Nếu bạn đã theo dõi K.I.O.S từ những bước đi chập chững đầu tiên đến nay hẳn cũng biết góc nhỏ thân thương này được xây dựng và phát triển bởi hai cô gái trẻ đương tuổi hai mươi lăm. Con số hai mươi lăm chỉ là một con số nhỏ trong suốt cả chặng đường dài nỗ lực đi tìm tiếng nói trong tâm hồn mình nhưng cả hai đều thừa nhận rằng những điều đã học được dù là mật ngọt hay trái đắng đều góp phần làm nên con người trưởng thành của chúng mình ở hiện tại. Giống như tựa đề “25” mình sẽ dành bài viết tiếp theo của chuyên mục “BOTH OF US” để ghi lại những bài học đáng giá mà tuổi 25 đã đem lại cho mình như một lời cảm ơn về cột mốc đáng nhớ đã qua đồng thời tiếp thêm năng lượng tích cực đến các bạn trẻ còn đang loay hoay trong hành trình tìm kiếm giá trị đích thực của riêng mình.
1. Đừng để giới hạn giết chết ước mơ của bạn
Công việc đem lại nguồn thu nhập chính cho mình từ trước đến nay là giảng dạy tiếng Hàn nhưng đây không phải là niềm đam mê duy nhất mà mình luôn muốn theo đuổi. Mình yêu thích viết lách, chụp và chỉnh sửa hình ảnh vv..vv... thậm chí mình còn từng mơ ước muốn xuất bản một cuốn sách mang dấu ấn cá nhân riêng hay trở thành một food stylist để thỏa mãn tình yêu dành cho ẩm thực và nhiếp ảnh - những thứ hoàn toàn đi ngược lại với ngành học cũng như công việc hiện tại của mình. Nhưng tất cả những khát cầu nhỏ bé đó đều không vượt qua được sự hoài nghi trong lòng rằng “Mình có đủ năng lực để làm được điều này hay không? Liệu con chữ mình viết ra có ai đón nhận hay những tấm hình mình chụp có dấu ấn gì đặc biệt so với người khác?” . Hàng loạt những câu hỏi tự chất vấn bản thân như vậy không ngừng lặp đi lặp lại trong tâm trí để rồi phải mất một thời gian rất dài mình mới nhận ra sự thật rằng chính những giới hạn trong suy nghĩ của bản thân là điều đầu tiên giết chết ước mơ của một thời tuổi trẻ. Mình không thể trở thành một người viết sách chuyên nghiệp nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc mình sẽ buộc phải dừng lại đam mê dành cho viết lách hay không thể thử sức ở vị trí của một blogger tự do, cũng như ngay cả khi mình không đủ năng lực chuyên môn để thành công trong vai trò một food stylist cũng đâu ai ngăn cấm mình phát triển những sản phẩm nghệ thuật mang tính cá nhân phải không nào? Vậy nên thay vì tự đặt ra những giới hạn hay chờ đợi một thời điểm hoàn hảo mới bắt tay vào thực hiện thì mình cần phải phá bỏ rào cản từ chính trong suy nghĩ của bản thân trước tiên.
2. Mỗi khi muốn buông xuôi hãy nghĩ đến lý do bắt đầu
Ngay cả khi được theo đuổi công việc mình yêu thích chăng nữa thì vẫn có những giai đoạn chúng mình bị đánh mất niềm nhiệt huyết hay không ngừng hoài nghi liệu bản thân có đang đi đúng hướng hay không. Đừng quá lo lắng về vấn đề này bởi mình tin đây là giai đoạn thiết yếu mà bất cứ ai cũng phải đối mặt ít nhất một lần trên con đường dẫn đến sự thành công. Giải pháp tốt nhất mình thường áp dụng mỗi khi rơi vào khoảng chững giống vậy là không ngừng nghĩ về lý do vì đâu mình bắt đầu công việc này. Chính những mục tiêu tưởng chừng đơn giản mà bạn đặt ra từ ngày đầu lại có thể thành động lực to lớn giúp bạn thêm vững vàng và kiên định hơn để tiếp tục nỗ lực đến cùng cho ước mơ của mình đó.
3. Biết tiết kiệm thời gian và nắm bắt cơ hội
Thay vì để thời gian trôi đi một cách vô nghĩa khi mải chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực hay mất công than phiền trên các trang mạng xã hội thì ở tuổi 25 mình đã biết chấp nhận những chuyện xảy ra không theo ý muốn của bản thân là điều thường tình có thể đến với bất kì ai. Mình nên đối đầu với nó một cách thẳng thắn, không để bản thân bị cảm xúc chi phối quá lâu mà biết tự tìm cách lấy lại sự cân bằng từ những việc luôn đem lại nguồn năng lượng tích cực cho riêng mình như vẽ tranh, đọc sách hay dọn dẹp chẳng hạn. Thời gian vốn chẳng chờ đợi ai và nếu không biết cách tận dụng nó đúng lúc thì không những bị bỏ lại so với người khác mà còn rất khó trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân mỗi ngày.
Trước dòng chảy của thời gian mình cũng nhận ra thêm một điều rằng cơ hội chỉ đến với mình một lần mà thôi, nếu cứ mãi chần chừ chờ đợi thứ gọi là “sau này” hay “tốt hơn” thì chẳng bao giờ mình biết khả năng của mình đến đâu và mình có thể làm được những gì. Cuộc sống đến giờ cho mình khá nhiều bài học và một trong những điều luôn đúng đối với mình là “liều ăn nhiều”. Vì kết quả không phải lúc nào cũng là mục tiêu duy nhất mình muốn hướng đến mà trên con đường vươn tới đích đến cuối cùng ấy mình đã học được bài học trưởng thành nào và con người mình nhờ thế mà trở nên tốt đẹp hơn ra sao mới là điều quan trọng nhất.
4. Rèn luyện thói quen ghi chép
Mình bắt đầu xây dựng thói quen này từ những năm đầu học cấp ba trước hết thông qua việc viết nhật ký mỗi ngày ghi lại tâm tư tình cảm của bản thân về những việc đã đang trải qua ở từng giai đoạn nhất định hay đôi khi chỉ là vài câu quotes hay trích từ những cuốn sách hoặc bộ phim mình yêu thích. Và chính những dòng ghi chú nhỏ bé ngày đó lại là nguồn cảm hứng để mình phát triển những dự án cá nhân sau này. Dần dần mình cũng nhận ra thói quen này còn hỗ trợ rất nhiều cho mình cả trong học tập lẫn công việc nhất là khi khối lượng thông tin mình cần tiếp nhận và xử lý trong một ngày vượt mức quá tải thì đây là phương pháp hữu ích giúp kiểm soát mọi thứ một cách khoa học và hiệu quả hơn. Chúng mình hoàn toàn có thể bắt đầu xây dựng thói quen bằng cách đơn giản như ghi lại timeline trong tuần/tháng, kế hoạch học tập hoặc những mục tiêu ngắn hạn dài hạn mong muốn đạt được của bản thân vv..vv... hoặc nếu bạn là người rất ngại phải ghi chép bằng giấy bút thì lựa chọn take note vào điện thoại, ipad cũng không thành vấn đề, miễn sao hãy luôn cố gắng duy trì nó đều đặn nhất có thể.
5. Nghĩ kỹ trước khi nói
Cách đây 3-4 năm mình từng xem một bài diễn thuyết của diễn giả Khâu Hãi Ninh về vấn đề “Bạo lực ngôn ngữ”, tức dùng ngôn từ làm công cụ gây tổn thương về mặt cảm xúc cho người khác ngay cả khi người nói có ý thức được điều mình đang làm hay không. Bản thân mình cũng là một người rất dễ bị tác động tiêu cực về tâm lý dù chỉ qua một câu nói đùa vu vơ từ đối phương, vậy nên một trong những quy tắc kiên quyết đầu tiên trong giao tiếp mình đã tự đặt ra cho bản thân chính là “Nghĩ trước khi nói”. Trước khi mở lời về bất cứ điều gì bạn thử dành ra vài giây để nghĩ xem “ Mình có thực sự cần thiết phải nói nó ra cho đối phương nghe hay không?”, chỉ khi bạn đã có sự cân nhắc cũng như biết chịu trách nhiệm về lời nói của chính mình mới không biến bản thân thành một công cụ truyển tải thông điệp xấu trong mắt người khác.
6. “Không” cũng là một từ quan trọng trong giao tiếp
Một trong những khuyết điểm lớn nhất trong tính cách của mình đó là “ngại từ chối” ngay cả khi phải làm những việc không đem lại niềm vui. Nhưng càng lớn mình càng cảm thấy việc từ chối nói “không” trước những lời đề nghị của người khác không đồng nghĩa là mình sẽ luôn nhận lại sự tôn trọng hay cảm kích từ phía họ. Vậy nên tùy vào hoàn cảnh, mục đích cũng như đối tượng giao tiếp mình dần biết thẳng thắn bày tỏ quan điểm cá nhân để đối phương hiểu mình đang thực sự cảm thấy thế nào và khi bạn đã cố gắng chia sẻ nó một cách chân thành thì mình tin lời từ chối cũng không hề làm ảnh hưởng đến mức độ tình cảm vốn có trong mối quan hệ giữa hai người .
7. Không có thước đo chuẩn nào cho sự hạnh phúc
Có một thuật ngữ tiếng Hàn từng được nhắc đến trong bài luận “Buổi tối trên đảo Langerhans” của bác Haruki Murakami mang tên “소확행” dịch sang tiếng Việt nghĩa là “Tiểu xác hạnh” - những hạnh phúc nhỏ bé nhưng chắc chắn. Cụ thể hơn “những hạnh phúc nhỏ bé” mà bác Haruki muốn nhắc đến ở đây chỉ là việc “dùng tay xé chiếc bánh mới ra lò” hay “cảm giác khi trùm qua đầu chiếc áo trắng thơm mùi vải tinh khiết đã mua” chẳng hạn. Cụm từ này đã luôn nhắc mình nhớ rằng đừng bao giờ đem hạnh phúc của bản thân ra so sánh với người khác để xem độ lớn của ai hơn ai mà nên biết học cách thỏa mãn với hạnh phúc mình đang có trong tay.
8. Đừng chỉ tử tế với người khác hãy biết tử tế với chính mình
Sự tử tế mà mình đang muốn nói đến ở đây bắt nguồn từ việc chúng mình biết yêu thương bản thân đúng cách. Đôi khi chỉ vì quá bận tâm đến suy nghĩ thậm chí là cố gắng làm hài lòng người khác mà quên mất một điều rằng tâm hồn mình cũng cần được lắng nghe một cách chân thành. Bắt đầu từ những thói quen sinh hoạt hằng ngày đến thái độ cách đối mặt với một vấn đề nào đó, chỉ cần một chút thay đổi thôi cũng mang lại cho chúng mình nguồn năng lượng tích cực hơn mỗi ngày.
9. Mọi mối quan hệ đến và đi trong cuộc đời mình đều có ý nghĩa riêng của nó
Dù muốn hay không thì có những giai đoạn nhất định trong cuộc đời chúng mình phải đối diện với việc đánh mất một mối quan hệ nào đó mình từng hết mực trân trọng. Ngày còn hai mươi mỗi khi bị đặt trong tình cảnh tương tự mình luôn đổ hết mọi lỗi lầm cho bản thân trước tiên rằng lẽ ra mình đã nên dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe xem đâu mới là điều tốt nhất mà đối phương cần. Dần dần mình mang tâm lý lo sợ trốn tránh việc tìm kiếm mở rộng các mối quan hệ mới, chấp nhận sống trong nỗi dằn vặt hoài niệm về quá khứ cho đến khi không ai khác ngoài chính bản thân tự nhìn ra được hậu quả của vấn đề này đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Mình bắt đầu học cách chấp nhận chuyện được - mất theo hướng tích cực hơn rằng ít nhất khi mối quan hệ đó còn đang tồn tại mình đã đủ chân thành vì nó và ngay cả khi giữa mình và đối phương không còn chung một lối đi thì không hẳn những gì thuộc về con người họ mà mình từng biết trước đây sẽ bị đánh đồng là xấu. Vậy nên hãy coi như đây chỉ là quy luật tất yếu của cuộc sống và những người đến và đi trong đời mình là để dạy cho mình biết yêu thương và hành động đúng với những giá trị của bản thân.
10. Vật chất không bao giờ là thước đo cho giá trị của một người
Đây chính là bài học vỡ lòng bố đã dạy cho mình trong những bước đi chập chững đầu tiên vào đời. Giả như mình có điều kiện kinh tế tốt hơn so với người khác nhưng nó không quyết định được việc mình là ai trong con mắt đánh giá của họ. Quan trọng hơn hết giá trị đích thực của mỗi người nên thuộc về bản chất bên trong con người bạn và cũng chỉ có bạn mới hiểu rõ và nhận định đúng đắn nhất về giá trị của riêng mình mà thôi.
11. Gia đình là tất cả
Trong số tất cả những điều mình đang nói đến ở đây thì tiêu đề cuối cùng này là bài học ý nghĩa nhất đối với mình. Hai mươi năm năm qua dẫu mình có cơ hội được tự do bay nhảy đến những vùng đất mới, bước ra khỏi giới hạn an toàn để từng bước khẳng định giá trị tồn tại của riêng mình thì sau cùng nơi mình luôn muốn tìm về cũng như đem lại cho mình cảm giác bình an và được chở che nhiều nhất lại gói gọn chỉ trong hai tiếng “LÀ NHÀ” . Và hai mươi năm năm cũng là chừng ấy thời gian mình học cách lắng nghe – thấu hiểu - tôn trọng mối quan hệ giữa mình và bố mẹ để sau rất nhiều bài học mình mới nhận ra rằng không một ai sẵn sàng chấp nhận bao dung con người mình dẫu cho không ít lần mình đánh mất ý nghĩa của việc được sống được tồn tại trong chính bản thể mà bố mẹ đã nặng công sinh thành này, mà nguyên do trước sau đơn giản chỉ có một : “Vì con là con của ba mẹ”.
________________________________
Cuối cùng mình xin dành album “Tuổi 25” của Lê Cát Trọng Lý để khép lại bài viết này. Hy vọng cả mình và bạn “không chỉ đang tồn tại mà sống sao cho đúng là mình của ngày hôm nay”.
(Nguồn video : Le Cat Trong Ly )
Comments