái dễ dàng tìm thấy ở các trang từ điển tương tự khác, ở đây lần lượt cho bạn tiếp cận kiến thức về ngữ pháp đó bằng việc phân tích ví dụ dẫn nhập => cách chia (bao gồm cả các trường hợp bất quy tắc cần nhớ) => mở rộng cách dùng hoặc một số lưu ý khi sử dụng trong những trường hợp đặc biệt khác => so sánh ngữ pháp tương đồng. Có thể thấy thông tin mà web đưa đến người học hết sức chi tiết không khác gì một cuốn sách ngữ pháp tổng hợp, đồng thời đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của cả hai nhóm đối tượng là người học tiếng hoặc người đang làm công việc giảng dạy tiếng Hàn. Ngoài ra các ví dụ được đưa ra ở đây khá đa dạng về kiểu câu từ hội thoại cho đến câu trần thuật đều có cả, trong đó ngữ pháp được sử dụng trong câu đều được highlight nổi bật để tiện theo dõi cũng là một điểm cộng nhỏ về mặt hình thức trình bày làm nên tính khác biệt của nó.



1.3 Ngoài hai loại từ điển đã quen thuộc với phần nhiều các bạn học tiếng Hàn lâu năm như trên, trong mục 1 này K.I.O.S còn muốn giới thiệu thêm một trang web chất lượng không kém khi tích hợp ba tính năng nổi bật là phân tích thành phần câu tiếng Hàn, tra cứu cấu trúc ngữ pháp dựa trên ví dụ và học tiếng Hàn qua các bài giảng trực tuyến với đa dạng chủ đề từ ngữ pháp – từ vựng – thành ngữ tục ngữ mang tên Mirinae Korean. Hãy cùng K.I.O.S tìm hiểu kỹ hơn về từng tính năng của trang web này nhé ~



  • Mục “Explorer”

- Phân tích thành phần câu tiếng Hàn chính là tính năng nổi bật nhất cũng như làm nên sự khác biệt của Mirinae so với các trang web tra cứu khác khi giúp người học xây dựng thói quen cơ bản nhưng thường dễ bị bỏ qua này trong quá trình học tiếng. Đặc biệt nó hữu dụng với cả những bạn mới bắt đầu tiếp cận tiếng Hàn chưa lâu, hẵng còn đang gặp khó khăn trong việc làm quen với cách sắp xếp trật tự thành phần câu tiếng Hàn do vẫn bị ảnh hưởng bởi cách tư duy câu tiếng Việt; hoặc những ai đang ở giai đoạn chuyển giao từ trình độ sơ cấp lên trung cấp khi cần “nâng cấp” dần mức độ khó với các câu phức đa thành phần để đưa vào ứng dụng trong các kỹ năng thực tế. Nếu như ví một câu tiếng Hàn là một ngôi nhà thì để xây được ngôi nhà đó hoàn chỉnh, chắc chắn hay không sẽ phụ thuộc vào viên gạch nền móng đầu tiên tức là bước phân tích thành phần câu. Chỉ khi hiểu được cấu tạo của một câu gồm những gì và vị trí của từng thành phần trong câu cần đặt ở đâu mới đảm bảo chuẩn cả về ngữ pháp cũng như để người khác hiểu đúng dụng ý mà bạn đang muốn truyền tải, thì khi đó chúng mình mới tự tin viết hay nói ngôn ngữ này theo cách mình muốn được.


- Ở đây người dùng có thể nhập một câu hoặc cả đoạn văn ngắn, sau đó kết quả hiện thị sẽ phân tích cụ thể từng câu một bao gồm : từ loại và ngữ pháp được sử dụng trong từng thành phần cấu tạo nên câu đó là gì. Đặc biệt hơn khi ấn vào từng thành phần đã được phân tích đó sẽ hiện kèm cả bảng giải thích chi tiết: với từ loại gồm giải thích nghĩa của từ/ cách phát âm/ ví dụ và với ngữ pháp gồm ý nghĩa/ cách chia/ ví dụ, và các thông tin đưa ra ở đây đều được trích lại từ trong từ điển của viện Quốc ngữ Quốc gia Hàn Quốc.

=> Như vậy 2 loại từ điển tích hợp cùng trong 1 ứng dụng, thay vì phải mất công tra từ mới ở một từ điển khác người dùng hoàn toàn có thể tin dùng vào tính năng này ở Mirinae . Ngoài ra trong mục này còn hỗ trợ lưu trữ lịch sử tra cứu cũ cũng như dịch câu/đoạn văn mà bạn đã nhập sang ngôn ngữ tự chọn.


- Nếu lướt qua vài đặc điểm nổi bật K.I.O.S kể trên mọi người sẽ thấy tính năng phân tích câu ở Mirinae đi theo chiều ngược lại, thay vì như thông thường chúng mình vẫn quen đi từ bước “mổ xẻ” câu tiếng Việt trước rồi mới chuyển ngữ sang câu tiếng Hàn tương ứng sau. Nhưng dẫu vậy bạn vẫn có thể tận dụng nó để kiểm tra lại câu tiếng Hàn trong quá trình luyện viết, hoặc là từ việc đọc phân tích thành phần những câu tiếng Hàn mẫu sẽ học được cách viết văn thuần Hàn hơn. Tính hữu dụng của nó nhiều hay ít phụ thuộc vào cách chúng mình ứng dụng nó thế nào trong việc học mà phải không?



  • Mục “Lessons”

- Chỉ với 1-2 thao tác đăng ký tài khoản đơn giản người dùng dễ dàng theo học các bài giảng miễn phí ngay tại Mirinae trong đó chia ra :

  • Ngữ pháp gồm 3 trình độ sơ – trung – cao cấp

  • Văn hóa gồm thành ngữ - tục ngữ - từ lóng/từ viết tắt


- Nội dung trong mỗi video bài giảng đều đi theo một lộ trình bài bản từ: đưa ra mục tiêu bài học - nội dung chính của bài (dù chọn chuyên mục ngữ pháp hay văn hóa trong đó đều có hai phần chính là làm quen với từ mới cho đến giải thích và mở rộng kiến thức liên quan đến chủ đề bài học) - thực hành - mở rộng nội dung bài học gắn liền với văn hóa bằng cách luyện nghe các biểu hiện từ/ ngữ pháp / thành ngữ - tục ngữ thông qua bài hát/phim ảnh/chương trình thực tế - đánh giá tổng kết để đảm bảo người học đã hoàn thành tốt mục tiêu bài học. Tuy số lượng các video trong mỗi chuyên mục còn khá ít, nhưng qua quá trình trải nghiệm thực tế mình đặc biệt ấn tượng với cách thiết kế nội dung bài học lẫn hình thức trình bày của Mirinae. Dù là học về chủ đề gì thì mỗi một nội dung đều giải thích chi tiết về mặt cấu tạo lẫn ý nghĩa gắn với hình ảnh trực quan sinh động, chưa kể không tách biệt kiến thức đã học với đời sống thực tế khi đưa ra được những ví dụ thực tiễn đã đang được sử dụng ở nhiều môi trường khác nhau vào phần “Culture” cuối bài – điều mà giáo trình tiếng Hàn tổng hợp vẫn còn hạn chế khi mà các mẫu câu đưa ra trong đây còn hơi nặng tính “sách vở” .


  • Mục “Library”

Nhìn chung về bản chất, tính năng thứ ba này không khác biệt gì mấy so với hai loại từ điển K.I.O.S đã đề cập ở đầu phần 1 khi cho phép người học có thể tra cứu ngữ pháp mà mình không biết. Điểm khác biệt duy nhất là Mirinae có tổng hợp sẵn bảng ngữ pháp/ thành ngữ - tục ngữ/ từ lóng từ thịnh hành theo mục đích sử dụng và trình độ từ dễ đến khó (đánh dấu bằng các highlight màu khác nhau), không khác một cuốn sổ tay mini để người dùng thuận tiện ôn tập kiến thức khi cần.



Ngoài 3 tính năng chính trên Mirinae còn ghi điểm với K.I.O.S ở một số đặc điểm nổi bật khác như :

  • giao diện đơn giản, các thao tác trên máy đều dễ dàng nhanh chóng ít bị lỗi

  • hỗ trợ nhiều ngôn ngữ trong đó có tiếng Việt

  • đa dạng nền tảng sử dụng, ngoài website còn phát triển cả phiên bản ứng dụng mini trên điện thoại (có hỗ trợ cả trên hệ điều hành Android lẫn IOS)


Ưu điểm nhiều nhưng tất nhiên vẫn có tồn tại hạn chế riêng, trong đó kể đến tính chuẩn xác về mặt dịch thuật khi sử dụng Mirinae ở phiên bản tiếng Việt. Nên đối với những bạn đã có nền tảng tiếng nhất định K.I.O.S vẫn khuyên mọi người không nên phụ thuộc hoàn toàn vào bản dịch dù là phần dịch câu hay từ loại ở đây, để tránh tình trạng thu hẹp phạm vi nghĩa của từ hoặc hiểu sai bản chất câu.



2. Tra cứu trên một số kênh thông tin chuyên chia sẻ kiến thức tiếng Hàn


Thực tế khi muốn tìm hiểu nhiều hơn về một vấn đề nào đó cách nhanh chóng và dễ dàng nhất là chủ động tìm kiếm thông tin trên Google hay các nền tảng mạng xã hội chỉ bằng một vài thao tác đơn giản, và đối với việc học ngoại ngữ cũng không phải ngoại lệ. Nếu thường xuyên theo dõi các chia sẻ trước đó trên insta @koreainourstories bạn cũng đã nghe qua một số nguồn hỗ trợ giải đáp ngữ pháp tiếng Hàn mà K.I.O.S từng nhắc đến, trong số blog này chúng mình chỉ tổng hợp lại vài cái tên nổi bật bao gồm cả kênh tiếng Việt lẫn ngôn ngữ khác như hình dưới đây.



*Lưu ý : Không phải mọi kiến thức liên quan đến ngữ pháp tiếng Hàn đều sẽ tìm thấy ở những gợi ý K.I.O.S đưa ra trong mục 2 này , cũng như giữa các kênh có thể có một số bài viết hoặc video cùng làm chung về một chủ đề nhưng cách họ triển khai nội dung (cụ thể ở đây là cách đưa ra vấn đề, phân tích, giải thích và đưa ví dụ về kiến thức đó) sẽ có sự khác biệt nhất định để phù hợp với đối tượng người theo dõi kênh của họ. Trong trường hợp vấn đề bạn đang quan tâm hoặc cần giải đáp lại không có trong nội dung của những kênh trên, vẫn nên chủ động tra cứu thông tin trên Google bằng cách gõ trực tiếp ngữ pháp bạn đang cần biết vào thanh tìm kiếm và tìm đọc các kết quả hiển thị có chứa câu trả lời tương ứng nhé.


3. Tra cứu bằng sách ngữ pháp tiếng Hàn


Điểm chung của các đầu sách này đều phân loại ngữ pháp theo chức năng hay mục đích sử dụng giúp người học dễ dàng ôn tập hệ thống hóa kiến thức, đồng thời bên cạnh phần giải thích lý thuyết chi tiết còn đi kèm bài tập thực hành để người học tự đánh giá được mức độ hiểu và ứng dụng nội dung kiến thức đã học khi đặt vào trong tình huống cụ thể. Nói về đầu sách ngữ pháp ngoài cái tên nổi bật đã và đang được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng người học tiếng Hàn hiện nay là “Ngữ pháp tiếng Hàn thông dụng” bạn có thể tham khảo thêm các đầu sách tương tự khác trong mục highlight trên insta @koreainourstories để chọn cái phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình. Ngoài ra đối với những ai học chuyên sâu về ngôn ngữ sẽ còn nhiều đầu sách ngữ pháp mang tính học thuật khác mà không chỉ dừng lại ở việc hiểu ý nghĩa cách dùng mà còn đi vào nguyên lý cấu tạo hình thành ngữ pháp đó ra sao, tuy nhiên trong phạm vi bài viết hướng đến đôi tượng người học tiếng cơ bản K.I.O.S xin phép không đề cập quá sâu vào phần này.


*Tổng kết :

- Tùy vào mỗi người sẽ chọn các cách tra cứu khác nhau để mở rộng kiến thức cho bản thân, dù các cách K.I.O.S đưa ra ở trên đều có ưu nhược điểm riêng cũng như vẫn sẽ còn rất nhiều nguồn đáng tham khảo khác ngoài những cái tên chúng mình đã đề cập đến trong nội dung phần 1 , nhưng lời khuyên chung dành cho mọi người khi lựa chọn sử dụng bất cứ nguồn nào trong số đó rằng vẫn nên biết chắt lọc các thông tin mình tiếp nhận một cách cẩn thận


- Chủ động tra cứu là tốt nhưng cũng cần tránh việc bất cứ khi nào thấy ngữ pháp mới liền vội tìm đến phần giải nghĩa ngay lập tức, mà hãy thử cố gắng đoán ý nghĩa của nó dựa vào ngữ cảnh trong câu bạn đang đọc hoặc mối liên kết với kiến thức cũ mà bạn biết.Tương tự như việc học từ mới , nếu quá phụ thuộc vào chuyện tra nghĩa bạn dễ bị thụ động khi bắt gặp những kiến thức nằm ngoài hiểu biết của mình trong các bài thi, và dù phương pháp này không phải khi áp dụng với toàn bộ ngữ pháp tiếng Hàn đều sẽ cho được đáp án đúng nhưng ít nhất sẽ tập cho chúng mình thói quen tư duy đặt vấn đề trước khi biết được lời giải của vấn đề đó là gì.


Cùng K.I.O.S theo dõi ví dụ đơn giản dưới đây nhé

제 친구는 월급이 많은데도 회사를 그만두고 싶어해요.

Giả như trong câu trên có ngữ pháp -(으)ㄴ/는데도 bạn chưa học đến hoặc nghe qua chẳng hạn, nhưng nhìn vào thành phần cấu tạo của ngữ pháp này chúng mình vẫn có thể suy đoán được đây là sự kết hợp giữa –(으)ㄴ/는데 là dạng câu dẫn nhập với vế trước là đưa ra bối cảnh và -아/어도 diễn tả nội dung vế trước có được công nhận thì cũng không liên quan hoặc không ảnh hưởng đến vế sau. Vậy nên đặt trong trường hợp này ta hiểu cấu trúc này dùng để thể hiện mối quan hệ tương phản giữa hai mệnh đề. Từ sự suy đoán đó chúng mình thử dịch ngược lại nội dung của câu trên sẽ thấy tính tương thích, trong đó vế 1 - 월급이 많다 (lương cao) >< vế 2 - 회사를 그만두고 싶어하다 (muốn nghỉ việc).


LÀM SAO ĐỂ NHỚ NGỮ PHÁP LÂU HƠN?


1. Biến kiến thức mới thành kiến thức của mình

Khi học bất cứ nội dung kiến thức nào mới nếu chỉ đơn thuần dừng lại ở bước tra cứu tìm hiểu không thôi thì cái chúng ta thu được sẽ chỉ có ý nghĩa tạm thời tại thời điểm đó. Tức giải quyết được nhu cầu trước mắt là tìm ra được lời giải đáp cho một câu hỏi bỏ ngỏ về vấn đề mà bạn đang quan tâm, còn để ghi nhớ và tái sử dụng cái đã đọc (đã xem) một cách lâu dài và hiệu quả vào thực tế hay không chắc chắn không thể nào chỉ bằng một lần lướt qua được. Ngay cả khi những nguồn học K.I.O.S đề cập phía trên có tổng hợp và giải thích kỹ càng ngữ pháp đến đâu, nó sẽ chỉ thực sự hữu ích khi bạn tự chuyển hóa những thông tin đã tiếp nhận thành kiến thức của mình dưới dạng ghi chép. Mỗi người sẽ có cách ghi chép khác nhau để tiện cho quá trình học và ôn tập, còn về phía mình dù lựa chọn phương thức nào chăng nữa mình luôn cố gắng ưu tiên việc ghi theo ý hiểu của bản thân thay vì sao chép 100% nội dung đã có sẵn. Một lần nữa K.I.O.S muốn nhấn mạnh lại tới bạn đọc tính quan trọng của việc tra cứu ngữ pháp mới cần đi kèm với ghi chép có chọn lọc


2. Luyện tập, luyện tập và luyện tập

Như K.I.O.S đã từng đề cập trong các bài chia sẻ về kinh nghiệm học tiếng trước đó, mấu chốt của mọi phương pháp cải thiện kỹ năng muốn có hiệu quả hay không đều nằm ở việc luyện tập. Muốn nhớ lâu một ngữ pháp bất kỳ bắt buộc người học phải ứng dụng ngữ pháp đó với tần suất nhiều, thậm chí là liên tục trong quá trình học tiếng lẫn giao tiếp thường ngày. Đặc biệt không nên tách biệt các kỹ năng rời nhau, học ngữ pháp vẫn đảm bảo được học 1 mà cải thiện 4 (“4” ở đây thể hiện cho 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết) nếu biết cách kết hợp. Cụ thể một số cách mình đã áp dụng cả trong quá trình tự học lẫn đưa vào làm phương pháp thực hành cho học sinh khi giảng dạy:


- Kết hợp luyện đặt câu với ngữ pháp và từ vựng trong cùng một bài học. Ví dụ khi học về tiểu từ 에서 mình đặt câu có sử dụng các động từ/danh từ đã học trong bài 3 về chủ đề sinh hoạt thường ngày, hoặc sang bài sau làm quen với tiểu từ 에 vẫn tận dụng được những câu đã đặt ở bài cũ để mở rộng phát triển thành câu mới. Dần dần số lượng ngữ pháp bạn học qua từng bài tăng lên, những kiểu câu đơn giản của ngày đầu mới chập chững luyện viết cũng được “nâng cấp” theo mức độ khó tương ứng. Và qua mỗi lần luyện tập theo công thức như trên mình vừa thực hành được từ vựng/ngữ pháp mới học vừa ôn tập lại từ vựng/ngữ pháp cũ, hạn chế được tình trạng học trước quên sau hoặc chỉ thuộc lý thuyết suông mà không biết cách vận dụng kiến thức vào thực tế.


- Khi làm bài đọc-hiểu ngoài việc phân tích nội dung bài đọc ra cũng cần chú ý xem cách người ta sử dụng ngữ pháp trong từng câu như thế nào, ghi chú lại các mẫu câu hay rồi cố gắng vận dụng cái đã học đó vào ngay bài viết của mình bất cứ khi nào có thể.


- Khi đọc sách, xem phim hay các chương trình giải trí bằng tiếng Hàn nếu có bắt gặp ngữ pháp nào đó mới mình thường không vội tra cứu ngay cách dùng, mà dựa vào lời thoại của nhân vật trong tình huống đó và bản dịch để định hình được ý nghĩa cơ bản của cấu trúc đó trong đầu cũng như chú ý vào cách người Hàn dùng nó trong văn nói từ cách chia cho đến ngữ điệu ra sao vv...vv... để áp dụng vào việc thực hành nói của bản thân. Bởi giữa văn nói và văn viết vẫn có những khác biệt nhất định cần chú ý, nhiều khi cùng một ngữ pháp đó dùng để viết thì được nhưng lại không thể áp dụng ngược lại vào giao tiếp, hoặc nếu bê nguyên cách học từ trong sách vở ra ngoài thực tế không chắc đã đảm bảo được tính tự nhiên trong lối diễn đạt dù có thể xét về mặt câu cú ngữ pháp bạn dùng không sai. Như điều đầu tiên chúng ta học về lời chào tạm biệt ngay bài mở đầu luôn bằng các biểu hiện quen thuộc là “안녕히 가세요 / 안녕히 계세요” nhưng thực tế có không ít cách diễn đạt gần gũi hơn có thể sử dụng trong hoàn cảnh giao tiếp này chẳng hạn“조심히 들어가세요.” như lời nhắn nhủ đối phương đi về cẩn thận hoặc“잘 들어갔죠?” khi muốn hỏi đối phương đã về đến nhà an toàn hay chưa. Đây có thể xem là một trong những khó khăn của việc học ngoại ngữ rằng người học không thể áp dụng rập khuôn theo một công thức chung nào, đồng thời mỗi một ngôn ngữ cũng không ngừng vận động thay đổi mỗi ngày dẫn đến yêu cầu đặt ra cho người học là cần liên tục cập nhật cái mới để thích ứng với sự biến đổi linh hoạt đó.


- Ngoài phần bài tập có sẵn trong sách nên chủ động tìm thêm các nguồn luyện tập ngữ pháp bên ngoài, đặc biệt đối với những bạn tự học tiếng mà không có bài tập hướng dẫn từ giáo viên vẫn tìm được kha khá sự trợ giúp từ:

  • Các đầu sách thiên về thực hành ngữ pháp như cuốn “외국인을 위한 한국어 문법 연습 - Korean grammar practice for foreigners”, “알토란 한국어 문법 - Làm chủ ngữ pháp tiếng Hàn” (bộ 3 cuốn tương ứng 3 trình độ) . Những cuốn này đều dễ tìm tại Việt Nam, nên nếu có nhu cầu cần biết thêm thông tin liên quan đến nội dung sách lẫn cách thức đặt mua bạn tham khảo tại các trang bán sách tiếng Hàn trực tuyến nhé.


  • Trang web học tiếng. Ngoài cái tên quen thuộc là 누리 - 세종학당 mà K.I.O.S từng nhắc đến trong số đầu tiên của chuyên mục “Web hay mỗi tuần” (link đính kèm video review : https://www.instagram.com/p/CUE6g1sBgbP/ ) còn một địa chỉ chất lượng không kém khác mà chúng mình muốn giới thiệu ở đây chính là Oh My Korean


  • App học tiếng Hàn trong đó ngoài những app chuyên hẳn về ngữ pháp như Sejong Korean Grammar (Basic + Intermediate) ra chúng mình hoàn toàn có thể sử dụng các app cải thiện một kỹ năng chuyên sâu nào đó mà các tính năng của nó đều hướng đến việc giúp người dùng biết vận dụng kiến thức đã học để hoàn thành từng mục tiêu bài học nhỏ trong lộ trình nội dung app xây dựng và rộng hơn là cả trong môi trường giao tiếp thực tế. Về phần app học tiếng K.I.O.S xin dành riêng một bài viết tổng hợp cụ thể khác, ở đây nếu bạn có quan tâm về ứng dụng học ngữ pháp quen thuộc của Sejong mà chúng mình nhắc tên phía trên hãy thử tìm hiểu thêm thông tin qua video giới thiệu dưới đây nha


(Nguồn video : tài khoản tiktok @studywith.quan)



3. Đừng ngại học từ cái sai

Sợ sai là tâm lý hoàn toàn dễ hiểu mà nguyên nhân có thể đến từ việc người học chưa vững cả về vốn kiến thức lẫn thiếu môi trường rèn luyện cọ sát để tích lũy thêm kinh nghiệm. Tuy nhiên một điều mà mình rút ra được từ quá trình học tiếng Hàn của bản thân đó là so với việc chỉ tiếp nhận kiến thức một chiều từ giáo viên hay sách vở, hay học một cách máy móc nhai đi nhai lại lý thuyết cho đến khi thuộc lòng, thì khi mình học từ những lỗi sai thường hay mắc phải trong quá trình vận dụng kiến thức vào thực tế lại đem đến hiệu quả ghi nhớ tốt hơn. Với những bạn đã đang học tiếng bài bản ở trường lớp, thầy cô chính là người có thể giúp chúng mình nhìn ra được lỗi sai trong quá trình học lẫn tương tác đối thoại bằng tiếng Hàn, nhưng ngoài phạm vi đó ra chúng mình còn có thể tận dụng những nguồn hỗ trợ sẵn có nào khác để biết mình sai đâu và cần sửa ở đâu hay không? Câu trả lời là “có” , cụ thể :

  • Trang http://speller.cs.pusan.ac.kr/ (xem lại phần giới thiệu về những tính năng cơ bản cũng như điểm hạn chế của web này tại bài viết “Phương pháp cải thiện kỹ năng viết hiệu quả” )


  • Các đầu sách chỉ ra lỗi sai điển hình thường gặp khi dùng ngữ pháp tiếng Hàn

Với miêu tả ngắn gọn như trên chắc hẳn mọi người cũng hình dung ra được sự khác biệt cơ bản giữa thể loại sách này với sách ngữ pháp chuyên dụng rồi phải không? Các đầu sách này không đi vào giải thích chi tiết từng ngữ pháp một với mục đích giúp người học hiểu hơn về ý nghĩa cách dùng khi tiếp cận kiến thức mới, mà ở đây thông qua việc tổng hợp , phân tích các lỗi sai thường mắc phải khi vận dụng một ngữ pháp nào đó vào văn viết hoặc nói (tức từ kiến thức đi vào thực tế) bằng ví dụ cụ thể để hướng người học biết cách tư duy ngôn ngữ thay vì chỉ tập trung vào lý thuyết không. Và nếu để chọn ra những cái tên tiêu biểu đáng tham khảo trong thể loại sách này K.I.O.S có 3 gợi ý cho bạn :

  • “Correct Your Korean 150 Common Grammar Errors”

  • “외국인이 틀리기 쉬운 한국어 문법”

  • “Common mistakes Korean learners make : 100 ways to sound more natural in Korean”

Trong đó điểm khác biệt chính giữa ba cuốn này chủ yếu trong cách phân chia bố cục nội dung



Một vấn đề nữa mà K.I.O.S thường nhận thấy từ câu hỏi bạn đọc gửi đến cho chúng mình là việc không biết làm cách nào để tránh lặp lại những lỗi sai cơ bản khi học tiếng Hàn, dù đã được thầy cô chỉ ra và nhắc lại nhiều lần hoặc kể cả sử dụng đến các đầu sách chuyên dụng về lỗi sai ngữ pháp mà K.I.O.S nhắc đến ở trên. Thật ra mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ học từ lỗi sai không đơn giản chỉ là bạn nhìn thấy lỗi của mình và tự nhủ trong đầu là "lần sau mình sẽ không mắc phải nó nữa" mà bắt buộc phải ghi chép và thực hành lại nó tương đương như đang nạp một kiến thức mới. Điều này thoạt nghe có vẻ dễ nhưng để thực hiện lại đòi hỏi sự kiên trì nhất định, bởi có thể những lỗi sai đó không phải ngày một ngày hai mới hình thành và làm sao để loại bỏ thói quen đó thay thế bằng một cái mới hơn vào vị trí tương ứng thì không phải chỉ dừng lại ở đọc-nghe tiếp nhận thông tin đơn thuần đã đủ . Chúng mình có thể sử dụng riêng một cuốn sổ tay nhỏ hoặc bất cứ công cụ hỗ trợ take note nào hay dùng trên điện thoại để tổng kết lại những lỗi sai thường thấy khi vận dụng ngữ pháp cả trong quá trình học lẫn thực hành thực tế bên ngoài , nếu có thể hãy gọi tên cụ thể lỗi sai đó là gì kèm theo dẫn chứng minh họa. Đừng quên việc ghi chép này chỉ đảm bảo cho quá trình ôn tập được dễ dàng hơn, còn lại luyện tập vẫn là chìa khóa quyết định sau cùng đấy nhé


IV. TỔNG KẾT



__________________________



Một chủ đề không còn mới với người học tiếng Hàn nói chung và cả trong nội dung mà K.I.O.S đã từng xây dựng trước đó, nhưng hy vọng với những thông tin chúng mình mang đến trong chủ đề vốn đã quen thuộc này vẫn có giá trị hữu ích nào đó cho quá trình học tiếng của các bạn đặc biệt với những ai chưa thực sự tìm ra được phương pháp học phù hợp với bản thân. Và bất kể mục tiêu học ngoại ngữ của mỗi người khác nhau chẳng nữa, K.I.O.S vẫn tin ngữ pháp là nền tảng quan trọng đầu tiên không thể bỏ qua trước khi muốn phát triển các kỹ năng khác tốt hơn. Vậy nên không có phương pháp nào giúp chúng mình "tiêu hóa" nỗi sợ này nhanh chóng bằng cách tự đối mặt và kiên trì luyện tập. Bạn có thể làm được điều này mà phải không?



201 views0 comments
bottom of page