top of page
Writer's pictureKoreainourstories

THUYẾT TRÌNH TIẾNG HÀN CÓ “ĐÁNG SỢ” NHƯ BẠN NGHĨ?

Updated: Aug 24, 2022

Thuyết trình là một kỹ năng mềm thiết yếu trong cả quá trình học tập lẫn công việc, không những thể hiện được sự hiểu biết của bản thân mà qua đó còn cho thấy được bản lĩnh, sự tự tin của mỗi người khi đứng trước đám đông. Làm sao để một bài thuyết trình đạt được hiệu quả cao, nhất là khi phải sử dụng tiếng Hàn làm ngôn ngữ truyền tải chính thì đó quả là một thử thách khó nhằn ngay cả với những ai đã học ngôn ngữ này lâu năm. Là những người học tiếng Hàn trong môi trường được đào tạo bài bản khi việc sử dụng kỹ năng thuyết trình trong các giờ học không chỉ dừng lại ở mức độ làm quen đơn thuần thì K.I.O.S hoàn toàn thấu hiểu nỗi trăn trở trên. Vậy nên trong chuyên mục “HỌC TIẾNG HÀN” tuần này thông qua một số kinh nghiệm chúng mình đã tích lũy cả trên ghế nhà trường lẫn môi trường làm việc thực tế mong rằng có thể gỡ giải phần nào nỗi lo ngại bấy lâu trong lòng các bạn để từng bước làm nên một bài thuyết trình bằng tiếng Hàn khoa học, bài bản và mang đậm dấu ấn cá nhân cả về mặt nội dung lẫn hình thức trình bày nhé~


Trước hết có bao giờ bạn tự hỏi tại sao bản thân bỏ ra rất nhiều thời gian để đầu tư vào về mặt nội dung nhưng kết quả nhận lại vẫn không được như mong muốn, nguyên nhân rốt cuộc nằm ở đâu thì hãy cùng K.I.O.S tìm hiểu ba yếu tố cơ bản quyết định đến chất lượng của một bài thuyết trình dưới đây :

  • TÂM LÝ

Không kể chúng mình đang thuyết trình bằng tiếng mẹ đẻ hay sử dụng ngoại ngữ thứ hai thì đây vẫn được xem là yếu tố có tác động lớn nhất đến chất lượng bài thuyết trình. “Làm thế nào có thể tự tin nói khi hàng trăm ánh mắt đều đang đổ dồn vào mình?”, “Mọi người có thực sự đang lắng nghe mình nói không? Nếu trông mình chẳng khác nào đang độc thoại thì phải chăng vấn đề đến từ bài thuyết trình quá khô khan và kém sức hút?” “Giả như có phát sinh tình huống bất ngờ nào hay lỡ mắc phải lỗi cơ bản trong quá trình nói thì mình nên tiếp tục hay dừng lại, rồi có chắc mình có thể tự xử lý tốt được hay không?” vv…vv….Tất cả những suy nghĩ trên đây không chỉ riêng cá nhân mình mà bất cứ ai khi đứng ở vị trí người thuyết trình ít nhiều đều đã từng đối mặt với nó, bởi việc giữ vững tâm lý trước đám đông không phải là kỹ năng tự nhiên sinh ra đã có mà nó đòi hỏi cả một quá trình rèn luyện thường xuyên mới thành. Còn nhớ hai năm đầu học đại học ở Việt Nam mình chưa từng một lần đứng trước lớp thuyết trình ở bất cứ môn học nào dù là môn đại cương hay chuyên ngành. Ngay cả khi phải làm việc teamwork mình cũng luôn tránh né việc phải đảm nhận vị trí khó khăn ấy, để rồi khi sang một môi trường học tập mới thì đây lại trở thành điểm yếu lớn nhất của mình. Chỉ riêng trong một kỳ học thôi cũng không thể đếm hết có bao nhiêu môn phải làm thuyết trình cá nhân, chưa kể một trăm phần trăm đều phải sử dụng tiếng Hàn là ngôn ngữ chính và lần nào kết quả cũng đều như một khi mà mình không thể làm chủ được tâm lý của bản thân . Những lo lắng bất an trong tâm lý dễ dẫn đến việc bạn không kiểm soát được tông giọng khi nói (nói ngậm ngừng ngắt quãng liên tục, giọng quá run âm vực lên cao hoặc xuống thấp so với tông giọng bình thường), liên tục mắc những lỗi sai cơ bản khi phát âm cho đến việc quên mất hoặc bỏ sót một phần nội dung bài thuyết trình dù trước đó bạn có mất công chuẩn bị kỹ càng đến đâu. Hay trong quá trình thuyết trình cũng không tránh khỏi chuyện phát sinh sự cố nằm ngoài kiểm soát như ppt đột ngột không hoạt động, video minh họa bị lỗi, micro bị hỏng giữa chừng khiến bài nói buộc phải dừng lại tạm thời, dòng chảy suy nghĩ theo đó cũng bị gián đoạn và bạn quên mất mình đang nói gì hay cần phải nói gì tiếp theo, những câu hỏi tình huống bất ngờ đến từ người nghe về một vấn đề nào đó bạn đang đề cập thậm chí nó có thể không nằm trong tầm hiểu biết của bạn. Và nếu không đủ bình tĩnh để ứng phó thông minh trước tất cả những tình huống kể trên thì rất có thể biến buổi thuyết trình của bạn thành một mớ hỗn độn.


  • NGÔN NGỮ

Những ngày đầu mới làm quen với phương pháp học tập mới ở Hàn mỗi lần phải lên nội dung cho bài thuyết trình mình thường rất ham viết dài, lúc nào cũng phải dùng cấu trúc trung cấp nhiều thành phần ngữ pháp phức tạp nhồi trong cùng một câu. Nhưng thực tế để đánh giá nội dung bài thuyết trình tốt hay không không nằm ở cách người nói dùng cấu trúc gì để diễn dạt, viết ra một bài hay chẳng lấy gì đảm bảo được mình có thể nói và truyền đạt nó đúng y chang như vậy . Vậy nên ở yếu tố thứ hai này mình muốn nhấn mạnh làm chủ được ngôn ngữ trước hết phải xuất phát từ việc biết bản thân đang nói gì và cần phải nói gì, có như vậy mới không bị phụ thuộc quá nhiều vào bài viết sẵn mà vẫn dễ dàng ứng phó được trước những tình huống bất ngờ có thể xảy ra trong quá trình thuyết trình.

Nhưng nếu chỉ dừng ở ngôn ngữ nói liệu đã đủ thu hút người nghe vào bài thuyết trình của bạn? Đã bao giờ bạn tự hỏi chỉ thông qua cách đặt ánh mắt, biểu cảm trên gương mặt cho đến cử chỉ dáng điệu đi đứng cũng giúp truyền tải thông điệp dễ dàng hơn cũng như tăng sức thuyết phục cho bài nói của mình hay chưa? Không ai có đủ kiên nhẫn ngồi nghe một khúc gỗ cứng nhắc thay vì diễn thuyết thì chỉ chăm chăm đọc một cách máy móc như kiểu trả bài, đồng thời cũng không ai có thể thấy được thái độ tự tin của bạn nếu bạn cứ liên tục lảng tránh ánh mắt người khác, tay chân lóng ngóng liên tục bước tới bước lui cả. Bục diễn thuyết, slide chạy trên màn hình laptop và bài văn mẫu chỉnh chu có thể khiến bạn cảm thấy an toàn tạm thời nhưng vô tình lại trở thành bức tường ngăn cách sự tương tác kết nối giữa bạn với người nghe. Thay vào đó biết cách tận dụng đúng lúc đúng chỗ điểm mạnh thuộc về ngôn ngữ cơ thể của riêng mình, đơn giản chỉ từ một nụ cười đầy tự tin rạng rỡ cũng đủ giúp bài thuyết trình của bạn dễ chạm đến trái tim của khán giả hơn rồi đó.


  • LỜI DẪN DẮT THU HÚT KẾT HỢP LINH HOẠT VỚI CÁC CÔNG CỤ HỖ TRỢ TRỰC QUAN

Để làm nên một bài thuyết trình tiếng Hàn hiệu quả ngoài chủ đề thuyết trình bạn lựa chọn thì cách truyền đạt nội dung bài nói tới khán giả cũng đóng vai trò quan trọng. Làm thế nào để ngay từ những lời giới thiệu mở đầu đã thu hút sự chú ý của người nghe vào đề tài bạn thực hiện, giới thiệu ngắn gọn xúc tích nhưng vẫn phải khái quát đầy đủ được cả lý do mục đích thực hiện, rồi để liên kết chặt chẽ giữa các luận điểm chính trong bài cần phải triển khai lần lượt theo thứ tự ra sao, hay đâu là cách thức tóm gọn nội dung bài thuyết trình để giúp người nghe có được cái nhìn tổng quát về những gì bạn đã trình bày vv..vv...tất cả những yêu cầu kể trên đây đều trở nên dễ dàng hơn khi xây dựng được một cấu trúc bài nói rõ ràng cụ thể ngay từ đầu.

Nếu chúng mình chỉ nói chay xuyên suốt từ đầu đến cuối buổi thuyết trình, nhất là khi khối lượng thông tin đưa ra quá lớn mà đến quá nửa toàn con số hay những dữ liệu khô khan thì rất khó khiến người nghe tiếp nhận hay ghi nhớ nội dung một cách dễ dàng. Vì thế việc kết hợp một số công cụ trực quan thực sự cần thiết, mà điển hình nhất vẫn là powerpoint (PPT) - công cụ thuyết trình hỗ trợ đa phương tiện có thể tích hợp nhiều yếu tố từ ngôn từ, hình ảnh, đồ họa 3D, hiệu ứng âm thanh và hình ảnh động cùng lúc không chỉ làm sinh động phong phú thêm nội dung phần trình bày của bạn, tăng tính thuyết phục cũng như sự chú ý của khán giả vào bài nói mà còn cộng thêm một điểm về sự chuyên nghiệp trong cách thức triển khai nội dung nữa.


Trong phạm vi cho phép K.I.O.S chỉ đi sâu vào nội dung cuối cùng trong ba yếu tố kể trên để giúp bạn đọc hình dung rõ hơn về cách xây dựng cấu trúc một bài thuyết trình bằng tiếng Hàn (ở phần 1) cũng như có thể tận dụng một số phần mềm/ trang web sẵn có nào để hỗ trợ cho việc thiết kế PPT đẹp mắt hơn (ở phần 2)


A. Cách xây dựng cấu trúc một bài thuyết trình bằng tiếng Hàn

Việc kiên quyết đầu tiên giúp bạn có thể phát triển một cách mạch lạc, đầy đủ những nội dung mình muốn truyền tải chính là xây dựng cấu trúc cho bài thuyết trình. Bởi vì mỗi bài thuyết trình đều bị giới hạn nhất định về mặt thời gian trình bày, mà trước sự hạn chế đó bạn vừa phải đưa ra thông tin đồng thời khiến nó trở nên dễ tiếp cận với người nghe, hướng họ chú ý vào phần trọng tâm bạn muốn nhấn mạnh. Cho nên việc lập dàn ý, phân chia nội dung bài thuyết trình sao cho hợp lý là vô cùng quan trọng.

Giống như một bài văn, bài thuyết trình cũng được chia ra làm ba phần chính mở đầu - thân bài - kết bài trong đó :


Dưới đây KIOS sẽ đưa ra các cấu trúc câu tiếng Hàn hay được sử dụng tương ứng với mỗi phần để các bạn có thể dễ dàng ứng dụng vào trong bài của mình nhé~


1. Phần mở đầu bài thuyết trình

- Mở đầu bài thuyết trình với câu chào hỏi quen thuộc đơn giản:

“안녕하세요~ 저는 ….입니다./ (이)라고 합니다” : Xin chào tôi là.....

Thông thường trong lời chào hỏi chúng mình sẽ giới thiệu kèm một số thông tin ngắn gọn cơ bản nhất về bản thân, nhất là khi không chỉ riêng bạn mà sẽ còn có nhiều người khác thuyết trình trong cùng một buổi đó. Ví dụ như nếu bạn vẫn đang là sinh viên thì thường phần thông tin ngoài tên ra còn bao gồm : khoa ngành mình đang học/ niên khóa /quốc tịch (riêng với đối tượng du học sinh), còn với người đi làm các thông tin đưa ra sẽ liên quan đến bộ phận phòng ban mình thuộc về/ nghiệp vụ đảm nhận chính trong công ty.


- Đối với chủ đề bài thuyết trình, bạn có thể sử dụng:

오늘은 N-에 대해서 말씀해 보겠습니다: Hôm nay tôi xin trình bày về (…)

오늘은 ..... 내용을 전달해 드리고자 합니다: Hôm nay, tôi sẽ mang đến cho các bạn nội dung về...

오늘 발표의 목적은 여러분들에게 ......을/를 소개하는 것입니다. Mục đích bài phát biểu ngày hôm nay của tôi là để giới thiệu về ... đến các bạn.


- Trong đó khi cần nhấn mạnh trọng tâm của bài thuyết trình có thể dùng cấu trúc:

N + 중에서 ….. 을/를 중심으로 살펴보겠습니다: Tôi sẽ tìm hiểu trọng tâm về (...) trong (...)


- Đồng thời đưa ra lý do tại sao thuyết trình về nội dung này với cấu trúc:

V-아/어서 발표를 하게 되었습니다: Vì…. nên tôi thuyết trình về nội dung này.


- Câu cuối trong phần mở đầu thường được sử dụng là:

네, 그럼 본격적으로 발표 시작해 보겠습니다: Vâng, vậy thì tôi sẽ chính thức bắt đầu bài phát biểu ngày hôm nay.


Việc đưa ra được những thông tin cơ bản như trên cho người nghe cái nhìn khái quát tổng thể về nội dung bạn định trình bày trong buổi thuyết trình, mà vẫn đảm bảo yếu tố ngắn gọn xúc tích tiết kiệm thời gian để triển khai những phần quan trọng hơn phía sau.


2. Phần thân bài thuyết trình

- Trước hết nên sử dụng một số cấu trúc tiếng Hàn sau để tóm tắt những nội dung chính bạn sẽ triển khai ở phần này.

오늘 내용은 크게 (숫자)부분/가지 (으)로 나누어서 말씀해 보겠습니다: Nội dung bài thuyết trình hôm nay tôi sẽ chia ra thành (…) phần chính.

발표는 (두개)의 메인 파트로 구성됩니다/ 구성되어질 것입니다: Bài phát biểu của tôi chia thành (...) phần chính


먼저 …을/를 말씀드립니다: Trước tiên, tôi sẽ trình bày về …

Hoặc 여러분들에게 ….을/를 보여 드리는 것으로 시작하겠습니다 : Tôi sẽ bắt đầu bằng việc cho các bạn xem ……

다음으로 …살펴보겠습니다: Sau đó, chúng ta sẽ tìm hiểu về…

다음으로…: Tiếp sau đó là …

끝으로…. 에 대해서 말씀드리겠습니다: Cuối cùng, tôi sẽ nói về…


- Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng những câu sau đây để thay đổi cách phát biểu nghe chuyên nghiệp hơn cũng như làm mới thêm nội dung thuyết trình của mình

먼저, 첫 번째는 …에 대해서 짚어봅니다: Thứ nhất, tôi sẽ tìm hiểu về …

번째는 …함께 알아보겠습니다: Thứ hai, chúng ta sẽ cùng xem xét về ...

그리고 마지막으로 ... 이해해 보는 시간으로 진행해 보도록 하겠습니다: Cuối cùng, chúng ta sẽ dành thời gian để hiểu về ...


- Tiếp đến để đi vào chi tiết từng nội dung đã nêu phía trên, bạn cần đưa ra ý kiến quan điểm cá nhân dựa trên căn cứ dẫn chứng cụ thể để bảo vệ cho quan điểm đó. Tuy nhiên cũng cần biết tiết chế đúng lúc đúng chỗ để thay vì tham nói dài nói lan man từ phần này đến phần khác khiến bài phát biểu của bạn không có điểm nhấn về mặt nội dung, cũng như mất quá nhiều thời gian vào những cái không quan trọng dễ dẫn đến tình trạng bi quá hạn về mặt thời gian cho phép thì việc lướt qua các luận điểm phụ để nhanh chóng đi vào luận điểm chính sẽ giúp bạn truyền tải rõ ràng hơn thông điệp bản thân muốn nhấn mạnh đến người nghe. Các cấu trúc bạn có thể vận dụng để đưa ra ý kiến hoặc ví dụ như:

....은/는 다고 생각합니다/ 제 생각에는 ….. 는 같습니다: Tôi nghĩ rằng …

Hoặc 은/는 다고 봅니다 : Tôi thấy rằng …

구체적으로: Cụ thể là…

예를들면 … : Ví dụ là… hay 예를 들어 보겠습니다: Tôi sẽ lấy một ví dụ như sau.

Hoặc để dẫn đến nội dung quan trọng nhất trong bài nói :

이상 지체없이 오늘 발표의 핵심 주제로 바로 들어가 보겠습니다 : Không để chậm trễ hơn nữa, chúng ta hãy cùng đi vào chủ đề trọng tâm của bài phát biểu hôm nay luôn nhé.


- Để tăng tính thuyết phục cho bài viết bạn phải đưa ra được các căn cứ mang tính khoa học, thường là những con số bảng biểu hay hình ảnh cụ thể dựa trên các tài liệu khoa học như luận văn, kết quả khảo sát của những học giả, cơ quan uy tín. Một số cấu trúc tiếng Hàn thường được sử dụng trong trường hợp này như sau:

근거하여: căn cứ vào/ dựa vào..

자료/조사에 따르면: theo như tài liệu/ cuộc điều tra…

을/를 보면: nếu nhìn vào..

ㄴ/는다고 강조 드리고 싶은 이유가 여기에 있습니다: Đây là lý do tại sao tôi muốn nhấn mạnh rằng …

왜냐하면 …: Bởi vì

보시다시피, 이것은………을/를 보여주고 있습니다: Như bạn thấy thì cái này đang chỉ ra rằng .......



- Nếu muốn gợi nhắc hoặc nhấn mạnh lại nội dung quan trọng nào trước đó như một cách giúp bạn liên kết hoặc giải thích bổ sung cho phần mình đang thuyết trình thì hãy thử dùng :

전에 언급했듯이 :Như tôi đã đề cập trước đó

앞서 살펴봤듯이: Như chúng ta đã tìm hiểu trước đó

앞서 제가 ~ 했던 것을 기억하실 텐데요 : Chắc hẳn các bạn cũng nhớ điều tôi đã …..trước đó

제가 앞서 말씀드린 문제로 돌아가자면..........: Quay trở lại vấn đề tôi đã nói trước đó


- Khi kết thúc mỗi nội dung trong phần này để chuyển sang nội dung tiếp theo các bạn nên sử dụng:

지금까지 N과 관련해서 말씀을 드렸는데요: Trên đây là những trình bày của tôi về …

이제 ~로 넘어가서 ~을/를 살펴볼까요? : Bây giờ chúng ta chuyển sang ……và thử tìm hiểu về…..nhé?

Hoặc dùng “다음 단계로 넘어가서는 ~ 를 살펴보겠습니다” cũng với ý nghĩa truyền tải tương tự.


- Trong trường hợp khi nhắc đến nội dung mới cũng đồng lúc chuyển sang slide khác trên PPT của bạn thì chúng mình hoàn toàn có thể lồng cả hai vào nhau bằng cách :

자세히 보여드리기 위해 ~ 을/를 있는 슬라이드를 띄우겠습니다: Để chỉ cho bạn thấy kỹ hơn tôi sẽ chuyển sang slide tiếp theo cái mà …….(tóm gọn nội dung chính trong slide bạn đang muốn hướng tới)

Hoặc đơn giản hơn là: 다음 슬라이드로 넘어가 보겠습니다 : Hãy cùng chuyển sang slide tiếp theo.


*Ngoài ra nếu giữa hai phần có mối tương quan đặc biệt về mặt nội dung như dạng nguyên nhân – kết quả hay thực trạng – giải pháp thì bạn có thể vận dụng các vĩ tố liên kết đã học để chuyển tiếp không chỉ giúp người nghe sâu chuỗi được toàn bộ nội dung bạn đã nói mà còn làm tổng thể bài thuyết trình liền mạch hơn

(Tìm hiểu về vĩ tố liên kết bạn có thể tham khảo lại bài viết "NHỮNG KHÓ KHĂN THƯỜNG GẶP PHẢI KHI VIẾT TIẾNG HÀN" của K.I.O.S tại chuyên mục "HỌC TIẾNG HÀN" nhé ^^)



*Trong quá trình thuyết trình có thể thay đổi linh hoạt các động từ như 살펴보다 (xem xét), 보여주다 (cho thấy) , 설명하다 (giải thích), 알아보다 (tìm hiểu) , 소개하다 (giới thiệu) , 말씀 드리다 (nói), 발표하다 (phát biểu) vv…vv… để tránh cho bài nói bị lặp từ quá nhiều cũng là thêm một điểm cộng trong mắt người nghe về khả năng diễn dạt bằng tiếng Hàn của bạn.



3. Phần kết thúc bài thuyết trình

- Một số cấu trúc thường được sử dụng để tổng hợp lại nội dung toàn bài :

저는 오늘 ....에 대해서 살펴보았습니다: Hôm nay tôi đã tìm hiểu về nội dung..

정리하면…: Tóm lại là..

결론을 말씀드리면: Kết luận là…


- Cuối mỗi bài thuyết trình đừng bỏ qua lời kết thúc để người nghe biết được đây đã là điểm dừng cuối cùng trong bài của bạn thay vì chỉ ngừng lại một cách cụt ngủn đường đột, đồng thời hãy kèm theo đó một tiếng cảm ơn càng thể hiện được thái độ tôn trọng của bạn đối với người theo dõi.

이상으로 발표를 마치겠습니다: Tôi xin được phép kết thúc bài phát biểu của mình tại đây.

Hoặc 제가 오늘 준비한 내용은 여기까지입니다: Phần nội dung tôi chuẩn bị đến đây là hết. 지금까지 발표를 들어 주셔서 진심으로 갑사합니다: Xin cảm ơn các bạn rất nhiều vì đã lắng nghe bài phát biểu ngày hôm nay.

Hoặc có thể thay động từ “듣다” bằng “집중하다” (N에 집중하다) trong cùng câu như trên


- Một lời khuyên nữa K.I.O.S dành cho bạn là hãy chủ động dẫn dắt vào phần hỏi- đáp thay vì thụ động chờ một ai đó lên tiếng trước bằng cách vận dụng những câu sau :

질문이나 의견이 있으시면 말씀해 주십시오: Nếu các bạn có câu hỏi hoặc ý kiến gì thì xin được đưa ra.

궁굼하는 부분이 있으시면 손을 들어 주시기 바랍니다: Nếu có phần nào bạn còn thắc mắc thì xin hãy giơ tay.

Hoặc đơn giản hơn có thể dùng : 지금 질의응답 세션으로 넘어가 볼게요. 어떤 질문이 있으시면 편하게 물어보세요: Bây giờ tôi sẽ chuyển sang phần hỏi đáp, hãy cứ thoải mái hỏi nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào.


4. Một số lưu ý để ghi điểm hơn cho bài thuyết trình

- Trong quá trình triển khai những nội dung chính như trên để tăng sự tương tác kết nối giữa người thuyết trình và người nghe thì việc đặt ra những câu hỏi tự nhiên mang tính chất văn nói cũng giúp người nghe chú ý hơn vào bài nói của bạn và đem lại bầu không khí sôi nổi hào hứng hơn so với chỉ tự diễn thuyết một mình từ đầu đến cuối. Ví dụ như dưới đây là một số dạng câu hỏi chỉ để thu hút sự chú ý của mọi người vào bạn mà không cần thiết phải câu trả lời đáp lại từ người nghe :

하나씩 살펴볼까요? Chúng ta hãy xem xét từng phần một nhé?

네, 여러분 공감하십니까? Vâng, mọi người có đồng ý/ đồng tình không ạ?

다음으로 넘어갈까요? Chúng ta chuyển sang phần tiếp theo chứ?

자, … 알아볼까요?: Bây giờ, chúng ta sẽ xem xét … nhé?

자, 어떠세요? Các bạn cảm thấy thế nào ạ?

제가 말을 할까요? 왜냐하면 ……: Tại sao tôi lại nói vậy? Đó là vì……


- Sự cố kỹ thuật phát sinh trong quá trình chúng mình đang phát biểu là điều khó tránh khỏi nên để tránh tự đẩy bản thân vào thế bị động, lúng túng không biết xử lý tình huống ra sao thì bạn có thể vận dụng câu đơn giản dưới đây để “cứu cánh” mình nhé :

잠시만 기다려 주세요. 기술적인 문제가 생겼으니 바로 처리하겠습니다. 양해 부탁드립니다 : Xin hãy đợi tôi một chút. Vì phát sinh lỗi kỹ thuật một chút nên tôi sẽ xử lý luôn bây giờ. Mong mọi người thông cảm.


*Riêng đối với phần Q&A :

- Thông thường tùy vào tính chất của buổi thuyết trình thì quy trình giữa các phần thuyết trình – hỏi đáp có thể diễn ra theo trật tự nhất định hoặc đan xen lẫn nhau, nhưng nếu bạn là người rất dễ bị tác động bởi yếu tố bên ngoài đôi khi một câu hỏi bất chợt cắt ngang giữa bài nói có thể khiến bạn phân tâm, mất tập trung thậm chí quên mất nội dung mình đã chuẩn bị thì bạn có thể chủ động đưa ra lời đề nghị nho nhỏ như dưới đây trước khi bắt đầu đi vào phần trình bày của mình:

제가 발표 미친 후에 질의응답 시간을 가지도록 테니까 기다려 주시면 되나요? : Tôi sẽ để thời gian hỏi- đáp ở phần cuối bài thuyết trình nên bạn có thể chờ tôi một chút được không?


Ngay cả trong trường hợp các câu hỏi giữa chừng không thể làm khó được bạn thì tốt nhất cũng cần cho người nghe biết trước về việc bạn sẽ tiến hành phần hỏi đáp trong khoảng thời gian nào của bài phát biểu.

질문이 있으시면 발표 중간에 언제든지 하셔도 좋습니다 / 괜찮습니다 : Trong khi tôi phát biểu nếu có câu hỏi nào các bạn cứ thoải mái đưa ra cho tôi nhé.


- Trước khi đưa ra câu trả lời đừng quên dành lời cảm ơn hay lời khen ghi nhận dành cho người hỏi – một cách để tạo thiện cảm trong mắt đối phương về thái độ ứng xử của bạn. Tuy nhiên cũng cần chú ý tránh lạm dụng lời khen một cách quá mức bởi khi bạn đặt nó không đúng lúc đúng chỗ có thể khiến bầu không khí giữa đôi bên trở nên gượng gạo, mất tự nhiên.

질문해 주셔서 감사합니다 : Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi cho tôi.

정말 좋은 질문이네요 : Thật là một câu hỏi thú vị

정말 좋은 점을 지적해 주셨네요 : Bạn đã chỉ ra một điểm (một ý) khá hay đó.


- Trong trường hợp bạn chưa thực sự chắc chắn về nội dung họ đang nhắc đến thì hãy chủ động xác nhận lại bằng cách hỏi ngược lại đối phương - không chỉ giúp bạn kéo dài thêm thời gian suy nghĩ mà còn đảm bảo rằng những người khác cũng nắm được bản chất vấn đề đang được đưa ra thảo luận

이렇게 물어보시는 맞나요?: Có phải bạn hỏi như vậy phải không ạ?

제가 제대로 이해한 맞나요?: Tôi hiểu như vậy có đúng không ạ?

죄송하지만 질문을 알아듣지 못했습니다. 다시 말씀해 주시겠습니까?: Xin lỗi nhưng tôi chưa hiểu được câu hỏi của bạn. Bạn có thể nhắc lại một lần nữa được không?


- Trong phần Q&A nếu bắt gặp câu hỏi nằm ngoài tầm hiểu biết của bạn thay vì đáp lại rằng “Tôi không biết.” hay “Tôi không có câu trả lời.” thì bạn nên chọn cách trả lời khôn khéo hơn bằng cách cho họ thấy được ngay cả khi bạn không chắc về đáp án nhưng bạn vẫn sẵn sàng bỏ thời gian ra để tìm hiểu thêm về nó. Một số mẫu câu K.I.O.S đưa ra để bạn tham khảo thêm trong tình huống này :

그것 알아보고 다시 말씀드려도 될까요? Tôi sẽ tìm hiểu lại cái đó rồi trả lời bạn sau được chứ?

죄송하지만 질문에 대한 답을 바로 드리기가 힘들것 같습니다. 하지만 제가 획인해 보고 이메일로 추후에 답변 드리겠습니다 : Xin lỗi nhưng có lẽ việc đưa ra ngay đáp án cho câu hỏi này hơi khó đối với tôi. Nhưng tôi sẽ thử tìm hiểu và trả lời lại cho bạn qua email.

질문에 지금 대답할 있을 만한 충분한 정보가 없네요. 제가 알아보고 추후에 설명드릴게요 : Tôi không có đủ thông tin để trả lời câu hỏi đó ngay bây giờ. Tôi sẽ tìm hiểu và giải thích lại sau.

지금은 그것에 대해 자세히 이야기할 만한 시간이 충분지 않아서 괜찮으시면 오늘 발표를 마친 후에 따로 면담해 봐도 됩니까? : Vì không có đủ thời gian để chúng ta nói kỹ hơn về vấn đề đó nên nếu bạn không phiền thì sau khi kết thúc buổi thuyết trình hôm nay chúng ta sẽ trao đổi riêng được chứ ạ?


Việc triển khai những nội dung cần nói chúng mình đưa ra trên đây cũng cần phải luyện tập nhiều lần để khi thuyết trình không bị vấp váp hoặc xảy ra những sự cố đáng tiếc nào khác. Thông qua mỗi lần luyện tập đó bạn có thể tự mình chỉnh sửa lại phần nào còn chưa phù hợp để nội dung cũng như cách truyền đạt được trọn vẹn hơn, nhờ đó cũng tăng thêm tính thuyết phục cho phần trình bày của bạn.


5. Ví dụ mẫu

Nhằm đem đến cách tiếp cận thực tế hơn cho bạn đọc về các nội dung được đề cập trong mục A trên K.I.O.S đã chọn một chủ đề cụ thể là “Văn hóa mua sắm – Hiện trạng nghiện mua sắm trong xã hội Hàn Quốc hiện đại” , dựa trên đó từng bước đưa ra cách triển khai cấu trúc một bài thuyết trình có sử dụng những mẫu câu gợi ý ở phần 1 + 2+ 3 (như ảnh dưới đây).

*Lưu ý: Chúng mình chỉ lấy vài ví dụ điển hình mà bạn có thể triển khai đối với loại chủ đề này như cách giới thiệu đề tài, giải thích sơ qua bố cục ở phần thân hay làm thế nào để tóm gọn nội dung trước khi kết thúc bài nói thay vì đưa ra một bài viết hoàn chỉnh.


___________________________


Trên đây là toàn bộ nội dung phần 1 liên quan đến cách xây dựng cấu trúc một bài thuyết trình bằng tiếng Hàn mà K.I.O.S đem đến cho bạn đọc trong bài viết tuần này. Nếu đây là chủ đề bạn đang quan tâm thì đừng bỏ qua nội dung còn lại của chúng mình tại số blog tiếp theo nhé. Cảm ơn và hẹn sớm gặp lại mọi người ~

129 views0 comments

Comments


bottom of page