Ngược dòng thời gian trở về những ngày giữa năm 2013 khi bắt đầu chuẩn bị hồ sơ đăng ký thi đại học, đứng trước hàng loạt sự lựa chọn giữa các trường đào tạo khối ngành ngoại ngữ ở Hà Nội mình không khỏi băn khoăn lo lắng rằng đâu mới là hướng đi phù hợp dành cho bản thân và liệu thứ mình đang yêu thích ở hiện tại có chăng chỉ là cảm giác nhất thời hay là sự theo đuổi nghiêm túc. Nhưng tại thời điểm bấy giờ tất cả thông tin liên quan đến khoa trường mình dự định nộp hồ sơ, bao gồm cả những lời khuyên góp nhặt lẻ tẻ từ người này người kia đều không đủ giải đáp bằng hết từng ấy vướng mắc trong lòng. Và dẫu ngay cả khi đã bước chân vào cánh cửa đại học đúng như nguyện vọng đăng ký mình cũng không thể tìm thấy bất cứ sự chắc chắn nào về con đường mình đang đi rốt cuộc là đúng đắn hay sai lầm. Phải đến tận bây giờ khi nhìn lại chặng đường hai năm ngắn ngủi thuộc về nơi này, về những điều được và mất từ ngôi trường không chỉ đặt nền móng đầu tiên cho mình trong kiến thức chuyên môn tiếng Hàn mà còn chắp cánh cho ước mơ du học Hàn Quốc trở thành hiện thực thì mình mới tìm ra câu trả lời còn bỏ ngỏ năm nào. Vậy nên ở vị trí của một người tiền bối mình muốn đưa đến góc nhìn trực diện và khách quan nhất cho những ai đã đang quan tâm về ngành học này như một nguồn thông tin tham khảo hữu ích trước khi lựa chọn môi trường đại học phù hợp nhất cho bản thân, đồng thời cũng là để khẳng định lại những giá trị đích thực mà nó đã mang lại cho mình không chỉ ở trong quá khứ mà ngay cả hiện tại giá trị ấy vẫn vẹn nguyên không hề thay đổi. Nếu Hàn Quốc học là cánh cửa tiếp theo bạn muốn thử sức thì đừng bỏ qua nội dung bài viết dưới đây nhé ~
(Một góc Nhân Văn Hà Nội – Nguồn ảnh : ussh.vnu.edu.vn)
Ngay từ trong cái tên chúng mình cũng dễ nhận thấy điểm khác biệt lớn nhất trong khung chương trình đào tạo giữa ngành Hàn Quốc học và ngành Ngôn ngữ Hàn chính là ngôn ngữ không phải mục tiêu đào tạo duy nhất trong suốt bốn năm học, tức ngoài hệ thống kiến thức tiếng Hàn chuyên ngành ra sinh viên còn phải học song song cả kiến thức tổng quan về Hàn Quốc bao gồm lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội, mối quan hệ quốc tế giữa Hàn Quốc - Việt Nam cũng như với các quốc gia khác trong khu vực và trên quốc tế cả trong quá khứ và hiện tại vv...vv... Ngoại ngữ là công cụ cần thiết trong bối cảnh hợp tác quốc tế nhất là ở giai đoạn gia tăng không ngừng các doanh nghiệp cơ quan Hàn Quốc tại Việt Nam như hiện nay nhưng nếu chỉ có vốn ngoại ngữ thôi vẫn chưa đủ giúp chúng mình thích nghi và tồn tại lâu dài trong môi trường làm việc luôn đề cao tính tập thể, kỷ luật và phép tắc lên hàng đầu – một trong những nét văn hóa mang tính đặc trưng của quốc gia này.
Đối với cá nhân mình, học tập ở trường ĐHKHXH&NV còn là cơ hội để tiếp xúc và có nhiều trải nghiệm hơn trong lĩnh vực nghiên cứu – một nhánh mình chưa từng nghĩ đến trước khi bước vào cánh cổng đại học. Sau khi được trang bị về kiến thức, phương pháp nghiên cứu cùng những kỹ năng tổng hợp phân tích dữ liệu thông tin để đưa vào triển khai nội dung một bài nghiên cứu khoa học, thông qua ngôn ngữ đã được dạy chúng mình có thể đào sâu, tìm hiểu và nghiên cứu về vấn đề mình quan tâm ở đất nước đó. Đây cũng là một cách để những bài viết, khóa luận tốt nghiệp hay việc theo học cấp cao hơn như thạc sỹ, tiến sỹ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Ngoài ra sinh viên cũng được trang bị các kỹ năng mềm thiết yếu khác như kỹ năng giao tiếp khi làm việc nhóm, thuyết trình, tư duy phản biện vv....vv.... - không chỉ riêng với những ai đã đang theo học ngành ngôn ngữ mà bất kể bạn là sinh viên thuộc ngành nghề nào thì những thứ nhắc đến trên đây đều được xem là bước đệm vững chắc cho hành trang vào đời của bạn sau này. Bên cạnh đó khi nói về kỹ năng nghiệp vụ liên quan đến ngành Hàn Quốc học thì kỹ năng dịch cùng kỹ năng xử lý tình huống trong khi dịch cũng đặc biệt được chú trọng, nhất là nhờ có quãng thời gian thực tập tại các doanh nghiệp lớn như Samsung, LG.. vào năm ba năm tư đại học chúng mình có cơ hội được ứng dụng ngôn ngữ đã học vào môi trường thực tế, nâng cao năng lực chuyên môn cũng như tích lũy kinh nghiệm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Song song với việc học những sân chơi giao lưu gắn kết sinh viên với thầy cô trong trường cũng như giữa những người yêu thích ngôn ngữ Hàn nói chung cũng để lại rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ về một thời sinh viên đầy “nổi loạn” của mình. Có thể kể đến những hoạt động tiêu biểu hàng năm của khoa như “Tuần lễ phim Đông Phương” trong đó mỗi chuyên ngành sẽ chọn ra một bộ phim yêu thích sau đó tự dịch, trình chiếu và thuyết minh cho các sinh viên trong trường cùng xem; hay chương trình “Đêm Đông Phương” diễn ra hai năm một lần, quy tụ của các tiết mục đặc sắc đến từ năm chuyên ngành Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Trung Quốc học, Thái Lan học và Ấn Độ học tạo cơ hội để sinh viên trong khoa giới thiệu những nét đẹp văn hóa – nghệ thuật đặc trưng của đất nước mà mình đang theo học. Bên cạnh đó còn những hoạt động liên kết giữa các trường đại học cùng đào tạo khối ngành tiếng Hàn trong địa bàn Hà Nội tiêu biểu như “Ngày hội Hangulnal” với nhiều hoạt động văn hóa giải trí đa dạng như: thi đấu thể thao ngoài trời, trải nghiệm những trò chơi dân gian, tìm hiểu văn hóa ẩm thực Hàn Quốc, trải nghiệm mặc Hanbok vv...vv... cho đến các cuộc thi nhỏ giúp sinh viên được “cọ sát” cả về năng lực tiếng Hàn lẫn phát huy được thế mạnh của bản thân. Nhìn vào đây cũng thấy được phần nào những năm tháng học ở mái trường này chúng mình không phải là những mọt sách thụ động tối ngày chỉ biết vùi mình vào sách vở như cách người ta vẫn thường hay nghĩ về một ngành nặng tính chất nghiên cứu như Hàn Quốc học, những buổi tập luyện cùng nhau dưới sân trường sau mỗi giờ học có khi đến tận đêm khuya chỉ để chuẩn bị chỉnh chu nhất cho một tiết mục biểu diễn hay cả về phần nghe lẫn phần nhìn, những lần cháy hết mình dưới ánh đèn sân khấu trong tiếng reo hò cổ vũ nồng nhiệt của người xem cùng những thanh âm hạnh phúc len lỏi trong lòng mình cũng không thể nói hết lên được niềm yêu thích mà mỗi người chúng mình dành cho ngôn ngữ này. Hàn Quốc học không đơn thuần chỉ đưa cho mình một công cụ giao tiếp trong tay mà hơn hết giúp mình biết cách sử dụng nó ra sao để bày tỏ tiếng nói trong tâm hồn mình.
(Những lần chúng mình cũng đứng chung trên một sân khấu, cảm giác vừa xen lẫn niềm tự hào khi được đại diện cho hình ảnh của ngành Hàn Quốc học khoa Đông phương học vừa vui mừng khi có cơ hội lan tỏa văn hóa Hàn Quốc đến gần hơn với mọi người )
(Hình ảnh hậu trường quen thuộc trước mỗi giờ diễn, để đổi lấy vài phút được "cháy hết mình" trên sân khấu không thể không kể đến công sức của cả một tập thể phía sau- những người luôn âm thầm hỗ trợ và ủng hộ tinh thần cho chúng mình mọi lúc mọi nơi)
(Một số hoạt động tiêu biểu mà sinh viên khóa K58 cùng thầy cô của ngành Hàn Quốc học đã tham gia trong ngày hội Hangulnal)
Bởi những đặc thù riêng trong môi trường đào tạo được nhắc đến phía trên nên từ kỳ hai năm nhất chúng mình mới bắt đầu làm quen với tiếng Hàn chuyên ngành, sau tám kỳ học trình độ có thể đạt được sẽ tương đương với mức độ cao cấp trong bảng đánh giá năng lực tiếng Hàn hiện nay, trong khi với những ai học ngành Ngôn ngữ Hàn sẽ chỉ mất nửa thời gian để hoàn thành khung chương trình tương tự như trên và dành hai năm còn lại để tập trung vào mở rộng khối kiến thức chuyên ngành trong mảng biên phiên dịch, sư phạm hoặc du lịch. Điều này dẫn đến nỗi nghi ngại trong suy nghĩ của đa số mọi người khi nhắc đến ngành Hàn Quốc học đều nằm ở việc liệu với thời lượng học tiếng ít ỏi không được tập trung chú trọng 100% trong khung chương trình giảng dạy thì trình độ tiếng Hàn sau khi tốt nghiệp ra trường có được như các sinh viên học ngành ngoại ngữ khác hay không? Mình hoàn toàn hiểu nguyên do của nỗi lo ngại này xuất phát từ đâu bởi ngày còn là cô sinh viên năm nhất cũng không ít lần mình tự đặt dấu hỏi tương tự như vậy cho bản thân, nhưng xin khẳng định lại rằng năng lực tiếng Hàn của một người giỏi hay không không chỉ phụ thuộc vào môi trường giáo dục họ đang theo học mà còn nằm ở cả khả năng tiếp thu, sự chủ động cầu tiến và nỗ lực không ngừng trau dồi bản thân trong suốt quá trình học tập cùng với khả năng thích ứng và sự linh hoạt khi vào môi trường làm việc thực tế để đáp ứng tốt nhất nhu cầu thiết yếu mà nhà tuyển dụng có thể đưa ra cũng như tồn tại lâu dài được trong ngành nghề mà họ đã lựa chọn theo đuổi, nhất là trước áp lực cạnh tranh khốc liệt như hiện nay . Trong cùng một môi trường phát triển cũng đã tồn tại những khác biệt về khả năng tiếp nhận và thích ứng giữa từng cá thể, có người nhanh có người chậm, có người mạnh có người yếu nên không lấy gì đảm bảo chỉ cần nhận chung một nền tảng giáo dục tốt thì tất cả người học mặc nhiên đều sẽ giỏi như nhau và ngược lại. Hay sau ba năm kể từ ngày tốt nghiệp thử sức qua nhiều công việc ngành nghề khác nhau mình cũng có cơ hội tiếp xúc với nhiều tiền bối hậu bối mà trong đó có không ít những người xuất phát điểm đều giống mình nhưng về mặt nghiệp vụ chuyên môn thực sự rất đáng nể, và đây càng là minh chứng rõ ràng hơn cho điều mình đã khẳng định phía trên. Chưa kể những kiến thức chúng mình học được trên ghế nhà trường chỉ là nền tảng cơ bản trong cả một hành trang dài để vững bước vào đời chứ không mang đến bất cứ sự cam kết nào về năng lực và khả năng tồn tại của bạn sẽ có được trong nghề cả. Thế nên ở đặc điểm thứ hai về ngành Hàn Quốc học mình đang nhắc tới đây có được xem như một sự hạn chế hay không chỉ có duy nhất bạn mới đưa ra được quyết định mà thôi.
(Bức ảnh kỷ niệm một buổi giao lưu cùng các bạn sinh viên Hàn Quốc)
Nếu ngay từ đầu bạn đã định hướng con đường mình muốn phát triển lâu dài là trở thành một biên phiên dịch viên tiếng Hàn thì với kiến thức tiếng Hàn chuyên môn được đào tạo tại đây hoàn toàn có thể giúp bạn có được vị trí mong muốn đó, nhưng khi điều kiện cần và đủ để bạn tồn tại được trong ngành nghề mình yêu thích không chỉ giới hạn duy nhất ở trình độ ngoại ngữ thì lúc này những tri thức tổng hợp về Hàn Quốc đã học trong suốt bốn năm tại đây lại trở thành lợi thế hỗ trợ đắc lực cho bạn. Như cá nhân mình kể từ khi bắt đầu công việc giảng dạy tiếng Hàn đến nay mình nhận ra năng lực tiếng Hàn giỏi tất nhiên là yêu cầu bắt buộc đầu tiên cần có ở một người giáo viên nhưng không phải là tất cả để minh chứng bạn có thể gắn bó lâu dài trong nghề này hay không. Thử nghĩ xem nếu bạn không biết đằng sau ngôn ngữ mình đang sử dụng nói lên những gì về văn hóa – xã hội- con người của đất nước đó thì đâu thể giải đáp được những thắc mắc của học sinh có thể phát sinh trong quá trình giảng dạy cũng như truyền cảm hứng cho họ đến gần hơn với ước mơ của bản thân phải không nào? Hay ở vị trí một hướng dẫn viên với kiến thức từng được học về mối tương quan giữa hai nền văn hóa cùng những trải nghiệm thực tế ngày còn là du học sinh đã giúp mình tránh mắc phải những sai phạm không đáng có trong quá trình điều hành tour, bởi hướng dẫn viên là người phải tiếp xúc gần như 24/7 với du khách và chỉ qua cách ăn nói hay hành vi ứng xử rất nhỏ cũng có thể tạo dựng thiện cảm trong mắt đối phương cũng như cho họ thấy thái độ tinh thần học hỏi nghiêm túc của bản thân mình dành cho ngôn ngữ này. Qua hai ví dụ nhỏ trên đủ để chúng mình thấy cơ hội việc làm khi học Hàn Quốc học ra rất rộng mở từ giảng viên, nghiên cứu viên, hướng dẫn viên du lịch, biên tập viên tại các nhà xuất bản có ấn phẩm tiếng Hàn, chuyên viên truyền thông tại các cơ quan đài báo cho đến các vị trí trong cơ quan chính phủ, các tổ chức về văn hóa du lịch giáo dục ngoại giao vv...vv...bạn đều có cơ hội thử sức dựa trên cả năng lực tiếng Hàn chuyên môn, sự am hiểu tổng quát liên quan đến Hàn Quốc cùng kinh nghiệm thực tế đã tích lũy được suốt bốn năm đại học.
(Hình ảnh phản ánh một phần đặc thù công việc mình từng đảm nhận khi còn là một biên phiên dịch tự do)
Đối với những người học ngoại ngữ như chúng mình chắc chắn học bổng du học là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu khi bước chân vào ngành học này. Về cơ hội du học tại Hàn Quốc học hoàn toàn không thua kém gì so với các ngành ngôn ngữ tiếng khác trong khoa Đông phương học nói riêng và các khoa đào tạo ngoại ngữ trong địa bàn Hà Nội nói chung. Từ những học bổng tiền mặt dành cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc sau mỗi kỳ do một số doanh nghiệp đứng đầu trao tặng như Samsung, Lotte đến các học bổng trao đổi du học ngắn hạn một tháng bốn tháng đến dài hạn hơn như trao đổi một năm hai năm đều có cả. Một điểm cộng nữa là các học bổng này trải đều trong các kỳ học từ năm nhất đến năm bốn nên dù không apply sớm thì đó cũng là động lực để bạn cố gắng hơn trong những năm sau.
Giới thiệu cụ thể hơn với bạn một số học bổng trao đổi được miễn hoàn toàn học phí như học bổng của Đại học Văn hóa truyền thống Hàn Quốc với Đại học KHXH&NV theo chương trình hợp tác giữa hai trường. Sinh viên sẽ được chọn dựa vào điểm trung bình môn cao nhất ở cuối năm nhất hoặc đầu năm hai để có cơ hội học tập trong vòng 1 năm tại Hàn Quốc. Do miễn hoàn toàn học phí, ký túc xá và mỗi tháng được trợ cấp thêm 100,000won (tương đương 2,000,000VNĐ) sinh hoạt phí nên dù không ở thành phố lớn như Seoul nhưng việc được trải nghiệm tại một môi trường mới cũng là điều hết sức thú vị phải không nào? Hay bạn nào muốn tập trung phát triển về tiếng có thể apply học bổng ‘Training course for the New Generation of Korean Language’ của KOICA tổ chức trong thời gian khoảng bốn tháng, với điều kiện biết tiếng Hàn và GPA trên 3.2 là bạn có thể tự tin đăng ký suất học bổng trong mơ này rồi. Ngoài việc được chi trả hết các chi phí ăn ở, đi lại Việt Nam – Hàn Quốc mỗi tháng bạn còn được chi trả 1,000,000won (tương đương 20,000,000VNĐ) để có thể thỏa thích “du hí” khám phá bất cứ đâu mình muốn. Một số học bổng khác với giá trị và thời gian ít hơn như chương trình trao đổi khóa học hè tại Đại học quốc gia Seoul (SNU) hay trao đổi hai năm tại đại học Ngoại ngữ Busan Hàn Quốc cũng là những trải nghiệm đáng để các bạn thử sức. Với số lượng học bổng nhiều và đa dạng trong đó đa số là học bổng riêng của trường, khoa liên kết trực tiếp với các trường đại học ở Hàn Quốc nên thông tin đầy đủ, nhanh chóng và hơn nữa bạn không mất thời gian để đi tìm kiếm học bổng bên ngoài. Nhưng liệu có khó để apply được đúng cái mình mong muốn hay không? Câu trả lời phụ thuộc hoàn toàn ở chính bạn. Chủ động tìm hiểu kỹ các thông tin về quyền lợi cũng như yêu cầu đặt ra đối với người học, lên kế hoạch từng bước cụ thể để chinh phục nó cũng như không ngừng trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng cần thiết để chứng minh được bản thân bạn xứng đáng với vị trí đó thì cánh cửa đến với Hàn Quốc luôn rộng mở chào đón bạn.
(Hai năm trao đổi Busan chính là một trong những cột mốc quan trọng trong hành trình trưởng thành của mình)
______________________________
Hy vọng qua những chia sẻ trên đây đã gỡ giải phần nào những vướng mắc của các bạn không chỉ về khung chương trình đào tạo của ngành Hàn Quốc học mà cả những cơ hội thách thức sẽ phải đối mặt khi lựa chọn ngành học này nói riêng và tiếng Hàn làm ngôn ngữ thứ hai để theo đuổi nói chung. Hẹn sớm gặp lại mọi người ở các chủ đề thú vị tiếp theo~
*Trước khi khép lại bài viết này K.I.O.S đặc biệt muốn gửi một lời cảm ơn đến người bạn cùng khóa K58 Hàn Quốc học đã cung cấp cho chúng mình rất nhiều hình ảnh chân thật nhằm minh họa cho nội dung bài viết, có thể chất lượng hình ảnh còn một chút hạn chế nhưng khi nhìn vào đây K.I.O.S như được sống lại những ngày đẹp nhất của tuổi đôi mươi và đấy cũng chính là một trong những nguồn cảm hứng giúp chúng mình hoàn thành tốt nhất bài viết này để gửi đến bạn đọc.
Comments