Trước khi trở thành sinh viên trao đổi tại Hàn Quốc mình đã có hai năm được học tập ở trường đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội - nơi đặt nền tảng đầu tiên cho mình cả về mặt kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng cơ bản trong quá trình phát triển và hoàn thiện bản thân. Bên cạnh những thay đổi tích cực mình nhận được thì chính sự khác biệt giữa hai môi trường giáo dục cũng đem lại không ít những khó khăn mà đòi hỏi phải có thời gian để học cách thích nghi và hòa nhập. Vậy những khác biệt đó là gì? Trong bài viết tiếp theo của chuyên mục “Nhật ký du học” ngày hôm nay chúng mình hãy cùng nhau tìm hiểu thêm vấn đề này nhé ~
1. Phương pháp giảng dạy- học tập
Như mình đã từng đề cập qua trong các bài viết trước đây trên blog những thay đổi trong phương pháp giảng dạy – học tập vừa là trở ngại, thách thức lớn đối với bất cứ du học sinh nào trong giai đoạn đầu làm quen với môi trường mới nhưng cũng là cơ hội để mỗi người chúng mình phát triển và hoàn thiện bản thân tốt hơn. Ba điểm cơ bản dễ nhận thấy nhất trong sự khác biệt giữa hai môi trường giáo dục đó là :
- Vai trò của giáo viên. Ở các trường đại học tại Hàn Quốc vai trò của giáo viên chỉ là người cùng bạn giải đáp những khúc mắc xoay quanh chủ đề của bài học, mở rộng thêm kiến thức cho sinh viên bằng cách liên hệ thực tiễn hoặc đặt trong mối tương quan- khác biệt giữa các nền văn hóa để sinh viên có thêm những cái nhìn đa chiều hơn khi tiếp cận một vấn đề mới. Điều này đòi hỏi người học phải chủ động trong việc tìm hiểu bài học trước mỗi giờ lên lớp thay vì chỉ mang cái đầu rỗng chờ được lấp đầy kiến thức. Thử nghĩ xem trong thời lượng 50p của mỗi giờ học bạn đâu thể vừa tra cứu từ vựng mới vừa nghe- hiểu kịp những gì giáo viên đang nói chưa kể đến việc cùng trao đổi- giải đáp các thắc mắc có liên quan, và tất nhiên giáo viên cũng không đi giải đáp từng từ một cho bạn hiểu rõ hay lùi chậm tiến độ bài học chỉ vì một sinh viên nào đó chưa theo kịp bài đâu. Vậy nên để đạt được hiệu quả học tập tốt nhất không ai khác ngoài bản thân bạn phải là người chủ động.
- Tập trung phát triển các kỹ năng mềm. Nếu bạn còn đang khá xa lạ với các kỹ năng như teamwork, thuyết trình, viết báo cáo thì nên tập làm quen ngay với việc sẽ phải thực hành chúng thường xuyên suốt mỗi kỳ học bên này, không chỉ trong một tiết học mà còn qua các bài đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ nữa. Nghe có vẻ khó nhằn nhất là khi chúng mình đang sử dụng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, nhưng đừng quá lo lắng bởi đây là cách nhanh nhất giúp cải thiện cả bốn kỹ năng tiếng Hàn đó. Thông thường giáo viên sẽ kết hợp sinh viên từ các nước khác nhau vào một nhóm để tránh tình trạng tự thu mình vào cộng đồng chỉ toàn người Việt nên đây còn là cơ hội để xây dựng các mối quan hệ mới cũng như tìm hiểu thêm về các nền văn hóa đặc trưng của đất nước bạn. Bên cạnh đó các chủ đề thuyết trình hay báo cáo cũng không hề bị gò bó, khô khan mà thầy cô cũng hết sức tạo điều kiện để bạn có thể tự do lựa chọn chủ đề mình thích mà vẫn áp dụng được những kiến thức chuyên môn liên quan đến môn học đó.
- Học gắn với thực tiễn. Khác với nội dung chương trình học còn nặng về lý thuyết, mình nhận thấy các hoạt động giáo dục gắn liền với thực tiễn tại các trường đại học Hàn Quốc được chú trọng đẩy mạnh hơn. Như khi học môn 한국어와 한국문화 ( tiếng Hàn và văn hóa Hàn Quốc) mình được tham gia các buổi trải nghiệm văn hóa do thầy cô bộ môn tổ chức như làm mặt nạ truyền thống, tìm hiểu về hanbok vv...vv.... Hay ở môn 비즈니스 한국어 (tiếng Hàn thương mại) để giúp cho sinh viên thực hành được các kiến thức đã học liên quan đến nghiệp vụ văn phòng cũng như nâng cao kỹ năng giao tiếp khi làm việc tại các doanh nghiệp của Hàn Quốc, giáo viên thường xuyên tổ chức các hoạt động như : quay video giới thiệu bản thân khi đi xin việc , giới thiệu một chiến lược kinh doanh hoặc kế hoạch khởi nghiệp , thuyết trình - tranh luận trong một cuộc họp bằng tiếng Hàn vv...vv.... Nhờ việc học đi đôi với hành như trên không chỉ là một cách nắm vững kiến thức mà còn là sự vận dụng có hiệu quả những kiến thức ấy ra ngoài xã hội đồng thời thúc đẩy niềm say mê và động lực trong học tập của chúng mình.
(Một trong số những hoạt động giới thiệu quảng bá văn hóa đặc trưng của mỗi nước )
2. Hệ thống tính điểm (Tuyệt đối-tương đối)
Ở Hàn Quốc để tránh tình trạng “học một đằng điểm số một nẻo” cũng như giúp cho những nhà tuyển dụng từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhỏ trong nước có thể đánh giá đúng thực lực của sinh viên thông qua bảng điểm đại học thì hệ thống tính điểm phân chia thành 상대평가- đánh giá tương đối và 절대평가 - đánh giá tuyệt đối đã được ra đời.
Tương tự như hình thức tính điểm đang được áp dụng ở các trường đại học của Việt Nam, 절대평가 (đánh giá tuyệt đối) có thể hiểu đơn giản rằng bạn thi như thế nào thì kết quả nhận được sẽ tương ứng như vậy. Điều này đồng nghĩa với việc trong một lớp dù 100% số học sinh đều dc A+ hay 100% bị F cũng không thành vấn đề. Ngược lại ở hình thức상대평가( đánh giá tương đối) giáo viên là người trực tiếp kiểm soát điểm số của từng sinh viên. Cụ thể trong một lớp chỉ được phép chia ra có bao nhiêu % được A, bao nhiêu % được B, bao nhiêu % được C…Tỷ lệ % này tùy vào từng trường sẽ có sự chênh lệch khác nhau như ở đại học ngoại ngữ Busan mình theo học chỉ 30% trong lớp sinh viên được nhận A / A + còn 70% còn lại bắt buộc phải nhận từ B+ trở xuống, số người điểm F không được vượt quá 10%. Tức là dù điểm của các bạn có ngang nhau nhưng một người được điểm A người còn lại B là chuyện rất thường tình. Tất nhiên nếu giữa những sinh viên bằng điểm thi giáo viên cũng sẽ cân nhắc các yếu tố khác để đưa ra đánh giá cuối cùng như dựa vào sự chuyên cần ( không được nghỉ quá ¾ tổng số buổi học trong một kỳ) , điểm bài tập , tinh thần phát biểu xây dựng bài trên lớp vv..vv...... Phải cạnh tranh khốc liệt để được dành điểm số cao làm sinh viên stress rất nhiều nhưng lại đảm bảo tính công tâm nhất trong việc chứng minh năng lực cũng như sự nỗ lực phấn đấu mà bạn đã bỏ ra suốt quá trình học tập, bởi khi nhìn vào một sinh viên có bảng điểm chỉ toàn A trở lên theo hệ thống tính điểm tương đối chúng mình đều sẽ ngầm hiểu ngay rằng sinh viên đó thực sự thuộc top đầu trong lớp.
Thông thường các môn học chuyên ngành 100% sẽ là đánh giá tương đối còn những môn đại cương sẽ tùy thuộc vào tính chất của môn học và quyết định của giáo viên. Yên tâm là chúng mình sẽ được các thầy cô bộ môn thông báo cụ thể về hình thức tính điểm của môn học vào ngay buổi đầu nhận lớp. Ngoài ra như ở trường của mình cũng có một số quy định riêng dành cho nhóm đối tượng sinh viên cũng như môn học được phép áp dụng hình thức đánh giá tuyệt đối cụ thể :
- Môn có dưới 10 sinh viên dự giảng
- Môn có trên 10 sinh viên dự giảng nhưng số sinh viên có thể phân chia theo từng niên học (năm nhất/ năm hai/ năm ba/ năm bốn) lại không quá 10 người.
- Môn thực hành, thí nghiệm.
Thêm nữa một số trường đại học ở Hàn Quốc hiện nay không phân biệt sinh viên người Hàn hay du học sinh, tất cả đều được đánh giá như nhau ở cả môn chuyên ngành hay đại cương. Vậy nên lời khuyên dành cho các bạn du học sinh đó là hãy tự chủ động tìm hiểu thêm quy định trong hệ thống tính điểm của trường bạn theo học trên trang web trường để có thể lên kế hoạch học tập hiệu quả cho một kỳ học mới nhé !
3. Sách hay giáo trình không được quyền photocopy
Điều làm mình luôn trong tình trạng “viêm màng túi” trước mỗi một kỳ học mới ấy là mua sách, giáo trình cho từng môn, nhất là với kỳ nào mà số lượng môn đăng ký nhiều tiền sách có thể lên đến 2-3 triệu đồng. Bởi vì ở Hàn Quốc chúng mình tuyệt đối không thể tự ý sử dụng sách photo trong quá trình học. Điều này xuất phát từ những quy định liên quan đến luật bản quyền ở Hàn vô cùng khắt khe. Tuy nhiên cũng tùy vào tính chất môn học có sẵn giáo trình bán ngoài hay không thì giáo viên có thể tự soạn giáo trình riêng lưu hành nội bộ và cho phép sinh viên photo chúng làm tài liệu học tập. Còn nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí thì hoàn toàn có thể đăng ký mượn sách ở thư viện trường hoặc từ các chị tiền bối khóa trước để phục vụ cho việc học nhé.
4. Thư viện là nơi “đóng cọc” định kỳ của sinh viên, nhất là vào mùa thi cử
Phải thú nhận một điều là hai năm học đại học ở Việt Nam nơi mình thường ít lui đến nhất là thư viện một phần vì không gian ở đó không đem lại niềm hứng thú cho mình rồi quy trình mượn- trả nguồn tài liệu cũng khá lằng nhằng nhưng ngay khi đặt chân đến Hàn Quốc mình đã thực sự bị choáng ngợp về quy mô, chất lượng cơ sở vật chất, khối lượng đầu sách của thư viện trường theo học bên này. Trái ngược với cảnh lẻ tẻ một vài bóng người như mình đã hình dung trong đầu thì ở đây dù bạn đến vào khung giờ nào trong ngày thư viện cũng luôn trong tình trạng đông sinh viên, chưa kể trong mùa thi cử có khi phải đặt trước mới có chỗ để ngồi. Thậm chí mình còn thường xuyên bắt gặp hình ảnh người này người kia mang theo chăn mỏng cùng đồ ăn để ngồi đóng cọc ở đây đến tận khuya.
Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này ngoài chất lượng môi trường được chú trọng hơn thì chủ yếu nằm ở ý thức chủ động, tự giác của sinh viên. Ở nước ngoài giảng đường chỉ là nơi sinh viên trao đổi và được giải đáp các thắc mắc trong việc tiếp nhận kiến thức mới, phần lớn thời gian còn lại sẽ dành cho việc tự học và nghiên cứu để mở rộng thêm vốn hiểu biết của bản thân. Vì thế thư viện đóng vai trò quan trọng giúp hỗ trợ cho sinh viên trong quá trình tìm kiếm tra cứu thông tin, tài liệu chính thống nhằm đáp ứng cho nhu cầu học hỏi của mỗi người. Trong khi đó ở Việt Nam tâm lý chung của sinh viên vẫn còn thụ động, “ngại” đọc sách. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay càng dễ dàng tiếp cận thông tin nhanh chóng qua mạng internet, ngược lại lượng tài liệu được số hóa nhằm phục vụ cho sinh viên đọc tài liệu qua mạng tại thư viện vẫn còn rất hạn chế mà như theo thông tin mình tìm hiểu thì Trung tâm Thông tin thư viện - Đại học Quốc gia Hà Nội hiện tại mới chỉ số hóa được những tài liệu của Đại học Quốc gia và Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. Thành ra đây cũng là một trở ngại lớn dẫn đến tình trạng lượng người đến thư viện không được nhiều và đều đặn.
Nói thêm một chút về chất lượng của thư viện trường mình thì ngoài phân chia thành các khu vực tiêu biểu thường dễ bắt gặp ở bất cứ đâu như khu tự học, khu tra cứu tài liệu trên máy tính thì sinh viên của trường còn được cung cấp rất nhiều các tiện ích khác như : phòng tài liệu truyền thông, phòng hội thảo, rạp chiếu phim, phòng đọc, phòng nghỉ, vv..vv... hay khu vực tìm kiếm đầu sách ngoài phân chia theo chủ đề cũng dành riêng một không gian dành cho đối tượng du học sinh như mình tìm đọc những tài liệu bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Chưa kể tất cả các thủ tục như ra vào thư viện, đăng ký mượn sách, đăng ký sử dụng các phòng chức năng vv..vv đều có thể dễ dàng thực hiện trên máy tính hoặc qua app điện thoại mà không mất quá nhiều thời gian nên càng thêm một điểm cộng to đùng trong mắt mình luôn ấy.
(Video giới thiệu toàn cảnh thư viện của trường đại học Ngoại ngữ Busan -
Nguồn : 부산외국어대학교 도서관 )
5. Coi trọng văn hóa “tiền bối – hậu bối”
Nếu bạn là một mọt phim Hàn chính hiệu thì hẳn không còn lạ gì với văn hóa tiền bối- hậu bối phải không nào. Không chỉ là sự mô phỏng đơn thuần chỉ có trên những thước phim thôi đâu mà đây thực sự là một nét văn hóa được người Hàn đặc biệt coi trọng dù ở bất cứ môi trường nào. Mình vẫn nhớ như in từng tận mặt chứng kiến tình huống ngay tại trường khi một nam sinh Hàn gặp tiền bối cùng khoa và giáo viên bộ môn anh ta đã lập tức chào tiền bối của mình trước tiên rồi mới đến giáo viên đó. Sự phân biệt tiền bối – hậu bối này không phụ thuộc hoàn toàn vào tuổi tác mà còn dựa trên cấp bậc hay bề dày kinh nghiệm từng có về mặt xã hội nên nếu có bắt gặp trường hợp mà sinh viên nhỏ tuổi hơn nhưng lại nhập học trước cũng như có nhiều kinh nghiệm trong ngành học hoặc lĩnh vực nghiên cứu nào đó hơn vẫn được các anh lớn tuổi cúi chào kính cẩn thì cũng đừng quá ngạc nhiên đó nhé. Thêm nữa đây không chỉ là sự phân biệt trong cách gọi mà còn gắn chặt với trách nhiệm của mỗi bên trong mối quan hệ này. Tức tiền bối là người dẫn dắt giúp đỡ hậu bối trong học tập, giới thiệu công việc tốt thậm chí tư vấn giải đáp cả những vấn đề gặp phải trong cuộc sống thường nhật, ngược lại ở vị trí một hậu bối bạn phải luôn giữ lễ nghi phép tắc đúng mực để thể hiện sự tôn trọng đối với đàn anh của mình.
6. Học hết sức thì chơi cũng phải hết mình
Bên cạnh việc chú trọng vào chất lượng giáo dục điều tiếp theo ghi điểm trong mắt một du học sinh như mình chắc chắn không thể bỏ qua các hoạt động vui chơi giải trí dành cho sinh viên. Như mình đã chia sẻ phía trên môi trường học tập ở Hàn Quốc thực sự rất áp lực nên để giảm bớt phần nào căng thẳng mệt mỏi trong quá trình học tập cũng như tạo không gian trải nghiệm đáng nhớ cho sinh viên thì nhà trường thường tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa hay chương trình giao lưu như :
- MT (tên gọi rút gọn của Membership Training) - là một hoạt động thường niên diễn ra vào đầu mỗi kỳ học. MT có thể được tổ chức theo khoa, câu lạc bộ hoặc hội du học sinh của nước đó giúp các bạn tân sinh viên nhanh chóng thích nghi hòa nhập với môi trường mới. Thông qua các chuyến du lịch ngắn ngày mọi người sẽ cùng nhau ăn uống, chơi game, giao lưu trò chuyện để thấu hiểu và gắn kết với nhau hơn.
(Một số hoạt động diễn ra trong buổi MT trích từ phim Reply 1994)
- 대동제 (Lễ hội trường) – đây được xem như là hoạt động có quy mô lớn nhất cũng như được mọi sinh viên mong đợi nhất trong năm. Mỗi trường đại học sẽ có lịch tổ chức lễ hội khác nhau nhưng thường sẽ diễn ra vào tháng năm hằng năm, kéo dài từ một đến ba ngày. Trong suốt khoảng thời gian lễ hội diễn ra sẽ có các buổi biểu diễn văn nghệ, hoạt động thi đấu thể thao, các gian hàng bày bán sản phẩm đặc trưng của từng quốc gia để giới thiệu quảng bá văn hóa hay những buổi chiêu mộ thành viên cho câu lạc bộ. Đặc biệt bạn sẽ có cơ hội được “quẩy tới bến” cùng các nghệ sĩ, nhóm nhạc idol mà mình yêu thích ngay tại trường mà không hề mất thêm một khoản phí nào. Nghe thôi đã thấy hấp dẫn phải không nào ^^
- Ngoài ra trong phân phối chương trình học tại các trường đại học của Hàn Quốc sinh viên còn có hai kỳ nghỉ hè và đông kéo dài từ hai tháng đến hai tháng rưỡi, kỳ nghỉ hè thường bắt đầu từ tháng 7 và kỳ nghỉ đông bắt đầu vào cuối tháng 12. Sinh viên có thể đi làm thêm thoải mái mà không bị giới hạn về mặt thời gian cũng như sợ ảnh hưởng đến kết quả học tập; hoặc thử đăng ký tham gia vào câu lạc bộ, các khóa học tiếng Hàn hay phát triển kỹ năng mềm khác để trau dồi kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân. Còn nếu bạn là người ưa dịch chuyển thì đừng bỏ qua dịp lý tưởng này để lên kế hoạch đi du lịch, khám phá những địa điểm nổi tiếng của Hàn Quốc nhé ~
(Buổi tổng duyệt văn nghệ cho lễ hội trường đại học Ngoại ngữ Busan năm 2017)
(Bài múa nón lá truyền thống của các du học sinh Việt Nam)
_____________________
Hy vọng những chia sẻ trong bài viết sẽ là hành trang cần thiết cho các bạn trên con đường đến gần hơn với ước mơ du học. Và nếu bạn đang quan tâm đến cuộc sống du học hay văn hóa Hàn Quốc thì đừng ngại để lại ý kiến ở phần comment để K.I.O.S tiếp tục phát triển những nội dung mới và hấp dẫn hơn trong thời gian sắp tới nhé.
Comentários