top of page
Writer's pictureKoreainourstories

NHỮNG BÀI HỌC ĐÁNG GIÁ MÀ DU HỌC MANG LẠI CHO MÌNH

Updated: May 7, 2020

Mình bắt đầu đi du học vào năm hai mươi tuổi , ở cái độ tuổi vẫn đang bước từng bước đi chập chững đầu tiên trên con đường trưởng thành thì chính những thay đổi tại một môi trường mới với khác biệt về ngôn ngữ , văn hóa và lối sống đã ảnh hưởng sâu sắc đến mình. Liệu mình đã học được gì sau chặng đường hai năm tại Hàn Quốc ?


1. Đừng ngần ngại nói xin lỗi và cảm ơn mỗi ngày

“Cảm ơn” và “xin lỗi” là hai câu nói tưởng chừng đã quá đỗi quen thuộc nhưng lại ít người trong chúng ta luôn sẵn lòng bày tỏ nó trong cuộc sống thường ngày. Những ngày đầu đặt chân đến Hàn Quốc mình đã khá bất ngờ trước việc người Hàn không hề ngần ngại nói “cảm ơn” “xin lỗi” như một thói quen cửa miệng từ việc cảm ơn bác tài xế mỗi lần lên xuống xe bus hay taxi; cảm ơn người bán hàng ở cửa hàng tiện lợi; cảm ơn sau khi được ăn một bữa thật ngon; cảm ơn sau mỗi lần nhận được sự giúp đỡ từ người khác; cảm ơn trước tình cảm chân thành từ những người họ yêu thương hoặc không quên xin lỗi nếu bản thân có vô tình làm ảnh hưởng đến người khác....... Mình dần nhận ra trước nay đã luôn bỏ qua những điều nhỏ nhặt như vậy mà không hề biết chỉ cần một hành động nhỏ một lời nói yêu thương đơn giản cũng có thể rút ngắn khoảng cách giữa những con người xa lạ, đem lại nguồn năng lượng tích cực mỗi ngày cho chính mình đồng thời lan tỏa nó đến mọi người xung quanh.


2. Thay đổi tư duy học hành

Một trong những điều hạn chế khi học ngoại ngữ ở Việt Nam đấy là chúng mình còn khá thụ động và lệ thuộc nhiều vào việc “đọc - ghi chép” nhưng khi đi du học phương pháp học tập này hoàn toàn bị đảo thải. Giáo viên sẽ không còn là người đi theo kèm cặp bạn từ a đến z hay vừa đưa ra cũng như vừa giải quyết các vấn đề liên quan đến bài học cho bạn nữa mà bạn phải chủ động tự tìm hiểu bài học trước mỗi giờ lên lớp và vai trò của giáo viên chỉ là giúp chúng mình giải đáp những khúc mắc trong việc tiếp nhận kiến thức mới cũng như làm cách nào để vận dụng nó vào giao tiếp một cách hiệu quả nhất . Thêm nữa các kỹ năng như teamwork, thuyết trình, viết báo cáo đặc biệt được chú trọng, thậm chí chiếm đến 70% thời lượng của chương trình học lẫn trong thi cử. Mình từ một đứa không rành về powerpoint mặc dù đã được học ở trường lớp từ những năm tháng cấp ba nhưng lại rất ít được thực hành, chưa từng biết cách viết một bài báo cáo hay làm đề tài nghiên cứu bằng tiếng Hàn ra sao, luôn có tâm lý trốn tránh thu mình trước đám đông, làm thế nào để hoạt động teamwork hiệu quả trong một nhóm cộng đồng thu nhỏ chỉ toàn các bạn sinh viên quốc tế thì hai năm du học đã dạy mình tất cả những điều kể trên.

Một điểm mình cũng đặc biệt thích trong môi trường giáo dục của Hàn Quốc đó là tự do ngôn luận và tôn trọng sự khác biệt. Trong các cuộc thảo luận mình có thể tự do đưa ra ý kiến cá nhân về một vấn đề nào đó mà không cần lo sợ nó đi ngược lại với suy nghĩ của số đông. Việc học không còn là sự trao đổi một chiều hay lối mòn trong suy nghĩ rằng “mọi điều giáo viên nói luôn đúng” không còn áp đặt lên người học nữa. Điều này giúp mình nâng cao khả năng tư duy của bản thân thông qua nhiều hướng tiếp cận vấn đề khác nhau. Từ chính những thay đổi tích cực này mình dần bắt nhịp dễ dàng hơn với môi trường học tập mới, nỗ lực mỗi ngày để hoàn thiện năng lực bản thân cũng như trau dồi các kỹ năng mềm thiết yếu.


3. Chủ động xây dựng các mối quan hệ.

Mình từng là cô bé nhút nhát , ít nói , tự tìm thấy niềm vui khi được ở một mình thay vì hòa mình vào trong câu chuyện của đám đông nên suốt hai năm đầu đại học ở Việt Nam mình chỉ kết thân với một đến hai người bạn mới. Đôi khi mình nhận được vài câu hỏi về ký ức đáng nhớ của thời đại học nhưng tất cả những gì mình có thể nhớ đến lại chỉ là con số không tròn trĩnh. “Liệu mình có đang bỏ lỡ giai đoạn đẹp nhất của tuổi trẻ? ” câu hỏi này lặp đi lặp lại trong tâm trí mình mỗi ngày và thực lòng mình không muốn đánh mất nó thêm lần nữa. Trong suốt khoảng thời gian du học tại Hàn Quốc bạn bè đã trở thành gia đình thứ hai của mình. Chúng mình cùng nhau nấu những bữa ăn đậm chất Việt Nam, cùng học cùng khám phá những điều mới mẻ ở Busan. Chúng mình chia sẻ với nhau mọi thứ từ chuyện bài vở trên lớp, chuyện tình yêu, nỗi nhớ nhà hay những lo lắng trong định hướng nghề nghiệp tương lai...., tất cả những thương mến chân thành mình đã nhận được từ họ đều là nguồn động lực nhỏ bé nhắc mình nhớ rằng mình không hề đơn độc trên hành trình đầy khó khăn này. Hơn nữa học tập và sinh sống trong môi trường quốc tế bạn cũng không thể chỉ thu mình vào cộng đồng chỉ toàn người Việt được. Sự chủ động xây dựng các mối quan hệ với những người bạn bản xứ hay những bạn du học sinh quốc tế khác không những giúp chúng mình nâng cao hơn khả năng giao tiếp tiếng Hàn, cùng hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình học trên trường lớp mà còn là cách nhanh nhất để tìm hiểu về văn hóa đặc trưng của đất nước đó từ đó thấu hiểu và gắn kết với nhau hơn .


(Ngắm hoa đào ở làng cổ Hanok Jeonju cùng hội du học sinh Việt Nam)

4. Học cách sống cho chính mình

Hai năm đầu học đại học ở Việt Nam mình đã luôn sống trong sự hoài nghi về bản thân rằng rốt cuộc mình là ai. Mình đỗ vào đúng trường đại học như mong đợi của bố mẹ, học đúng chuyên ngành tiếng mà bản thân đã vạch ra từ những ngày đầu mới bước vào cấp ba, mình đi nhiều nơi cố gắng làm quen với những mối quan hệ mới chỉ với mong mỏi khắc khoải có thể tìm được câu trả lời cho việc mình đang kiên trì theo đuổi điều gì nhưng đổi lại mình chẳng được gì ngoài mất dần đi mối liên kết với thế giới ngoài kia, mình cũng yêu và khao khát yêu như bao cô gái ở độ tuổi hai mươi ngày ấy. Nhưng tất cả những điều kể trên cũng không lấp đầy được khoảng trống đã đang bào mòn niềm tin trong mình mỗi ngày. Mình cứ mải miết chạy theo từng ấy thứ để rồi nhận ra sâu thẳm trong lòng cái ước muốn được sống cho chính mình lại chưa một lần được nhắc tên.

Hai năm du học chính là dấu mốc quan trọng đầu tiên trong hành trình tìm kiếm giá trị đích thực của riêng mình. Mình học được cách tôn trọng cảm xúc của bản thân, chấp nhận những khiếm khuyết trong con người mình như một phần bản ngã không thể tách rời, tận hưởng cuộc sống theo cách thức của riêng mình thay vì cố gắng trở thành một bản sao hoàn hảo trong mắt người khác cũng như không còn lấy một quy chuẩn áp đặt nào từ mọi người xung quanh để làm thước đo cho sự hạnh phúc của mình nữa. Mình đã trải nghiệm tất cả những điều mà từ trước đến nay vẫn luôn dè chừng đắn đo hoặc không cơ hội để hiện thực hóa nó, nhờ đó mình còn phát hiện thêm những khía cạnh mới vượt ra ngoài giới hạn an toàn của bản thân và rằng mình thực sự tốt hơn mình nghĩ rất nhiều. Như trang blog Korea in our stories mà bạn đang đọc đây cũng được ươm mầm từ chính những trải nghiệm đáng giá trong hai năm du học đó. Liệu các bạn có nghĩ rằng được sống cho chính mình cũng là một dạng hạnh phúc không?

(Mùa hoa đào cuối ở Busan)

5. Trân trọng giá trị tình cảm gia đình và bạn bè

Từ những năm đầu cấp ba mình đã từng có khoảng thời gian dài sống xa gia đình cho đến hai năm học tập ở nước ngoài việc sống tự lập không phải vấn đề quá khó khăn với mình nữa. Mình luôn tưởng bản thân đủ mạnh mẽ chống chọi với mọi thử thách nhưng mỗi khi đánh mất phương hướng trên con đường đi của bản thân thì điều duy nhất mình nhớ đến lại là những khoảnh khắc nhỏ bé thuộc về gia đình, bạn bè. Một lời động viên từ bố, một món ăn ngon của mẹ, một cái ôm từ cô bạn thân trong những ngày đầu đông Hà Nội, một tiếng thương chân thành từ người mình yêu, tất cả tưởng chừng quá đỗi bình thường nhưng phút chốc hóa xa xỉ vô cùng. Chỉ khi đó mình mới cảm thấy tiếc nuối vì đã không biết tận dụng cơ hội khi còn có thể để bày tỏ tình cảm đến những người thân yêu của mình. Quyết định đi du học cũng đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận đánh đổi trong đó có thể bao gồm những mối quan hệ từng hết mực trân trọng. Nhưng mình tin ai cũng cần trải qua đôi lần vấp ngã để biết đâu là người thực sự quan trọng trong cuộc đời mình. Có câu nói rất hay trong bộ phim “Mắt biếc” rằng “Có hai thứ mà đời người không được bỏ lỡ, một là chuyến tàu cuối cùng về nhà và hai là người thật lòng yêu thương ta.” mà mình muốn gửi đến những bạn đã đang trải qua giai đoạn khó khăn tương tự đừng quên ai cũng có một nơi để quay trở về trong suốt những năm tháng của tuổi trẻ.

___________________________________________

Hai năm là quãng thời gian không quá dài nhưng mình luôn biết ơn và trân trọng những bài học đáng giá mình học được từ cuộc sống của một du học sinh . Còn bạn thì sao? Nếu bạn cũng có câu chuyện tương tự về hành trình trưởng thành của chính mình thì hãy chia sẻ thêm với chúng mình nhé ~

202 views0 comments

Comentários


bottom of page