Trong quá trình học tiếng Hàn hẳn không ít lần bạn bối rối khi bị chỉ ra những lỗi sai cơ bản trong cách dùng thể văn nói (구어체) và văn viết (문어체). Bởi tương tự như các ngôn ngữ khác tiếng Hàn cũng phân biệt giữa hai cách thức hành văn này, đòi hỏi người học cần phải nắm rõ để tránh những hiểu lầm không đáng có khi vận dụng vào trong giao tiếp thường ngày hay soạn thảo văn bản mang tính hình thức trang trọng. Để tìm hiểu rõ hơn về một số đặc điểm cơ bản cũng như sự khác biệt giữa chúng thì hãy cùng chúng mình theo dõi bài viết dưới đây nhé ~
I. Một số đặc điểm của văn nói – văn viết
1. Văn nói:
- Là lời nói dùng khi giao tiếp với nhau trong cuộc sống hàng ngày. Người nói và người nghe trực tiếp trao đổi thông tin nên ta có thể xác định được đối tượng trong văn nói là người đang đối thoại với mình.
- Đa dạng về ngữ điệu, có sự phối hợp giữa âm thanh và cử chỉ, dáng điệu (body language) để truyền đạt tốt hơn thái độ hay ý định của người nói.
- Từ ngữ sử dụng trong văn nói khá đa dạng từ địa phương, khẩu ngữ, tiếng lóng đến trợ từ, thán từ.… Thêm vào đó văn nói thường ưu tiên các hình thức giản lược để tránh rườm rà vì trong giao tiếp không có đủ thời gian gọt giũa trau chuốt về mặt ngôn từ.
2. Văn viết
- Được thể hiện bằng chữ viết dưới dạng văn bản giấy tờ mang tính chính thức khách quan.
- Văn viết không có yếu tố ngữ điệu nhưng có sự đòi hỏi khắt khe trong việc sử dụng câu cú, ngữ pháp đặc biệt không dùng các từ mang tính khẩu ngữ, địa phương.
II. Phân biệt văn viết – văn nói
1. Trong văn viết không sử dụng lời nói thân mật kết thúc bằng đuôi ‘-아/어요’ như văn nói mà sử dụng ‘ㄴ/는다’.
Ví dụ:
<Văn nói> 요즘 아르바이트를 해요.
<Văn viết> 요즘 아르바이트를 한다.
Để hiểu rõ thêm cách sử dụng ‘ㄴ/는다’ trong văn viết như thế nào thì các bạn vào link này nha:
2. Văn nói không chỉ được dùng mỗi khi đối thoại giao tiếp mà còn được dùng trong các tác phẩm văn học như thơ hay tiểu thuyết. Và văn viết ngoài sử dụng trong các tài liệu hay sách vở còn được sử dụng ở các tình huống mang tính chính thức như diễn thuyết hay phát biểu.
(Trích tập thơ “선물” của tác giả 나태주)
3. Trong văn nói do có sự đối thoại trực tiếp của các đối tượng nên có thể truyền tải một cách chính xác cảm xúc mang tính chủ quan của người nói (ví dụ như biểu cảm, nói to hay nói bé, ngữ điệu,…). Tuy nhiên văn viết vì truyền tải thông tin, cảm xúc qua chữ viết vì thế việc bộc lộ cảm xúc của người viết sẽ khó hơn và bài viết sẽ mang tính chất lí luận và khách quan hơn.
Ví dụ:
<Văn nói>
화가 난 표정 “화 안 났어” => 화가 났다
웃는 표정 “화 났어” => 화가 안 났다
Ở tình huống thứ nhất mặc dù nói “tôi không giận đâu” nhưng thực tế người nghe vẫn nhận biết được cảm xúc thật của người nói thông qua biểu cảm giận dữ trên gương mặt. Ngược lại trong tình huống thứ hai dù nói “Tôi giận rồi đấy” nhưng nhìn vào nét mặt tươi cười thì người nghe vẫn biết được cảm xúc của người nói thực chất không hề như vậy. Như vậy qua hai tình huống trên ta có thể thấy trong giao tiếp thông thường biểu cảm hay hành động cũng đóng vai trò quan trọng tương đương như lời nói trong việc thể hiện cảm xúc hay suy nghĩ của người nói.
4. Trong văn nói có đối tượng giao tiếp nên tùy theo cấp bậc, địa vị của người nói và người nghe sẽ quyết định xem dùng thể kính ngữ hay cách nói thân mật. Còn trong văn viết vì không biết người đọc là ai nên không dùng kính ngữ.
Ví dụ:
<Văn nói> 사장님께: “식사 드셨어요? 좀 늦게 오셨네요”
동료에게: “식사 했어요? 좀 늦게 왔네요.”
친구에게: “밥 먹 었어? 좀 늦게 왔네.”
Trong ba ví dụ trên tùy theo đối tượng giao tiếp là giám đốc, đồng nghiệp hay bạn bè mà ta dùng các cách nói khác nhau.
5. Có những biểu hiện cùng ý nghĩa nhưng chỉ dùng trong văn nói hoặc văn viết nên bạn phải chủ ý để tránh không bị nhầm lẫn gây ra những lỗi không đáng có.
Một số đuôi từ kết thúc câu được dùng trong văn nói:
-아/어/여요, -군, -구나, -구려, -네, -지, -거든요, 거야
Một số đuôi từ liên kết được dùng trong văn nói:
-(으)므로, 으니까, -자, 았/었/였자, -되, -ㄹ지라도, -거든, -고자, -다시피,…
Ví dụ:
<Văn nói> 오늘 빈이랑 학교에서 만나기로 했어요. 근데 비가 오니까 아마 취소해야 돼요.
<Văn viết> 오늘 빈이와 학교에서 만나기로 했다. 그런데 비가 오기 때문에 아마 취소해야 된다.
6. Trong văn nói để rút ngắn thời gian hội thoại thường sẽ lược bỏ những điều mà cả hai bên đã biết hay lược bỏ các tiểu từ để câu bớt rườm rà, tự nhiên mà không làm giảm ý nghĩa của câu. Thêm vào đó người nói có thể thay đổi trật tự các thành phần câu tùy theo mạch suy nghĩ của mình. Tuy nhiên văn viết thì lại không như vậy, tức phải đảm bảo thứ tự thành phần câu cho đúng ngữ pháp và không được sử dụng các biểu hiện đã giản lược hoặc loại bỏ các tiểu từ của câu, ngay cả với những nội dung mà người đọc đã biết rõ.
Ví dụ:
<Văn nói> 친구랑 만나려고 식당 앞에서 기다리는데. 지금 알바 갔어요.
<Văn viết> 지금 친구는 아르바이트를 갔다. 친구와 만나려고 식당 앞에서 기다린다.
7. Để có thời gian suy nghĩ khi đang đối thoại thì người nói sẽ hay sử dụng những từ như ‘음~, 그러니까~, 그~..글쎄’ , ngược lại trong văn viết do có thời gian để người viết suy nghĩ chỉnh sửa trước khi bày tỏ quan điểm cá nhân nên không dùng những từ ngữ này. Tương tự những từ ngữ mang tính nhấn mạnh, cảm thán như ‘진짜, 엄청, 무지하게,..’ được xuất hiện với tần suất nhiều khi nói nhưng lại không được dùng lặp đi lặp lại trong văn viết.
Ví dụ 1 :
<Văn nói> 어제 받는 논문이 진짜 어려워서 다 못 읽었어요.
< Văn viết>어제 받는 논문이 아주/매우 어려워서 다 못 읽었다.
Ví dụ 2 :
<Văn nói> 음....무역은 어떻게 이루어지지? 그게 알고 싶어.
<Văn viết> 무역은 어떻게 이루어지는지 알고 싶다.
8. Văn nói dùng nhiều từ chỉ thị người đối thoại như 저, 저기, 너, 본인 nhưng trong văn viết do không biết người đọc cụ thể là ai nên thường dùng các từ chỉ thị như 나, 저가, 필자.
Ví dụ :
<Văn nói> 뭘 마음속으로 빌고 있는지 본인만이 알 일이었습니다.
9. Văn nói nhắc đến chủ đề muốn nói ở vế sau vì có những trường hợp phải xác nhận lại mối quan hệ giữa người nói- người nghe ở mức độ như thế nào trước khi đề cập chủ đề đó. Ngược lại với văn viết chủ đề thường đặt ở trước để tạo thuận lợi cho người viết trong quá trình viết cũng như giúp người đọc có thể dễ hình dung vấn đề đang được đề cập ở đây.
____________________________
Bài viết trên tham khảo một số tài liệu :
- 장경현 (2003). 문어/ 문어체, 구어/구어체 재정립을 위한 시론. 한국어 의미학 13. (143-165 쪽)
- 신선경(2014) 학술 텍스트의 문어성에 대한 학습자 인식과 교육 방안. 한국사고와 표현학회 학술대회 눈문집 (1-7 쪽)
- 한국어 글쓰기의 기초
Q&A :
chị ơi, em có thể xin phép tham khảo bài chị cho bài viết của em và có dẫn nguồn được k ạ?