top of page
Writer's pictureKoreainourstories

<VIẾT TIẾNG HÀN TỐT HƠN MỖI NGÀY PHẦN 2> PHƯƠNG PHÁP CẢI THIỆN KỸ NĂNG VIẾT HIỆU QUẢ

Updated: Aug 24, 2022

Nhớ ngày còn là cô sinh viên năm hai ngành Hàn Quốc học khi giáo viên thực hiện một cuộc khảo sát kín trong lớp về kỹ năng mà bản thân mỗi người cảm thấy tự tin nhất trong quá trình học tiếng Hàn, mình đã không ngần ngại nói lên niềm yêu thích đặc biệt dành cho việc viết. Để rồi khi cầm trên tay tờ bài tập về nhà đầu tiên cô chữa với chằng chịt dấu đỏ dưới mỗi lỗi sai ngữ pháp và cách dùng từ, mình mới vỡ lẽ ra rằng yêu thích không đồng nghĩa với việc mình có thể làm tốt nó hay không . “Vậy liệu mình có thể khắc phục điểm yếu ngày ấy chỉ qua nỗ lực luyện tập mỗi ngày?” câu trả lời là có. Nối tiếp chuỗi bài viết tổng hợp liên quan đến kỹ năng viết tiếng Hàn, tuần nay K.I.O.S sẽ giới thiệu cụ thể hơn một số phương pháp cải thiện kỹ năng viết hiệu quả và mong rằng từ những kinh nghiệm nhỏ bé này có thể giúp ích phần nào cho các bạn trên hành trình chinh phục ngôn ngữ mình yêu thích.

1. Muốn viết tốt phải đọc nhiều

Nếu có theo dõi bài viết trước đó của chúng mình đề cập về “Bảy vấn đề thường gặp khi viết tiếng Hàn” thì không khó để nhận ra tên đề mục đầu tiên này chính là phương pháp đã được nhấn mạnh rất nhiều lần xuyên suốt nội dung bài. Tầm quan trọng của việc đọc chắc hẳn không ai trong số chúng mình còn có thể phủ nhận nhưng làm thế nào để phát huy được hết những vai trò đó như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho kỹ năng viết thay vì chỉ đơn thuần đọc xong để đấy thôi thì lại cần cân nhắc đến vài yếu tố dưới đây :

- Lựa chọn chủ đề đọc : Nên ưu tiên những chủ đề bạn yêu thích hoặc đang dành nhiều sự quan tâm nhất. Điều này sẽ giúp hạn chế tối đa tâm lý ngại viết ban đầu của chúng mình cũng như duy trì động lực lâu dài trong quá trình cải thiện kỹ năng. Ngoài một số trang báo liên quan đến các vấn đề xã hội mình từng giới thiệu trước đây bạn có thể tham khảo thêm một số đầu báo với chủ đề “nhẹ đô” hơn một chút như :

+ Mục “오늘 읽을 만한 글” trên trang chủ Naver bao gồm nhiều các bài viết theo các chủ đề rất đa dạng như living (home decor), du lịch, sức khỏe, ẩm thực... với cách viết dí dỏm, dễ hiểu và thiết thực trong đời sống hàng ngày.

+ “TV연예” sẽ được rất nhiều bạn fan Kpop, Hallyu quan tâm với những nội dung chủ yếu về giới nghệ sĩ, ngôi sao thần tượng, các show truyền hình... chuyên cập nhật những thông tin nóng hổi trong làng giải trí.


- Chất lượng hay số lượng mới là tốt : Chữ “nhiều” mình nhắc đến ở tiêu đề không nhằm ám chỉ đến số lượng bạn đọc mỗi ngày mà quan trọng hơn cả là bạn đọc được bao nhiêu lần cho mỗi một đầu mục/ một đoạn văn /một bài báo mà bạn tìm thấy , tức thay vì chạy theo số lượng chúng mình nên chú trọng vào việc đọc có chọn lọc sao cho phù hợp với khả năng tiếp thu kiến thức của từng người. Giả như một người chỉ có thể ghi nhớ chừng 20 từ vựng và cấu trúc ngữ pháp mỗi ngày thôi chẳng hạn nhưng do tần suất đọc liên tục kèm theo lượng kiến thức cần phải nhớ cũng tăng gấp đôi không những khiến bản thân người học dễ chán nản mà kiểu học cố nhồi nhét trong khoảng thời gian ngắn cũng không đem lại kết quả khả quan hơn mong đợi. Đừng quên mấu chốt sau cùng của việc đọc là để chúng mình quen dần với văn phong của người Hàn qua cách họ dùng từ và ngữ pháp tự nhiên linh hoạt nhưng vẫn phù hợp từng hoàn cảnh hoặc tính chất văn bản khác nhau, cách phát triển nội dung một bài văn hay liên kết giữa các câu các đoạn ra sao mới đảm bảo tính tổng thể nhất quán nên nếu chỉ quá tập trung vào số lượng đọc bạn có thể vô tình bỏ quên những điều quan trọng kể trên.

- Từ đọc chuyển sang viết. Như đã chia sẻ phía trên việc đọc sẽ không có tác dụng nếu chúng mình không áp dụng những điều mình đã thu được vào trong bài viết của bản thân. Trước hết hãy bắt đầu bằng cách ghi chép lại kiến thức nào mới bạn học được trong một bài đọc sau đó cố gắng dịch toàn bộ sang tiếng Việt để nắm được đại ý nội dung chính mà bài văn đang muốn truyền tải là gì, dựa vào bản dịch đó chuyển ngữ ngược lại qua tiếng Hàn rồi so sánh phần mình đã tự viết với phần mình đã đọc bằng ngôn ngữ gốc xem sự khác biệt nằm ở đâu. Phương pháp này đòi hỏi người học phải kiên nhẫn từng chút một nhưng nếu chỉ dừng lại ở bước ghi chép mà không lập tức ứng dụng vào thực tế thì phần lớn những kiến thức chúng mình thu nạp vào sẽ chỉ đọng lại thoáng qua trong đầu mà thôi. Vậy nên thông qua cách làm trên mỗi người sẽ nhận biết được bản thân còn đang yếu ở chỗ nào như vốn từ vựng còn hạn chế dùng từ không đúng với ngữ cảnh tình huống, dễ nhầm lẫn giữa các nhóm từ đồng nghĩa hoặc ngữ pháp tương đồng hay không biết cách triển khai câu – đoạn văn sao cho tự nhiên do còn quen lối tư duy dịch word by word vv..vv…. nhờ đó mới tìm ra hướng giải quyết đúng với thực trạng của mình thay vì cứ học dàn trải mà kỹ năng vẫn không cải thiện là bao. Không gì giúp bạn ghi nhớ lâu hơn việc học lại từ chính lỗi sai của bản thân, hay nói cách khác lỗi sai cũng cần được nhìn nhận như một phương pháp học tập hiệu quả.


(Quy trình tóm tắt bằng hình ảnh minh họa)


(Sách cũng là một nguồn đọc hữu ích đối với người học tiếng Hàn)


2. Sử dụng công cụ luyện viết như một thói quen hàng ngày

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại trong nỗ lực cải thiện kết quả học tập của đa số mọi người đến từ việc không duy trì được động lực liên tục mỗi ngày, nhất là với ngoại ngữ càng không có chuyện chỉ học trong ngày một ngày hai là đã giỏi ngay bởi muốn có trong tay bất cứ thành quả nào đều phải tạo dựng từ những viên gạch nền móng đầu tiên, muốn làm nên sự thay đổi lớn lao nào cũng cần được bắt đầu từ những thói quen nhỏ bé quanh mình.


Chúng mình hoàn toàn có thể hình thành thói quen viết thông qua các hoạt động gần gũi thiết thực trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày như lập thời gian biểu cá nhân, làm bullet journal- sổ kế hoạch ghi chép lại các mục tiêu ngắn và dài hạn của bản thân, viết blog, nhật ký hay những lá thư tay vv....vv...- không chỉ giúp chúng mình giữ gìn và phát triển vốn từ vựng sẵn có mà nhờ đó còn cải thiện đáng kể khả năng tư duy ngôn ngữ ngày một logic hơn. Nhưng phải đến khi bắt tay vào thực hiện mình mới nhận ra điều khó khăn nhất lại không đến từ chuyện mình có duy trì được thói quen đó lâu dài hay không mà phải làm thế nào mới loại bỏ được những tác nhân gây xao nhãng sự tập trung của bản thân mới là vấn đề đáng quan tâm, nhất là với một đứa không rời mắt được khỏi điện thoại 24/7 như mình. Từ chính suy nghĩ đó mình đã tìm cách “hô biến” điện thoại thành “tài liệu học tập” qua việc sử dụng một số ứng dụng tiếng Hàn như :


<원데이 >

<백자 하루>


<밤편지 우체국>


Khác với cách học truyền thống phương pháp này vừa giúp loại bỏ tâm lý ngại viết vừa có tính ứng dụng cao khi kết nối được ngôn ngữ mình đang học vào thực tế đời sống, tạo cảm hứng học tập nhất là cho những bạn mới bước đầu làm quen với tiếng Hàn không còn ngán ngẩm trước việc ngày ngày phải nhồi nhét lượng lớn kiến thức khô khan từ mấy cuốn giáo trình dày cộp nữa. Ban đầu chỉ cần đặt ra mục tiêu vừa phải phù hợp với trình độ của bản thân như viết 50 từ mỗi ngày chẳng hạn rồi từng bước nâng dần độ dài mỗi bài viết lên 100 từ, 200 từ, một trang , ba trang ....., dù các chủ đề chúng mình viết còn khá đơn giản phần lớn là những câu chuyện mang tính cá nhân chăng nữa thì khi không ngừng duy trì viết lách như một thói quen cũng đồng nghĩa khả năng tư duy tiếng Hàn của bạn đang dần được cải thiện theo thời gian đó. Nhưng đừng vì thế lạm dụng các ứng dụng kể trên vào mục đích giải trí mà quên mất đâu mới là mục tiêu quan trọng bạn đặt ra ban đầu nhé. Chỉ khi xác định một thái độ học tập nghiêm túc cùng sự kiên trì luyện tập hàng ngày bạn mới có thể chinh phục được thứ ngoại ngữ khó nhằn này thôi.

3. Tập viết chuẩn trước khi viết hay

Một sai lầm điển hình dễ nhận thấy nhất ở đa số những ai đã đang trong quá trình phát triển kỹ năng viết đó là luôn muốn làm mới cũng như sáng tạo nội dung bài viết của bản thân nhằm thoát khỏi giới hạn an toàn vốn có nhưng tính chính xác trong cách hành văn - điều kiện kiên quyết đầu tiên để đánh giá một bài viết đã đạt yêu cầu hay chưa thì lại không đảm bảo được. Suốt ba năm giảng dạy tiếng Hàn mỗi khi chữa bài viết cho học sinh dù bản thân mình cũng đánh giá rất cao khả năng tư duy sáng tạo trong hoạt động triển khai nội dung một bài viết thay vì lệ thuộc vào những phần hướng dẫn có sẵn từ sách giáo trình mà người học đang sử dụng, nhưng thử hình dung với một bài văn mắc vô số lỗi sai cơ bản liệu có tạo thiện cảm trong mắt người đọc? Chưa kể một sự thật đáng buồn hơn cả là thường các lỗi sai dù đã được giáo viên chỉ ra cụ thể chăng nữa nhưng phần lớn chúng vẫn bị lặp lại đến 80% trong các bài viết tiếp theo.

Vậy đâu mới là định nghĩa đúng về cụm từ “tập viết chuẩn” ? Có thể hiểu đơn giản “chuẩn” ở đây tức là chuẩn trong thực hiện yêu cầu đề bài rằng nội dung bài viết của bạn đã đúng với chủ đề chưa, tiếp đến là chuẩn trong cách sử dụng từ vựng và ngữ pháp từ việc viết đúng chính tả dùng đúng chức năng cũng như phù hợp với mục đích diễn đạt của đoạn văn mà vẫn phải đảm bảo tính liên kết chặt chẽ logic đến việc không bị nhẫm lẫn giữa các biểu hiện của văn nói và văn viết, rồi quan trọng không kém còn phải chuẩn về hình thức trình bày văn bản như có tuân thủ đúng các quy tắc viết cách 띄어쓰기 hay không . Để nhận ra điều này đã khó nhưng làm thế nào mới khắc phục được những thiếu sót của bản thân nhằm đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí nhắc đến phía trên thì mình xin đưa ra một số gợi ý sau :

Về từ vựng :

Từ vựng trong tiếng Hàn vô cùng phong phú và phức tạp, ngoài những từ đồng nghĩa ra còn có rất nhiều từ đồng âm nhưng cách viết và nghĩa lại trái ngược nhau khiến người học gặp không ít khó khăn trong việc hiểu tường tận nghĩa của từ cũng như làm thế nào mới phân biệt được sự khác biệt giữa chúng để vận dụng vào đúng ngữ cảnh. Chính điều này dẫn tới những lỗi từ vựng mà mình đã liệt kê ở trên khi làm một bài viết tiếng Hàn. Trong phạm vi của bài này mình sẽ không đi sâu vào phương pháp học từ vựng bởi theo suy nghĩ của cá nhân mình là không có bất cứ một tiêu chuẩn cụ thể để chọn ra đâu là phương pháp đem lại hiệu quả nhất, có người sẽ chỉ có thể ghi nhớ từ bằng cách viết ra và học thuộc, có người thì học bằng hình ảnh trực quan như sử dụng flashcard(thẻ từ mới), qua âm nhạc phim ảnh đài báo xem mỗi ngày vv..vv... , tất cả phụ thuộc vào khả năng tiếp thu cũng như cơ chế ghi nhớ thông tin trong não bộ từng người. Vậy nên thay vào đó mình chỉ tập trung đưa ra một số tips giúp bạn có thể hạn chế tối đa nhất những lỗi sai từ vựng khi viết , cụ thể :


- Đừng nên sử dụng những từ mà bản thân mình chưa nắm rõ nghĩa hoặc ở trình độ quá cao cấp khi cho rằng nó có thể là điểm cộng trong mắt người đọc nhưng thứ họ quan tâm trước tiên lại là từ mà bạn dùng có diễn đạt chính xác nội dung đang muốn truyền tải trong bài viết hay không.


- Đừng chỉ dùng từ điển vào mục đích duy nhất là tra nghĩa của từ mình đang cần biết mà nên tận dụng triệt để các tính năng khác của nó để áp dụng vào kỹ năng viết của bản thân. Như ở từ điển Naver bên cạnh phần giải nghĩa dưới mỗi từ còn có thêm gợi ý về từ đồng nghĩa trái nghĩa hoặc ngữ pháp có liên quan đến từ vựng đó đồng thời đưa ra một loạt mẫu câu ứng dụng thuộc từng ngữ cảnh khác nhau giúp cho mình không chỉ được mở rộng vốn từ mà còn hình dung cụ thể hơn về cách vận dụng từ vào trong một câu viết ra sao cho hayvà tự nhiên.


- Từ bỏ thói quen suy nghĩ bằng tiếng Việt rồi dịch từng từ sang tiếng Hàn, điều này vừa khiến văn phong của bạn thiếu tự nhiên mà lâu dần còn khiến bạn thụ động trong việc triển khai nội dung của một bài viết vì nếu không nghĩ ra được từ tiếng Việt để dùng cũng kéo theo hệ quả là không thể viết ra được câu hoàn chỉnh bằng tiếng Hàn.

Về ngữ pháp :

- Với khối lượng ngữ pháp đồ sộ và phức tạp cần phải ghi nhớ thì chúng mình không nên bỏ qua bước tổng hợp định kỳ như cứ 3-5 bài/lần hoặc theo từng cấp bậc tăng dần từ sơ cấp 1 -> sơ cấp 2-> trung cấp 1 –> trung cấp 2–> cao cấp, trong đó để đạt hiệu quả tốt nhất các cấu trúc nên được phân chia theo mục đích sử dụng . Điều này không chỉ giúp chúng mình hệ thống được những phần ngữ pháp đã học mà còn nhìn ra đâu là cái mình hay quên, dễ nhầm lẫn hoặc ít khi sử dụng. Đồng thời khi đặt chúng dưới sự quy chiếu so sánh với các ngữ pháp tương đồng tương phản bạn không chỉ đang “học một biết một” mà qua đó biết cách diễn đạt đa đạng phong phú hơn thay vì chỉ dùng đi dùng lại một vài cấu trúc quen thuộc trong cùng một bài viết.


- Tương tự như với phần từ vựng, bạn cũng đừng chỉ quá chăm chăm vào chuyện phải sử dụng cấu trúc cao cấp mới viết được câu hay câu dài ngay từ những bước đi đầu tiên của quá trình luyện viết. Đừng quên để triển khai được một câu dài thì trước hết từ thành phần đóng vai trò nồng cốt câu đã phải chuẩn chỉnh rồi thì khi phát triển lên thành những câu phức tạp mới không làm khó được chúng mình. Vì thế hãy bắt đầu bằng việc vận dụng cấu trúc ngữ pháp sơ cấp vào viết những câu ngắn đơn giản, miễn sao tuân thủ đúng trật tự thành phần câu tiếng Hàn rồi một khi đã nhuần nhuyễn hẵng nâng dần độ khó lên bằng cách thay thế những cấu trúc trong bài văn mình viết ngày trước sang ngữ pháp trung-cao cấp tương đương hoặc mở rộng thành câu phức sử dụng liên từ nối câu (접속부사) , vĩ tố liên kết (연결어미), định ngữ (관형어) vv..vv... (Phần này mọi người có thể tham khảo thêm tại bài viết trước đây của mình ở link sau :


- Trong quá trình viết chúng mình hoàn toàn có thể sử dụng các ứng dụng hoặc trang web hỗ trợ kiểm tra lỗi sai về chính tả hay ngữ pháp (한국어 맞춤법/문법 검사기) , nổi bật như trang https://speller.cs.pusan.ac.kr/ hoặc nhờ người có chuyên môn sửa các bài viết của mình. Biết được mình sai ở đâu mới là bước ban đầu còn để không lặp lại lỗi sai ấy thì bạn cần ghi chép chúng một cách cẩn thận vào một cuốn số tay ngữ pháp riêng và thường xuyên xem lại mỗi ngày như một cách ôn tập hiệu quả.

- Một lưu ý nhỏ nữa để tránh nhầm lẫn trong việc sử dụng ngữ pháp thiên về thể văn nói (구어체) vào văn viết (문어체) bạn cần nhận biết một số điểm khác biệt cơ bản giữa hai cách thức hành văn này. Cụ thể sự khác biệt mình nói đến ở đây là gì thì bạn có thể tham khảo thêm tại link bài viết trước đó của chúng mình.


Về cách viết 띄어쓰기 : Trước hết để viết cách đúng thì chúng mình cần phân biệt được các thành phần cơ bản trong câu từ chủ ngữ, vị ngữ, tân ngữ cho đến bổ ngữ, định ngữ vv...vv....

Ví dụ: Trong câu dưới đây việc viết cách giúp chúng ta phân biệt được :

*Giải thích: CN- chủ ngữ, DTG - danh từ ghép, TN - tân ngữ, BN - bổ ngữ, VN - vị ngữ, ĐN - định ngữ, DT - danh từ, ĐTC - động từ chính, ĐTBT - động từ bổ trợ

Khi đã hiểu bản chất của việc viết cách nằm ở đâu thì chỉ việc vận dụng đúng các quy tắc cơ bản dưới đây sẽ không còn là vấn đề khó khăn với chúng mình nữa~


Quy tắc viết cách chung

- Các âm tiết trong cùng một từ phải viết liền

- Các thành phần cơ bản: chủ ngữ, vị ngữ, tân ngữ, bổ ngữ, định ngữ viết tách nhau - Động từ tính từ bổ trợ viết cách động từ tính từ chính - Tiểu từ (조사) bổ nghĩa cho danh từ thì viết liền với danh từ - Vĩ tố thì bổ nghĩa cho động từ tính từ thì viết liền với động từ tính từ đó

- Các danh từ ghép kết hợp bổ nghĩa cho nhau

Quy tắc viết cách trên giấy kẻ ô


________________________________


Qua những chia sẻ trên đây K.I.O.S mong phần nào đã thay đổi cái nhìn e ngại của người học tiếng Hàn dành cho kỹ năng viết rằng đây không còn là thứ nằm ngoài tầm kiểm soát nữa mà chỉ cần bạn dám đương đầu với điểm yếu của bản thân, lựa chọn ra phương pháp phù hợp nhất với trình độ tiếng Hàn của mình và không ngừng nỗ lực để từng bước chinh phục nó thì thành quả sau cùng bạn nhận được không đơn giản chỉ là sự thay đổi của riêng một kỹ năng thôi đâu mà là cả sự trưởng thành đầy ngọt ngào khi được tận mắt trông thấy phiên bản tốt nhất của chính mình.

284 views0 comments

Comments


bottom of page