top of page
Writer's pictureKoreainourstories

NHỮNG CÚ SỐC VĂN HÓA - TRỞ NGẠI HAY BƯỚC ĐỆM?

Updated: Sep 6, 2022

Khi lần đầu sống và học tập ở một đất nước xa lạ với nền văn hóa hoàn toàn mới thì việc làm cách nào để có thể dễ dàng hòa nhập với môi trường mới không chỉ ở những khác biệt đơn thuần về mặt ngôn ngữ, khoảng cách địa lý mà còn ở lối sống, văn hóa giao tiếp xã hội vv..vv...là câu hỏi mà bất cứ du học sinh nào cũng đều trải qua ít nhất một lần trong đời. Mình của 5 năm trước đây - ngày mới đặt chân đến Hàn Quốc cũng không phải ngoại lệ. Mình đã mất chừng ba tháng mới lấy lại được cân bằng và phương hướng cho bản thân nên tùy thuộc vào khả năng thích nghi cũng như sự ổn định về mặt tâm lý của từng người mà “cú sốc văn hóa” sẽ để lại mức độ ảnh hưởng đồng thời khoảng thời gian để bạn có thể vượt qua nó là sớm hay muộn cũng khác nhau. Thông thường bốn giai đoạn đặc trưng bạn sẽ thường trải qua như sau :


Giai đoạn 1: Tận hưởng

Ở một môi trường mới bạn vô cùng háo hức, phấn khích và tràn đầy năng lượng tích cực muốn được khám phá bằng hết những điều khác biệt thú vị đang bày ra trước mắt mình. Trước một món ăn ngon hay khung cảnh đẹp mà bạn mới chỉ nhìn thấy qua phim ảnh thì nay lại là thứ hoàn toàn có thể cảm nhận trực tiếp và dù nó có thể đã quá đỗi quen thuộc trong cái nhìn của người khác thì vẫn không thể khiến bạn tránh khỏi sự choáng ngợp ban đầu. Bạn bắt đầu vẽ ra một lộ trình màu hồng đầy hứa hẹn cho bản thân về những điều bạn muốn làm, những nơi bạn muốn đi, những trải nghiệm bạn muốn có và thậm chí là sự thay đổi tích cực trong con người mình. Giai đoạn này có thể kéo dài vài tuần hoặc một tháng nhưng rồi sớm thôi những ngọt ngào bạn đang tận hưởng sẽ không lặp lại lần hai như nó đã từng.


(Busan một ngày cuối đông )


Giai đoạn 2 : Hoài nghi

Bạn bắt đầu nhận ra những khác biệt văn hóa thật khó để thích nghi hơn những gì bạn tưởng tượng. Bạn gặp khó khăn trong việc giao tiếp với người bản xứ, bạn không thể ăn hoài kim chi hay cơm cuộn mua ngoài cửa hàng tiện lợi mỗi ngày mà chỉ thèm một bữa cơm gia đình, bạn vv..vv... Những điều đã từng khiến bạn phấn khích ở giai đoạn đầu giờ đây trở thành nỗi chán ghét trong lòng bạn. Bạn cảm thấy lạc lõng không tìm được tiếng nói chung, hoài nghi về lựa chọn của bản thân rằng việc mình đang làm là đứng đắn hay sai lầm và nơi này có thực sự thuộc về bạn như bạn đã từng nghĩ. Những suy nghĩ tiêu cực như trên cứ dần hình thành trong tâm trí bạn và một khi chúng không sớm được giải tỏa bạn sẽ dần thu mình lại trong vỏ ốc an toàn của bản thân, mang tâm lý “rối loạn lo âu xã hội” (Social anxiety disorder) mà tệ hơn là dẫn đến chứng trầm cảm.


Giai đoạn 3 : Chấp nhận – Thay đổi

Ở giai đoạn này bạn chấp nhận những khó khăn giống như một phần của cuộc sống mà bạn buộc phải đối mặt để trưởng thành hơn. Bạn bắt đầu học cách kiểm soát từ trong suy nghĩ của bản thân, thay vì “không thể làm” thì là “mình có thể làm/mình sẽ thử làm” và dần dần những vấn đề như chuyện học hành trên trường lớp, công việc làm thêm hay kết nối với những mối quan hệ xã hội mới xung quanh đều được giải quyết ổn thỏa. Những khác biệt văn hóa giờ đây không còn được nhìn dưới con mắt tiêu cực hay lo sợ nữa mà bạn đang nỗ lực từng ngày để lấy lại sự cân bằng cũng như khẳng định lại sự tồn tại của bản thân trong môi trường mới này.


Giai đoạn 4 : Phục hồi - Tái hòa nhập

Giờ đây bạn đã định hình được những việc nên làm để phát triển bản thân tại môi trường mới này. Bạn coi đây giống như ngôi nhà thứ hai của mình, nơi bạn bày tỏ yêu thương và được yêu thương theo cách của riêng mình. Khó khăn tất nhiên ở mỗi một giai đoạn sẽ tồn tại dưới cách thức khác nhau nhưng giờ đây bạn hoàn toàn tự tin để đối mặt với nó cũng như làm chủ được cuộc sống của chính mình. Và với kinh nghiệm của mình khi bạn đã bước vào giai đoạn hòa nhập thì đây cũng sẽ là dấu mốc quan trọng dẫn đến những thay đổi lớn lao trong sự hình thành nhân cách, suy nghĩ trong con người bạn.


Như mình đã nói ở trên thì mốc thời gian chuyển hóa giữa các giai đoạn cũng như mức độ ảnh hưởng của sốc văn hóa đối với mỗi người sẽ khác nhau. Như cá nhân mình thì giai đoạn một và hai kéo dài rất lâu nhưng khi mình đã loại bỏ được những cảm xúc,suy nghĩ tiêu cực sang một bên thì mình không mất quá nhiều thời gian để học cách thích nghi lại từ đầu. Vậy làm cách nào để mình có thể vượt qua vấn đề sốc văn hoá nhanh chóng nhất có thể?


Tip thứ nhất : Chủ động tìm hiểu về điểm đến của bạn

Mình tin chắc sẽ có nhiều bạn bỏ qua bước này hoặc cho rằng mình đã biết quá đủ thay vì tốn thời gian vào nó nhưng tin mình đi rằng điều này sẽ không thừa một chút nào. Trước khi đặt chân đến một vùng đất mới bạn càng am hiểu về những đặc trưng văn hóa- phong tục tập quán- con người của đất nước đó bao nhiêu thì bạn sẽ có một bước đệm vững chắc về mặt tinh thần trước khi đối mặt với những cú sốc văn hóa không đáng có có thể xảy ra. May mắn cho mình thì Hàn Quốc không còn là gì quá đỗi xa lạ bởi từ ngay chính phim ảnh hay các show truyền hình thực tế mình xem, âm nhạc mình nghe mỗi ngày cũng đã phản ánh rõ phần nào về văn hóa của họ chưa kể sự tương đồng giữa văn hóa Việt Nam- Hàn Quốc cũng là một điểm cộng lớn cho hành trang du học của mình . Ngoài ra mình cũng lắng nghe thêm kinh nghiệm từ các tiền bối đi trước- những người đã hoặc đang là du học sinh tại chính nơi mình sẽ theo học, tìm kiếm thêm thông tin từ internet hay tham gia các buổi hội thảo du học được khoa tiếng Hàn hoặc các trung tâm tiếng Hàn uy tín tại Hà Nội tổ chức định kỳ để tích lũy thông tin cần thiết cho mình. Đâu có sự chuẩn bị nào là thừa phải không?


Tip thứ hai : Học tiếng bản xứ càng nhiều càng tốt

Phần lớn nguyên nhân đầu tiên dẫn đến cú sốc văn hóa lại nằm ở chính rào cản ngôn ngữ. Ngôn ngữ không phải cách duy nhất để bạn tiếp cận với nền văn hóa mới nhưng lại là chìa khóa tốt nhất giúp bạn dễ dàng hòa nhập hơn với cộng đồng. Khi bạn đã đặt quyết tâm đi du học thì ngay tại thời điểm đó bạn cũng cần nên lộ trình học tiếng cụ thể để khi bạn đến đất nước mới bạn không bị choáng ngợp hay lo sợ về việc mình không thể giao tiếp với người bản xứ . Ngày ấy mình đã học hết hết trung cấp 1 tiếng Hàn tuy nhiên vì không có môi trường giao tiếp nên khả năng giao tiếp của mình khá hạn chế. Thành ra thời gian đầu ở Hàn mình đã gặp một chút khó khăn trong việc bắt kịp với bài giảng trên lớp của thầy cô hay trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày . Vậy nên thêm một lời khuyên nho nhỏ cho các bạn ấy là hãy tìm môi trường học tiếng có uy tín ngay từ những bước đi đầu tiên cũng như nên phát triển đồng đều giữa các kỹ năng đặc biệt là nghe - nói thay vì chỉ chú trọng học lý thuyết trên sách vở.


Tip thứ ba : Học cách lắng nghe cũng như kiên nhẫn với chính mình

Đây là điều nghe thì đơn giản nhưng lại mất nhiều thời gian nhất mới có thể thực hiện được. Sự lắng nghe mình muốn nhắc đến ở đây bắt đầu từ việc hãy tôn trọng những cảm xúc trong con người bạn. Tâm hồn cũng có tiếng nói riêng của nó và chỉ khi bạn chấp nhận ngay cả cảm xúc tiêu cực cũng là một phần không thể tách rời thì mới dễ dàng kiểm soát và điều chỉnh nó . Đồng thời bất cứ sự thay đổi nào cũng cần có thời gian nên thay vì tạo sức ép đối với bản thân thì chúng mình cần khoảng lặng để lắng nghe bản thân đang muốn gì trước khi buộc phải làm gì. Có một câu nói mà mình rất thích ấy là “Không ai ngoài chính bản thân chúng ta cho phép mình được hạnh phúc” vậy nên mình mong nếu bạn nào vẫn đang loay hoay tìm một hướng giải quyết cho vấn đề của mình thì hãy bắt đầu từ điều này trước tiên xem sao.


Tip thứ tư : Tận dụng tối đa thời gian bạn có

Mỗi khi nhìn lại quãng thời gian hai năm du học mình thực sự có nhiều điều tiếc nuối vì đã bỏ lỡ nên ngay khi còn có thể bạn hãy tận dụng những gì bạn đang có để trải nghiệm trọn vẹn nhất hành trình du học của mình. Bạn hãy thoát ra khỏi vỏ bọc an toàn của bản thân bằng cách chủ động kết bạn với các sinh viên nước ngoài khác - những người cũng giống như bạn đang từng bước hòa nhập với môi trường mới mà biết đâu chính họ có thể giúp bạn trong việc tưởng chừng như khó khăn này. Hãy tích cực tham gia các câu lạc bộ, các hoạt động mang tính cộng đồng được tổ chức ở khoa, trường hay trong hội du học sinh nước bạn. Ngoài ra nếu bạn đang gặp bất cứ khó khăn gì cũng đừng ngần ngại chia sẻ với bạn bè, anh chị tiền bối, thầy cô thay vì tự mình xoay sở. Mình tin chắc những lời khuyên hữu ích từ người đi trước sẽ phần nào giúp bạn đưa ra hướng giải quyết thích hợp nhất. Hơn nữa đừng chỉ chăm chăm học trên sách vở mà hãy tận dụng tất cả nguồn học có thể xung quanh mình bởi không điều gì có thể giúp bạn tiến bộ nhanh hơn cả về năng lực lẫn hoàn thiện bản thân bằng sự chủ động học hỏi đâu.

(Trải nghiệm tham quan làng văn hóa Gamcheon vào mùa thu năm 2016 cùng các bạn du học sinh Việt Nam và Nhật Bản)


Tip thứ năm : Đừng đánh mất bản sắc văn hóa đất nước mình

Mỗi nền văn hóa đều có những nét đặc trưng riêng nên điều đầu tiên bạn cần nhớ là tôn trọng bản sắc văn hóa bằng cách sẵn sàng tiếp nhận cái mới thay vì mang tư tưởng thành kiến về sự khác biệt giữa đất nước bạn đang theo học và quê hương của bạn. Tuy nhiên học hỏi cái mới không có nghĩa bài xích cái đã cũ, đừng vì sợ bạn trở nên khác biệt trong mắt mọi người mà che giấu quan điểm suy nghĩ của bản thân cũng như những nét độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng của dân tộc mình. Bạn biết không chính bạn cũng là một nhân tố góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa của một cộng đồng vậy nên hãy cứ là chính mình thôi nhé.


___________________________________________


Việc vượt qua cú sốc văn hóa đối với bất cứ một du học sinh nào là điều chẳng hề dễ dàng nhưng mình hy vọng từ những kinh nghiệm mình chia sẻ trong bài viết này có thể giúp ích phần nào cho các bạn trong việc khắc phục những khó khăn đang gặp phải từ đó bạn sẽ có thêm nhiều trải nghiệm quý giá trên chặng đường du học của chính mình.

299 views0 comments

Comments


bottom of page