Đã bao giờ bạn tự hỏi lựa chọn nghề nghiệp hiện tại mà bản thân đang theo đuổi thực sự đến từ đâu? Xuất phát từ đam mê hay chỉ là quyết định mang tính nhất thời? Là định hướng của gia đình hay nhờ một cơ hội nào đó giúp bạn bén duyên với nghề? Và liệu công việc đó có đem lại cho bạn hạnh phúc nhiều như những gì bạn đã kỳ vọng hay không? Mình tin cả hai câu hỏi tưởng chừng đơn giản như trên lại là vấn đề khó tìm được lời giải đáp thỏa đáng với không chỉ cá nhân mình mà với bất cứ ai còn đang loay hoay trong việc định hướng con đường phát triển lâu dài cho bản thân. Trong bài viết mở đầu cho chuyên mục “BOTH OF US” hôm nay mình muốn ngồi lại đây chia sẻ cùng mọi người về chặng đường đi tìm giá trị hạnh phúc của nghề giáo cũng như những thay đổi tích cực mà chính công việc này đã và đang mang lại cho mình suốt ba năm qua.
Tháng 7 năm 2017 mình trở về Việt Nam sau hai năm sinh sống và học tập tại Hàn Quốc, ở độ tuổi hai mươi hai ngày ấy mình cũng mang trong lòng hoài bão lớn được khẳng định bản thân cũng như hiện thực hóa những dự định ấp ủ bấy lâu nay. Nhưng ngoài cái chí lớn đó ra mình hoàn toàn không có bất cứ kinh nghiệm làm việc nào trước đấy để tạo dựng niềm tin ở các nhà tuyển dụng vào năng lực của bản thân vậy nên năm lần bảy lượt các cơ hội có thể đưa mình đến gần hơn với ước mơ của một thời tuổi trẻ năm nào cứ trượt dần khỏi tầm tay. Tình cờ qua sự giới thiệu của một người tiền bối mình nhận lời thử sức với công việc giảng dạy tiếng Hàn tại trung tâm đào tạo ngoại ngữ ở địa phương và cái duyên gắn bó với nghề bắt đầu từ đây. Những ngày đầu mới vào nghề mình còn khá non nớt trong kỹ năng giảng dạy để đáp ứng được đặc thù công việc cần ở một “người gieo chữ” . Sự nhiệt huyết không mang lại kết quả đúng như mong muốn mà ngược lại chỉ càng không sao chối bỏ được cảm giác lạc lõng mỗi khi đứng trên bục giảng. Giống như một cái máy được lập trình sẵn mình viết - nói - giải đáp mọi thắc mắc nhận được từ phía học sinh nhưng khúc mắc lớn nhất trong lòng lại không thể gỡ giải rằng rốt cuộc tất cả hành động mình đang làm ở đây có ý nghĩa gì? Rồi trải qua rất nhiều môi trường giảng dạy khác nhau cùng cơ hội làm việc với những người anh chị có kinh nghiệm lâu năm trong nghề mình dần nhận ra ngay từ đầu mình đã đánh mất giá trị cốt lõi của nghề giáo trước khi tìm được hạnh phúc trong chính công việc mình đang làm. Mình không làm công việc này để cố gắng tạo ra sự thay đổi lớn lao đối với một ai đó mà trước hết là để thay đổi chính con người mình. Và hạnh phúc của người theo đuổi nghề giáo không nằm ở thành tích xếp thứ hạng cao của riêng một cá nhân nào mà là chính những nỗ lực hoàn thiện bản thân ngày một tốt hơn của cả thầy và trò trong hành trình đồng hành cùng nhau chinh phục giới hạn mới.
Vậy liệu sự giác ngộ muộn màng trong suy nghĩ này có mang đến thay đổi tích cực nào cho mình hay không? Câu trả lời là có.
Thứ nhất : Rèn tính kiên nhẫn và biết làm chủ cảm xúc
Với mình đây vừa được coi là thách thức lớn nhất nhưng cũng là yếu tố kiên quyết đầu tiên phải có ở một người làm công việc giảng dạy. Trong môi trường quy chuẩn của sư phạm đặt ra yêu cầu cho người làm nghề cần phải biết kiểm soát cảm xúc của bản thân, cương nhu đúng mức đúng chỗ đều là điều tưởng chừng hết sức đơn giản nhưng lại cần có thời gian rèn rũa từng chút một mới thành. Bởi bất cứ một hành động hay lời nói nào của giáo viên cũng là con dao hai lưỡi ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và nhận thức của người học.
Ngoài ra học tập là cả một quá trình dài đòi hỏi nỗ lực không ngừng nghỉ từ hai phía không chỉ ở bản thân người học mà cả người trong vai trò dẫn dắt. Đặc biệt ở phạm vi thu nhỏ của một lớp học không phải tất cả xuất phát điểm của mọi người đều giống nhau nên đối với những trò khả năng tiếp thu chậm hơn thì thay vì đòi hỏi sự tiến bộ trong ngày một ngày hai mình phải biết kiên nhẫn trong từng bước đi mới gặt hái được “quả ngọt” sau cùng.
Thứ hai : Đánh thức lòng nhiệt thành bị ngủ quên trong tâm hồn
Đa phần đối tượng học sinh mình đã từng dạy đều là độ tuổi mười tám vừa mới rời khỏi ghế nhà trường cấp ba, cũng giống như mình ngày ấy các em tràn đầy sự tự tin và nồng nhiệt muốn được khám phá bản thân cũng như những điều mới lạ đến từ thế giới bên ngoài. Mỗi lần nhìn vào ánh mắt luôn khát cầu được yêu và sống hết mình cho “thanh xuân chẳng hai lần thắm lại” ấy , mình vẫn tự hỏi liệu Như Bình của ngày đôi mươi đó giờ đang ở đâu? Mình luôn có đủ lý do để bao biện cho những dự định bị trì hoãn chỉ bởi không dám đối diện với sự yếu kém của bản thân và rồi không ai khác chính học sinh lại là người đầu tiên dạy mình cách sống sao cho trọn vẹn tuổi trẻ đang có. Mình bắt đầu tập tành viết blog, chụp ảnh phim, vv...vv... làm bất cứ điều gì mình từng yêu thích hay ham muốn được chinh phục nó mà vẫn còn ngần ngại, không quan trọng kết quả cuối cùng thu lại ra sao chỉ cần được tận hưởng từng khoảnh khắc nhỏ bé trong đời theo cách riêng của mình cũng như tìm thấy hạnh phúc hiện diện ở thực tại thay vì đánh mất ý nghĩa của việc sống mỗi ngày như trước đây.
Thứ ba : Không ngừng làm mới bản thân mỗi ngày.
Ngày trước mình từng có suy nghĩ là một giáo viên chỉ cần làm tốt vai trò khi đứng trên bục giảng thôi nhưng lại quên mất để đổi lấy hiệu quả cho vài giờ học ngắn ngủi ấy đòi hỏi mình cần bỏ ra gấp ba -bốn lần, thậm chí một con số nào đó lớn hơn cả về mặt thời gian lẫn công sức để xây dựng được nội dung bài giảng có chất lượng. Vậy nên ngay cả khi đã ở cương vị một người thầy thì việc trau dồi năng lực bản thân chưa bao giờ được phép dừng lại, nhất là đối với ngoại ngữ chỉ cần bỏ quên một ngày cũng nhanh chóng bị chậm lại phía sau so với người khác rồi. Chưa kể bên cạnh kiến thức chuyên môn thì việc đổi mới phương pháp giảng dạy để tạo động lực học tập cho học sinh cũng là yêu cầu mang tính cần thiết. Thay vì bó buộc mình trong một giới hạn an toàn hoặc các phương pháp tiếp cận truyền thống mình tham khảo và cố gắng vận dụng kinh nghiệm của chính thầy cô đã từng dạy dỗ mình trong những năm tháng học tập bên Hàn vào môi trường làm việc hiện tại như tăng thời lượng hoạt động của người học, chú trọng tính tương tác giữa người dạy và người học cũng như giữa người học trong cùng một lớp với nhau, khuyến khích tư duy độc lập và tự do ngôn luận , tập trung phát triển các kỹ năng như thuyết trình, teamwork vv...vv.... Nhưng quan trọng hơn hết dù thay đổi phương pháp nào chăng nữa mình vẫn muốn việc học trước hết phải mang lại niềm vui không phải sự áp đăt mang tính giáo điều đồng thời người học phải luôn là chủ thể chính của hoạt động “học”, có như vậy giáo dục mới mang lại hiệu quả tích cực đúng mong muốn.
Thứ tư : Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu
Một điểm sai lầm cơ bản mình thấy đa phần những người mới vào nghề đều mắc phải đó là luôn đòi hỏi sự tôn trọng một chiều từ học sinh trong khi bản thân cũng không nỗ lực chứng minh điều ngược lại. Bởi ở bất cứ mối quan hệ nào cũng cần thời gian và công sức vun vén từ cả hai phía mới tạo dựng được lòng tin dành cho nhau và cách tốt nhất để gắn kết quan hệ giữa thầy - trò nên cần bắt đầu từ sự lắng nghe . Đơn giản như thông qua việc chia sẻ các quan điểm cá nhân của mỗi em về những chủ đề gắn liền với mỗi bài học mình có thể hiểu thêm phần nào về tính cách trong mỗi người ra sao nhờ đó dễ dàng xử lý những tình huống có thể phát sinh ngoài ý muốn trong quá trình học sao cho không ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của học sinh đó. Hay chỉ thông qua biểu hiện trên khuôn mặt, hành vi ứng xử giao tiếp thường ngày cũng mở ra cánh cửa để tiếp cận với tâm tư nguyện vọng của một người đang thực sự mong muốn điều gì hay nguyên do nào dẫn đến sự thay đổi trong phong độ học tập của người đó để giáo viên có phương hướng điều chỉnh cho phù hợp hơn. Trong suốt những năm tháng gắn bó với nghề mình cũng đã trải qua vô số những bài học kinh nghiệm mới nhận ra bản thân còn thiếu sót chỗ nào, làm chưa tốt ở đâu nhưng một khi biết trao đi sự lắng nghe thì mình tin giá trị tinh thần nhận lại còn nhiều hơn những gì chúng ta mong đợi.
________________________________
Ba năm không phải một chặng đường dài trên hành trình trở thành một người dạy có đủ tâm và tầm trong nghề nhưng mình mong qua những chia sẻ trong bài viết này có thể giúp các bạn thấu hiểu và cảm thông nhiều hơn cho những người đang nỗ lực hết mình bằng cả sức trẻ và sự nhiệt thành dành cho sự nghiệp giáo dục. Lời cuối cùng mình xin được trích dẫn lại một câu nói trong cuốn sách mình yêu thích rằng “Một khi cơn bão tan biến bạn sẽ không thể nhớ mình vượt qua nó bằng cách nào, làm sao mình có thể sống sót. Bạn thậm chí còn không dám chắc rằng cơn bão đã thật sự tan biến hay chưa. Nhưng có một điều là chắc chắn. Khi bạn đã vượt qua được cơn bão bạn sẽ không còn là con người khi mới bước vào nữa. Đó chính là lý do cơn bão tồn tại.” (Kafka bên bờ biển- Haruki Murakami) như một lời động viên gửi đến tất cả các bạn độc giả của K.I.O.S cho những nỗ lực không ngừng nghỉ mà bạn đã đang bỏ ra trên hành trình theo đuổi ước mơ của riêng mình.
Comments